Saturday, September 28, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaChính sách của Nhật Bản với ASEAN trong nhiệm kỳ thứ hai...

Chính sách của Nhật Bản với ASEAN trong nhiệm kỳ thứ hai của Thủ tướng Shinzo Abe

Kể từ khi lên nắm quyền đến nay, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đặc biệt chú trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản với các nước ASEAN.

Chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong nhiệm kỳ 2 của Thủ tướng Shinzo Abe

Thứ nhất, về mục tiêu, cũng giống như những thời kỳ trước, chính sách đối ngoại của Nhật Bản từ năm 2013 đến nay không nằm ngoài việc hướng đến đảm bảo và củng cố lợi ích quốc gia. Cùng với đó là mục tiêu đảm bảo an ninh, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải và tiếp tục quá trình phấn đấu trở thành một quốc gia bình thường, nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Thứ hai, về nguyên tắc, song song với việc bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc, Nhật Bản xúc tiến thực hiện chính sách ngoại giao mang tính chiến lược với tên gọi “Nhìn toàn cảnh bản đồ thế giới,” hướng đến duy trì các giá trị toàn cầu như tự do, dân chủ, tôn trọng nhân quyền và luật pháp. Thứ ba, về phương châm, chính quyền của Thủ tướng Abe đưa ra chính sách ngoại giao tích cực, chủ động và hiệu quả, hướng đến việc hoàn thành các nghĩa vụ quốc gia tương xứng với vị trí của Nhật Bản trong cộng đồng quốc tế. Cùng với việc đảm bảo an ninh quốc gia mình và duy trì hòa bình và ổn định của khu vực, Nhật Bản cũng hướng đến việc bảo đảm an ninh, hòa bình và thịnh vượng của cộng đồng quốc tế. Thứ tư, ba trụ cột chính trong chính sách đối ngoại Nhật Bản gồm: (1) củng cố liên minh Mỹ – Nhật Bản; (2) tăng cường quan hệ với các láng giềng gồm Hàn Quốc, ASEAN, Nga, Ấn Độ, Ôxtrâylia,…; và (3) đẩy mạnh ngoại giao kinh tế là công cụ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước. Nhìn chung, chính sách đối ngoại Nhật Bản trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Shinzo Abe là chính sách tích cực, chủ động ở trong phạm vi khu vực và toàn cầu, ở cả bình diện song phương và đa phương.

Chính sách của Nhật Bản đối với khu vực Đông Nam Á cũng nằm trong khuôn khổ chung này. Chính sách đối với khu vực hướng đến các mục tiêu, đảm bảo các nguyên tắc, phương châm của chính sách đối ngoại chung của Nhật Bản và được lồng ghép trong các trụ cột kể trên. Một cách khái quát, dưới thời Thủ tướng Abe, Nhật Bản tích cực can dự với khu vực thông qua các công cụ kinh tế, các giá trị phổ quát và đặc biệt là cả công cụ an ninh – quốc phòng. Thúc đẩy chính sách với khu vực không chỉ góp phần giúp Nhật Bản thực hiện mục tiêu đảm bảo an ninh, chủ quyền mà còn giúp Nhật Bản nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

Theo đó, Đông Nam Á được coi là địa bàn triển khai chiến lược dưới thời Thủ tướng Abe được thể hiện từ những hoạt động ngoại giao đầu tiên của chính quyền mới. Tháng 1/2013, Thủ tướng Abe đã chọn Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam làm khởi điểm cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình kể từ khi nhậm chức. Cùng tháng, trong chuyến thăm Inđônêxia, ông đã đưa ra “Năm nguyên tắc cho chính sách ngoại giao của chính quyền mới đối với khu vực” (Abe Doctrine) liên quan tới việc tăng cường quan hệ ngoại giao, an ninh quốc phòng giữa Nhật Bản và ASEAN. Trong năm 2013, Thủ tướng Abe đã hoàn tất các chuyến thăm đến tất cả 10 quốc gia ở khu vực Đông Nam Á. Các mục tiêu, nội hàm cụ thể trong chính sách Đông Nam Á của Nhật Bản cùng những bước triển khai sẽ được đề cập chi tiết ở các phần tiếp theo.

Mục tiêu chính sách Đông Nam Á của Nhật Bản

Chính sách đối ngoại của một quốc gia không nằm ngoài ba mục tiêu an ninh, phát triển và ảnh hưởng. Theo đó, chính sách Đông Nam Á của Nhật Bản dưới thời Abe cũng bao gồm những mục tiêu cụ thể sau:

Về khía cạnh an ninh, một trong những mục tiêu lớn của Nhật Bản khi tăng cường can dự với khu vực Đông Nam Á là nhằm tìm kiếm đối tác chung trong việc đối phó với những tác động tiêu cực từ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Trên thực tế, Nhật Bản đối mặt với ngày càng nhiều thách thức đến từ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Năm 2010, Trung Quốc đã chính thức vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Song song với sự lớn mạnh về kinh tế, sự phát triển về tiềm lực quốc phòng của Trung Quốc, đặc biệt là sự thiếu minh bạch trong việc tăng chi tiêu quốc phòng cũng gây nhiều lo ngại. Hơn nữa, những lo ngại của Nhật Bản đối với Trung Quốc còn do Trung Quốc sẵn sàng triển khai sức mạnh quân sự bên ngoài biên giới và công khai bày tỏ tham vọng về Biển Đông và Biển Hoa Đông. Tranh chấp giữa Nhật Bản với Trung Quốc xoay quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku nóng lên từ năm 2012. Kể từ đó, Trung Quốc thường xuyên có những hành động gây hấn đơn phương. Trên thực địa, tàu hải giám và các tàu thuyền Trung Quốc thường xuyên hoạt động xung quanh đảo tranh chấp. Vào cuối năm 2013, Trung Quốc tuyên bố thành lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Hoa Đông, gia tăng thêm căng thẳng và nguy cơ đụng độ giữa hai nước. Ngoài ra, Nhật Bản cũng lo ngại trước những hành động phô trương sức mạnh của Trung Quốc ở Biển Đông, thể hiện qua các công trình cải tạo đảo cộng quân sự hóa quy mô lớn trên các đảo này.

Trong bối cảnh đó, Nhật Bản có nhu cầu thúc đẩy quan hệ với các quốc gia có chung thách thức và từ đó tạo thế đối trọng trong quan hệ với Trung Quốc. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng lo ngại rằng việc Trung Quốc ngày càng chiếm được ưu thế ở Biển Đông cũng sẽ tạo thêm động lực cho nước này cứng rắn hơn trong tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư với Nhật Bản. Do đó, gia tăng hợp tác an ninh biển, cùng các nước khu vực, đặc biệt là những nước có tranh chấp với Trung Quốc để bảo đảm tự do hàng hải chính là biện pháp giúp Nhật Bản kiềm chế Trung Quốc trong vấn đề này.

Thực tế đã cho thấy, chính Nhật Bản cũng đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề Biển Đông. Khi Trung Quốc kéo giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam vào tháng 5/2014, phía Nhật Bản cũng đã thể hiện phản ứng khá rõ rệt: Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu tại trụ sở NATO rằng “Tại Biển Đông,…chúng ta không thể chấp nhận những thay đổi do vũ lực hoặc cưỡng bức gây ra. Đây là một vấn đề toàn cầu ảnh hưởng lớn tới châu Á.” Ngày 11/6/2014, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Nhật Bản ra tuyên bố về Biển Đông, kêu gọi các bên liên quan thể hiện sự kiềm chế, không sử dụng vũ lực để thay đổi nguyên trạng và áp đặt chủ quyền một cách đơn phương trên Biển Đông. 

Đối với mục tiêu phát triển, nền kinh tế Nhật Bản cần những cơ hội mới để thúc đẩy và tăng cường thương mại đầu tư sau giai đoạn khó khăn kéo dài và tăng trưởng trì trệ. Để nền kinh tế có thể tăng trưởng trở lại, Nhật Bản điều chỉnh mạnh nguồn cung – cầu trong nước, khai thác thị trường ngoài nước, đặc biệt là thị trường châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng để bổ sung cho những ngành công nghiệp nội địa đang bị thu hẹp. Là một trong những khu vực phát triển năng động của thế giới và là cửa ngõ của thương mại quốc tế, khu vực Đông Nam Á thực sự là một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư Nhật Bản. Năm 2013, có khoảng 7.000 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại khu vực. Theo kết quả khảo sát tại các doanh nghiệp Nhật Bản, trong danh sách 20 địa chỉ ưu tiên hàng đầu sẽ lập quan hệ đầu tư trong vài năm tới, có đến 8 nước thành viên ASEAN.

Hơn nữa với cơ cấu dân số già và có xu hướng giảm, khu vực Đông Nam Á với dân số 620 triệu dân và tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động cao thực sự mở ra thị trường tiêu thụ rộng lớn và nguồn cung lao động rẻ, dồi dào cho các doanh nghiệp Nhật Bản muốn xuất khẩu hàng hóa hoặc thuê nhân công ngoài. Ngoài ra, tiến trình hội nhập kinh tế Đông Á với nòng cốt là các nước ASEAN đang diễn ra theo chiều hướng tích cực, các cơ chế hợp tác đa phương như ASEAN+1, ASEAN+3, ASEAN+6, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đã và đang hứa hẹn những cơ hội mới hấp dẫn về thương mại và đầu tư cho Nhật Bản.

Về mục tiêu ảnh hưởng, Nhật Bản coi Đông Nam Á là khu vực để có thể tăng cường ảnh hưởng của mình nhằm phục vụ cho ngoại giao nước lớn, đặc biệt là trong việc giành được sự ủng hộ để trở thành thành viên thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Bên cạnh đó, để giảm thiểu tác động từ những khó khăn trong quan hệ với các nước Đông Bắc Á cũng như độc lập hơn với Mỹ, Nhật Bản cần tạo dựng môi trường ổn định có lợi cho Nhật Bản trong tương lai, vì vậy mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á là một trong những mục tiêu chiến lược của nước này.

Rộng hơn, mục tiêu ảnh hưởng trong chính sách của Nhật Bản với khu vực còn liên quan đến việc phổ biến các giá trị về tự do, dân chủ, nhân quyền, tinh thần thượng tôn pháp luật. Tại Đối thoại Shangrila lần thứ 13, Thủ tướng Nhật Bản Abe đã phát biểu rằng, “Vì hòa bình và thịnh vượng mãi mãi ở châu Á, Nhật ủng hộ luật pháp, châu Á ủng hộ luật pháp, luật pháp cho tất cả chúng ta”. Chính sách Đông Nam Á của Abe cũng chứng kiến sự quay trở lại của hai khái niệm từng được ông phát triển trong nhiệm kỳ I. Một là khái niệm về Ngoại giao giá trị (value-oriented diplomacy), khái niệm này đặt trọng tâm vào các “giá trị phổ quát” định hình nước Nhật sau chiến tranh như dân chủ, tự do, nhân quyền và nền pháp quyền đồng thời cũng đề cao giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa của Nhật Bản. Hai là khái niệm Vòng cung tự do và thịnh vượng (Arc of freedom and prosperity) được Ngoại trưởng Taro Aso, thuộc nội các của Abe đề xướng năm 2006. Theo đó, Nhật Bản muốn hỗ trợ các nền dân chủ thông qua viện trợ kinh tế và trao đổi nhân lực. Trong nhiệm kỳ II,Abe tiếp tục thúc đẩy các giá trị cốt lõi của tư tưởng này, dù dưới một tên gọi khác là An ninh kim cương (Diamond Security).

Đông Nam Á nắm giữ vị trí địa chiến lược quan trọng, tăng cường gắn kết với khu vực không chỉ giúp Nhật đảm bảo được mục tiêu về an ninh mà còn bổ trợ cho các mục tiêu phát triển và tăng cường vị thể trong chính sách đối ngoại Nhật Bản.

Xu hướng chính sách thời gian tới

Trong tương lai, chính sách của Nhật Bản đối với khu vực sẽ tiếp tục được tăng cường, hoặc ít nhất được duy trì ở mức độ như hiện nay xuất phát từ tổng hòa các điều kiện thuận lợi và nhân tố thúc đẩy sau:

Một là, chính trị nội bộ Nhật Bản hiện nay hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho việc triển khai chính sách. Hơn nữa, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) chính thức điều chỉnh điều lệ quy định số nhiệm kỳ của Chủ tịch Đảng cho phép Thủ tướng Abe có thể kéo dài nhiệm kỳ đến năm 2021. Khoảng thời gian cầm quyền kéo dài cho phép Thủ tướng Abe có thể triển khai các chính sách một cách bền vững hơn. Ngoài ra, một trong những minh chứng cập nhật nhất về cam kết của Nhật Bản với Đông Nam Á là ngân sách quốc phòng của Nhật Bản trong năm tài khóa 2017 dành 2,9 triệu USD cho các sáng kiến xây dựng năng lực toàn diện cho các nước trong khu vực. Các yếu tố nội trị ổn định này góp phần giúp chính sách của Nhật Bản với các nước Đông Nam Á cũng như với ASEAN sẽ tiếp tục được duy trì và thúc đẩy.

Hai là, việc nội bộ các nước Đông Nam Á hoan nghênh sự tăng cường hiện diện của Nhật Bản tại khu vực cũng là một nhân tố thuận lợi cho Nhật Bản thúc đẩy chính sách. Quan trọng nhất, cách ứng xử của Nhật Bản với các nước Đông Nam Á phụ thuộc rất lớn vào những điều chỉnh trong chính sách của Mỹ và Trung Quốc đối với khu vực. Dưới thời của Tổng thống Donald Trump, chính sách của Mỹ ưu tiên các vấn đề đối nội, nhằm giúp nước Mỹ “vĩ đại trở lại” và ưu tiên hơn cho các lợi ích vị kỷ quốc gia (America First), cắt giảm cam kết với bên ngoài, dẫn đến nhiều nghi ngại về chính sách của Mỹ với khu vực. Nhìn chung chính sách của Mỹ với khu vực vẫn chưa định hình rõ nét. Tuy nhiên, dù Mỹ lơ là khu vực hay thúc đẩy một phiên bản chính sách tái cân bằng mạnh mẽ hơn, Nhật Bản vẫn cần tiếp tục xu hướng tăng cường can dự với các nước Đông Nam Á. Nếu Mỹ duy trì hiện diện mạnh mẽ tại khu vực, Nhật Bản cần duy trì quan hệ tốt đẹp với các nước để có thể hỗ trợ và bổ sung tốt hơn cho chiến lược của Mỹ. Ngược lại, nếu Mỹ dưới thời chính quyền mới không có ý định duy trì sự hiện diện mạnh mẽ tại khu vực, để có thể “tự cứu lấy mình”, Nhật Bản cũng cần tăng tính chủ động, giảm bớt bị động và phụ thuộc vào sự bảo hộ an ninh của Mỹ thông qua việc tìm kiếm cách thức mới trong hợp tác và xây dựng mạng lưới đối tác của Nhật tại khu vực Đông Nam Á chiến lược.

Ngoài ra, sự phát triển vượt trội về mặt kinh tế, thực lực ngày một mạnh sẽ kéo theo sự gia tăng tiềm lực quốc phòng mạnh mẽ hơn nữa từ phía Trung Quốc. Đi cùng với điều này là nhu cầu phô trương sức mạnh, biểu dương thực lực của đất nước này. Nghiêm trọng hơn, Trung Quốc vốn có chiều hướng thực hiện những hành vi gây hấn và lời nói luôn không đi đôi với việc làm. Theo đó, các hành động hung hăng của Trung Quốc sẽ vẫn tiếp diễn và Trung Quốc vẫn sẽ là thách thức an ninh lớn mà Nhật Bản cần đối phó.

Bên cạnh đó, đối với tranh chấp quần đảo Senkaku, một giải pháp triệt để cho cả hai nước có lẽ vẫn sẽ chưa đạt được trong trung hạn. Các hành động trên thực địa của Trung Quốc lại rất khó đoán định. Do vậy, Nhật Bản vẫn cần quan hệ với các nước Đông Nam Á, tạo thể đối trọng với Trung Quốc. Ngoài ra, sự tranh giành ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Đông Á cũng là một nhân tố mà Nhật Bản cần tính đến trong việc hoạch định chính sách đối ngoại trong tương lai.

Nhìn chung, ít nhất là trong trung hạn, cách tiếp cận của Nhật Bản với khu vực Đông Nam Á vẫn sẽ là tích cực, chủ động phát triển quan hệ thực chất. Mức độ can dự có thể được tăng cường, hoặc ít nhất cũng được duy trì như hiện nay. Từ yếu tố bên trong nước Nhật Bản đến các yếu tố bên ngoài là sự ủng hộ từ phía các nước khu vực, cùng hai nhân tố Mỹ và Trung Quốc đều hình thành những xung lực đẩy Nhật Bản xích lại gần các nước Đông Nam Á trong hiện tại và tương lai.

Tác động đối với khu vực

Một cách khái quát, chính sách ngoại giao mới của Thủ tướng Abe nói chung và với khu vực nói riêng cho thấy hình ảnh một nước Nhật Bản nhiều tham vọng nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai đến nay, định hình một vai trò an ninh và kinh tế hoàn toàn mới cho Nhật Bản. Điều này có tác động mạnh mẽ đến cục diện an ninh ở khu vực, do Nhật Bản trở thành nhân tố tích cực trong việc đảm bảo cam kết của Mỹ, kiềm chế, cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc và thúc đẩy khả năng của các thể chế khu vực như ASEAN.

Thứ nhất, thông qua các nới lỏng về chính sách, Nhật Bản hướng tới hỗ trợ các nước trong khu vực, đặc biệt các nước ASEAN tăng cường năng lực an ninh – quốc phòng nhằm góp phần đảm bảo an ninh chung của khu vực và thúc đẩy tạo thế cân bằng quyền lực với Trung Quốc. Thứ hai, việc Nhật Bản tích cực tham gia các cơ chế do ASEAN làm trung tâm như ASEAN+3, ASEAN+1, ADMM+, ARF, EAS,… giúp tăng cường tính hiệu quả của các cơ chế đối thoại và củng cố vai trò lãnh đạo của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. Thứ ba, hệ thống khu vực được củng cố nhờ việc Nhật Bản tích cực thúc đẩy các giá trị về luật pháp. Kể từ khi trở lại cầm quyền vào năm 2012, Thủ tướng Abe đã thực hiện chính sách ngoại giao tích cực, tăng cường tham gia các diễn đàn quốc tế và khu vực đồng thời lồng ghép các nội dung thúc đẩy cơ chế hợp tác, giải quyết tranh chấp trên cơ sở của luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên, sự tích cực can dự của Nhật Bản với khu vực có thể đưa đến một số tác động trái chiều sau: Thứ nhất, chính sách tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng của Nhật Bản với các nước Đông Nam Á nhiều khả năng có thể kích thích chạy đua vũ trang tại khu vực vốn có mức chi tiêu quốc phòng tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. Theo báo cáo ngày 22/2/2016 của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế (SIPRI) có trụ sở tại Stockholm – Thụy Điển về tình hình mua bán vũ khí toàn cầu năm 2015, châu Á và châu Đại Dương có chi phí quân sự lớn nhất, đạt khoảng gần 450 tỷ USD (tăng 5,4% so với năm 2014), tương đương khoảng 1/4 tổng chi phí quốc phòng toàn cầu. Thứ hai, sự gia tăng gắn kết của Nhật Bản với khu vực cũng đồng nghĩa với sự cạnh tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, phức tạp và chồng chéo. Điều này dễ dẫn đến việc các nước vừa và nhỏ tại khu vực mắc vào thế kẹt và đồng thuận ASEAN sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.

RELATED ARTICLES

Tin mới