Sunday, September 29, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaChuyên gia Mỹ: Hành vi quân sự hóa của TQ khi xây...

Chuyên gia Mỹ: Hành vi quân sự hóa của TQ khi xây đảo nhân tạo ở Biển Đông đã hủy hoại nghiêm trọng môi trường biển

Chuyên gia Gregory Poling, Giám đốc nhóm chuyên gia cố vấn tại “Tổ chức Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington (Mỹ) vừa đưa ra cảnh báo hành vi quân sự hóa của Bắc Kinh khi xây đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông đã hủy hoại nghiêm trọng môi trường biển khu vực.

“Hoạt động của TQ ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu người dân sống bằng nghề biển của các nước ở Biển Đông”

Tờ “Philstar”của Philippines dẫn lời Chuyên gia Gregory Poling cho biết tranh chấp Biển Đông có thể ảnh hưởng đến sinh học biển trong khu vực.Ông Poling cũng lưu ý rằng Biển Đông là vùng biển có năng suất cao nhất thế giới, chiếm 12% tổng sản lượng cá đánh bắt cá trên toàn cầu.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này xuất phát từ việc đánh bắt quá mức và đặc biệt là các hành vi nạo vét, xây đảo trái phép và thu hoạch ngao hủy diệt sinh thái, đặc biệt nhất là từ phía Trung Quốc. Hành vi quân sự hóa của Bắc Kinh khi xây đảo nhân tạo phi pháp ở biển Đông đã hủy hoại môi trường biển trong khu vực, dẫn sự suy giảm nguồn cá trầm trọng.

Theo giám đốc AMTI, trữ lượng cá trong khu vực đã suy giảm trầm trọng từ 70% đến 95% tùy từng loài. Vào tháng 5 vừa qua, đài “ABS-CBN News” của Philippines cũng đã công bố một báo cáo cho thấy hậu quả tai hại đối với môi trường từ việc khai thác ngao khổng lồ của Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough. Các hành vi trên của Trung Quốc là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nguồn cá bị cạn kiệt, đây là mối nguy rất lớn đối với sinh kế của hàng triệu người dân sống bằng nghề biển của các nước trong khu vực Biển Đông.

“Diện tích san hô mất đi do hoạt động xây dựng đảo nhân tạo là sự mất mát nhanh nhất trong lịch sử nhân loại”

Sau khi phân tích các hình ảnh vệ tinh của CSIS, Giáo sư John McManus, một chuyên gia hàng đầu thế giới về sinh thái biển thuộc Đại học Miami (Mỹ) nhận xét rằng việc mất đi một diện tích san hô rộng lớn ở Biển Đông chỉ trong thời gian ngắn do hoạt động xây dựng đảo nhân tạo là sự mất mát nhanh nhất trong lịch sử nhân loại.Giáo sư Terry Hughes, một chuyên gia khác về san hô, cảnh báo rằng hơn 20 đảo đá ở Trường Sa có dấu hiệu tổn hại sinh thái nghiêm trọng. Tình trạng này, theo ông, sẽ gây tác hại cho ngành ngư nghiệp ở khu vực các đảo đó, cũng như toàn bộ Biển Đông nói chung.

Không chỉ có hoạt động quân sự hóa, xây dựng đảo nhân tạo, hoạt động khác của Trung Quốc cũng đang từng ngày từng giờ tàn phá môi trường biển ghê gướm ở Biển Đông. Theo các thông tin tháng trước, sau hơn 2 năm vắng bóng, những tàu của Trung Quốc chuyên săn sò tai tượng quý hiếm đã xuất hiện ở bãi cạn Scarborough và quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong 6 tháng qua. Đi theo đoàn hàng chục tàu với một tàu mẹ cỡ lớn, những tàu săn sò tai tượng của Trung Quốc là nỗi ám ánh với các rạn san hô của Biển Đông. Từ năm 2012 đến năm 2015, các hoạt động khai thác sò tai tượng của Trung Quốc đã phá hủy nặng ít nhất 28 rạn san hô trong khu vực.

Phương pháp điển hình của những kẻ săn trộm này là sử dụng các máy cào cỡ lớn để phá lớp san hô bên trên, cho phép nhấc những con sò tai tượng nằm dưới biển lên thuyền dễ dàng hơn. Những con sò khổng lồ và quý hiếm có giá lên tới hàng ngàn đô la được đem trở về đảo Hải Nam, nơi phần vỏ của chúng sẽ xuất hiện trong các đồ trang sức đắt tiền. Các hình ảnh vệ tinh của CSIS cho thấy các hoạt động đánh bắt sò tai tượng đã được xúc tiến trở lại từ cuối năm 2018. Hoạt động khai thác mang tính phá hoại của tàu Trung Quốc trở nên thường xuyên từ cuối năm ngoái tại Đá Bông Bay thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Những thiệt hại với rạn san hô tại đảo Bạch Quy thuộc quần đảo Hoàng Sa rõ ràng tới mức có thể nhìn thấy trên ảnh vệ tinh chụp tháng 11/2018. Các rạn san hô tại Scarborough đã bị tổn thương nặng bởi hoạt động khai thác sò của các ghe cào Trung Quốc vào cuối năm 2016. Những hình ảnh của CSIS cho thấy sự trở lại ồ ạt của những đoàn tàu phá hoại này từ tháng 12/2018 với phương pháp khai thác mới. Hạn chế của phương pháp cào kiểu cũ là không thể hoạt động tại những vùng nước sâu. Để vượt qua điều này, người Trung Quốc nghĩ ra cách đưa một máy bơm áp lực cao và ống xuống lòng biển. Sức mạnh của máy bơm khiến lớp trầm tích lẫn san hô bị thổi bay, lộ ra những con sò quý giá.

Kết luận: Những tiếng nói của chuyên gia lên án hành vi hủy hoại môi trường biển của Trung Quốc đang ngày càng nhiều. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn mặc nhiên tiếp tục các hoạt động quân sự hóa, xây dựng đảo nhân tạo để theo đuổi bằng được các yêu sách chủ quyền. Vì vậy, hiện nay dư luận đang rất cần những tiếng nói và hành động lên án từ chính phủ các nước, nhất là những nước trong khu vực Biển Đông, vì những nước này sẽ gánh chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những hành vi của Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới