Tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hải quân Trung Quốc tổ chức tại quân cảng Thanh Hải hôm 23/4, Chủ tịch Trung Quốc Tạp Cận Bình đã lần đầu tiên đưa ra một khái niệm mới là xây dựng “Cộng đồng chung vận mệnh trên biển”, đi liền với khái niệm “Cộng đồng chung vận mệnh” trên đất liền nhằm cụ thể hóa “Sáng kiến Vành đai, con đường” (BRI) của Bắc Kinh.
Về cái gọi là “Cộng đồng chung vận mệnh trên biển” của TQ
Năm 2018, tại cuộc duyệt binh tại căn cứ hải quân đảo Hải Nam, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng, Bắc Kinh sẽ sát cánh cùng với hải quân của các nước bạn bè hoặc đối thủ thúc đẩy đối thoại và bảo đảm hòa bình trên biển. Vừa qua, truyền thông Trung Quốc lúc đó nhanh chóng loan tải những thông điệp của Chủ tịch Tập Cận Bình như “Hải quân Trung Quốc sẽ trước sau như một tăng cường giao lưu hợp tác với hải quân các nước, tích cực thực hiện trách nhiệm nghĩa vụ quốc tế, bảo đảm an ninh các tuyến hàng hải quốc tế, nỗ lực cung cấp nhiều hơn sản phẩm an ninh chung trên biển”. Ông Tập Cận Bình cũng nhắc đến việc hải quân các nước sẽ tổ chức một cuộc hội thảo cấp cao “cùng xây dựng Cộng đồng chung vận mệnh biển” với hy vọng sẽ tập trung đóng góp trí tuệ để thúc đẩy xây dựng “Cộng đồng”.
Trong khuôn khổ kỷ niệm 70 năm thành lập Hải quân Trung Quốc, ngày 24/4, tại Thanh Đảo đã diễn ra Hội thảo cấp cao “Xây dựng Cộng đồng chung vận mệnh trên biển”. Buổi Hội thảo có ba chủ đề thảo luận gồm: “Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại và hải dương – vai trò và trách nhiệm của hải quân”; “Cùng đối phó với thách thức, đe dọa trên biển – thực tiễn và cống hiến của hải quân” và “Cùng trao đổi, cùng xây dựng và cùng chia sẻ trong quản lý biển toàn cầu – hợp tác và hành động của hải quân”.
Cùng ngày, phát biểu tại một diễn đàn ở Thanh Đảo, sau lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm thành lập Hải Quân Trung Quốc, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Thẩm Kim Long cho rằng “tất cả mọi người cần tuân theo các quy tắc, bảo vệ tốt trật tự trên biển. Tự do hàng hải là nguyên tắc được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi. Tuy nhiên không thể được sử dụng làm cái cớ để vi phạm các quyền hợp pháp và lợi ích của các quốc gia ven biển”. Ông Thẩm Kim Long cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục đàm phán với ASEAN về COC. Ông nói “Trung Quốc cam kết sẽ xây dựng Biển Đông trở thành vùng biển của hòa bình, hữu nghị và hợp tác”.
Giới chuyên gia nhận định
Nghiên cứu viên Học viện quan hệ quốc tế Rajaratnam Singapore, Hứu Thụy Lân cho rằng, Trung Quốc đang tích cực phát đi tín hiệu về “ý muốn tốt đẹp của việc phát triển hải quân ra bên ngoài”, sự khoa trương của Hải quân Trung Quốc đối với nước khác được các nước nhìn nhận theo những cách thức khác nhau. Các nước đối thủ cạnh tranh chiến lược ở khu vực không tránh khỏi coi lễ duyệt binh lần này là sự “khoe cơ bắp” của Hải quân Trung Quốc. Trung Quốc đề xướng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Hải quân, khái niệm “Cộng đồng chung vận mệnh biển” trùng hợp với “Con đường Tơ lụa trên biển”, nhấn mạnh hợp tác kinh tế xanh, khoa học biển và an ninh biển. Trong bối cảnh một số nước còn cảnh giác đối với sự lớn mạnh về thực lực của Hải quân Trung Quốc, khái niệm “Cộng đồng chung vận mệnh biển” là nhằm giảm lo ngại của bên ngoài đối với ý đồ chiến lược của Hải quân Trung Quốc.
Từ khi được đưa ra năm 2017, “Cộng đồng chung vận mệnh” trên đất liền không được cộng đồng quốc tế đón nhận nhiệt tình. Bắc Kinh bèn chuyển sang vận động xây dựng Cộng đồng chung vận mệnh “song phương”, với khoảng một chục nước tham gia. Để triển khai “Cộng đồng chung vận mệnh trên biển”, Bắc Kinh sẽ nỗ lực lôi kéo các nước tham gia bằng nhiều hình thức khác nhau. Nhưng đi kèm với chúng, Hải quân Trung Quốc hẳn sẽ thể hiện “cơ bắp” của mình.
Mỹ chắc chắn sẽ không hưởng ứng sáng kiến “Cộng đồng chung vận mệnh trên biển” của Trung Quốc. Điều này thể hiện qua việc nước này đã không gửi quan chức cấp cao tới Thanh Đảo mà chỉ cử một đoàn đại biểu cấp thấp do Tùy viên quốc phòng Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh tới dự và cũng không có chiến hạm nào của Mỹ tham gia cuộc diễu binh trên biển hôm 23/4.