Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (5-7/6) thăm chính thức Nga nhằm thúc đẩy quan hệ song phương và tìm kiếm đồng minh đối phó với Mỹ và Phương Tây.
Trung – Nga thắt chặt hợp tác
Truyền thông Trung Quốc cho biết, trong chuyến thăm, ông Tập Cận Bình (5/6) đã đến Điện Cremli, tiến hành cuộc hội đàm với Tổng thống Nga V. Putin. Phát biểu trong cuộc gặp, ông Tập Cận Bình cho biết, “năm nay là kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung – Nga. Sự phát triển của quan hệ Trung – Nga không có tận cùng, mà còn có thể phát triển tốt hơn. Trung Quốc sẵn sàng cùng Nga chung tay nỗ lực, không ngừng phóng đại hiệu ứng tích cực của quan hệ chính trị trình độ cao giữa hai nước, không ngừng khiến nhân dân hai nước có cảm giác được hưởng lợi nhiều hơn từ hợp tác, đóng góp phương án Trung – Nga nhiều hơn trong các công việc quốc tế”. Trong khi đó, Tổng thống Nga V. Putin cho biết, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình lần này hết sức quan trọng đối với quan hệ hai nước, dưới sự nỗ lực chung của hai bên, quan hệ Trung – Nga được nâng lên tầm cao chưa từng có, cũng mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
Sau cuộc gặp, lãnh đạo hai nước đã ký Tuyên bố chung về tăng cường ổn định chiến lược toàn cầu đương đại, tuyên bố chung tay giữ gìn ổn định chiến lược toàn cầu. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, việc này có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, thể hiện tinh thần đảm đương của Trung Quốc và Nga cũng như hiệu ứng tích cực của hợp tác chiến lược giữa hai nước. Là Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Trung Quốc và Nga sẽ tiếp tục cùng cộng đồng quốc tế kiên định bảo vệ hệ thống quốc tế với hạt nhân là Liên Hợp Quốc và nền tảng là luật pháp quốc tế, bảo vệ thể chế thương mại đa phương. Tổng thống Nga Putin cho biết, Nga và Trung Quốc cần tiếp tục tăng cường điều phối và hợp tác trong các vấn đề quốc tế và khu vực quan trọng, cùng ứng phó các thách thức do chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ mang lại, giữ gìn hòa bình và ổn định của thế giới.
Ông Tập Cận Bình (6/6) đã hội kiến với Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev. Chủ tịch Tập Cận Bình nêu rõ, năm nay là kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung – Nga. Trước mắt, quan hệ Trung – Nga đã bước vào thời đại mới, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện hai nước không ngừng khai thác nội hàm mới. Hai bên cần phải tiếp tục cố gắng, thúc đẩy hợp tác các lĩnh vực tiếp tục đi sâu phát triển, mang lại lợi ích thực tế nhiều hơn cho nhân dân hai nước, tiếp thêm động lực lớn mạnh hơn cho sự phát triển phục hưng của hai nước. Trong khi đó, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết, Nga và Trung Quốc cần phải tăng cường hợp tác chiến lược, chung tay ứng phó thách thức chung đặt ra cho Nga, Trung Quốc cũng như cộng đồng quốc tế, duy trì thiết thực hòa bình và phát triển của thế giới.
Đáng chú ý, Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong (6/6) cho biết, trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ Thương mại, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc cũng như Bộ Phát triển kinh tế và Bộ Nông nghiệp Nga đã ký “Quy hoạch phát triển về sâu sắc hợp tác đậu nành Trung – Nga”, đặt nền tảng quan trọng cho mở rộng toàn diện và sâu sắc hợp tác thương mại và chuỗi toàn ngành đậu nành hai nước. Về cấp độ doanh nghiệp, Trung Quốc và Nga đã ký hơn 10 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng hạt nhân, hóa chất khí đốt, chế tạo ô tô, xây dựng khu công nghiệp khoa học-công nghệ cao, sâu sắc hợp tác công nghệ 5G…., tổng kim ngạch vượt quá 20 tỷ USD.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, hai nước dự kiến sẽ ký khoảng 30 thỏa thuận hợp tác trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập, trong đó có hai thông báo chung về quan hệ song phương, về các vấn đề an ninh toàn cầu và sự ổn định chiến lược quốc tế. Các thỏa thuận khác tập trung vào những lĩnh vực như thương mại, năng lượng và đầu tư.
Ngoại giao “gấu trúc”
Trong chuyến thăm Nga, ông Tập Cận Bình đã tặng hai chú gấu trúc cho một sở thú ở Moscow trước sự chứng kiến của Tổng thống Vladimir Putin nhằm sự tăng cường tin cậy và tôn trọng lẫn nhau giữa hai nước. Theo hãng tin Reuters, hai chú gấu trúc mà ông Tập tặng cho sở thú Nga sẽ được nuôi ở một khu đặc biệt. Thực chất, đây là hai chú gấu mà Trung Quốc cho Nga mượn trong 15 năm theo một dự án nghiên cứu chung giữa hai nước.
“Ngoại giao gấu trúc” là việc Trung Quốc tặng gấu trúc như món quà ngoại giao cho các quốc gia khác nhằm tăng cường quan hệ song phương. Truyền thống này được cho là có từ thời nhà Đường, khi Hoàng đế Võ Tắc Thiên tặng một cặp gấu trúc cho Nhật hoàng. Gần đây, trong chuyến thăm Berlin vào tháng 7/2107, ông Tập Cận Bình cũng tặng Đức hai chú gấu trúc.
Lĩnh vực hợp tác
Trong lĩnh vực năng lượng, Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Rosneft (Nga) Igor Sechin cho biết công ty đã cung cấp cho Trung Quốc hơn 50 triệu m3 dầu thô trong năm 2018, tăng 40 triệu khối so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 10 tháng đầu năm 2018, Trung Quốc đã nhập khẩu trung bình 1,39 triệu thùng dầu/ngày. Theo kế hoạch, dự án đường ống dẫn dầu Năng lượng Siberia dài 4.000 km sẽ được Tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga hoàn thành vào cuối năm 2019, qua đó có thể vận chuyển 38 tỷ m3 gas/năm tới Trung Quốc vào năm 2025. Trung Quốc tiếp tục là một trong những quốc gia nhập khẩu năng lượng nhiều nhất trên thế giới và một phần không nhỏ trong số đó đến từ xứ cờ hoa. Tuy nhiên, trong bối cảnh xung khắc thương mại Mỹ – Trung đang ngày một leo thang, năng lượng có thể trở thành điểm yếu chí mạng và Trung Quốc cần tìm kiếm những phương án thay thế cho nguồn năng lượng từ Mỹ. Moscow, “đối thủ” của Washington cùng quan hệ thân thiết với Bắc Kinh, với vai trò ngày càng lớn tại Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), sẽ là chìa khóa cho bài toán khó nhằn này.
Trong lĩnh vực thương mại, kim ngạch thương mại song phương tiếp tục tăng mạnh – nhập khẩu của Trung Quốc từ Nga hiện đã đạt 18.8 tỷ USD chỉ trong 4 tháng đầu năm 2019, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoài. Theo số liệu thống kê của Bộ Thương mại Trung Quốc, tổng thương mại giữa nước này và Nga đạt hơn 100 tỷ USD năm 2018. Việc Moscow chịu lệnh trừng phạt của phương Tây đồng nghĩa với cơ hội để Bắc Kinh mở rộng thị trường tại xứ sở bạch dương, nơi thiếu vắng sự hiện diện của các doanh nghiệp Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Quan trọng hơn, dù Mỹ vẫn là thị trường then chốt, song Trung Quốc đang muốn giảm thiểu thiệt hại bằng cách mở rộng đầu tư và kinh doanh tại các thị trường khác và Nga là một trong số đó. Moscow hiện đang là đối tác then chốt của Bắc Kinh trong chính sách Vành đai và Con đường (BRI); đổi lại, Trung Quốc có vai trò không thể thiếu trong các diễn đàn do Nga bảo trợ, cụ thể là Sáng kiến Á – Âu và Diễn đàn Kinh tế phương Đông.
Trong lĩnh vực quân sự, Thỏa thuận chung Nga- Trung ký kết năm 2018, dù không bàn về khả năng thiết lập liên minh quân sự, song cho rằng hai bên sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn và thực hiện các chiến dịch quân sự chung trong tương lai, như tập trận chung “Nhiệm vụ Hòa bình” và “Vùng Biển Chung” được thực hiện trong một thập kỷ qua. Quân đội Trung Hoa (PLA) rất coi trọng những sự kiện như vậy, bởi nó cung cấp kinh nghiệm và kỹ năng còn thiếu trong tác chiến. Không những vậy, xuất khẩu vũ khí cũng tiếp tục là một điểm sáng trong quan hệ song phương, khi các hợp đồng Hệ thống phòng không S-400 và máy bay chiến đấu Su-35 bổ sung sức mạnh cho PLA và đóng góp lớn vào ngân sách của Moscow, qua đó góp phẩn cải thiện vị thế của hai cường quốc này trước những quyết sách ngày càng cứng rắn đến từ chính quyền của Tổng thống Donald Trump từ châu Á tới châu Âu. Quyết sách chung tay đối phó Mỹ của Nga và Trung Quốc còn được thể hiện rõ nét trong hợp tác trên các diễn đàn song phương, đặc biệt là tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Bộ đôi “Kẻ tung người hứng” này từng không ít lần khiến Mỹ, Anh và Pháp nản lòng khi thẳng tay phủ quyết nhiều nghị quyết. Đơn cử như đầu tháng Ba, dự thảo Nghị quyết do Washington đề xuất về khủng hoảng chính trị tại Venezuela đã giành được 9 phiếu ủng hộ, 3 phiếu chống và 3 phiếu trắng, nhưng không thể vượt ải Bắc Kinh và Moscow. Tăng cường liên lạc, đẩy mạnh hợp tác trên các diễn đàn đa phương đang là cách bộ đôi này kiềm chế ảnh hưởng của Mỹ tại các điểm nóng, như Venezuela, Syria, Triều Tiên hay Iran, trong bối cảnh ông Donald Trump đang rất cần những thành tích đối ngoại cho hồ sơ tranh cử Tổng thống năm 2020.
Mục đích chuyến thăm
Giới chuyên gia, học giả và truyền thông nhận định, chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ giúp xây dựng các mối quan hệ song phương mạnh mẽ hơn giữa lúc bầu không khí quốc tế đang biến đổi mạnh mẽ. Theo giới phân tích, sự hợp tác giữa Trung Quốc và Nga – hai nước đều là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc – sẽ cung cấp một nền tảng vững chắc để thúc đẩy sự ổn định và hòa bình trên toàn thế giới.
China Daily dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Trương Hán Huy nói rằng, chuyến công du của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ củng cố nền tảng chính trị của mối quan hệ Trung – Nga, đảm bảo hai nước hỗ trợ nhau nhiều hơn nữa trong những lĩnh vực liên quan đến các lợi ích cốt lõi mà cả hai cùng quan tâm. Theo ông Trương Hán Huy, nhân chuyến thăm, ông Tập và ông Putin sẽ vạch ra một kế hoạch chiến lược cho phát triển các mối quan hệ song phương trong tương lai, mở ra các triển vọng mới cho hợp tác thực tế giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực khác nhau, cùng nhau bước vào một kỷ nguyên mới phát triển cấp cao của mối quan hệ Mỹ – Trung. Cùng quan điểm trên, Đại sứ Trung Quốc tại Nga Li Hui khẳng định Bắc Kinh và Moscow chủ trương xây dựng một kiểu quan hệ quốc tế mới đôi bên cùng có lợi, kiên quyết duy trì hệ thống quốc tế với Liên Hợp Quốc ở trung tâm, và kêu gọi thực thi các biện pháp hòa bình để giải quyết các vấn đề nóng của khu vực và thế giới.
Chủ tịch Viện Nghiên cứu Đối thoại giữa các Nền văn minh Nga Vladimir Yakunin cho rằng trong bối cảnh bất đồng toàn cầu như vậy, chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc thể hiện mối quan hệ chiến lược của hai nước. Còn Giáo sư Natalia Percheritsa tại Đại học Nga Mới cho rằng, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình sẽ có tác động tích cực đến hợp tác song phương trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa và giáo dục. Chuyên gia Wu Hongwei, một nhà nghiên cứu về quan hệ Trung – Nga tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định, hai nước hiện có chung lập trường về xây dựng một thế giới ổn định hơn và đa cực hơn, và đã phát đi những tín hiệu như vậy thông qua hỗ trợ và phối hợp cùng nhau trong các vấn đề quốc tế.
Giáo sư Alexei Maslov lại cho rằng Nga đang cố đạt được mục tiêu thu hút đầu tư của Trung Quốc để thúc đẩy nền kinh tế và dựa vào Trung Quốc để đưa nền kinh tế Nga ra khỏi hoàn cảnh khó khăn, phát triển xuất khẩu và thu hút đầu tư. Trước đây, thị trường Nga có một vấn đề về tầm cỡ, tức là thị trường này phát triển chưa đủ mức đối với các nhà đầu tư Trung Quốc, đặc biệt là vùng Viễn Đông. Cho nên Trung Quốc không mấy quan tâm đến nước Nga. Ở cả hai bên, các nhà đầu tư đều than phiền về tính chất thiếu minh bạch của cả hai cơ chế và về việc họ không thể thật sự hợp tác với nhau. Theo đó, Trung Quốc vẫn còn ngần ngại xâm nhập thị trường Nga. Ngay cả dự án Các con đường tơ lụa mới cũng chưa thúc đẩy đầu tư của Trung Quốc vào Nga. Nhưng kể từ nay, Nga có thể dựa vào một lập luận mới để lôi cuốn Trung Quốc: Chiến tranh thương mại giữa Bắc Kinh và Washington. Nga hy vọng có thể tranh thủ dịp này để mở những thị trường mới ở Trung Quốc. Matxcơva cũng hy vọng là các nhà đầu tư Trung Quốc cuối cùng sẽ quyết định bỏ vốn vào nền kinh tế Nga.
Trung – Nga còn còn mặn nồng như xưa?
Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng, trong lúc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vẫn đang liên tiếp leo thang, ông Tập Cận Bình gấp rút thăm Nga là có ý muốn “củng cố hậu phương”. Có kênh truyền thông phân tích, trong cuộc đối kháng với Mỹ, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã không còn lực chống đỡ, kinh tế xuất hiện dấu hiệu đi xuống, chuyến đi này của ông Tập là muốn bắt tay với Nga để nhờ viện binh. Tuy nhiên cũng có chuyên gia cho rằng, e là Bắc Kinh đã tính sai khi muốn “liên thủ Nga để đối kháng Mỹ”. Quan hệ Trung – Nga là “bằng mặt không bằng lòng”, nên khi Mỹ nâng mức thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, Nga cũng có thể nhân cơ hội này để chém một nhát dao sau lưng Đảng Cộng sản Trung Quốc. Có thể nói, trong cuộc chiến thương mại này, Đảng Cộng sản Trung Quốc hai mặt thọ địch.
Đáng chú ý, Phó Trợ lý Giám đốc Trung tâm Sứ mệnh Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Cục Tình báo Trung ương Mỹ Michael Collins gần đây đã nói trong một hội thảo rằng, Trung Quốc và Nga không phải là đồng minh. Cùng quan điểm trên, Ai Rong, một chuyên gia về các vấn đề Nga ở Mỹ cho rằng, mặc dù ông Putin và ông Tập Cận Bình gọi nhau là bạn tốt, nhưng quan hệ Trung – Nga không còn như ngày xưa. Trung Quốc và Nga có những trở ngại về kinh tế, ngoại giao và không thể kết thành một liên minh thực sự.
Được biết, trong những năm gần đây, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã mở rộng ảnh hưởng ở Trung Á thông qua Sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”, và sáng kiến này gần như không tương thích với “Cộng đồng Kinh tế Á – Âu” của Nga, hai bên đang cạnh tranh quyết liệt vì lợi ích ở khu vực Trung Á. Có tin đồn rằng ông Putin đã phủ quyết dự án đường sắt cao tốc Moscow-Kazan, cho rằng khoản đầu tư cho dự án này rất lớn và rất khó để thu hồi vốn. Nga vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng, nhưng tin tức này chắc chắn là một đòn nặng đối với “Một vành đai, Một con đường” của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Được biết, chuyến thăm Nga của ông Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Moscow với phương Tây giảm xuống mức thấp nhất kể từ thời chiến tranh lạnh, trong khi quan hệ giữa Bắc Kinh với Mỹ căng thẳng vì chiến tranh thương mại. Cả hai cường quốc này đều muốn thể hiện mong muốn thắt chặt quan hệ song phương.