Sunday, September 29, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaToàn cảnh vụ căng thẳng giữa tàu tàu tuần dương của Mỹ...

Toàn cảnh vụ căng thẳng giữa tàu tàu tuần dương của Mỹ và tàu khu trục hạm của Nga ở phía Đông Nam Biển Đông

Hải quân Nga (7/6) lên tiếng cáo buộc tàu tuần dương USS Chancellorsville của Mỹ đã đẩy tàu khu trục hạm Đô đốc Vinogradov của Nga vào tình huống nguy hiểm ở phía Đông Nam Biển Đông.

Hình ảnh vụ khiêu khích giữa tàu chiến hai nước sáng 7/6/2019.

Theo tuyên bố từ Hạm đội Thái Bình Dương của Nga, vào lúc 6h35 giờ Moscow (3:35 GMT) ngày 7/6, ở phía Đông Nam Biển Đông, khi hạm đội Thái Bình Dương của Nga đang di chuyển song song với một nhóm tàu chiến Mỹ, thì tàu USS Chancellorsville của Mỹ đột nhiên thay đổi hải trình và chạy cắt mặt tàu khu trục Đô đốc Vinogradov của Nga, khiến suýt nữa xảy ra va chạm. Hai tàu chỉ còn cách nhau 50m. Tuyên bố của Hạm đội Thái Bình Dương Nga cũng nói rằng các thủy thủ Nga đã buộc phải thực hiện các thao tác khẩn cấp để tránh va chạm.

Thủy thủ đoàn tàu khu trục Đô đốc Vinogradov sau đó đã gửi thông điệp phản đối tới chỉ huy tàu Mỹ và nhấn mạnh rằng hành động của phía Mỹ là không thể chấp nhận được. Sau sự việc, quân đội Nga đã gửi thư phản đối tới phía Mỹ.

Trong khi đó, Người phát ngôn Hạm đội 7 Hải quân Mỹ Clayton Doss cũng ra thông báo cho biết tàu khu trục Nga đã có hành động “không an toàn và không chuyên nghiệp” khi áp sát tàu USS Chancellorsville ở khoảng cách 15-30 m và suýt gây ra va chạm”.

Ngay sau khi vụ việc xẩy ra, phát biểu trước báo giới, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan nêu rõ: “Chúng tôi có các cuộc đối thoại giữa quân đội hai bên và dĩ nhiên chúng tôi sẽ có biện pháp đối phó, song đối với tôi, an ninh vẫn là quan trọng nhất. Vụ việc sẽ không ngăn được những hoạt động của chúng tôi. Trong khi đó, Nga lại cáo buộc chúng tôi về sự vụ này”.

Theo Mark Sleboda – một nhà phân tích an ninh quốc tế – trả lời phỏng vấn Đài Sputnik, “các hành động khiêu khích giữa các tàu chiến của Mỹ và Nga, tương tự như vụ việc xảy ra 7/6 trên biển Hoa Đông, là cực kỳ nguy hiểm, song chuyện này thường xảy ra. Bất kỳ hành động nào cũng có thể dẫn đến thảm họa”. Trong khi đó, chuyên gia quân sự Ryan Pickrell nhận xét đây là cảnh tượng lạ lùng. Sự xuất hiện của họ có thể là chiêu chọc tức, chế nhạo thủy thủ đoàn Mỹ.

Được biết, Hải quân Nga gần đây tăng cường hiện diện ở nhiều vùng biển trên thế giới để đảm bảo lợi ích của Nga. Tư lệnh Hải quân Nga, Đô đốc Vladimir Korolev nhấn mạnh, sức mạnh của lực lượng này tại các vùng biển trên thế giới sẽ giảm thiểu khả năng xảy ra những mối đe dọa từ biển đối với an ninh của Nga. Theo ông, sự hiện diện hiện nay của Nga ở các vùng biển trên thế giới đang được đảm bảo bởi khoảng 100 tàu chiến và tàu các loại. Ông Korolev còn cho biết, trong năm 2019, các cuộc tập trận quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ cũng như việc triển khai những hệ thống phòng thủ tên lửa trên biển gần các khu vực biên giới của Nga sẽ tác động đến quy mô hiện diện của Hải quân Nga ở nhiều vùng biển trên thế giới.

Tàu khu trục Đô đốc Vinogradov hoạt động từ tháng 6/1987 và từng bám theo các tàu hải quân Mỹ trong cuộc tập trận gần Hawaii mùa hè năm 2016. Tàu được đặt theo tên Nikolai Ignatevich Vinogradov, chỉ huy lực lượng tàu ngầm trong Hạm đội phương Bắc của Liên Xô trong Thế chiến II và sau đó trở thành đô đốc. Các tàu chống ngầm cỡ lớn lớp Project 1155 được thiết kế để đối đầu với các tàu ngầm hạt nhân, đảm bảo hoạt động cho các tàu ngầm của Hải quân Nga và bảo vệ tàu chiến mặt nước. Chiếc “Đô đốc Vinogradov” có lượng giãn nước khoảng 7,5 nghìn tấn.

Trong khi đó, tuần dương hạm USS Chancellorsville được trang bị tên lửa dẫn đường và có thể mang theo hai trực thăng chống ngầm. Tàu hoạt động từ tháng 7/1988 và từng tham chiến ở Iraq, Afghanistan. USS Chancellorsville hiện đóng tại căn cứ hải quân của Mỹ ở Yokosuka, Nhật Bản. Tuần dương hạm USS Chancellorsville có lượng giãn nước khoảng 9,8 nghìn tấn.

Trong những năm gần đây, tàu chiến Mỹ và Nga đã nhiều lần áp sát, khiêu khích lẫn nhau trên các vùng biển quốc tế, như: Tàu hộ tống Yaroslav Mudry của Nga (30/6/2016) đã áp sát tàu tuần dương San Jacinto của hải quân Mỹ trên Địa Trung Hải. Khi thực hiện việc áp sát, trên boong tàu Nga xuất hiện khoảng 10 thủy thủ cùng một số loại vũ khí, tuy nhiên, không có người nào đứng điều khiển các thiết bị quân sự này. Phía Hải quân Mỹ cho rằng “hành động của tàu Yarolav Murdry là hoàn toàn bất thường. Nó đã thực hiện các động tác mà chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy trên biển ở gần khu vực hoạt động của tàu tuần dương Mỹ”. Vụ việc này diễn ra 2 tuần sau khi một sự việc tương tự cũng đã xảy ra ở Địa Trung Hải. Tuy nhiên, lúc đó, tàu USS Gravely của Mỹ đã áp sát tàu hộ tống Yaroslav Mudry của Nga, thậm chí có lúc tàu Mỹ đã chặn đầu tàu Nga ở khoảng cách chỉ khoảng 60m. Nga đã cáo buộc hành động trên là vô cùng thiếu chuyên nghiệp và nguy hiểm nhưng phía Mỹ giải thích rằng, tàu USS Gravely làm việc này nhằm ngăn chặn tàu Nga thực hiện các hoạt động do thám gần tàu sân bay USS Harry Truman của hải quân Mỹ.

RELATED ARTICLES

Tin mới