Trước sự việc tàu cá chở 22 ngư dân Philippines bị tàu Trung Quốc đâm chìm, Manila cần phải tạo ra những thay đổi chiến lược trong chính sách của nước này về biển Đông.
Trong một tuyên bố ngày 12-6, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã lên tiếng chỉ trích kịch liệt hành động “vô nhân đạo” của phía Trung Quốc.
Theo đó, tàu của Trung Quốc đã tông chìm và sau đó bỏ mặc một tàu cá Philippines cùng 22 ngư dân trên tàu gần khu vực bãi Cỏ Rong xung quanh quần đảo Trường Sa của Việt Nam tối hôm 9-6.
Rất may mắn là một tàu cá của Việt Nam đang hoạt động trong khu vực đã phát hiện và phối hợp với quân đội Philippines để đưa người bị nạn về nơi an toàn.
“Chúng tôi lên án mạnh mẽ hành động hèn hạ của tàu cá Trung Quốc và các thuyền viên trên đó, những người đã bỏ rơi các thuyền viên Philippines. Đây không phải là hành động của những người có trách nhiệm và thiện chí”, dẫn lời Bộ trưởng Delfin Lorenzana.
“Chúng tôi kêu gọi một cuộc điều tra chính thức về vụ việc và các động thái ngoại giao ngay lập tức để tránh vụ việc này lặp lại”, ông nói thêm.
Tại thủ đô Manila, hàng trăm người dân đã đổ xuống đường biểu tình, mang theo những băng rôn, biểu ngữ bày tỏ phản đối hành động của Trung Quốc và yêu cầu chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte phải có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền quốc gia và có thái độ cứng rắn hơn với nhà cầm quyền Bắc Kinh.
“Chúng tôi không thể đánh cá với sự hiện diện đáng sợ của Trung Quốc trong khu vực. Đã có báo cáo về sự quấy rối trực tiếp của người Trung Quốc đối với ngư dân Philippines và thậm chí sự hiện diện của tàu chiến Trung Quốc tại Bãi cạn Scarborough, nhưng chúng tôi vẫn không nghe thấy bất kỳ sự lên án nào từ chính quyền tổng thống Duterte” – Một ngư dân tham gia biểu tình trả lời phỏng vấn của tờ The New York Times.
Đã đến lúc Philippines phải cứng rắn
Theo Giáo sư Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Hàng hải và Luật biển thuộc ĐH Philippines, sự việc mới đây cần phải được xem là “giọt nước tràn ly”; và chính quyền nước này cần phải nhanh chóng bắt đầu có những hành động thiết thực và cứng rắn đáp trả Trung Quốc nhằm tránh để lại tiền lệ về sau.
“Chính quyền Philippines không nên để sự việc này trôi qua mà không xem xét hoặc cân nhắc chính sách của mình về khu vực biển Đông. Đây là trường hợp mới nhất về hành động đe doạ các nước láng giềng của Trung Quốc, và nếu cứ để Trung Quốc tiếp tục làm thế, chúng ta có thể sẽ sớm thấy Trung Quốc thường xuyên tông vào và buộc ngư dân của ta rời khỏi biển Đông , giống như cách mà họ đã làm với ngư dân Việt Nam ở vùng biển của Việt Nam”, dẫn lời ông Batongbacal.
“Điều cần nhất là phải đưa ra những thay đổi và điều chỉnh; nếu không có thay đổi, thì Trung Quốc sẽ coi đây là một tín hiệu cho thấy việc làm này có thể lặp lại mà không gặp phải nguy cơ nhận lấy phản ứng bất lợi từ Philippines”, ông nói thêm.
Ông cũng đề xuất Manila nên gửi một công hàm yêu cầu Bắc Kinh phải điều tra, công bố một bản báo cáo về vụ việc cũng như biện pháp trừng phạt và răn đe cụ thể đối với tàu Trung Quốc bị cáo buộc.
“Rõ ràng là đã có sự vi phạm đối với Quy tắc phòng tránh tàu thuyền đâm va trên biển (COLREGS) và những luật lệ quốc tế về hàng hải, cũng như việc đã từ chối giúp đỡ tàu, thuyền đang gặp nạn”, Jay Batongbacal nhấn mạnh.
Ngoài ra, hành vi bỏ mặc tàu Philippines sau khi đâm chìm cũng đã đủ quy kết tàu Trung Quốc vào tội “cố ý gây tai nạn” vì theo ông Batongbacal, “một con tàu đang di chuyển trên biển không thể nào đâm vào một con tàu đang neo đậu cả. Chỉ có thể là tàu Trung Quốc đã cố ý làm như vậy mà thôi”.
Ông Rodrigo Duterte giữa vòng xoáy Mỹ-Trung
Được biết, kể từ khi nhậm chức Tổng thống Philippines vào tháng 6-2016, ông Rodrigo Duterte đã luôn tỏ rõ mong muốn đạt được một mối quan hệ chiến lược và nồng ấm với chính quyền Bắc Kinh.
Tờ South China Morning Post cho biết năm 2019 đánh dấu chuyến thăm Trung Quốc lần thứ tư của ông Duterte chỉ trong vòng chưa đầy ba năm nhằm dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ hai, nhiều hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào trước đó.
Thậm chí, trước những căng thẳng gần đây giữa hai nước về các vấn đề chủ quyền trên khu vực biển Đông, Tổng thống Duterte vẫn nhất mực kiên định với lập trường nồng ấm với Trung Quốc của mình mặc cho những chỉ trích và phản đối ngày càng gia tăng trong nước.
Theo tờ Biz News Asia, một trong những lí do nổi bật để giải thích cho thái độ bất thường của ông Duterte với Trung Quốc là ở việc ông cho rằng đây là cách để Philippines bảo vệ những lợi ích kinh tế của mình ở những khu vực đang tranh chấp ở biển Đông.
Theo đó, miễn là việc hợp tác với Bắc Kinh và cùng nhau phát triển những khu vực này sẽ đem lại một phần lợi nhuận cho nước này, thì Manila sẽ tạm thời không phải lo lắng về những cuộc đối đầu không mong muốn, nhất là khi trong số các nước khu vực Đông Nam Á, Philippines chưa bao giờ là một quốc gia có thế mạnh về quốc phòng.
Bên cạnh đó, những nghi ngại về sự không rõ ràng trong cam kết hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Philippines cũng là một lí do đẩy ông Duterte lại gần hơn Trung Quốc hơn.
“Nhiều năm qua, nhà cầm quyền Philippines đã bày tỏ sự bất lực trước trước thái độ do dự của Washington trong việc xác định liệu một cuộc tấn công của bên thứ ba vào những khu vực đang tranh chấp đang được Philippines quản lý ở biển Đông có nằm trong điều khoản của Hiệp ước phòng thủ chung hai nước hay không”, Biên tập viên tạp chí The Diplomat, ông Ankit Panda giải thích.
Được biết, Philippines là đồng minh quân sự đầu tiên của Mỹ tại khu vực châu Á với Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines ký kết vào năm 1951.
Tái định hình đồng minh Mỹ- Philippines đối trọng Trung Quốc?
Theo các chuyên gia, sự việc 22 ngư dân bị đâm chìm mới đây trong chuỗi những xung đột mới nhất với Trung Quốc chỉ trong năm 2019 có thể sẽ châm ngòi cho sự hồi sinh của liên minh chiến lược Manila-Washington. Cụ thể, Philippines có thể sẽ quay lại trở thành một mắt xích quan trọng của chiến lược kiềm chế Trung Quốc trong khu vực của Mỹ.
Bên cạnh đó, hồi tháng 3-2019, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc gặp với người đồng cấp Philippines Teddy Locsin tại Manila lần đầu tiên đã lên tiếng trấn an và xóa tan những nghi ngờ nói trên của đồng minh. Đồng thời, ông Pompeo cũng tái khẳng định cam kết của Mỹ vào hoà bình và ổn định khu vực.
“Những hoạt động quân sự và cải tạo đảo của Trung Quốc ở biển Đông đã đe doạ chủ quyền, an ninh và kinh tế của Philippines, cũng như là của Mỹ . Do biển Đông là một phần của Thái Bình Dương, bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào lực lượng, máy bay hoặc tàu của Philippines ở Biển Đông sẽ khởi động nghĩa vụ phòng thủ lẫn nhau theo Điều 4 của Hiệp ước phòng thủ chung của chúng ta”, ông Mike Pompeo khẳng định.
Trong lần đụng độ gần đây nhất giữa hai nước ở các khu vực tranh chấp vào tháng 4-2019 khi gần 275 tàu dân quân biển Trung Quốc bị phát hiện di chuyển gần đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam hiện đang do Philippines kiểm soát trái phép), Tổng thống Rodrigo Duterte bất ngờ lên tiếng cứng rắn cảnh báo Bắc Kinh “rời khỏi đảo Thị Tứ ” và tuyên bố “Nếu các người động vào đây […] Tôi sẽ cho lính của tôi tử thủ”.
Theo ông Ankit Panda, phát ngôn này của Tổng thống là một điều “bất ngờ” và “không giống tích cách của ông cho lắm”. Tuy nhiên, mọi nỗ lực chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc ở biển Đông từ Philippines đều đáng được hoan nghênh, mặc dù những nỗ lực này có thể được duy trì trong lâu dài hay không vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Hiện tại, Philippines đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào tháng 7-2019 để tìm người thay thế chủ tịch Hạ viện Gloria Arroyo sắp hết nhiệm kỳ, và chắc chắn các vấn đề chủ quyền ở biển Đông sẽ là chủ đề chiếm thế thượng phong trong chiến dịch vận động của các ứng cử viên sắp tới.
Bên cạnh đó, cùng với sự đảm bảo và lập trường nhất quán của Mỹ, đơn cử như cuộc tập trận chung Balikatan 2019 giữa quân đội Philippines, Mỹ và Úc hồi tháng 4-2019, khu vực Đông Nam Á có thể lai một lần nữa trông thấy Manila và Washington sát cánh bên nhau trong tương lai gần.