Saturday, January 11, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaHội nghị Bộ trưởng Tài chính các nước Nhóm G20 tại Nhật...

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính các nước Nhóm G20 tại Nhật Bản có những nội dung gì đáng chú ý?

Từ ngày 8-9/6,tại Fukuoka, Nhật Bản đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Tài chính nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (Nhóm G20). Hội nghị nổi lên một số nội dung, kết quả đáng chú ý sau:

Khó khăn trong việc ra Tuyên bố chung

Trong hai ngày nghị sự tại Fukuoka, Nhật Bản (8-9/6), các Bộ trưởng Tài chính Nhóm G20 đã phải mất 30 tiếng đồng hồ thảo luật gay gắt để ra được một bản thông cáo chung, trong đó chỉ dành một dòng duy nhất đề cập đến rủi ro xung đột thương mại đối với tăng trưởng của thế giới. “Tăng trưởng toàn cầu có dấu hiệu ổn định nhưng vẫn còn yếu kém và các mối rủi ro khiến tình hình bị xấu đi vẫn tồn tại, nhất là vào lúc căng thẳng về thương mại và địa chính trị gia tăng”, theo bản tuyên bố chung.

Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung phủ bóng G20, song các nước đề tìm cách lé tránh

Cuộc thương chiến Mỹ – Trung là chủ đề chính thu hút mọi sự chú ý tại cuộc họp cấp bộ trưởng Tài Chính Nhóm G20 tại Nhật Bản. Cuộc họp nêu bật vấn đề những căng thẳng trong thương mại và địa chính trị trên toàn cầu hiện nay ở mức độ nghiêm trọng song bớt đề cập đến cách thức giải quyết vấn đề này. Trong hai ngày họp vừa qua, nhiều đối tác của Mỹ bày tỏ lo ngại vì chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang. Pháp và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) báo động nguy cơ tăng trưởng toàn cầu bị chựng lại là mầm mống dẫn tới cuộc khủng hoảng kinh tế trên thế giới. Theo thẩm định của IMF, các biện pháp tăng thuế nhập khẩu do Mỹ và Trung Quốc áp đặt khiến tăng trưởng toàn cầu giảm 0,5% vào năm 2020.

Bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin nhìn nhận tăng trưởng tại châu Âu và Trung Quốc bị chựng lại, nhưng theo ông, nguyên nhân không xuất phát từ“các mối căng thẳng mậu dịch” (hàm ý là căng thẳng thương mại Mỹ – Trung). Trong bối cảnh căng thẳng này, ông Steven Mnuchin đã gặp riêng Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Dịch Cương. Phía Mỹ nói đến một cuộc trao đổi“tích cực”nhưng không đi sâu vào chi tiết. Tuyên bố chung nêu rõ thương mại quốc tế và đầu tư cần tiếp tục là những động lực quan trọng của tăng tăng trưởng, sản xuất, cải cách, tạo việc làm và phát triển. Tuy nhiên, tuyên bố chung không đề cập tới vấn đề chủ nghĩa bảo hộ trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang, cũng như không nhắc đến cụm từ “cần khẩn cấp giải quyết các căng thẳng thương mại” như trong bản dự thảo, do yêu cầu của Mỹ.

Thống nhất nguyên tắc mới về đầu tư hạ tầng

Các nhà lãnh đạo tài chính G20 đã thống nhất các nguyên tắc mới nhằm đảm bảo rằng các quốc gia cho vay và đi vay để đầu tư cho hạ tầng một cách bền vững. Phát biểu sau lễ ký kết bộ nguyên tắc mới, các lãnh đạo tài chính G20 khẳng định: “Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tối đa hóa tác động tính cực của hạ tầng trong việc đạt tăng trưởng và phát triển bền vững trong khi bảo vệ tính bền vững của tài chính công”. Các nguyên tắc mới về đầu tư hạ tầng được coi là một “định hướng chiến lược chung và nguyện vọng cao” của các lãnh đạo tài chính G20.

Lần đầu tiên thống nhất quy tắc dành cho “trí tuệ nhân tạo” (AI)

Có thể do muốn tránh những vấn đề nhạy cảm liên quan xung đột thương mại Mỹ – Trung mà các Bộ trưởng Tài chính G20 lại dành nhiều thời gian thảo luận về AI và các vấn đề phụ trợ. Theo tuyên bố, bên cạnh lợi ích to lớn mà AI mang lại cho xã hội cần phải tránh những rủi ro và trên cơ sở đề xuất của Nhật Bản, cùng đề xướng một quy tắc về truyền tải dữ liệu, trong đó dữ liệu phải được “lưu thông tự do với sự tin cậy”. Đây là lần đầu tiên G20 thống nhất về một quy tắc dành cho AI. Trong bối cảnh những khối lượng dữ liệu khổng lồ đang hàng ngày được tích lũy, lưu trữ như dữ liệu kinh doanh, sản xuất… việc tận dụng hợp lý nguồn tài nguyên này có thể tạo ra một cuộc cách mạng kỹ thuật. Tuy nhiên, nếu thông tin bị lộ sẽ dẫn tới những rủi ro về an ninh. Đây là vấn đề mà hội nghị nhất trí cần phải được xây dựng thành quy định về giao dịch điện tử để bổ sung vào các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Ngoài ra, về vấn đề dân số già, các bộ trưởng G20 cảnh báo cần giải quyết vấn đề này trước khi quá muộn. Tuyên bố chung nêu rõ “những thay đổi về dân số… đặt ra các thách thức và cơ hội đối với tất cả các thành viên G20” và vấn đề này đòi hỏi “sự phối hợp các chính sách tài chính, tiền tệ, thuế khóa và cấu trúc”. Hội nghị gợi ý nên khuyến khích nhiều phụ nữ và người già tham gia lực lượng lao động và “thúc đẩy các ngành công nghiệp thân thiện với người già”.

Từ cuộc chiến thuế Mỹ -Trung, G20 tìm cách cải cách hệ thống đánh thuế quốc tế dựa trên đồng thuận

Một vấn đề khác được nêu trong tuyên bố chung là việc cải cách hệ thống thuế toàn cầu nhằm tính đến sự nổi lên của các “gã khổng lồ” Internet như Google và Facebook. Trong tuyên bố, các nước G20 nhất trí tăng cường nỗ lực để tìm ra một giải pháp cải cách hệ thống đánh thuế quốc tế dựa trên đồng thuận và ra báo cáo cuối cùng vào năm 2020. Tuy nhiên, cả trong vấn đề này, hội nghị ở Fukuoka cũng có những khác biệt về quan điểm, liên quan đến việc sẽ cải cách như thế nào. Trong khi một số nước như Anh và Pháp đã áp dụng thuế kỹ thuật số thì Bộ trưởng Tài chính Mỹ Mnuchin cho biết Washington “đặc biệt lo ngại” về hai khoản thuế mà Pháp và Anh đang áp dụng. Mặc dù vậy, ông Mnuchin thừa nhận việc Anh và Pháp áp thuế kỹ thuật số cho thấy sự cần thiết phải sớm đạt đồng thuận chung nhằm giải quyết vấn đề này.

Dấu hiệu bi quan về kết quả Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G20

Giới phân tích cho rằng rất khó để Mỹ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận thương mại tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G20 tổ chức tại Nhật Bản trong tháng này. Các nhà đầu tư kỳ vọng Hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay, vốn sẽ có mặt của cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ là cơ hội thuận lợi để hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiến tới ký một thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài gần 1 năm qua. Tuy nhiên, thực tế căng thẳng trong những tuyên bố từ cả hai bên những ngày qua đã không cho thấy tín hiệu tích cực ấy. Chuyên gia James Sullivan – phụ trách nghiên cứu về thị trường châu Á nhận xét “Về quan điểm cá nhân, tôi cho rằng sẽ không có thỏa thuận nào đạt được, nếu đánh giá những lời bình luận từ phía Trung Quốc về những điểm cụ thể và những yêu cầu Mỹ cần phải đáp ứng trước khi nối lại các cuộc đàm phán song phương”.

Liệu Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G20 có đề cập đến vấn đề Biển Đông?

Giới quan sát nhận định, vấn đề Biển Đông sẽ được các nước, trong đó có Mỹ đề cập tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G20 tại Nhật Bản trong tháng 6 này. Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức ở Hàng Châu, Trung Quốc (9/2016), Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc thảo luận sâu về Biển Đông. Theo Reuters, cuộc hội đàm giữa phái đoàn Trung Quốc và Mỹ kéo dài tới bốn giờ. Sau cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Barack Obama đã kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng “các nghĩa vụ” chiểu theo Công ước Liên hơp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), để giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Tổng thống Mỹ cũng nhắc lại các cam kết của Washington đối với các đồng minh trong khu vực.

Trong một thông cáo dài hơn thông lệ, Nhà Trắng cho biết là tổng thống Obama đã nhấn mạnh quyết tâm không hề lay chuyển của Mỹ trong việc bảo đảm an ninh cho các đồng minh. Tổng thống đã tái khẳng định “hợp tác với tất cả các nước trong vùng” để bảo đảm là các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được tôn trọng, các hoạt động trao đổi thương mại diễn ra tốt đẹp và quyền tự do lưu thông trên biển cũng như trên không trong khu vực này. Về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố là Bắc Kinh tiếp tục kiên quyết bảo vệ “chủ quyền và các quyền hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông”. Lãnh đạo Trung Quốc cũng nhắc lại là sẽ “giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình thông qua đối thoại tham khảo với các bên liên quan”, đồng thời kêu gọi Mỹ đóng vai trò xây dựng trong hồ sơ này. Vừa qua tại Đối thoại Shangri-la lần thứ 18 tại Singapore, vấn đề Biển Đông cũng được các nước đề cập đến, trong đó Mỹ và Trung Quốc đã chỉ trích, tranh luận nhau gay gắt về vấn đề này. Đây là những dấu hiệu cho thấy nhiều khả năng vấn đề Biển Đông sẽ được các nước, trong đó có Mỹ đề cập tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G20.

RELATED ARTICLES

Tin mới