Ngày 7/6, hội thảo quốc tế “Diễn tiến nào trong tranh chấp tại Biển Đông sau phán quyết của Tòa trọng tài La Haye?” đã diễn ra tại Câu lạc bộ báo chí Thụy Sĩ ở thành phố Geneva, Thụy Sĩ.
Tham dự Hội thảo có các nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế, các vấn đề an ninh như Tiến sĩ Felix Heiduk, Viện Nghiên cứu quốc tế và an ninh Đức; nhà nghiên cứu Bill Hayton – Viện Quan hệ quốc tế Hoàng gia Chatham House – London (Anh); Tiến sĩ Theresa Fallon – nhà sáng lập đồng thời là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Á- Âu tại Brussels (Bỉ); Giáo sư Erik Franckx – trường Đại học Tự do Brussels -Bỉ -Vrije Universiteit Brussel; chuyên gia James Fanell thuộc Trung tâm Chính sách an ninh Geneva; và Tiến sĩ Nicola Casarini, Viện Nghiên cứu vấn đề quốc tế Italy…
Phát biểu tại Hội thảo, luật sư Pierre Schifferli thuộc Văn phòng Luật sư Schifferli tại Geneva nhấn mạnh hội thảo diễn ra 3 năm sau khi Tòa trọng tài được thành lập theo phụ lục VII Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 ra phán quyết về vụ kiện của Philippines đối với yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông, là cơ hội để các nhà nghiên cứu thảo luận chuyên sâu và phân tích về diễn tiến, tương lai trong các tranh chấp tại Biển Đông. Trong khi đó, nhà nghiên cứu Bill Hayton nêu bật những diễn biến gần đây tại khu vực Biển Đông, đặc biệt là mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines, sau phán quyết của Tòa trọng tài công bố vào tháng 7/2016, việc Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo tại Biển Đông. Tiến sĩ Theresa Fallon phân tích “thái độ” của Trung Quốc đối với luật pháp và các chuẩn mực quốc tế ở Biển Đông, kể cả những động cơ chiến lược của Trung Quốc, những tính toan về chi phí/lợi ích của nước này tại Biển Đông, các lựa chọn chính sách và cả những tình huống mà Trung Quốc sẽ phải đối mặt trong tương lai, mối quan hệ giữa luật pháp và quyền lực trong các tranh chấp hàng hải và lãnh thổ ở Biển Đông.
Vấn đề Biển Đông luân là một trong những chủ đề “nóng” được giới học giả quốc tế quan tâm. Nhiều tổ chức Chính phủ, phi Chính phủ đã tổ chức các cuộc hội thảo quốc tế về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, như: Học viện Ngoại giao Việt Nam (DAV) phối hợp với Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức được 10 Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông. Tại Hội thảo lần thứ 10 với chủ đề “Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”. Tham dự Hội thảo có hơn 200 đại biểu là các chuyên gia, học giả từ các bên liên quan trực tiếp đến hoà bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ, các nước ASEAN; các quan chức, học giả quốc tế quan tâm đến Biển Đông; các vị đại sứ, đại diện ngoại giao tại Việt Nam… Hội thảo được chia làm 8 phiên theo các chủ đề: Biển Đông: Trung tâm của khu vực Ấn Độ Dương – châu Á – Thái Bình Dương; Biển Đông tiêu điểm: 10 năm nhìn lại; Lập trường và yêu sách của các bên: Tiếp nối và điều chỉnh; Các nước lớn: Can dự hay không can dự?; Xây dựng lực lượng trên Biển Đông; Xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa và giải quyết tranh chấp; Các nhân tố mới có thể tạo bất ổn trên Biển Đông; Trật tự và bất ổn trên Biển Đông: Tổng kết quá khứ và định hình tương lai.
Đáng chú ý, tại hội thảo lần thứ 7, các học giả đã trình bày gần 30 tham luận và trao đổi ý kiến về nhiều vấn đề như quy chế của đảo, đá trong luật quốc tế; nội dung phán quyết của Tòa trọng tài ngày 12/7 và tác động của phán quyết đối với tranh chấp ở Biển Đông, cả về mặt ngắn hạn và dài hạn cũng như đối với môi trường chiến lược trong khu vực; vai trò của ASEAN trong việc thúc đẩy tiến trình ngoại giao – pháp lý nhằm giải quyết tranh chấp ở Biển Đông… Một số học giả đã trực tiếp bày tỏ quan ngại trước các hành động đơn phương của Trung Quốc như xây dựng, cải tạo đảo trái phép và đẩy nhanh tiến trình quân sự hóa ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh đây là các hành động không phù hợp với các nguyên tắc và quy định của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS.
Về phán quyết vụ kiện Biển Đông, các học giả đều cho rằng, phán quyết đã làm rõ các cơ sở yêu sách biển cũng như giúp thu hẹp phạm vi tranh chấp giữa các bên liên quan, đồng thời mở ra cơ hội mới cho việc giải quyết hòa bình tranh chấp, thúc đẩy đối thoại và hợp tác ở Biển Đông. Do đó, các chuyên gia hoan nghênh phán quyết của Tòa trọng tài, coi đây là bước phát triển mới trong lĩnh vực luật pháp quốc tế. Cũng có ý kiến cho rằng các nước cần có sự điều chỉnh chính sách và pháp luật nhằm phù hợp với những diễn biến mới của tình hình.
Sau khi cùng nhau thảo luận về diễn biến gần đây ở Biển Đông trên tinh thần khoa học và mang tính xây dựng, các học giả quốc tế và Việt Nam đã nhất trí như sau: (1) Nhấn mạnh sự cần thiết của việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông; (2) Khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì tự do hàng hải và hàng không phù hợp với luật pháp quốc tế ở Biển Đông đối với không chỉ các quốc gia trong khu vực mà cả cộng đồng quốc tế; (3) Tái khẳng định nguyên tắc giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của UNCLOS và việc áp dụng nguyên tắc này đối với các tranh chấp ở Biển Đông; (4) Hoan nghênh phán quyết chung thẩm và mang tính ràng buộc được Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước đưa ra ngày 12/7/2016 đã giúp thu hẹp phạm vi các khu vực có tranh chấp và mở ra cơ hội mới cho việc giải quyết các tranh chấp, thúc đẩy hợp tác vì lợi ích bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ở Biển Đông; (5) Nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN trong việc xây dựng cấu trúc an ninh khu vực và việc thúc đẩy các tiến trình ngoại giao và pháp lý nhằm giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông phù hợp với Điều 33 của Hiến chương Liên hợp quốc, thực thi đầy đủ DOC và sớm tiến tới COC, qua đó mở ra cơ hội mới cho việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông; (6) Bày tỏ mong muốn tiếp tục tổ chức các hội thảo, tọa đàm quốc tế về chủ đề Biển Đông nhằm mở rộng mạng lưới giữa các viện nghiên cứu và các học giả trên thế giới để thông tin đến dư luận, đưa ra các khuyến nghị chính sách tới các cơ quan chính phủ, các tổ chức quốc tế nhằm góp phần tạo môi trường thuận lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, và một trật tự pháp lý ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế.