Saturday, November 16, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaThực trạng hoạt động quân sự của Philippines ở Biển Đông

Thực trạng hoạt động quân sự của Philippines ở Biển Đông

Philippines là một trong những nước có yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Trong những năm qua, Philippines đã triển khai nhiều hoạt động quân sự ở Biển Đông, trong đó việc cải tạo, đồn trú trái phép binh lính trên một số đảo, đá của Việt Nam.

Căn cứ quân đội Philippines đồn trú trái phép trên đảo Thị Tứ của Việt Nam

Chính sách hoạt động quân sự của Philippines ở Biển Đông

Là một quốc gia quần đảo, Philippines đã áp dụng các quy định tại phần IV UNCLOS 1982 để xác định đường cơ sở của mình thông qua Đạo luật Cộng hòa số 9522 được ban hành năm 2009. Trong Đạo luật này, Philippines cũng tái khẳng định quy chế các đảo đá theo Điều 121 UNCLOS 1982 cho quần đảo Trường Sa như trong Sắc lệnh Tổng thống 1599. Chính sách quốc phòng của Philippines được quy định thành một đạo luật cụ thể có tên gọi “Đạo luật Quốc phòng” năm 1935.

Không những vậy, Philippines đã tham gia ký kết nhiều văn kiện và điều ước quốc tế liên quan vấn đề biển đảo như: Các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, các nguyên tắc của luật biển quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945, UNCLOS 1982, DOC năm 2002, Quy tắc quốc tế phòng ngừa đâm va tàu thuyền trên biển năm 1972 (COLREGS 72) được sửa đổi bổ sung vào các năm 1981, 1987, 1989, 1993, 2001 và Bộ quy tắc về Tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES) 2014.

Đặc biệt là những thỏa thuận song phương với Trung Quốc: Sau năm 1995, Trung Quốc và Philippines đã cùng ký kết thỏa thuận song phương với nội dung không cho phép sử dụng sức mạnh quân sự trong giải quyết tranh chấp và kêu gọi đưa ra các biện pháp hòa bình theo các quy định trong UNCLOS 1982. Cũng trong năm 1995, Philippines và Việt Nam cũng thỏa thuận về Bộ Ứng xử chín điểm trong Tuyên bố chung của tham khảo song phương hàng năm lần thứ tư vào tháng 10.

Trong mối quan hệ liên minh quân sự, Philippnes đã ký kết với Mỹ “Hiệp ước phòng thủ chung” năm 1951 và Hiệp định hợp tác quốc phòng tăng cường (EDCA) năm 2014; Philippines đã ký với Nhật Bản Hiệp ước Quốc phòng năm 2016.

Chính sách hoạt động quân sự của Philippines ở Biển Đông có một số đặc điểm: Thứ nhất, Philippines là nước có liên minh quân sự với nước ngoài. Nước này có nền quân sự bị đánh giá là yếu nhất nhưng lại có liên minh quân sự với cả Mỹ và Nhật Bản. Việc liên minh quân sự này tạo điều kiện cho Mỹ và Nhật Bản hoạt động quân sự nhiều hơn trong khu vực Biển Đông.

Thứ hai, Philippines chọn giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp tư pháp. Cụ thể là sử dụng thiết chế Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII UNCLOS 1982 về việc Trung Quốc đã giải thích và áp dụng sai UNCLOS 1982. Đây là một điểm sáng trong chính sách của Philippines đối với các tranh chấp tại Biển Đông thể hiện sự thiện chí giải quyết bằng biện pháp hòa bình hơn là sử dụng sức mạnh quân sự.

Tuy nhiên, chủ trương, chính sách của Philippines đối với vấn đề Biển Đông có những điểm chưa thỏa đáng, vi phạm trực tiếp đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, cụ thể: Philippines đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam khi ban hành luật điều chỉnh về Trường Sa tại điểm a mục 2 Đạo luật Cộng hòa số 9522 và Sắc lệnh Tổng thống 1599.

Thực trạng hoạt động quân sự của Philippines ở Biển Đông

Hoạt động chiếm giữ và xây dựng các thực thể địa lý: Philippines yêu sách chủ quyền 53 thực thể địa lý trong quần đảo Trường Sa. Hiện tại Philippines đang chiếm đóng và kiểm soát 10 thực thể địa lý: Bến Lạc (Đảo Dừa), Bình Nguyên, Loại Ta, Song Tử Đông, Thị Tứ, Vĩnh Viễn, An Nhơn, trong đó có ba bãi ngầm Cá Nhám, Công Đo, Cỏ Mây. Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ (Phụ lục số 07), vào năm 2013 một số tòa nhà tại bốn vị trí và xây dựng đường xá xung quanh đảo Thị Tứ.

Philippines cho rằng quần đảo Trường Sa là vô chủ trước khi họ thực hiện việc chiếm đóng. Tuy nhiên, quần đảo Trường Sa đã thuộc chủ quyền của Việt Nam trước khi Philippines đưa quân ra chiếm đóng. Do đó, sự chiếm đóng của Philippines cũng không hợp pháp và không thể là căn cứ để xác lập chủ quyền. Tuy nhiên, triển vọng giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình để phân định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa giữa Việt Nam và Philippines là rất cao. Có thể thấy rằng, trong cách đối đầu với Trung Quốc, Philipines đã chọn cách thức giải quyết bằng Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS 1982. Từ đó cho thấy, sự đối lập yêu sách chủ quyền giữa Việt Nam và Phillipines ít có khả năng đe dọa đến hòa bình và an ninh khu vực.

Hiện đại hóa quân đội: Quân đội Philippines trên thực tế được thành lập và phát triển dưới sự viện trợ và huấn luyện của Quân đội Mỹ. Mặc dù sau chiến tranh thế giới thứ II, Philippines giành được độc lập nhưng về mặt quân sự vẫn chịu sự chi phối của quân đội Mỹ. Ngày 30/8/1951, Mỹ và Philippines ký kết “Hiệp ước phòng thủ chung” cho phép Mỹ đóng quân tại Philippines, đồng thời thành lập căn cứ Không quân Clac và căn cứ Hải quân Subic. Khi giúp Philppines xây dựng quân đội, Mỹ đặc biệt chú trọng đến lực lượng không quân. Đáng chú ý là sự kiện viên chỉ huy lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ đóng tại Thái Bình Dương – Trung tướng Duane Thiessen đã có một trong những phát biểu mạnh mẽ nhất về Biển Đông khi khẳng định Mỹ và Philippines đã ký Hiệp ước phòng thủ chung và theo Hiệp ước này “chúng tôi sẽ tham gia vào các hoạt động bảo vệ lẫn nhau”. Ngày 09/5/2012, Mỹ tuyên bố tôn trọng Hiệp ước phòng thủ chung ký năm 1951 và chính thức cam kết sẽ bảo vệ Philippines khỏi các cuộc tấn công trên Biển Đông.

Năm 2011, đáp lại thái độ không thân thiện của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế và nhóm đảo Trường Sa, Philippines đã dự thảo một chiến lược quốc phòng mới tập trung vào các chiến dịch an ninh nội bộ và phòng thủ lãnh thổ bên ngoài.

Tháng 9/2011, Tổng thống Aquino tuyên bố 4,95 tỷ pê-sô sẽ được phân bổ thêm vào ngân sách quốc phòng. Các quỹ này giành riêng cho việc mua bán một tàu tuần tra hải quân, sáu máy bay trực thăng và các trang thiết bị quân sự khác nhằm bảo vệ dự án dầu khí Malampaya. Năm 2012, Chính phủ Philippines bắt đầu thực hiện kế hoạch hiện đại hóa năm năm với tổng số tiền lên đến 40 tỷ pê-sô. Tháng 7/2012, Philippines tuyên bố Quỹ 1,8 tỷ USD do Mỹ tài trợ để mua một tàu khu trục nhỏ được tân trang lại, một máy bay C-130, máy bay trực thăng đa chức năng và trực thăng chiến đấu cũng như các trang thiết bị quân sự khác.

Theo thông tin từ tài liệu nội Bộ của Bộ Quốc phòng Philippines năm 2016, khoảng 130 tỷ peso (2,8 tỷ USD), tương đương 96% ngân sách quốc phòng đề xuất, sẽ được rót cho lực lượng vũ trang nước này. Số tiền trên dự kiến sẽ được đầu tư để mua sắm máy bay và tàu mới nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố và tăng cường an ninh hàng hải của Philippines tại Biển Đông.

Trong năm 2011-2012, Philippines đã nhận hai tàu cũ trong lực lượng bảo vệ bờ biển của Mỹ (Weather Endurance Cutters). Tàu đầu tiên được phân công tác chiến tại vùng biển quanh Palawan trong Tư lệnh Bộ Chỉ huy phía Tây (Western Command) với nhiệm vụ bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Philippines cũng đang chờ nhận được ba máy tấn công đa mục đích được sản xuất bởi Đài Loan và đặt mua tàu tuần duyên lớp Hamilton thứ ba của Mỹ. Philippines đã ký kết một thỏa thuận với Bộ Quốc phòng Italia để sở hữu trang thiết bị quân sự, có thể có tàu khu trục nhỏ và máy bay.

Philippines cũng đã mua từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp và Anh vũ khí quốc phòng. Tháng 9/2011, trong chuyến thăm Nhật Bản, Tổng thống Aquino và Thủ tướng Nhật Bản Noda đã thỏa thuận tăng cường mối quan hệ an ninh hàng hải thông qua việc tổ chức thường xuyên các cuộc thảo luận quốc phòng cấp cao và thúc đẩy hợp tác giữa các lực lượng bảo vệ bờ biển và các cơ quan liên quan đến quốc phòng. Thủ tướng Noda đồng ý tăng cường sự tham gia của Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản để huấn luyện cho cơ quan đồng cấp của Philippines. Sau chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak tới Manila vào tháng 11/2011, Tổng thống Aquino tuyên bố rằng Philippines sẽ mua các trang bị quân đội từ Seoul. Bộ Quốc phòng cho biết hiện đang dự thảo danh sách bao gồm máy bay, máy bay trực thăng, thuyền các các trang thiết bị quân sự khác.

Philippines có tư cách là đồng minh trong liên minh quân sự. Đây là điểm khác biệt rõ rệt so với hai nước đã phân tích trước đó là Việt Nam và Trung Quốc. Với tư cách đồng minh với Mỹ này, tuy là quân đội Philipines không trực tiếp làm căng thẳng leo thang nhưng có thể dẫn đến sự can thiệp sâu và rộng của Mỹ vào vấn đề Biển Đông.

Trong khi việc hiện đại hóa quân đội là một nhu cầu bức thiết và nước này đang ráo riết thực hiện nhưng bảng tăng trưởng chi phí quốc phòng lại có chiều đi lên không nhiều. So với hai nước đã phân tích ở trên thì tốc độ gia tăng chi phí quốc phòng của Philippines là thấp nhất. Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SPIRI) thì ngân sách quốc phòng của Philippines được thể hiện bằng biểu đồ như Phụ lục số 04a và Phụ lục số 04b. Chi phí quốc phòng của Philippines khi thể hiện các chi phí này bằng đơn vị USD thì còn thấy rằng chi phí quân sự năm 2014 đã có sự giảm nhẹ so với năm 2013 nhưng vẫn theo một chiều hướng chung là tăng qua các năm.

Năm 2016 – 2019, mua tàu chiến khủng của Hàn Quốc. Philippines đặt Hàn Quốc đóng mới 2 tàu chiến Jose Rizal và Antonio Luna với tổng kinh phí 16 tỉ peso (355 triệu USD), cùng hợp đồng cung cấp vũ khí cho 2 tàu trị giá 2 tỉ peso (46 triệu USD). Chiến hạm BRP Jose Rizal dự kiến sẽ bàn giao vào năm 2020, còn chiếc Antonio Luna là vào năm 2021. Hộ tống hạm BRP Jose Rizal thuộc lớp hộ tống hạm Incheon của Hàn Quốc nhưng nhỏ hơn về chiều dài cũng như lượng choán nước. BRP Jose Rizal dài 107 m, ngang rộng nhất 14 m, lượng choán nước đầy tải là 2.600 tấn (tàu hộ tống lớp Incheon có các thông số tương tự lần lượt là 114 m, 14 m, 3.200 tấn). BRP Jose Rizal trang bị đầy đủ vũ khí từ chống tàu nổi đến tàu ngầm, máy bay. Tàu được trang bị 1 pháo hạm Oto Melara 76 mm, các pháo phòng không cận chiến điều khiển từ xa Aselsan SMASH 30 mm; hệ thống 8 ống phóng thẳng đứng dùng phóng tên lửa phòng không, 2 dàn phóng (4 ống phóng/dàn) tên lửa diệt hạm tương đương loại Harpoon; các ống phóng ngư lôi; thiết bị định vị sóng âm (sonar) dùng dò tìm tàu ngầm đặt ở thân trước của tàu và có thêm loại cơ động kéo phía sau tàu (TASS)… Tàu trang bị các loại thiết bị điện tử hiện đại như radar dò tìm và khóa mục tiêu trên không và trên biển, các thiết bị quang điện tử và thiết bị chiến tranh điện tử khác. Tàu còn có sân đáp trực thăng với tải trọng tối đa 12 tấn, 2 xuồng cao su để thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt. Loại trực thăng trang bị cho tàu lớp Rizal sẽ là AgustaWestland AW-159 vừa trang bị cho hải quân, có khả năng săn ngầm. Tàu có thể hoạt động trong điều kiện sóng cấp 7, tức sóng cao 6-9 m. Tàu có tốc độ tối đa 46 km/giờ, hành trình tối đa 4.500 hải lý (8.300 km), hoạt động liên tục 30 ngày, với thủy thủ đoàn và sĩ quan là hơn 100 người.

Tư lệnh Hải quân Philippines, Phó Đô đốc Robert Empedrad cho biết đây sẽ là chiến hạm hùng mạnh nhất của hải quân Philippines khi trang bị các cảm biến cùng vũ khí có khả năng phát hiện và vô hiệu hóa các mối đe dọa từ trên không, trên mặt biển đến dưới lòng biển cũng như khả năng tác chiến điện tử. Theo đó, chiến hạm này được trang bị hệ thống điều hành tác chiến Naval Shield của tập đoàn Hanwha Systems (Hàn Quốc), hệ thống này tích hợp các cảm biến và vũ khí trên tàu để phân tích và đưa ra quyết định về việc đối phó các mối đe dọa nhắm đến con tàu. Hệ thống này có thể phát hiện và theo dõi khoảng 4.000 mục tiêu cùng lúc, được sử dụng trong Hải quân Hàn Quốc, Malaysia và Indonesia.

Người phát ngôn Hải quân Philippines Jonathan Zata cho biết, hai tàu chiến trên được trang tên lửa sẽ có nhiệm vụ hộ tống 2 tàu vận tải đổ bộ lớp Tarlac của Hải quân Philippines. Hai tàu đổ bộ này do Indonesia đóng, theo chuyển giao công nghệ từ Hàn Quốc, mỗi tàu có lượng choán nước hơn 11.500 tấn.

Theo Max Defense, tính đến năm 2017, hải quân Philippines có khoảng 100 tàu, trong đó số tàu chiến chủ lực chỉ 15 chiếc, gồm 3 chiếc lớp Hamilton (tàu tuần tra cũ do Tuần duyên Mỹ bàn giao), 1 tàu hộ tống lớp Cannon, 2 tàu lớp Rizal, 3 tàu lớp Jacinto (Hồng Kông bàn giao từ năm 1997), 5 tàu lớp Malvar, và 1 tàu lớp Cyclone. Chiếc tàu hộ tống lớp Cannon duy nhất là BRP Rajah Humabon (FF-11) có từ thời thế chiến 2, hiện dùng để huấn luyện và tuần tra biển chủ yếu trong khu vực Manila-Subic. Các tàu chiến của Philippines đa số cũ kỹ, 3 chiếc được xem lớn nhất là 3 tàu lớp Hamilton do Tuần duyên Mỹ bàn giao cũng đã trên 50 năm, vũ khí cũng chỉ có pháo 76 mm và pháo 20, 30 mm và nay được chuyển thành tàu tuần tra. Không có tàu nào được trang bị tên lửa diệt hạm. Năm 2017, Philippines được Hàn Quốc viện trợ 1 tàu hộ vệ săn ngầm lớp Pohang đã loại biên, và dự kiến nhận vào giữa năm 2019.

Philippines thời gian qua đã nỗ lực hiện đại hóa hải quân để đối phó các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Philippines đã đặt mua tàu chiến, máy bay, vũ khí… để nâng cấp lực lượng hải quân và lực lượng tuần duyên. Philippines cũng đặt Indonesia đóng 2 tàu vận tải quân sự cỡ lớn lớp Tarlac, bàn giao vào các năm 2016 và 2017. Giai đoạn 2, trong 5 năm tới Philippines sẽ chi tiêu 2,4 tỉ USD mua sắm tàu ngầm, đóng thêm 4 tàu hộ tống và 6 tàu tuần tra đa năng, mua máy bay chiến đấu, trực thăng, UAV, radar… Vừa qua, Nga lên tiếng chào hàng với Philippines loại tàu ngầm Kilo 636 tương tự loại đã cung cấp cho Hải quân Việt Nam.

Hoạt động quân sự của Philippines ở Biển Đông trong năm 2019

Tập trận với đồng minh: Từ 1-12/4, Mỹ và Philippines đã bắt đầu cuộc tập trận thường niên quy mô lớn “Vai kề vai” (Balikatan), trong đó có cuộc tập trận hải quân ngoài khơi bờ biển đảo Luzon đối diện với khu vực Biển Đông. Bộ Quốc phòng Philippines cho biết, khoảng 8.000 quân tham gia cuộc tập trận trên. Trong đó có 4.000 binh sĩ Philippines, 3.500 lính Mỹ cùng với 50 lính Australia và quan sát viên từ 7 quốc gia khác. Tương tự như năm ngoái, cuộc tập trận sẽ diễn ra chủ yếu ở khu vực phía Bắc của Philippines, tại nhiều khu vực thuộc các tỉnh Pampanga, Tarlac và Zambales. Phát biểu họp báo trước thềm cuộc tập trận, Trung tướng Gilbert Gapay, chỉ huy cuộc tập trận bên phía Philippines cho biết: “Cuộc tập trận không nhằm trực tiếp vào bất kỳ mối đe dọa hay quan ngại an ninh hiện hữu nào. Đây là cuộc tập trận bao quát nhằm tăng cường khả năng phối hợp lẫn nhau giữa các lực lượng Philippines và Mỹ”. Đây là cuộc tập trận chung lần thứ ba của quân đội hai nước kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên cầm quyền với chủ trương đặt những mâu thuẫn cố hữu với Bắc Kinh về chủ quyền lãnh hải sang một bên để thu hút đầu tư và gia tăng trao đổi thương mại với Trung Quốc. Cuộc thao diễn quân sự 12 diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc liên tục điều tàu dân quân biển bao vây trái phép quanh khu vực đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, song hiện đang bị Philippines chiếm đóng trái phép.

Sau cuộc tập trận “Vai kề vai”, Lực lượng tuần duyên của Mỹ và Philippines (15/5) tiến hành cuộc tập trận chung tại vùng biển gần bãi cạn Scarborough, khu vực tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc trên Biển Đông. Theo đài NHK của Nhật Bản, cuộc tập trận diễn ra vào ngày 15/5 ở khu vực gần bãi cạn Scarborough, phía Tây đảo Luzon. Đây là cuộc tập trận chung đầu tiên giữa Mỹ và Philippines ở gần bãi cạn này. Các quan chức Philippines cho biết, 3 tàu, gồm tàu tuần duyên Bertholf của lực lượng tuần duyên Mỹ và tàu tìm kiếm cứu hộ của lực lượng tuần duyên Philippines, đã tham gia cuộc tập trận mô phỏng chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ sau khi một tàu chở khách bị chìm. Phó Đô đốc Linda Fagan, chỉ huy chiến dịch tuần duyên Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương cho biết, cuộc tập trận này mở ra cho chúng tôi cơ hội tuyệt vời để chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm giữa hai nước. Theo Phó Đô đốc Fagan, “Tuần duyên Mỹ tự hào được phối hợp với các đối tác Thái Bình Dương của chúng tôi. Chúng ta cùng nhau nâng cao năng lực, tăng cường quản trị và an ninh biển, đồng thời thúc đẩy chủ quyền”. Theo Hạm trưởng John Driscoll, chỉ huy tàu Bertholf, cuộc tập trận đã cho thấy mối quan hệ đặc biệt giữa Mỹ và Philippines. Hai nước có thể phối hợp với nhau để “đảm bảo rằng các vùng biển luôn mở và tự do, tôn trọng luật pháp quốc tế và quy tắc hành xử trên biển, nơi các ngư dân có thể an toàn duy trì sinh kế, dù cho họ ở trên tàu chở hàng hay tàu cá”.

Giới chuyên gia và học giả nhận định, việc Mỹ và Philippines liên tục tiến hành tập trận chung ở Biển Đông nhằm khẳng định quan hệ đồng minh thân cận và Mỹ sẽ bảo vệ Philippines trước các cuộc tấn công của Trung Quốc; đồng thời tăng cường hợp tác quân sự song phương dựa theo Hiệp ước Phòng thủ chung ký cách đây gần 70 năm giữa hai nước. Theo Hiệp ước trên, Mỹ có trách nhiệm và nghĩa vụ đảm bảo an ninh, an toàn đối với hòa bình, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Philippines. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (1/3) trong phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Philippines Teodoro Locsin ở Manila đã tuyên bố “Bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào lực lượng, máy bay hoặc tàu công vụ của Philippines ở Biển Đông sẽ kích hoạt trách nhiệm phòng thủ chung theo Điều 4 của Hiệp ước phòng thủ chung giữa hai nước”. Đây là lần đầu tiên một quan chức Mỹ công khai ý định của Washington về việc bảo vệ Philippines ở Biển Đông. Đáp lại, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin (16/4) tuyên bố Philippines có thể quay sang nhờ cậy Mỹ, đồng minh quân sự duy nhất của mình, nếu xảy ra một “hành động xâm lược rõ rệt” ở Biển Đông. Trước đó, ông Teodoro Locsin (8/4) khẳng định Mỹ sẽ là đồng minh quân sự duy nhất của nước này và “chúng ta không cần thêm ai khác”.

Tăng cường hợp tác quốc phòng với Nhật Bản. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana (17/4) đã nhất trí hợp tác thông qua các hoạt động huấn luyện chung và hợp tác trong lĩnh vực trang thiết bị quốc phòng, trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược. Tại hội đàm, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã nhất trí tiếp tiếp tục cử Lực lượng phòng vệ Nhật Bản và quân đội Philippines cùng tham gia diễn tập chung với quân đội Mỹ trên Biển Đông. Nhật Bản cam kết cung cấp và hợp tác kỹ thuật trang thiết bị quốc phòng với Philippines, đồng thời hỗ trợ quân đội nước này xây dựng năng lực của cả ba lực lượng hải-lục-không quân. Hai bên cũng tái xác nhận việc tàu hộ vệ lớn nhất của Nhật Bản mang tên Izumo sẽ thăm cảng Subic của Philippines vào tháng 7/2019.Trước đó, trong cuộc gặp giữa Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản Tướng Koji Yamazaki và Tham mưu trưởng Quân đội Philippines Macairog S. Alberto (4/3), hai bên đã thảo luận các vấn đề liên quan đến hợp tác quốc phòng và an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines cho biết, ông Macairog S. Alberto và ông Koji Yamazaki đã thảo luận về an ninh khu vực, trong đó có tình hình Biển Đông, vấn đề chống khủng bố và các vấn đề khác cùng quan tâm. Ngoài ra, hai bên cũng thảo luận các vấn đề như ứng cứu nhân đạo và thảm họa, kế hoạch huấn luyện hậu cần chung và kế hoạch về việc Philippines mua thiết bị quốc phòng từ Nhật Bản vốn cần thiết cho hậu cần và hỗ trợ hậu cần.

Philippines có nhiều hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam

Thứ nhất, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (6/4/2018) cho biết đã ra lệnh Lực lượng vũ trang Philippines (AFP) đóng quân và cắm cờ trên tất cả các đảo đang chiếm đóng ở Biển Đông, trong đó có đảo Pag-asa (đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng bị Philippines chiếm đóng trái phép).

Thứ hai, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cho biết, ông Duterte đã chấp thuận nâng cấp cơ sở hạ tầng ở Thị Tứ (xây một đường băng, một cảng và một bến tàu cho tàu thuyền trên đảo Thị Tứ) cùng 8 thực thể khác mà Philippines đang kiểm soát ở Biển Đông; nhấn mạnh Philippines sẽ xây dựng một số cơ sở hạ tầng trên các đảo như doanh trại dành cho nam giới, hệ thống cung cấp nước (đã được khử muối) và xử lý nước thải, máy phát điện, hải đăng, nhà tạm trú cho ngư dân. Trước đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (3/2017) yêu cầu sửa chữa các cơ sở hạ tầng tại đảo Pag-asa, trong đó ưu tiên hàng đầu là sửa chữa đường băng trên đảo. Nghị sĩ Philippines Johnny Pimentel cũng cho biết Philippines sẽ chi 450 triệu peso (khoảng 9 triệu USD) để xây dựng cảng biển trên đảo Thị Tứ; đồng thời kêu gọi Chính phủ khởi động lại việc thăm dò dầu khí ở Biển Đông, xây dựng một trạm nghiên cứu và tìm cách cung cấp nguồn điện tái tạo trên đảo.

Thứ ba, tháng 7/2017, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana và Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội Philippines Eduardo Ano ra thăm phi pháp đảo Thị Tứ. Trước đó, cựu Tổng Tham mưu trưởng quân đội Philippines Gregorio Pio Catapang cùng một số quan chức quân đội và nhà báo (11/5/2015) đến thăm đảo Thị Tứ nhằm củng cố tuyên bố “chủ quyền” của Philippines và cam kết sẽ bảo vệ lãnh thổ, đồng thời sẽ hỗ trợ phát triển du lịch và khai thách tài nguyên biển tại đây.

Thứ tư, một nhóm thanh niên Kalayaan Atin Ito gồm 50 thành viên (26/12/2015) đã đến đảo Thị nhằm phản đối yêu sách “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông.

Thứ năm, từ năm 2001, Chính phủ Philippines đã triển khai đưa người dân ra sinh sống trên đảo Thị Tứ . Tuy nhiên, điều kiện sống khắc nghiệt khiến chỉ ít người Philippines còn ở lại trên đảo.

Kết luận:

Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mọi hành vi của quốc gia khác tại hai quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị.

Lợi dụng tình hình chính tranh ở Việt Nam đang diễn ra căng thẳng, Philippines (năm 1970) đã cử quân đội xâm chiếm 6 đảo, đá của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, trong đó có đảo Song Tử Đông, đảo Thị Tứ, đảo Loại Ta, đảo Bến Lạc (Đảo Dừa) và 3 đảo nữa. Trong những đảo Philipines chiếm phi pháp, Thị Tứ là đảo lớn thứ nhì, Bến Lạc (Đảo Dừa) là đảo lớn thứ ba, Song Tử Đông là đảo lớn thứ năm ở quần đảo Trường Sa. Thứ ba, hành động của Philippines cũng đi ngược lại nhiều văn bản, thỏa thuận song phương, đa phương liên quan vấn đề Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam từng tuyên bố ‘trong khi chờ đợi tìm kiếm một giải pháp cơ bản và lâu dài cho tranh chấp, các bên cần kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình hay mở rộng tranh chấp, phù hợp với tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002”.

Philippines vốn là một quốc gia không có chủ quyền gì tại quần đảo Trường Sa vì Hiệp định Paris năm 1898 được ký kết giữa Tây Ban Nha và Hoa Kỳ đã xác định rõ: Lãnh thổ Philippines không bao gồm một đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa. Philippines có ý đồ từng bước tranh chiếm quần đảo Trường Sa để mở rộng lãnh thổ của họ về phía Tây và làm cơ sở cho yêu sách của họ. Ngoài ra, Philippines đã nhiều lần có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng trên đảo Thị Tứ. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố ảnh hưởng, tác động khiến Philippines phải ngừng lại những tuyên bố, hành động phi pháp của họ ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới