Philippines sử dụng thiết bị của Huawei trong quy hoạch đô thị, chống tội phạm và không có kế hoạch quay lưng với hãng này.
Bonifacio Global City, quận tài chính với những tòa nhà cao tầng và đường rợp bóng cây phía đông nam Manila được trang bị hơn 200 camera an ninh độ nét cao. Chúng là sản phẩm của công ty đã bị Mỹ gây sức ép: tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei.
Mạng lưới camera an ninh là một ví dụ về sự thâm nhập sâu rộng của Huawei ở thị trường Đông Nam Á, nơi họ cung cấp nhiều cơ sở hạ tầng và thiết bị kỹ thuật số như đặt cáp dưới biển, xây dựng mạng di động, thiết lập phòng nghiên cứu, kết nối văn phòng chính phủ, trung tâm thương mại và bán nhiều điện thoại thông minh hơn hầu hết đối thủ cạnh tranh.
Mỹ, nước đang trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, kêu gọi các nước ngừng giao dịch với Huawei với cáo buộc họ có thể do thám cho chính phủ Trung Quốc. Nhưng Philippines, một trong những đồng minh lâu đời nhất của Mỹ ở châu Á, đã không nghe theo lời kêu gọi của Mỹ và đang xúc tiến kế hoạch sử dụng thiết bị Huawei trong việc thử nghiệm mạng 5G và chương trình giám sát đa thành phố tiên tiến hơn hệ thống đang được triển khai ở Bonifacio Global City.
Cách tiếp cận của Philippines cho thấy nỗ lực của Mỹ trong việc làm tê liệt Huawei đã “bị Đông Nam Á lạnh nhạt”, Brian Harding, thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, nói.
Việc này cũng cho thấy ảnh hưởng của Mỹ đang bị xói mòn khi các đối tác an ninh lâu năm của nước này trong khu vực ngày càng bị ảnh hưởng bởi các khoản đầu tư của Trung Quốc.
“Một số người hoài nghi liệu các lập luận của Mỹ về bản chất bất chính của Huawei và kết nối của họ với chính phủ Trung Quốc có đúng sự thật hay không”, Harding nói. “Họ cũng thất vọng vì chính phủ Mỹ muốn mọi người tẩy chay Huawei nhưng không thể đưa ra được giải pháp thay thế khả thi”.
Với dân số 650 triệu người, trong đó gần một nửa dưới 30 tuổi và sản lượng kinh tế đã tăng gần gấp đôi trong thập kỷ qua, Đông Nam Á nổi lên như một thị trường quan trọng cho các công ty công nghệ, đặc biệt là Huawei vì các thị trường phát triển như Nhật Bản, Australia và một số khu vực ở châu Âu đã nghe theo lời kêu gọi của Washington, hạn chế giao dịch với các nhà cung cấp công nghệ Trung Quốc.
Chưa có quốc gia Đông Nam Á nào cấm thiết bị của Huawei. Các nhà phân tích nói rằng họ không muốn tẩy chay vì Huawei có những sản phẩm được coi là ngang bằng hoặc tốt hơn so với các đối thủ phương Tây như Nokia và Ericsson với giá thường rẻ hơn 20% đến 30%. “Huawei đã tạo dựng được danh tiếng là bán các thiết bị mạng giá phải chăng, hấp dẫn đối với các thị trường đang phát triển”, John Ure, giám đốc Dự án Nghiên cứu Viễn thông tại Đại học Hong Kong, cho biết.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad tháng trước tuyên bố rằng nước ông sẽ sử dụng công nghệ Huawei càng nhiều càng tốt. Ông bác bỏ những lo ngại chúng có thể được sử dụng cho hoạt động gián điệp bằng cách nói nửa đùa nửa thật: “Ở Malaysia thì có gì để mà do thám cơ chứ?”.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đầu tháng này nói với khán giả tại Đối thoại Shangri-La, diễn đàn an ninh khu vực thường niên, rằng trong khi họ vẫn chưa quyết định sử dụng nhà cung cấp 5G nào, thì “thật viển vông khi mong đợi mức bảo mật 100% từ bất kỳ hệ thống viễn thông nào”.
Các công ty viễn thông ở Campuchia, Indonesia và Thái Lan – một đồng minh quân sự lâu đời khác của Mỹ – cũng ký thỏa thuận với Huawei và cả các đối thủ của hãng này để phát triển mạng 5G. Nhật Bản là quốc gia châu Á duy nhất cấm Huawei tham gia các hợp đồng 5G.
Trong khi đó, Việt Nam đang phát triển công nghệ 5G của riêng mình, có thể hợp tác với Nokia và Ericsson. “Việt Nam mong muốn tự lực về lâu dài trong công nghệ và điều đó đặc biệt đúng với 5G”, Lê Hồng Hiệp, chuyên gia từ Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, nói.
Tại Đối thoại Shangri-La, các quan chức Mỹ cảnh báo rằng họ sẽ ngừng chia sẻ thông tin với các quốc gia sử dụng thiết bị Huawei trong mạng 5G. Andrea L. Thompson, quan chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ về các vấn đề an ninh quốc tế, nói rằng việc thuyết phục các nước tẩy chay Huawei “cần nhiều thời gian, giống như bất kỳ nỗ lực ngoại giao nào”.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại một diễn đàn ở Nhật năm 2016. Ảnh: Reuters. |
Tranh luận về Huawei đặc biệt phức tạp ở Philippines. Liên minh của họ với Mỹ đã kéo dài 7 thập kỷ nhưng đất nước 105 triệu dân này ngày càng xích lại gần Trung Quốc dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, người đã hạ thấp vấn đề tranh chấp chủ quyền với Bắc Kinh để có những hợp tác kinh tế lớn.
Philippines bắt đầu giao dịch với Huawei từ năm 2010 với thỏa thuận 700 triệu USD để hiện đại hóa mạng của doanh nghiệp viễn thông nội địa Globe. Các quản lý của Globe tin rằng những lo ngại về vấn đề bảo mật của Huawei bị thổi phồng và họ đang thúc đẩy kế hoạch tung ra dịch vụ 5G sử dụng thiết bị Huawei trong năm nay. “Huawei vẫn tiếp tục là đối tác quan trọng”, phát ngôn viên của hãng Globe Maria Yolanda Crisanto nói.
Một số người trong quân đội Philippines “chia sẻ lo ngại của Mỹ về Huawei, nhưng hiện họ chiều theo ý chính quyền”, một quan chức an ninh cấp cao Philippines giấu tên nói.
Huawei đang đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực chống tội phạm của Philippines. Bonifacio Global City được xây dựng trên địa điểm cũ của Fort McKinle, căn cứ quân đội Mỹ được thành lập sau khi Chiến tranh Mỹ – Tây Ban Nha kết thúc vào năm 1898. Sau khi đánh bật quân đội Nhật Bản trong Trận Manila, dẫn đến chiến thắng của phe Đồng minh trong Thế chiến II, Mỹ trao lại căn cứ cho địa phương kiểm soát vào năm 1949. Căn cứ cuối cùng bị san bằng để thiết lập trung tâm tài chính nhằm giảm nạn tắc đường ở trung tâm Manila.
Trong một văn phòng ở Bonifacio, các nhân viên theo dõi một loạt màn hình với những hình ảnh ghi được từ camera an ninh của Huawei. Nếu có tai nạn giao thông, cảnh sát sẽ được thông báo để phân luồng phương tiện. Gần như không có tội phạm ở đây.
Trang web của Huawei mô tả đây là hình mẫu quy hoạch thành phố. Các nhà phát triển hy vọng mạng 5G sẽ cho phép thực hiện nhiều tiến bộ hơn như nhận diện khuôn mặt và phương tiện.
“Mục tiêu của chúng tôi là trở thành thành phố thông minh thực sự, nhưng việc triển khai 5G còn là trở ngại”, Sean Luarca, phát ngôn viên của cơ quan phát triển Bonifacio Global City, cho biết. “Chuyện xảy ra với Huawei thật là đáng tiếc vì các sản phẩm của họ có chất lượng tốt. Chúng tôi vẫn tin tưởng họ cho đến khi có bằng chứng chứng minh họ có hành vi sai trái”.
Chính quyền Duterte còn công bố thỏa thuận trị giá 397 triệu USD với một công ty nhà nước Trung Quốc cho dự án có tên Safe Philippines, sẽ lắp đặt hơn 10.000 camera an ninh độ nét cao trên khắp Manila và tại thành phố Davao, quê hương của Tổng thống. Giới chức kỳ vọng hệ thống giám sát sẽ giúp giảm tội phạm và cải thiện thời gian phản ứng của cảnh sát.
Các nhà phân tích dự đoán một số thiết bị sẽ được cung cấp bởi Huawei. Giới chức phụ trách dự án cho biết dữ liệu nhạy cảm sẽ không được lưu trữ và hệ thống sẽ bao gồm “các tường lửa cần thiết để bảo vệ khỏi tin tặc và các mối đe dọa khác”.
Diosdado T. Valeroso, một quan chức cấp cao của Bộ Nội vụ và Chính quyền Địa phương Philippines tự tin rằng họ có thể bảo vệ dữ liệu dù làm việc với công ty công nghệ nào.
“Huawei là công ty lớn và có thị phần lớn. Bất cứ ai cũng có thể đến với Huawei và mua thiết bị họ cần”, Valeroso nói. “Chúng tôi hoan nghênh nhà thầu sử dụng bất kỳ thương hiệu nào họ muốn, miễn là nó phù hợp với thông số kỹ thuật”.
Các đối thủ của Huawei chưa bỏ cuộc tại Đông Nam Á. Công ty Nokia của Phần Lan đã ký thỏa thuận để thử nghiệm 5G tại Thái Lan và Malaysia, cũng như ở Philippines, nơi họ đạt được thỏa thuận với nhà khai thác viễn thông lớn nhất đất nước, PLDT.
Các công ty khác đang trì hoãn ra quyết định về 5G, đặc biệt là sau khi Tổng thống Mỹ Trump nói rằng ông có thể xóa bỏ lệnh cấm đối với Huawei như một phần của thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Ông Ure thuộc Đại học Hong Kong cho rằng tuyên bố đó đã làm giảm sức nặng của lập luận rằng Huawei không đáng tin, khiến các nước có thể diễn giải Mỹ cấm Huawei chỉ để gâp áp lực trong chiến tranh thương mại chứ không thật sự vì rủi ro an ninh. “Mỹ đang phát đi quá nhiều tín hiệu lẫn lộn”, Ure nói.