Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu gây tác động tới số lượng lớn hàng hóa xuất khẩu từ châu Á vào Mỹ do sự dịch chuyển đáng kể từ Trung Quốc.
Theo số liệu của Alphaliner (tổ chức chuyên cung cấp thông tin về vận tải biển và hàng hải), trong 5 tháng đầu năm, lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ đã giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2018, trong khi nhập khẩu từ châu Á trừ Trung Quốc tăng 14,6%.
Việt Nam là nước hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng này, với 564.420 teu (đơn vị hàng hóa được công-te-nơ hóa theo tiêu chuẩn) xuất khẩu sang Mỹ, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước.
Alphaliner nói thêm: Các hãng vận tải xuyên Thái Bình Dương đã kiếm được bộn tiền nhờ vào số lượng hàng tăng lên từ Việt Nam, họ đã có thêm hai đợt cập cảng mới từ cảng Hải Phòng (HICT) trong năm nay, cùng với tổng cộng 12 đợt cập cảng từ cảng Cái Mép, Vũng Tàu.
Tuy nhiên, đã có một số nghi ngại về việc liệu Việt Nam thực sự có thể đẩy mạnh sản xuất nhanh như vậy hay không. Bloomberg hôm 11/6 có một bài báo cho rằng các công ty Trung Quốc đang bị cáo buộc sản xuất những chứng nhận xuất xứ sản phẩm giả và thực hiện chuyển hàng hóa bất hợp pháp qua Việt Nam để tránh thuế quan, qua đó xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ từ Việt Nam.
Đàm phán thương mại Mỹ -Trung: Dân Trung Quốc ‘nhắm hỏa lực’ vào phó Thủ tướng
Những sự gia tăng đáng kể khác được ghi nhận từ Châu Phi, với mức tăng 14,3%, Trung Đông, ở mức 10,3%, Châu Âu, ở mức 8,1% và Châu Mỹ Latinh 6,6%.
Nhận xét tổng quan, Alphaliner cho rằng, sau Trung Quốc, tổng lượng xuất khẩu sang Mỹ của 15 quốc gia xuất nhiều nhất là 3,6 triệu tấn, vẫn nhỏ hơn 3,87 triệu tấn hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ trong giai đoạn này.
Đề cập đến những chính sách và lời đe dọa của tổng thống Mỹ trong việc áp thuế suất 25% lên 100% hàng nhập khẩu của Trung Quốc, công ty tư vấn Drewry cho rằng việc vũ khí hóa thuế quan của ông Trump đang buộc các doanh nghiệp phải tìm cách tự vệ và tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu để tránh ảnh hưởng.
Drewry cho biết thêm: Chuyển đổi địa điểm sản xuất không phải là một việc đơn giản và doanh nghiệp phải cân nhắc tất cả các yếu tố, bao gồm chi phí và kỹ năng người lao động địa phương, cơ sở hạ tầng, cũng như sự ổn định của nền chính trị và pháp lý, tất cả các yếu tố đều quan trọng và thay đổi tùy thuộc vào ngành sản xuất.
Những cuộc đàn áp đức tin tàn khốc nhất trong lịch sử
Và dù có vẻ như tất cả hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ cuối cùng sẽ bị ảnh hưởng bởi thuế quan, thúc đẩy sự chuyển hướng thương mại, thì vẫn sẽ cần có thời gian để những quốc gia xuất khẩu thay thế tăng cường năng lực sản xuất qua đó đáp ứng nhu cầu. Hiện tại, Trung Quốc vẫn đang thống trị tại một số ngành hàng.
Trong khi đó, các nhà kinh tế không mong đợi bất kỳ sự gia tăng căng thẳng nào nữa trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cho đến khi cuộc gặp tiềm năng Trump – Tập bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản vào ngày 28 – 29/6 diễn ra.