Bản tin Biển Đông ngày 17/06/2019.
Indonesia thất vọng về sự chậm trễ trong việc ASEAN tuyên bố tầm nhìn chung Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương
Ngày 16/6, trang Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin, Indonesia đã khéo léo thể hiện sự thất vọng của mình với Singapore về việc trì hoãn để các quốc gia ASEAN tuyên bố một tầm nhìn chung cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Ngày 13/6, một nhà ngoại giao Indonesia giấu tên nói với tờ Jakarta Post rằng kế hoạch để các nước ASEAN ký kết một “khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Bangkok tháng này có thể bị trì hoãn vì Singapore chưa xác nhận.
Theo thông tin được tiết lộ từ Indonesia, phía Singapore lập luận rằng khái niệm này vẫn cần thảo luận, nhưng khi được hỏi vấn đề này cần thảo luận về nội dung gì thì câu trả lời nhận được từ phía Singapore không rõ ràng, mặc dù “khái niệm” đã được thảo luận trong hơn một năm.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi và người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Indonesia đã không bình luận gì về vấn đề này khi được yêu cầu trả lời.
Trung Quốc sẽ trừng phạt ngư dân nếu chứng minh họ làm chìm tàu cá Philippines
Ngày 14/6, mạng PTV NEWS đưa tin, Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa (Zhao Jianhua) cho biết Trung Quốc sẽ trừng phạt những người chịu trách nhiệm về vụ chìm tàu Philippines ở Biển Tây Philippines nếu chứng minh được rằng họ là công dân Trung Quốc. “Nếu đúng là tàu cá Trung Quốc đã làm điều đó, họ sẽ bị trừng phạt vì các hành vi vô trách nhiệm của họ”. Theo ông Triệu Giám Hoa, Trung Quốc hy vọng sự cố này có thể được xử lý nội bộ giữa hai nước trong một bối cảnh thích hợp. Vụ việc đang được điều tra kỹ lưỡng và nghiêm túc. Trung Quốc chia sẻ sự lo ngại với Philippines về vụ việc.
Ngày 13/6, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. khẳng định rằng Philippines đã gửi Công hàm phản đối đến Trung Quốc.
Philippines yêu cầu Liên Hợp Quốc bảo vệ ngư dân trên biển
Trong bối cảnh sau vụ tàu đánh cá Philippines và một tàu Trung Quốc xảy ra va chạm ở Biển Đông, Philippines đã yêu cầu Liên Hợp Quốc đặt ưu tiên việc bảo vệ cuộc sống trên biển của ngư dân lên hàng đầu.
Ngày 15/6, hãng tin Bloomberg đưa tin, trong một bài đăng trên tài khoản Twitter, Ngoại trưởng Teodoro Locsin cho biết ông đã ủy quyền cho Đại sứ quán Philippines tại Luân Đôn đệ trình một Công hàm phản đối lên Liên Hợp Quốc và Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO). Ngoài ra, Philippines cũng đã đệ trình yêu cầu của Chính phủ lên IMO về việc các ngư dân Philippines đã bị bỏ rơi “một cách tàn nhẫn” và sẽ bị thiệt mạng nếu không có sự giúp đỡ của tàu Việt Nam.
Ngày 16/6, Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim cho biết “bất kỳ một cuộc tấn công vũ trang nào vào tàu, máy bay của Philippines cũng sẽ kích hoạt nghĩa vụ của Mỹ theo Hiệp ước phòng thủ lẫn nhau.
Bên cạch đó, Chánh án Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio cho biết, ông tin rằng tàu dân quân biển của Trung Quốc có khả năng đứng sau vụ đâm tàu của Philippines ở vùng biển tranh chấp vào ngày 9/6. Ông Antonio Carpio kêu gọi người dân Philippines hãy có lập trường mạnh mẽ chống lại những hành động gây hấn mới nhất của Trung Quốc. Vụ việc có thể là dấu hiệu bắt đầu một kiểu tấn công mới trong khu vực có tranh chấp của Trung Quốc nhằm đuổi các tàu cá Philippines ra khỏi Biển Đông.
Trước đó, ngày 15/6, Bloomberg cho biết, Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines xác nhận trên twitter rằng “một tàu cá Trung Quốc có liên quan đến vụ va chạm với ngư dân Philippines ở Biển Đông nhưng phủ nhận rằng nó đã đâm và bỏ rơi họ. Trung Quốc đã điều tra sơ bộ và cho thấy tàu cá Trung Quốc Yuemaobinyu 42212 của Quảng Đông đang đánh cá vào khoảng nửa đêm ngày 9/6 thì bất ngờ bị bao vây bởi bảy hoặc tám tàu đánh cá Philippines. Trong tuyên bố của mình, Trung Quốc cho biết một trong những chiếc thuyền của Philippines ở Bãi Cỏ Rong đã bị nghiêng sau khi bị “cáp thép” của tàu Trung Quốc đâm vào. Thuyền trưởng của tàu cá Trung Quốc đã cố gắng giải cứu ngư dân Philippines nhưng sợ bị bao vây bởi các tàu đánh cá khác.
Hai nhà lập pháp đối lập của Philippines ngày 15/6 đã bày tỏ nghi ngờ về thông tin này của Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines. Thượng nghị sĩ Risa Hontiveros cho biết đây là nỗ lực của Trung Quốc nhằm che đậy cho các ngư dân Trung Quốc có liên quan khỏi mọi trách nhiệm. Nghị sĩ Gary Alejano, một cựu sĩ quan hải quân, cho những thông tin này của Trung Quốc là vô lý và nói rằng người Philippines sẽ không dám bao vây một tàu Trung Quốc khi biết sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông.