Giới phân tích cho rằng, các chính trị gia Mỹ cần tính toán cẩn thận các hệ lụy khi cạnh tranh Mỹ – Trung bùng phát thành chiến tranh lạnh toàn diện.
Tuần trước, giáo sư sử học Stephen Wertheim thuộc Đại học Columbia đã cho đăng tải một bài xã luận trên tờ New York Times cảnh báo về các nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ông Wertheim lo lắng, quan điểm ở Washington về hiện trạng mối quan hệ với Trung Quốc đã thay đổi đáng kể trong vài năm trở lại đây, trên khắp chính trường. Các chính trị gia thuộc đảng Dân chủ dường như cũng “chủ chiến” với Trung Quốc như Tổng thống Donald Trump.
Theo ông Wertheim, cách tiếp cận bài Trung của chính quyền ông Trump đang đẩy Mỹ vào nguy cơ leo thang căng thẳng với Trung Quốc tới mức hai bên sẽ không thể hợp tác nữa.
Hiện có thể hơi sớm để gióng lên hồi chuông báo động liên quan đến nếp nghĩ ở Washington về sự trỗi dậy của một cuộc chiến tranh lạnh mới. Song, việc tính toán cẩn thận các khía cạnh của cuộc đối đầu Mỹ – Trung cũng rất quan trọng.
Bất chấp sự “phân tách” đang tiếp diễn, mối quan hệ Mỹ – Trung chặt chẽ hơn cũng như đóng vai trò quan trọng với nội bộ mỗi nước, hơn nhiều so với mối quan hệ Mỹ – Liên Xô vào năm 1945.
Mối quan hệ kinh tế, xã hội và chính trị mà Trung Quốc và Mỹ thiết lập kể từ những năm 1990 đã giúp đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi nghèo đói và thông qua đó biến đổi nền kinh tế của cả hai nước.
Hàng triệu người qua lại giữa hai nước và vốn hiểu biết văn hóa lẫn nhau cũng được tăng cường. Các khác biệt “nền văn mình” giữa Trung Quốc và Mỹ (hoặc giữa Mỹ và Nhật) không ngăn cản hai bên phát triển một trong những mối quan hệ kinh tế hiệu quả nhất trong lịch sử thế giới.
Những điểm bất đồng giữa Bắc Kinh và Washington chắc chắn tồn tại. Các quan ngại về sự chiếm đoạt công nghệ là có thật, mặc dù có lẽ ít xuất hiện hơn so với những huyên náo trong hai năm vừa qua. Quân đội Trung Quốc đang ngày càng lớn mạnh.
Theo tạp chí The Diplomat, ông Wertheim chỉ ra rằng, Mỹ và Trung Quốc vẫn cần phải cùng nhau bắt tay giải quyết các vấn đề kiểm soát toàn cầu. Sự biến đổi khí hậu có thể là vấn đề lớn nhất trong số này, nhưng còn nhiều lĩnh vực khác mà hai nước có thể hưởng lợi từ hợp tác.
Mỹ và Liên Xô đã hợp tác trong nhiều vấn đề toàn cầu, dù vẫn xem nhau là mối đe dọa hiện hữu. Xét quy mô mối quan hệ hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc, Washington và Bắc Kinh nhiều khả năng có nhiều lĩnh vực hợp tác hơn.
Ông Wertheim đã đúng về tính thống nhất trong việc thay đổi thái độ của các chính trị gia Mỹ đối với Trung Quốc. Sự chuyển biến đó càng đáng chú ý hơn trong bối cảnh phân cực của chính giới Mỹ.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 cũng có thể làm cho mọi thứ tồi tệ hơn, tạo ra lối cường điệu hóa mà sự đồng thuận lưỡng đảng thường mang tới. Trong số các ứng cử viên chủ chốt, cho đến nay chỉ có mình ông Joe Biden đưa ra lưu ý tiết chế về Trung Quốc.
Điều này có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu xét đến việc ông Biden luôn tương thích dễ dàng với hầu hết sự đồng thuận chính sách đối ngoại của lưỡng đảng kể từ những năm 1990.
Cạnh tranh đang có nguy cơ phát triển “toàn diện”, đến mức khiến chiến tranh lạnh dường như là hậu quả tất yếu. Ngay cả những nhân vật có quan điểm diều hâu về Trung Quốc ở Washington được cho cần phải đánh giá cẩn thận về những gì tạo nên mặt tích cực trong mối quan hệ Mỹ – Trung.