Wednesday, November 20, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnHồng Kông biểu tình với chiến thuật mới: Không có lãnh đạo

Hồng Kông biểu tình với chiến thuật mới: Không có lãnh đạo

Cuộc biểu tình lớn nhất Hồng Kông trong hơn hai thập niên để phản đối dự luật dẫn độ đã có một thay đổi chiến thuật quan trọng so với phong trào Dù Vàng 5 năm trước đây: Phi tập trung hóa và không có người lãnh đạo.

Chiến thuật này khiến chính quyền gặp lúng túng trong việc đối phó với phong trào vì họ không tìm ra ‘cái đầu’ của phong trào để chặt.

Cuộc biểu tình ở Hồng Kông bùng phát từ hôm 2/6, phản đối dự luật dẫn độ mà người biểu tình cho rằng sẽ dọn đường để chính quyền đại lục có thể xét xử những nhà hoạt động dân chủ của Hồng Kông bằng hệ thống tư pháp đầy khiếm khuyết.

Các con số thống kê khác nhau cho thấy có từ vài trăm ngàn cho đến cả triệu người tham gia biểu tình.

Người biểu tình đang chuẩn bị cho một đợt biểu dương lực lượng lớn lần thứ hai dự kiến vào Chủ Nhật, 16 tháng Sáu, trong lúc chính quyền Hồng Kông không có dấu hiệu gì cho thấy họ sẽ lùi bước.

Tổ chức thuần thục

Từ Hồng Kông, thông tín viên Alice Su của tờ Los Angeles Times mô tả quang cảnh cuộc biểu tình như sau:

Một đám đông người biểu tình đeo mặt nạ chạy thục mạng trên đường, hơi cay đang bao trùm phía sau họ.

Bất thình lình, có tiếng hô phía sau: ‘Ống hít!’.

Tất cả mọi người đứng yên. “Ống hít! Ống hít!” họ đồng thanh hô vang.

Trong vòng 20 giây, có hai phụ nữ trẻ chạy lên phía trước, thò tay vào túi lấy các ống hít trợ hô hấp và chuyền lên.

“Được rồi!” người thanh niên ở phía xa la lớn. Những người biểu tình vừa đứng yên lúc nãy quay người và tiếp tục chạy trong khi các đám khói cay lan ra phía sau lưng họ.

Người biểu tình Hồng Kông đã xuống đường hôm 12/6 như thể là họ đã tập luyện trong nhiều năm.

Bất cứ ai cần mũ bảo hiểm, mặt nạ hay dù sẽ ngước lên trời và hô lớn. Những người xung quanh họ sẽ ngừng lại và chuyền thông điệp này ngay lập tức qua đám đông với tiếng hô đồng thanh và động tác tay hài hòa: vỗ tay vào đầu nếu cần nón bảo hiểm, nắm tay lại đưa lên mắt nếu cần kính bảo vệ, xoay vòng hai cánh tay nếu cần tấm màng bọc để bảo vệ da không tiếp xúc với hơi cay và hạt tiêu.

Vẫn theo Los Angeles Times, 5 năm kể từ ngày Phong trào Dù vàng ủng hộ dân chủ bùng phát ở Hồng Kông, mà khi đó những nhân vật nổi bật dẫn dắt đám đông chiếm giữ khu trung tâm thành phố bị bắt giữ và bị buộc phải đi lưu vong, thanh niên Hồng Kông đã phi tập trung hóa các cuộc biểu tình của họ. Họ tự tổ chức rất hoàn hảo mặc dù không có ai phụ trách.

Kinh nghiệm ‘diễn tập’

“Đây là một mô hình mới của các cuộc biểu tình ở Hồng Kông,” anh Baggio Leung, 32 tuổi, người tập hợp của Youngspiration, một nhóm hoạt động chính trị địa phương được thành lập sau Phong trào Dù vàng, nói với Los Angeles Times.

Phong trào Dù vàng, diễn ra vào cuối năm 2014 để đòi được quyền phổ thông đầu phiếu trong việc bầu người lãnh đạo đặc khu, cuối cùng đã thất bại khi không đạt được nhượng bộ nào từ phía chính quyền. Khi đó những người biểu tình đã áp dụng chiến thuật là ‘chiếm giữ’ (sit-in). Họ đã chiếm giữ những khu trung tâm Hồng Kông như Đồng La Loan, Vượng Giác và Kim Chung trong hơn hai tháng.

Lần này, người biểu tình Hồng Kông cố tình để cho không có người lãnh đạo, anh Leung nói.

“Nhìn nó có vẻ tổ chức tốt và có kỷ luật như thế, nhưng tôi có thể chắc rằng chúng ta không thể tìm thấy có ai quản lý tất cả mọi thứ,” anh Leung nói và cho biết các hoạt động hậu cần của người biểu tình – vận chuyển đồ dùng, dựng trạm cứu thương và liên lạc nhanh trong đám đông – đều là có sẵn sau những năm ‘diễn tập’ vừa qua.

“Nó giống như một cỗ máy hay trí tuệ nhân tạo tự học hỏi và tự hoạt động dựa trên kinh nghiệm vậy,” anh Leung giải thích.

Nhiều nhóm đang tham dự vào làn sóng biểu tình của quần chúng. Các công đoàn, các hội sinh viên, các tổ chức tôn giáo, các nhóm hoạt động dân chủ như Demosisto đều kêu gọi các thành viên tham gia vào cuộc biểu tình.

Vào sáng thứ Sáu ngày 14/6, các thành viên nhóm Demosisto tràn ngập tại một nhà ga metro vào giờ cao điểm. Bảy người trong số họ quỳ trên mặt đất kêu gọi các nhân viên văn phòng đi ngang qua tham dự vào một cuộc tập hợp chống lại dự luật dẫn độ được lên kế hoạch vào Chủ nhật tuần này.

Nhưng Demosisto chỉ là một trong nhiều nhóm tham gia biểu tình. Và không có nhóm nào trong số này đứng ra giành quyền lãnh đạo.

“Chúng tôi chỉ là những người tham dự. Phong trào hoàn toàn tự trị và không có lãnh đạo,” anh Nathan Law, 25 tuổi, chủ tịch sáng lập của Demosisto, cho biết.

Thảo luận trên mạng

Theo Los Angeles Times dẫn lời anh Law, đa số những người biểu tình không tham gia với tư cách là thành viên của bất kỳ tổ chức nào, nhưng họ biết thông tin về các hoạt động thông qua các nền tảng mạng xã hội.

“Mọi người nhận thông tin từ các mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến và các kênh trò chuyện và họ tự quyết định mình sẽ làm gì,” anh Law nói thêm. “Mọi người bỏ phiếu trên mạng Internet.”

Một diễn đàn trực tuyến thu hút đông đảo người tham gia là LIHKG, phiên bản Reddit của người Hồng Kông nơi những người dùng ẩn danh đưa lên những ý tưởng sáng tạo về biểu tình: chặn các trạm xe điện ngầm, tập hợp lại thắp nến hay ‘dã ngoại’, thực hiện các trò nhại chống lại luật dẫn độ trong đó đề cao các giá trị bảo thủ để lôi kéo người lớn tuổi tham gia.

“Mọi người sẽ bàn bạc họ ủng hộ hay chống đối các ý tưởng đó,” anh Law nói. Nếu có ý tưởng nào đó được ủng hộ nhiều nhất thì mọi người sẽ hành động.

“Người A sẽ đưa ra ý tưởng nào đó trên diễn đàn, trong khi người B nói ý khác. Ngày hôm nay nhiều người ủng hộ ý người A, nên chúng tôi làm theo,” anh Philip Leung, một sinh viên tích cực tham gia vào diễn đàn LIHKG và các diễn đàn mạng xã hội khác, cho biết.

Việc không biết người A, người B là ai cũng không có hề gì, anh nói thêm.

“Chúng tôi bày tỏ những ý tưởng tự do thay vì tôn sùng một người nào đó,” anh Leung nói và cho biết trọng tâm duy nhất kết nối tất cả những người biểu tình với nhau là sự phản đối của họ đối với dự luật dẫn độ

“Chúng tôi không có bất kỳ ai hoặc bất kỳ tổ chức nào bảo chúng tôi phải làm gì.”

Sự trấn áp của cảnh sát đã đẩy những nhà hoạt động trẻ tuổi phi tập trung hóa hơn nữa. Họ chia nhỏ những nhóm trao đổi khổng lồ trên Telegram thành những nhóm nhỏ hơn. Giới trẻ Hồng Kông đã huy động trên hàng chục trang Instagram, các nhóm trò chuyện và các nhóm bạn theo kiểu cũ nhưng lôi kéo thêm người tham gia.

Các bà mẹ xuống đường

Có dấu hiệu cho thấy người lớn tuổi cũng bắt đầu tham gia. Hôm 13/6, hơn 44.000 người mẹ Hồng Kông đã ký một thư ngỏ gay gắt gửi đến Trưởng Đặc khu là bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga sau khi bà Lâm phát biểu trên truyền hình rằng lắng nghe người biểu tình chẳng khác nào một người mẹ ‘nuông chiều’ đứa con hư đốn.

“Chúng tôi là những người mẹ ở Hồng Kông, và chúng tôi chắc chắn không sử dụng hơi cay, đạn cao su gây sát thương đối với con cái chúng tôi và chúng tôi không thể nào đứng trơ ra nếu chúng tôi nhìn thấy các cô cậu thanh niên mặt đầy máu sau khi bị đánh bằng dùi cui cảnh sát,” lá thư ngỏ viết.

Hàng trăm bà mẹ giận dữ đã tập hợp ở một công viên hôm 14/6 trong ‘cuộc tập hợp của các bà mẹ’ chống lại dự luật dẫn độ và bạo lực của cảnh sát. Họ giương cao biểu ngữ ghi: “Đừng bắn vào con chúng tôi.”

“Bạo lực thật sự đến từ nỗ lực cố ý và kiên quyết của chính quyền Hồng Kông muốn trở thành kẻ thù của nhân dân,” Susanne Choi, một trong những người tổ chức cuộc biểu tình, nói. “Chúng tôi tập hợp ở đây để gửi một tín hiệu đến với những bạn trẻ rằng họ không đơn độc. Chúng tôi sẽ đứng phía sau họ.”

“Quý vị phụ nữ, hãy xuống đường,” một trong những diễn giả nói. “Hãy xem cảnh sát đánh đập phụ nữ như thế nào. Hãy xuống đường vào Chủ nhật! Hãy xuống đường vào Thứ Hai! Hãy xuống đường vào Thứ Ba! Hãy xuống đường mỗi ngày!”

Nguy cơ bạo lực

Phong trào phi tập trung hóa sẽ khó để kiểm soát hơn đối với chính quyền. Cảnh sát có thể bắt giữ cá nhân nhưng không có ai chủ chốt để mà bắt.

Kể từ khi cuộc biểu tình bùng phát, cảnh sát đã bắt giữ 34 người, trong đó có bốn người biểu tình được bắt đi từ bệnh viện với cáo buộc gây bạo loạn và một điều hành viên một nhóm “chat” trên Telegram từ nhà riêng của anh này.

Tuy nhiên việc thiếu kiểm soát cũng có thể gây nguy hiểm, anh Leung nói. Vào cuối ngày 12/6, với căng thẳng dâng cao và hơn một ngàn thanh niên biểu tình vẫn còn ở trên đường dựng rào cản dã chiến chặn cảnh sát chống bạo động, anh Leung lo lắng không có cách nào để giảm căng thẳng.

“Nếu cảnh sát nổ súng, tất cả mọi người sẽ chết. Họ không có vũ khí trong tay,” Leung nói. Nếu có người lãnh đạo, họ có thể bước ra và kêu gọi rút lui trong trường hợp cảnh sát đem súng đạn thật đến, ông nói – một hình ảnh làm người biểu tình nhớ đến Quảng trường Thiên An Môn.

“Nếu tôi có một vị trí nào đó, tôi có thể kêu gọi họ về nhà,” anh Leung nói. “Nhưng tôi không phải là người kêu gọi họ xuống đường nên họ có thể chọn không nghe lời tôi. Tôi là ai mà quyết định được chứ?”

RELATED ARTICLES

Tin mới