Nhằm thực hiện mưu đồ “độc chiếm Biển Đông”, thời gian gần đây Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp các cam kết chính trị với ASEAN và Việt Nam, thực hiện một có hệ thống các hành vi vi phạm pháp luật quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên các vùng biển, đảo của của Việt Nam đã được luật pháp quốc tế và đặc biệt là UNCLOS thừa nhận.
Các hành vi của Trung Quốc trong thời gian gần đây dưới góc nhìn của luật pháp quốc tế
Các hành vi của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông gồm: Tuyên bố về yêu sách đường chữ U chín đoạn chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông ngày 7/5/2009; Thành lập thành phố Tam Sa, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam ngày 22/6/2012; Tiến hành tôn tạo, xây dựng trái phép các bãi cạn trên quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đã xâm lược của Việt Nam tháng 3/1988 (bãi Châu Viên, Chữ Thập, Gạc Ma, Ga ven, Tư Nghĩa, Su Bi); Đưa vào hệ thống đăng ký quyền sử dụng đất đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam tháng 6/2014; Vẽ lại bản đồ quốc gia theo khổ dọc với đường 10 đoạn chiếm hơn 90% diện tích Biển Đông ngày 26/6/2014; Tiến hành quân sự hóa các thực thể đang chiếm đóng trái phép ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa…
Các hành vi nói trên của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền đối với lãnh hải và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là những bộ phận không thể tách rời của Việt Nam. Về phương diện pháp luật quốc tế, đây là hành vi “xâm lược mềm”, “xâm lược bằng bản đồ” của Trung Quốc. Các hành vi này được Trung Quốc thực hiện một cách bài bản, có hệ thống nhằm từng bước thay đổi hiện trạng ở Biển Đông, cụ thể hóa âm mưu độc chiếm Đông. Đồng thời, biến Biển Đông nằm trọn trong vành đai liên hoàn với 3 điểm tiền tiêu chiến lược từ Bắc xuống Nam gồm: Đảo Hải Nam, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam để từ đó kiểm soát, khống chế toàn bộ tuyến đường hàng hải, hàng không và mọi hoạt động trên Biển Đông, biến Biển Đông thành “ao” riêng của Trung Quốc.
Các hành vi của Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên Biển Đông gồm: Dùng tàu Hải giám quấy nhiễu và cắt cáp ngầm của tàu Bình Minh 2 đang hoạt động thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ngày 25/6/2011; Ngang nhiên mời thầu quốc tế 09 lô dầu khí hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam năm 6/2012; Cản trở hoạt động hợp tác khai thác dầu khí của Việt Nam với các công ty nước ngoài; Ngăn chặn, cản trở ngư dân Việt Nam khai thác, đánh bắt cá hợp pháp trên Biển Đông… Các hành vi này đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã được Việt Nam xác lập và thực thi phù hợp với UNCOLS. Không những vậy, những hành vi này còn vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã được Việt Nam xác lập và thực thi phù hợp với UNCOLS.
Tham vọng bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc không dừng lại mà ngày càng gia tăng cả về tính chất và mức độ nguy hiểm, đe doạ hoà bình, an ninh, tự do hàng hải, hàng không và thương mại của khu vực và thế giới.
Vụ hạ đặt trái phép giàn khoan 981
Đỉnh điểm là sự kiện Tổng công ty dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo quy định của UNCLOS (cách đảo Lý Sơn, điểm cơ sở số 10 trên tuyến đường cơ sở của Việt Nam xác lập theo Tuyên bố của Chính phủ CHXHCN Việt Nam ngày 12/11/1982, 119 hải lý) vào ngày 1/5/2014. Đánh giá trên tất cả các phương diện pháp luật, chính trị và quan hệ quốc tế, hành vi hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên Hợp quốc, các nguyên tắc điều chỉnh mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia (các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế), UNCLOS, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC năm 2002 và các thỏa thuận song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc, cụ thể:
Về phương diện pháp luật quốc tế, đây là hành vi vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước CHXHCN Việt Nam đã được thừa nhận và quy định trong UNCLOS. Theo UNCLOS, quốc gia ven biển có quyền thiết lập vùng đặc quyền kinh tế rộng không quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong vùng biển này, quốc gia ven biển có các quyền thuộc chủ quyền về kinh tế (quyền thăm dò khai thác, bảo tồn, quản lý tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như các hoạt động khác nhằm thăm dò, khai thác vùng biển này vì mục đích kinh tế, như việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió). Đồng thời, quốc gia ven biển có quyền tài phán (cho phép, kiểm tra, giám sát, xử lý ) đối với các hoạt động lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình, nghiên cứu khoa học về biển và bảo vệ và gìn giữ môi trường biển.
Để thực hiện quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình, UNCLOS cho phép các quốc gia ven biển có quyền “ thi hành mọi biện pháp cần thiết, kể cả việc khám xét, kiểm tra, bắt giữ và khởi tố tư pháp để bảo đảm việc tôn trọng các luật và quy định mà quốc gia đã ban hành theo đúng Công ước”.
Bên cạnh đó, UNCLOS cũng quy định trách nhiệm của các quốc gia khác, “khi thực hiện các quyền và làm các nghĩa vụ của mình theo Công ước, các quốc gia phải tính đến các quyền và các nghĩa vụ của quốc gia ven biển và tôn trọng các luật và quy định mà quốc gia ven biển đã ban hành theo đúng các quy định của Công ước…”.
Đối với đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, UNCLOS cho phép quốc gia ven biển thiết lập một vùng đáy biển có chiều rộng tính từ đường cơ sở đến rìa lục địa hẹp nhất là 200 hải lý và rộng nhất là 350 hải lý là thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia. Quốc gia ven biển có các quyền thuộc chủ quyền đối với mọi tài nguyên thiên nhiên có trong thềm lục địa của mình. Đây là các quyền có tính chất đặc quyền, nghĩa là các quốc gia ven biển không thăm dò thềm lục địa hay không khai thác tài nguyên thiên nhiên của thềm lục địa, thì không ai có quyền tiến hành các hoạt động như vậy, nếu không có sự thỏa thuận rõ ràng của quốc gia đó.
Đồng thời, quốc gia ven biển có quyền tài phán ở thềm lục địa trong 4 lĩnh vực: (i) Lắp đặt các đảo và công trình thiết bị nhân tạo; (2) Nghiên cứu khoa học về biển; (iii) Khoan ở thềm lục địa; (iiii) Bảo vệ giữ gìn môi trường biển.
Nghiêm trọng hơn, khi các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt việc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan Hải Dương 981 thì Trung Quốc đã huy động thường xuyên và liên tục một lực lượng hùng hậu với hơn 100 tàu các loại gồm cả tàu hộ vệ tên lửa, tàu tấn công nhanh, tàu kéo, tàu hải giám, tàu ngư chính, tàu hải cảnh, tàu hải tuần và hàng trăm lượt máy bay quân sự đe dọa và tấn công các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam và tàu cá của ngư dân Việt Nam, làm thiệt hại nặng nề đối với tài sản và sức khỏe của các chiến sĩ Cảnh sát biển, Kiểm ngư viên và ngư dân Việt Nam. Đây là hành vi sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, vi phạm Hiến chương Liên hợp quốcvà các nguyên tắc điều chỉnh mối quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia đã được Đại hội đồng Liên hợp quốcthông qua ngày 24/10/1970 trong đó có Nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia; Nguyên tắc cấm sử dụng và đe doạ sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; Nguyên tắc hoà bình giải quyết các tranh chấp quốc tế; Nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với nhau và Nguyên tắc tậntâm thực hiện các cam kết quốc tế (tận tâm thực hiện các cam kết quốc tế Pacta sunt servanda). Đặc biệt, hành vi này của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng các quyền thuộc chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được UNCLOS ghi nhận mà Trung Quốc, một cường quốc của thế giới và là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốcđã phê chuẩn năm 1996, lẽ ra Trung Quốc phải gương mẫu và tuân thủ thực hiện.
Về phương diện pháp luật quốc gia, hành vi hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 đã vi phạm nghiệm trọng pháp luật Việt Nam, đặc biệt là Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam 2013 và Luật Biển Việt Nam năm 2012. Trong đó, Luật Biển Việt Nam 2012, một đạo luật chuyên ngành về biển, là cơ sở pháp lý quốc gia quan trọng nhất để nhà nước, cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam quản lý, khai thác và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển của Việt Nam (nội thuỷ, lãnh hải, tiếp giáp lãnh hải, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa) đã xác lập hoàn toàn phù hợp với UNCLOS.
Trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Luật Biển Việt Nam 2012 quy định:Vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong vùng đặc quyền kinh tế, Nhà nước thực hiện, quyền chủ quyền về việc thăm dò, khai thác, quản lý và bảo tồn tài nguyên thuộc vùng nước bên trên đáy biển, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển; về các hoạt động khác nhằm thăm dò, khai thác vùng này vì mục đích kinh tế; Quyền tài phán quốc gia về lắp đặt và sử dụng đảo nhân tạo, thiết bị và công trinh trên biển; nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển; Các quyền và nghĩa vụ khác phù hợp với pháp luật quốc tế.
Đồng thời, Luật Biển 2012 khẳng định, Nhà nước tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không; quyền đặt dây cáp, ống dẫn ngầm và hoạt động sử dụng biển hợp pháp của các quốc gia khác trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo quy định của Luật này và điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên, không làm phương hại đến quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia trên biển của Việt Nam. Việc lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm phải có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được tham gia thăm dò sử dụng, khai thác tài nguyên, nghiên cứu khoa học, lắp đặt các thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên cơ sở các điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên, hợp đồng được ký kết theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc được phép của Chính phủ Việt Nam, phù hợp với pháp luật quốc tế có liên quan. Các quyền có liên quan đến đáy biển và lòng đất dưới đáy biển quy định tại Điều này được thực hiện theo quy định tại Điều 17 và Điều 18 của Luật này.
Trong thềm lục của CHXHCN Việt Nam, Luật Biển 2012 quy định, thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền, các đảo và quần đảo của Việt Nam cho đến mép ngoài của rìa lục địa. Trong trường hợp mép ngoài của rìa lục địa này cách đường cơ sở chưa đủ 200 hải lý thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài đến 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong trường hợp mép ngoài của rìa lục địa này vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài không quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc không quá 100 hải lý tính từ đường đẳng sâu 2.500 mét.
Nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thực thi quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình, Luật Biển Việt Nam 2012 quy định, Nhà nước thực hiện quyền chủ quyền đối với thềm lục địa về thăm dò, khai thác tài nguyên. Quyền chủ quyền trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam có tính chất đặc quyền, không ai có quyền tiến hành hoạt động thăm dò thềm lục địa hoặc khai thác tài nguyên của thềm lục địa nếu không có sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam. Nhà nước có quyền khai thác lòng đất dưới đáy biển, cho phép và quy định việc khoan nhằm bất kỳ mục đích nào ở thềm lục địa. Nhà nước tôn trọng quyền đặt dây cáp, ống dẫn ngầm và hoạt động sử dụng biển hợp pháp khác của các quốc gia khác ở thềm lục địa Việt Nam theo quy định của Luật này và các điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên, không làm phương hại đến quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia trên biển của Việt Nam.
Việc lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm phải có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được tham gia thăm dò, sử dụng, khai thác tài nguyên, nghiên cứu khoa học, lắp đặt thiết bị và công trình ở thềm lục địa của Việt Nam trên cơ sở điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên, hợp đồng ký kết theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc được phép của Chính phủ Việt Nam, phù hợp với pháp luật quốc tế có liên quan[19].
Về phương diện chính trị ngoại giao quốc tế, hành vi của Trung Quốc đãvi phạm nghiên trọng Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông mà Trung Quốc và các nước ASEAN đã ký năm 2002 (DOC); Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ giữa CHXHCN Việt Nam và CHND Trung Hoa năm 1993 và Thoả thuận về nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2011.
Đồng thời, hành vi hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đã phá vỡ các Thoả thuận về giải quyết tranh chấp lãnh thổ, biên giới giữa hai nước năm 1993 và 2011. Trong đó, theo Thỏa thuận năm 1993, hai nước cam kết thương lượng giải quyết hòa bình các vấn đề biên giới lãnh thổ giữa hai nước trên cơ sở năm nguyên tắc: tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; không xâm phạm lẫn nhau; không cna thiệp vào công việc nội bộ của nhau; bình đẳng, cùng có lợi và cùng tồn tại hòa bình; căn cứ vào tiêu chuẩn và nguyên tắc luật pháp quốc tế được công nhận và tham khảo thực tiễn quốc tế để giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ… không tiến hành các hoạt động làm phức tạp thêm tranh chấp, không dùng vũ lực hoặc de dọa vũ lực.
Thỏa thuận năm 2011 tiếp tục ghi nhận, Việt Nam và Trung Quốc cam kết: (i)Lấy đại cục quan hệ hai nước làm trọng; (ii) Tôn trọng đầy đủ chứng cứ pháp lý, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được cho các vấn đề tranh chấp trên biển; (iii) Nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận và nhận thức chung mà Lãnh đạo cấp cao hai nước, nguyên tắc và tinh thần của “Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC); (iv) Tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, cùng có lợi; (v) Giải quyết các vấn đề trên biển theo tinh thần tuần tự tiệm tiến, dễ trước khó sau; (vi) Tiến hành cuộc gặp định kỳ Trưởng đoàn đàm phán biên giới cấp Chính phủ một năm hai lần, luân phiên.
Về phương diện an ninh, hàng hải quốc tế và thương mại quốc tế, hành vi của Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng an ninh, an toàn hàng hải và hoạt động thương mại của các nước trong khu vực và thế giới, đặc biệt là các cường quốc Mỹ, Ấn Độ, Nga, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc…. và chính của Trung Quốc. Mặt khác, hành vi của Trung Quốc đã làm gia tăng chạy đua vũ trang và nguy cơ xung đột vũ trang, một hệ lụy vô cùng nguy hiểm đối với hoà bình và an ninh của các nước trong khu vực và thế giới.