Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại đang diễn ra quyết liệt, Trung Quốc lại phải đối mặt với hai thách thức liên quan đến hai vấn đề mà nước này xác định là “lợi ích cốt lõi” không thể mặc cả, gồm Đài Loan và Hong Kong.
Sự mở rộng can dự và giao thiệp của Mỹ đối với Đài Loan
Mỹ được xem là đang xúc tiến việc cung cấp hợp đồng vũ khí trị giá đến trên 2 tỉ USD cho Đài Loan, bao gồm việc bán xe tăng M1A2 Abrams của tập đoàn Gerneral Dynamics Corp, các loại đạn chống tăng, đạn phòng không Raytheon Co, tên lửa Javelin, tên lửa chống tăng TOW và tên lửa đất đối không vác vai. Đài Loan hiện đang rất quan tâm tới việc làm mới các loại xe tăng chiến đấu của mình do Mỹ sản xuất, trong đó có xe tăng M60 Patton. Mỹ là nhà cung cấp vũ khí chính cho Đài Loan dù không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan. Mỹ luôn cam kết cung cấp cho Đài Loan vũ khí để tự vệ, giúp hòn đảo này nâng cao khả năng chiến đấu cũng như củng cố mối quan hệ quốc phòng giữa Mỹvà Đài Loan.
Rõ ràng, với Mỹ thì Đài Loan là nhân tố quan trọng trong cuộc chơi địa chính trị trước đối thủ Bắc Kinh. Điều này trở thành thách thức trực tiếp cho Trung Quốc đại lục khi nước này vẫn nhiều lần nhấn mạnh Đài Loan là một “lợi ích cốt lõi”. Chính vì thế, chính sách đối với Đài Loan mà Mỹ đang theo đuổi có thể cũng ẩn chứa thách thức ngược lại cho Washington vì Bắc Kinh có thể phản ứng mạnh để trả đũa, khiến quan hệ hai bên thêm căng thẳng. Hồi tháng 3/2019, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn cho biết, Washington đã phản ứng tích cực với các yêu cầu của Đài Bắc về việc bán vũ khí mới để tăng cường phòng thủ trước áp lực từ Trung Quốc.Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ không bình luận hoặc xác nhận việc bán hoặc chuyển nhượng vũ khí tiềm năng cho tới khi chúng được chính thức thông báo trước Quốc hội.Cơ quan quốc phòng Đài Loan xác nhận đã yêu cầu những vũ khí đó và yêu cầu này đang được tiến hành bình thường.
Tác động tất yếu của động thái mở rộng giao thiệp giữa Mỹ và Đài Loan là phản ứng mạnh mẽ từ Bắc Kinh, nhất là trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang có nhiều căng thẳng. Từ ngày đầu nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn luôn được giới quan sát đặt ra câu hỏi sẽ quyết định mức độ quan hệ thế nào với Đài Loan. Nay thì thỏa thuận mới cho thấy Washington dù có thể thừa nhận yêu cầu của Bắc Kinh về chính sách một Trung Quốc, nhưng Mỹ vẫn muốn Đài Loan đủ sức tự vệ. Bên cạnh đó, dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ có nhiều chỉ dấu nâng cấp quan hệ với Đài Bắc, điển hình là đưa Đài Loan vào nhóm đối tác trong Báo cáo chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương do Lầu Năm Góc công bố hồi đầu tháng.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới đây, Người phát ngôn Cảnh Sảng nói: “Trung Quốc kêu gọi Mỹ ngừng bán vũ khí cho Đài Loan và thận trọng xử lý các vấn đề liên quan đến Đài Loan để ngăn chặn làm tổn hại đến quan hệ song phương, hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”. Tại đối thoại Shangri-La tại Singapore tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phong Hòa đã cảnh báo Mỹ không can thiệp vào các tranh chấp an ninh tại Đài Loan và Biển Đông. Khi được hỏi về kế hoạch mua vũ khí mới này, cơ quan ngoại giao Đài Loan cho biết, những lời đe dọa của ông Ngụy tại Shangri-La và các cuộc tập trận quân sự gần đây của Trung Quốc càng cho thấy tầm quan trọng trong việc củng cố năng lực quốc phòng của Đài Loan.
Làn sóng biểu tình dân chủ phản đối TQ tại Hong Kong
Âm ỉ và có khi bùng phát mạnh mẽ trước đây, hôm 9/6 một lần nữa làn sóng biểu tình phản đối Trung Quốc lại diễn ra dữ dội tại Hong Kong. Hàng trăm ngàn người đã xuống đường biểu tình để phản đối dự luật dẫn độ về Trung Quốc xét xử. Theo hãng Reuters trích ước tính từ những người tổ chức biểu tình cho biết con số người tham gia biểu tìnhlên tới hơn nửa triệu người, lớn hơn con số 500.000 người biểu tình hồi năm 2003 phản đối chính phủ có kế hoạch thắt chặt luật an ninh quốc gia. Những người chỉ trích dự luật cho rằng dự luật sẽ khiến bất cứ người nào ở Hong Kong cũng dễ dàng bị giới chức Trung Quốc bắt giữ vì lý do chính trị hoặc những sai phạm kinh doanh khó tránh và làm nguy hại đến hệ thống luật pháp bán tự trị của Hong Kong.
Chính quyền Hong Kong nói rằng dự luật nhằm lấp vào những lỗ hổng trong luật hiện tại của Hong Kong bằng cách cho phép chính quyền Hong Kong được quyết định tuỳ theo từng trường hợp có gửi người đến các lãnh thổ khác hay không. Các vùng lãnh thổ này bao gồm Macau, Đài Loan và Trung Quốc đại lục, vốn là những nơi chưa ký các thoả thuận dẫn độ chính thức với Hong Kong. Trong khi đó, hồi tháng trước, các đại diện của Liên minh châu Âu (EU) đã gặp giới chức Hong Kong để bày tỏ quan ngại về dự luật này. Đại diện Mỹ cũng đã lên tiếng phản đối dự luật và cảnh báo giới chức Hong Kong rằng dự luật có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến quan hệ Mỹ – Hong Kong.