Trong khi các chính trị gia Philippines đều chỉ trích Trung Quốc, 1 người nổi tiếng với các tuyên bố cứng rắn như ông Duterte lại im lặng bất thường.
Đúng vào ngày Quốc khánh Philippines 12/6, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana thông tin về vụ tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu nước này, bỏ mặc 22 ngư dân bơ vơ trên biển. Nhóm ngư dân này trôi dạt nhiều giờ trước khi được một tàu Việt Nam giải cứu.
Phủ Tổng thống Philippines khẳng định hành động đâm chìm tàu cá rồi bỏ chạy của tàu Trung Quốc là vô nhân đạo và cần bị trừng phạt.
“Chúng tôi sẽ không cho phép mình bị tấn công, bị bắt nạt, trở thành mục tiêu của những hành động man rợ, vô nhân đạo từ bất cứ ai”, người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines Salvador Panelo nhấn mạnh.
Ông Panelo nói thêm rằng Tổng thống Rodrigo Duterter đã hết sức “giận dữ” khi nghe tin về vụ việc. Tuy nhiên, trên thực tế, dù vụ việc đã trôi qua 7 ngày, nhà lãnh đạo Philippines vẫn chưa đưa ra bất cứ tuyên bố chính thức nào.
Chỉ vài giờ sau thông báo của ông Lorenzana hôm 12/6, ông Duterte có bài phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày Quốc khánh ở Malabang, Lanao del Sur nhưng ông không hề đả động tới vụ việc. Liên tiếp các ngày sau đó, nội dung các chủ đề mà ông đề cập hoặc liên quan tới cuộc chiến chống ma túy hay kế hoạch Ponzi của Cộng đồng Kappa chứ không dính dáng gì tới tai nạn trên bãi Cỏ Rong hôm 9/6.
Cho tới nay, ông cũng chỉ nhận lời tham gia một cuộc phỏng vấn nhưng bị cắt ngắn khiến không phóng viên nào có thể đặt câu hỏi liên quan tới vụ việc.
Sự im lặng bất thường này của vị Tổng thống vốn nổi tiếng cứng rắn với các tuyên bố không nề hà ai khiến nhiều người Philippines giận dữ.
Các nghị sỹ đối lập Philippines thúc giục ông lên tiếng, có động thái rõ ràng, yêu cầu Trung Quốc nhận sai và có hành động hối lỗi trong vụ việc thay vì các tuyên bố bao biện không thể chấp nhận đưa ra mới đây của Bắc Kinh.
“Chúng tôi yêu cầu Tổng thống thể hiện sự phản đối với hành vi này bằng một tuyên bố lên án chính thức”, nghị sĩ Philippines Ariel Casilao nhấn mạnh.
Ông Casilao nói thêm rằng, vụ việc cho thấy “chính phủ, các lực lượng vũ trang Philippines bất lực và vô dụng như thế nào trong việc bảo đảm sự an toàn của công dân và lãnh thổ của đất nước”.
Thượng nghị sỹ đối lập Risa Hontiveros khẳng định, với các vấn đề liên quan tới chủ quyền, ông Duterte không nên yên lặng trong một khoảng thời gian dài như vậy.
“Không có gì làm yên lòng công chúng hơn là nhìn thấy và nghe thấy Tổng thống của họ, người được xem là kiến trúc sư trong chính sách đối ngoại của đất nước, lên tiếng nói rằng ông kiểm soát được tình hình”, bà Hontiveros nói.
Nhìn về quá khứ, ông Duterte thường mất khá nhiều thời gian trước khi đưa ra tuyên bố đáp trả các hành động gây hấn của Trung Quốc.
Vào đầu tháng 4, 10 ngày sau khi nhận được báo cáo về việc 50 tàu Trung Quốc di chuyển gần đảo Thị Tứ và quấy nhiễu ngư dân Philippines, vị Tổng thống được ví là “Donald Trump của Philippines” mới đưa ra cảnh báo triển khai binh lính sẵn sàng cho nhiệm vụ cảm tử nếu Bắc Kinh đụng tới đảo này.
Tháng 5/2018, khi nghị sĩ Gary Alejano thuộc đảng Magdalo tỏ ra bức xúc trước việc Trung Quốc quấy rối thuyền cao su của Hải quân Philippines tại bãi Cỏ Mây (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), người đứng đầu Philippines không đưa ra bất cứ tuyên bố công khai nào liên quan tới vụ việc dù một nguồn tin nói ông đã bày tò mối quan ngại đối với hoạt động của các sỹ quan hải quân trong một cuộc họp mật.
Tuy nhiên, theo Rappler, vụ việc lần này hoàn toàn khác vì nó là lần đầu tiên tàu Trung Quốc đâm chìm tàu Philippines trong lịch sử hàng hải giữa 2 nước. Vụ việc quan trọng đến độ nó được báo cáo bởi một cơ quan chính phủ là Bộ Quốc phòng thay vì các nhà lập pháp hoặc một viện nghiên cứu nào đó.
Trong một tuyên bố có phần để xoa dịu dư luận, Phủ Tổng thống Philippines nói rằng ông Duterte có thể sẽ có hành động mạnh tay chống lại Trung Quốc. Tuy nhiên, dư luận quốc gia Đông Nam Á lo ngại “có thể” sẽ chỉ dừng ở “có thể” chứ chưa biết khi nào sẽ biến thành hành động thực sự.
Số khác thậm chí còn lo ngại Tổng thống của họ sẽ “chín bỏ làm mười” nếu nhìn vào chính sách với Trung Quốc hiện nay của ông