Friday, January 3, 2025
Trang chủBiển nóngTàu cá TQ đe dọa môi trường Biển Đông

Tàu cá TQ đe dọa môi trường Biển Đông

Giới chuyên gia quốc tế quan ngại cách thức hoạt động của tàu cá Trung Quốc sẽ ảnh hưởng nặng nề đến môi trường và nguồn tài nguyên Biển Đông.

Trong báo cáo mới nhất, Chương trình sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) cho hay nhiều tàu khai thác sò tai tượng của Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động trở lại trên Biển Đông. Trước đó, đội tàu này đã gây tổn hại nghiêm trọng hoặc phá hủy ít nhất 28 bãi đá ngầm ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2012 – 2015. Đến tháng 7.2016, Tòa trọng tài quốc tế phán quyết Trung Quốc vi phạm trách nhiệm quốc tế về bảo vệ môi trường biển và hoạt động khai thác sò tai tượng của nước này tạm ngừng một thời gian.
Theo AMTI, đội tàu khai thác sò tai tượng của Trung Quốc thường bao gồm hàng chục tàu cỡ nhỏ đi cùng với một số “tàu mẹ” lớn hơn và dùng nhiều biện pháp thô bạo phá hủy các rạn san hô để đánh bắt. Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy số tàu này đang hoạt động thường xuyên ở đá Bông Bay thuộc Hoàng Sa, để lại những vết cào xước dài trên bề mặt san hô. Tại khu vực đảo Bạch Quy thuộc Hoàng Sa cũng xảy ra tình trạng tương tự. Cũng theo hình ảnh vệ tinh, một số lượng lớn tàu khai thác sò tai tượng Trung Quốc đã trở lại bãi cạn Scarborough đang tranh chấp với Philippines. Hồi tháng 4, Đài ABS-CBN chiếu đoạn phim quay từ hiện trường cho thấy nhiều tàu dùng các ống dài gắn vào động cơ để luồn sâu vào bề mặt bãi cạn. Theo ngư dân Philippines, cách thức này “mang tính phá hoại nghiêm trọng” và phát tán cặn bẩn ra các vùng biển lân cận.
Ngoài ra, tàu cá Trung Quốc còn bị cho là sử dụng nhiều biện pháp đánh bắt thủy sản mang tính tàn phá như dùng thuốc nổ, thuốc độc, giã cào và lưới mắt nhỏ. Hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông cũng góp phần phá hủy san hô trên quy mô lớn, khiến cá mất địa điểm đẻ trứng còn cá con không còn nơi ẩn náu. “Trữ lượng cá chắc chắn giảm. Các tàu lớn đi đến đâu cũng hầu như giết chết mọi thứ”, Đài ABC News dẫn lời ông Vương Đông, chủ một tàu cá nhỏ ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), thừa nhận. Trước tình hình này, tiến sĩ Rashid Sumaila thuộc Đại học British Columbia (Canada) cảnh báo nếu tàu cá Trung Quốc tiếp tục duy trì quy mô và cách thức đánh bắt như hiện nay, trữ lượng thủy sản ở Biển Đông có thể suy giảm đến 59% vào năm 2045.
Khen thưởng ngư dân Việt Nam cứu 22 ngư dân Philippines
Chiều 17.6, ông Phạm Anh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết Sở NN-PTNT vừa có báo cáo nhanh cho UBND tỉnh về vụ việc ngư dân Ngô Văn Thẻng (trú xã Bình Xuân, TX.Gò Công, Tiền Giang) hành nghề lưới rê, đã cứu 22 ngư dân Philippines tại khu vực bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) của Việt Nam.
Theo ông Tuấn, tàu cá của ông Thẻng mang số hiệu TG 90983 TS, do chính ông Thẻng làm tài công, đánh bắt ở khu vực quần đảo Trường Sa. “Ông Thẻng báo với Chi cục Thủy sản Tiền Giang là đã cứu sống 22 ngư dân người Philippines sau khi tàu của họ bị nạn trên biển. Sau đó, ông Thẻng đã báo cáo vụ việc với lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam và những người này đã được bàn giao cho phía ngành chức năng của Philippines. Ông Thẻng là ngư dân đã nhiều năm hành nghề. Hiện ông ấy vẫn còn trên biển để đánh bắt. Tôi đã yêu cầu Sở NN-PTNT xem xét nghiêm túc cho trường hợp này để tham mưu UBND tỉnh kịp thời khen thưởng, biểu dương xứng đáng cho hành động đẹp của ngư dân Ngô Văn Thẻng”, ông Tuấn cho biết.
Trước đó truyền thông thế giới đưa tin, tối 9.6, tại khu vực biển gần bãi Cỏ Rong trên Biển Đông xảy ra vụ va chạm giữa tàu Trung Quốc và tàu cá Philippines. Hậu quả là tàu cá Philippines chìm, 22 ngư dân trên tàu bị rơi xuống biển. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana lên án hành động của tàu cá Trung Quốc “vì bỏ rơi 22 thuyền viên Philippines”. Ông gửi lời cảm ơn tới thuyền trưởng và các thuyền viên tàu Việt Nam đã cứu ngư dân Philippines.
RELATED ARTICLES

Tin mới