Monday, September 16, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaToàn cảnh diễn biến, phản ứng liên quan trong vụ tàu cá...

Toàn cảnh diễn biến, phản ứng liên quan trong vụ tàu cá Philippines bị tàu TQ đâm chìm gần bãi Cỏ Rong trên Biển Đông

Vụ tàu cá Gimver-1 cùng 12 ngư dân Philippines bị tàu cá Yuemaobinyu 42212 của Trung Quốc đâm chìm rồi bỏ mặc ngoài khơi gần bãi Cỏ Rong hôm 9/6 tiếp tục là tâm điểm chú ý của dư luận các nước. Dưới đây là toàn cảnh diễn biến, phản ứng các bên trong vụ việc này.

Vụ việc xảy ra ngày 9/6

Khi đang hoạt động gần bãi Cỏ Rong, tàu cá Gimver-1 của Philippinesđã bất ngờ bị tàu cá Yuemaobinyu 42212 của Trung Quốc đâm chìm. Khi đó trên tàu Gimver-1 có 12 ngư dân. Tàu Trung Quốc sau đó đã bỏ đi để mặc 22 ngư dân Philipines lúc đó đang chìm cùng tàu. Họ phải bám vào các thùng nhựa và may mắn sau được tàu Việt Nam phát hiện và cứu vớt. Các ngư dân Philippines gặp nạn ở trên tàu Việt Nam cho đến ngày 12/6 sau khi liên lạc được với các tàu cá Philippines khác qua sóng vô tuyến nhờ hỗ trợ kéo tàu của họ.Thông tin về vụ việc tàu cá Gimver-1 cùng 12 ngư dân Philippines bị tàu cá Yuemaobinyu 42212 của Trung Quốc đâm chìm chưa được tiết lộ cho đến khi số ngư dân Philippines liên lạc được về đất liền từ tàu của Việt Nam. Trong khi đó, Lực lượng tuần duyên Philippines phát hiện hai tàu hải cảnh và hai tàu dân quân biển Trung Quốc bao vây Scarborough, nằm cách bờ biển phía Tây bắc của Philippines khoảng 230 km. Đây là nơi xảy ra cuộc va chạm giữa tàu công vụ Trung Quốc và Philippines vào tháng 4/2012. Sau đó, Trung Quốc giành quyền kiểm soát Scarborough từ Philippines và thường đuổi ngư dân Philippines ra khỏi khu vực.

Thông tin được công khai ngày 12/6

Vụ việc chính thức được Bộ Quốc phòng Indonesia công khai. “Một vụ va chạm giữa tàu Trung Quốc và tàu Philippines (FB Gimver 1) gần bãi Cỏ Rong trên Biển Đông đã được ngư dân Philippines báo cáo tối 9/6. Vụ va chạm khiến tàu Philippines bị chìm”, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết.Toàn bộ 22 ngư dân trên tàu Philippines sau đó được tàu cá Việt Nam cứu. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 12/6 khẳng định trong lúc đang neo đậu thì tàu cá Gimver-1 bất ngờ bị tàu cá Trung Quốc đụng vào, khiến tàu bị chìm. “Chúng tôi lên án hành động của tàu Trung Quốc vì lập tức rời khỏi hiện trường, bỏ rơi 22 ngư dân Philippines”, Bộ trưởng Lorenzana nhấn mạnh trong thông cáo. “Chúng tôi cảm ơn thuyền trưởng và thủy thủ đoàn của tàu Việt Nam vì đã cứu mạng sống của 22 thành viên thủy thủ Philippines”, ông Lorenzana nói.

Trang tin Rappler ngày 12/6 dẫn lời chuyên gia luật hàng hải Jay Batongbacal nhận định: “Đã đủ lý do cho chính quyền Philippines cân nhắc nghiêm túc lại chính sách quan hệ hữu hảo ngả về Trung Quốc”. Antonio Carpio – một trong những chuyên gia hàng đầu về Biển Đông của Philippines nhận định: “Đây có thể gọi là vụ đâm chìm tàu đầu tiên đối với một tàu cá của Philippines gây ra bởi 1 tàu Trung Quốc trên Biển Đông”. Trong khi đó, Jay Batongbacal – Giám đốc của Viện nghiên cứu hàng hải và luật biển của Đại học Philippines cũng nhận định đây là vụ việc là vô tiền khoáng hậu. Ông cho rằng đây là chỉ dấu cho chính sách bành trướng ngày càng gia tăng trên Biển Đông của Trung Quốc.

Phản ứng trong ngày 13/6

Ngày 13/6, chủ tàu và người thân của thuyền trường tàu Gimver-1 cho rằng tàu Trung Quốc cố tình đâm tàu họ rồi chạy mất. Theo lời họ, tàu Trung Quốc thậm chí còn tắt đèn khi tàu Philippines bắt đầu chìm. Người thân của thuyền trưởng tàu Gimver 1 còn nói rằng các ngư dân phải bám vào các thùng nhựa suốt vài giờ trước khi được tàu Việt Nam cứu. Cũng trong ngày 13/6, Phát ngôn viên Văn phòng Tổng thống Philippines Salvador Panelo tuyên bố Manila có thể chấm dứt quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh nếu xác định vụ “va chạm” tàu ở Biển Đông là do Trung Quốc cố ý gây ra. Phủ Tổng thống Philippines kêu gọi Trung Quốc tiến hành một cuộc điều tra và trừng phạt thích đáng “những kẻ mọi rợ” bỏ mặc ngư dân Philippines.“Đó là điều đầu tiên được thực hiện khi phát hiện hành vi gây hấn”, ông Panelo nhấn mạnh và cho biết nếu tàu Trung Quốc cố ý, Philippines sẽ coi đây là “hành động khiêu khích”. “Phản ứng của chúng tôi sẽ luôn được điều chỉnh, tùy thuộc vào mức độ (của vụ việc). Nhưng chắc chắn, chúng tôi sẽ không cho phép mình bị tấn công, bắt nạt hay trở thành mục tiêu của những hành động man rợ, thiếu văn minh và quá đáng”, ông Panelo tuyên bố. Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. cho hay, Manila đã gửi công hàm phản đối về vụ đâm tàu cá nêu trên.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định sự cố ở bãi Cỏ Rong chỉ là “tai nạn hàng hải bình thường”, cáo buộc Manila đã “chính trị hóa vấn đề mà không có chứng cứ”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cho biết thêm Bắc Kinh đang tiếp tục điều tra, và nếu các thông tin xung quanh vụ việc được làm rõ, “hành vi (đâm chìm tàu cá) này cần phải được lên án, bất kể kẻ gây ra nó là người nước nào”. Đại sứ Trung Quốc tại Philippines cũng cho biết nếu đúng thủ phạm vụ việc là tàu cá Trung Quốc, các ngư dân sẽ bị giáo dục và trừng phạt thích đáng vì hành vi vô trách nhiệm. Giới học giả tại Trung Quốc thì cho rằng vụ tại nạn dù do tàu cá Trung Quốc gây ra là bình thường vì cũng chỉ là vụ việc “dân sự” không liên quan đến trách nhiệm của chính phủ.

Ông Allen dela Torre, người vận hành tàu F/B AJ Thanksgiving, cho biết tàu Trung Quốc “đã nổ súng cảnh cáo, không nhắm bắn ngư dân Philippines”. “Dĩ nhiên, phản ứng của chúng tôi là rời đi để giữ mạng sống”, ông Dela Torres nói với CNN Philippines, nhấn mạnh ông và bạn thuyền đã từng chịu cảnh “bắt nạt” như vậy. Theo ông, đây là lần đầu tiên sự việc như vậy xảy ra tại khu vực bãi Cỏ Rong, một thực thể chìm hoàn toàn. Ông cũng cho biết tàu Trung Quốc cũng sẽ nổ súng cảnh cáo để xua đuổi ngư dân Philippines ra khỏi các khu vực tranh chấp khác, bao gồm bãi cạn Scaborough. “Đó là một trong những khu vực mà họ thực sự nổ súng. Có những vụ khiến bạn thực sự sợ và bạn sẽ không dám bén mảng tới đó”, ông nói.

Trong khi đó, các nghị sĩ đối lập Philippines kêu gọi Manila nên bắt tay với Việt Nam và Malaysia để tuần tra, chống lại các đông thái “hung hăng” của Trung Quốc trên Biển Đông. Họ cũng thúc giục Tổng thống Rodrigo Duterte lên tiếng, đích thân chỉ trích hành động đâm chìm rồi bỏ mặc 22 ngư dân Philippines giữa đại dương của tàu Trung Quốc. “Chúng tôi yêu cầu tổng thống phải tập hợp nhân dân Philippines và thể hiện sự phản đối với hành vi này bằng một tuyên bố lên án chính thức”, nghị sĩ Ariel Casilao kêu gọi ngày 13/6. Nghị sĩ Casilao cũng không quên chỉ trích cho rằng vụ việc cho thấy “chính phủ, các lực lượng vũ trang Philippines bất lực và vô dụng như thế nào trong việc bảo đảm sự an toàn của công dân và lãnh thổ của đất nước”.

Carlos Zarate, một nghị sĩ thuộc Dảng Bayan Muna, kêu gọi Chính phủ Philippines phối hợp với các đối tác Việt Nam và Malaysia, tăng cường tuần tra sau sự việc. Nghị sĩ Gary Alejano, một thành viên khác của phe đối lập, nhấn mạnh hành động của tàu Trung Quốc cho thấy họ thực sự có ý định gây hại cho thủy thủ đoàn Philippines. “Mục đích là gởi thông điệp đến những người khác rằng hãy tránh xa khỏi khu vực này. Tàu Trung Quốc được nhắc đến đã ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và nó có thể là một tàu của lực lượng dân quân biển – công cụ thúc đẩy các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông”, ông Alejano lập luận. “Các tàu cá lớn của Philippines phải được cung cấp thiết bị liên lạc để đảm bảo liên lạc trực tiếp với cảnh sát biển và hải quân. Họ phải được huấn luyện cho bất kỳ sự cố nào trên biển thay vì được khuyên không nên đánh bắt ở đó nữa”, nghị sĩ Alejano nêu quan điểm.

Phản ứng trong ngày 14/6

Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines đăng tin tàu nước này “bị 7-8 tàu Philippines bất ngờ bao vây” phủ nhận tàu nước này đâm rồi bỏ rơi tàu cá Philippines mà cáo buộc bị tàu Philippines bao vây. Theo đó, trong cuộc điều tra sơ bộ của mình, Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila xác nhận tàu cá Yuemaobinyu 42212 từ tỉnh Quảng Đông đã tham gia vào “hoạt động kéo lưới” ở khu vực xung quanh bãi Cỏ Rong vào ngày 9/6 thì bất ngờ bị 7 hoặc 8 tàu Philippines bao vây và “trong lúc sơ tán, dây cáp thép trên mạng lưới thắp sáng” của tàu chạm vào buồng lái của tàu Gimver-1”, khiến tàu này bị chìm. Tuy nhiên, Trung Quốc phủ nhận tàu nước này đâm rồi bỏ rơi tàu cá Philippines mà cho rằng thuyền trưởng tàu Trung Quốc đã cố cứu ngư dân nhưng sợ bị các tàu Philippines bao vây.“Thuyền trưởng Trung Quốc đã cố cứu ngư dân Philippines, nhưng sơ bị các tàu Philippines khác bao vây. Vì vậy, khi xác định được những ngư dân đó được các tàu Philippines khác cứu, 42212 mới rời khỏi hiện trường”, Đại sứ quán Trung Quốc khăng khăng khẳng định trong thông cáo.

Tư lệnh Hải quân Philippines, Phó Đô đốc Robert Empedrad đã phản đối phát biểu của phía Trung Quốc. Ông Empedrad nói rằng vụ việc ngày 9/6 không phải tai nạn thông thường và khẳng định tàu cá Philippines đã bị đâm khi đang thả neo và đứng yên.

Giữa lúc căng thẳng về vụ chìm tàu Gimver-1 chưa có dấu hiệu lắng dịu, một nhóm ngư dân Philippines hôm 14/6 đã tố cáo Bắc Kinh phớt lờ yêu cầu của Manila là ngư dân Trung Quốc phải dừng khai thác sò tai tượng từ bãi cạn tranh chấp Scarborough ở Biển Đông, theo AFP. Nhóm ngư dân này nói rằng lực lượng dân quân biển Trung Quốc đang dùng các chân vịt gắn vào những tàu nhỏ để phá vỡ các rạn san hô và khai thác ở vùng biển rộng 15 km. Những con sò tai tượng sau đó được đưa lên tàu lớn hơn. Bắc Kinh chưa có phản ứng về cáo buộc này.

Phản ứng trong ngày 15/6

Khoảng 8h tối ngày 15/6 (theo giờ địa phương), toàn bộ 22 ngư dân trên tàu cá Gemver-1 đã trở về đất liền trong vòng tay của gia đình họ. Phát biểu khi trở về, thuyền trưởng Junel Insigne cho biết ông cảm thấy sợ hãi khi nghĩ đến chuyện tiếp tục ra khơi, đồng thời kêu gọi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và dư luận lên tiếng giúp đỡ ông và các thuyền viên sau vụ tàu bị đâm chìm. Họ không chỉ mất con tàu, mà còn mất trắng gần 3 tấn cá, theo Inquirer. “Vụ việc tương tự có thể sẽ lại xảy ra”, ông Insigne nói. Tuy nhiên, theo ông này, những ngư dân như ông không còn lựa chọn khác, vì họ chỉ có thể dựa vào nguồn hải sản từ biển khơi để kiếm sống. Trước đó, trả lời phỏng vấn trên tàu tuần tra BRP Alcaraz của Hải quân Philippines, thuyền trưởng Junel Insigne cho biết ông có thể xác định được đó là tàu cá Trung Quốc dựa vào hệ thống đèn trên con tàu.Cụ thể, ông Insigne nói rằng ông và các thuyền viên đã từng nhìn thấy tàu cá Trung Quốc trong những chuyến đánh bắt cá trước đó trên Biển Đông, và khẳng định rằng chỉ có tàu Trung Quốc mới có đèn chiếu sáng cỡ lớn như vậy.Nhờ vào cường độ sáng của loại đèn này, ông Insigne và các thuyền viên Philippines mới có thể nhận ra hình dáng con tàu. Thuyền trưởng này cho biết họ không nhìn thấy cờ Trung Quốc, tuy nhiên hình dáng con tàu đã đâm vào họ giống hệt như loại tàu họ từng thấy trước đây. Bên cạnh đó, ông Insigne còn kể lại rằng các thuyền viên Trung Quốc đã chứng kiến tận mắt chiếc tàu Gem-vir của ông chìm hẳn: “Sau khi họ đâm chúng tôi, họ thậm chí còn nán lại để chắc chắn tàu của chúng tôi đã chìm hẳn rồi mới rời đi”. Ông Insigne cho biết mình và các thuyền viên đều rất bất ngờ khi chiếc tàu bị đâm giữa đêm, thời điểm họ đang neo đậu và nghỉ ngơi.

RELATED ARTICLES

Tin mới