Sunday, January 5, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaMỹ sẽ sử dụng lực lượng tuần duyên để đối phó TQ...

Mỹ sẽ sử dụng lực lượng tuần duyên để đối phó TQ ở Biển Đông

Phó đô đốc, Tư lệnh lực lượng tuần duyên Mỹ (USCG) Linda Fagan (11/6) cho biết, sự hiện diện ở Biển Đông và bất cứ nơi nào khác sẽ giúp củng cố chủ quyền của các quốc gia đối tác trong vùng nước tranh chấp.

Tàu tuần duyên USCGC Bertholf của Mỹ

Sau khi Trung Quốc tăng cường hiện diện và tiến hành quân sự hóa ở Biển Đông, gia tăng các hoạt động phi pháp nhằm chèn ép và xâm chiếm chủ quyền của các nước ven Biển Đông và Hoa Đông, đã khiến Mỹ phải có sự điều chỉnh trong cách tiếp cận quân sự ở khu vực. Theo phía Mỹ, các tàu tuần tra USCGC Bertholf và USCGC Stratton của USCG đã được triển khai cùng hạm đội 7 đóng trú ở Yokosuka, Nhật Bản. Các tàu này sẽ giúp bảo đảm “thực thi pháp luật, xây dựng năng lực trong vùng khai thác hải sản chủ quyền”.

Trung Quốc có lực lượng tàu Hải cảnh hùng hậu

Bên cạnh một lực lượng hải quân đang lớn mạnh, Trung Quốc đã đưa về cho quân đội quản lý lực lượng 200 tàu hải cảnh, trang bị cho lực lượng này các tàu lớn hơn và máy tính hóa các tàu dân sự để hỗ trợ các hoạt động trên biển.

Hiện Cảnh sát biển Trung Quốc được trang bị khoảng 200 tàu tuần tra, 10 máy bay các loại trong đó có ít nhất 1 trực thăng vận tải đa năng Mi-8, 2 máy bay cánh cố định Y-12 cùng một số trực thăng khác do Trung Quốc sản xuất. Ngoài ra, CCG còn được trang bị các máy bay MA-60, (còn gọi là Tân Chu 60) là loại máy bay cánh bằng 2 động cơ cánh quạt được cải tiến trên cơ sở máy bay vận tải Y-7 của Tập đoàn công nghiệp hàng không Tây An; các tàu của CCG gồm các loại: tàu chấp pháp mang tên “Trung Quốc Hải cảnh” (bao gồm cả các tàu Trung Quốc Ngư chính và Trung Quốc Hải giám trước đây); tàu kéo mang tên “Hải cảnh thác” và tàu bệnh viện mang tên “Hải Y”. Theo tài liệu Trung Quốc, hiện CCG chỉ còn duy nhất tàu “Trung Quốc Hải cảnh 44020” có trọng tải 300 tấn, vài tàu 1.000 tấn, còn lại phần lớn đều từ 2.000 đến 5.000 tấn; trong đó có 2 tàu “Trung Quốc Hải cảnh 3901” và “Trung Quốc Hải cảnh 2901” có lượng giãn nước tới 12.000 tấn. Những năm gần đây Trung Quốc đã tiến hành cải tạo nhiều tàu chiến lớn của Hải quân thành tàu Hải Cảnh (như Tàu 31239 vốn là tàu hộ vệ lớp 053H2G mang tên An Khánh, 339; tàu 31240 vốn là tàu hộ về tên lửa Hoài Nam, 540; tàu 31241 nguyên là tàu hộ vệ tên lửa Hoài Bắc, 541; các tàu 46111 vốn là tàu tuần tra Type 718B; tàu 46341 nguyên là tàu tuần tra Type 818….hay tàu Hải cảnh thác – 25 nguyên là tàu đổ bộ Type 072 của Hải quân có lượng giãn nước 4.170 tấn)…

Đáng chú ý, trên các tàu Hải cảnh Trung Quốc được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại, có khả năng sát thương cao như: Pháo phòng không tầm gần 6 nòng 30mm H/PJ-13, có tính năng tác chiến vượt trội hơn nhiều do được kế thừa trình độ kỹ thuật từ pháo hạm AK-630M 6 nòng của Nga. Pháo AK-630M có thể bắn liên tục 400 phát đạn và có thể tiếp tục bắn 400 phát tiếp theo chỉ sau khi được nghỉ 30 giây; pháo bắn nhanh 76,2mm kiểu H/PJ-26; pháo phòng không phòng thủ tầm gần tốc độ cao H/PJ-26 76,2mm; pháo phòng không tầm gần H/PJ-17 30mm, là loại pháo nòng đơn có hiệu suất chiến đấu cao nhất hiện nay của Trung Quốc; tốc độ bắn cao nhất là 350 phát/phút, cơ số đạn 280 viên…

Mỹ sẽ sử dụng lực lượng tuần duyên đối phó với Trung Quốc

Bảo vệ bờ biển là lực lượng có trách nhiệm đảm bảo quốc phòng ven biển và an ninh hàng hải gần bờ biển của Mỹ, đã thường xuyên được triển khai ở nước ngoài kể từ thời Chiến tranh Lạnh, và đã tham gia vào chống cướp biển, tìm kiếm cứu nạn và các nhiệm vụ khác trên toàn cầu kể từ đó. Trong khi đó, Biển Đông là một lối đi chiến lược lớn, bao gồm phần lớn nguồn cung cấp dầu từ Trung Đông của Trung Quốc, đi qua khu vực này mỗi năm.

Hải quân Mỹ thực ra đã đưa các tàu tuần duyên vào thực hiện các nhiệm vụ mới, với tàu Bertholf thực thi chuyến đi ngang qua eo biển Đài Loan hồi tháng 3 vừa qua. Tuần duyên Mỹ cũng đã tập trận chung với hai tàu Philippines trong vùng nước Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, đi ngang qua hai tàu Trung Quốc trong quá trình tập trận. Việc điều các tàu tuần tra Mỹ đến Biển Đông đánh dấu nhiệm vụ đầu tiên kiểu này của lực lượng USCGC trong vòng 7 năm qua. Bà Fagan quả quyết, động thái phù hợp với những hoạt động trước đó cũng như tuân thủ luật pháp quốc tế. Theo nữ lãnh đạo USCGC, lực lượng này đang tìm cách hỗ trợ các đối tác ở khu vực Thái Bình Dương bằng mọi khả năng trong thẩm quyền của mình. Ngoài ra, bà Fagan cũng cho biết thêm, cảnh sát biển Mỹ hoạt động song song với Lực lượng Vũ trang Mỹ nhưng cũng thực thi luật pháp Mỹ và quốc tế. Mỹ có thể giúp các nước đang gặp khó khăn bằng cách gửi cố vấn để đào tạo lực lượng tuần tra bờ biển địa phương; nhấn mạnh “Mỹ rất quan tâm đến việc tham gia với các quốc gia đối tác, những người đang đấu tranh để thực thi EEZ (Vùng đặc quyền kinh tế) của họ”.

Giới chuyên gia nhận định Mỹ đang thực thi trách nhiệm nước lớn khi điều lực lượng tuần duyên đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông và Hoa Đông. Chuyên gia Paul Sullivan, Trung tâm nghiên cứu an ninh thuộc đại học Georgetown cho rằng trách nhiệm thực thi nhiệm vụ của tuần duyên Mỹ đã mở rộng trong vòng hai thập kỷ qua và có vẻ họ nay đang được giao thêm nhiệm vụ bảo vệ các hải lộ thương mại và nhiều nhiệm vụ khác ở Tây Thái Bình Dương trong khi căng thẳng với Trung Quốc gia tăng.

Được biết, USCG là một quân chủng thuộc các Lực lượng vũ trang Mỹ. Tuần duyên Mỹ hoạt động chủ yếu trên các vùng biển, đa nhiệm vụ với sứ mệnh giám sát và duy trì luật phát tại các vùng biển thuộc chủ quyền của nước Mỹ. Trang bị của USCG cực kỳ đa dạng với đủ mọi loại tàu mặt nước và máy bay trực thăng, đảm bảo khả năng hoạt động tốt cho mọi địa hình từ vùng nước nông tới vùng nước sâu cho tới hệ thống đường thủy trong nội địa đất nước này. USCG có khoảng 1.650 tàu thuyền lớn nhỏ các loại. Một số tàu tuần tra lớp Hamilton lắp pháo hạm 76 mm kết hợp với pháo 25 mm và hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx 20 mm. Loại hiện đại nhất là lớp Legend sử dụng pháo hạm tự động 57 mm, 1 hệ thống Phalanx 20 mm, 4 súng máy 12,7 mm, 2 súng máy 7,62 mm. Các tàu tuần tra loại nhỏ lắp vũ khí từ 12,7-25 mm tùy thuộc vào lượng giãn nước. USCG còn có khoảng 210 máy bay các loại phục vụ cho các hoạt động tuần tra trên biển. Một số tàu có lắp hệ thống vũ khí âm thanh tầm xa LRAD nhằm ngăn chặn các tàu vượt biên hoặc cướp biển. Vũ khí cá nhân của USCG gồm có, súng lục M9, P229R-DAK, súng trường tiến công M16A2, M4 carbine, súng bắn tỉa M14, Mk11, M107, súng phóng lựu M203.

Phản ứng vô lối từ Trung Quốc

Đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Ngụy Phượng Hòa đã cáo buộc Washington cố tình leo thang căng thẳng ở Biển Đông và khẳng định rằng “các quốc gia bên ngoài” vào Biển Đông “để phô trương sức mạnh” thông qua việc nhân danh tự do hàng hải. Ông Ngụy Phụng Hòa dự báo, các lực lượng “quy mô lớn” và các hoạt động “thù địch” trong khu vực là những yếu tố gây bất ổn nghiêm trọng nhất ở Biển Đông.

Trong khi đó, giới truyền thông và chuyên gia, học giả Trung Quốc tìm cách chỉ trích, bôi xấu hoạt động của Mỹ ở Biển Đông, cho rằng tình hình Biển Đông gần đây dường như đang chứng kiến sự đối lập phân cực giữa Trung Quốc và Mỹ. Mỹ đã cùng với các đồng minh và đối tác sử dụng các biện pháp chính trị, ngoại giao, quân sự và công luận để kiềm chế Trung Quốc. Cụ thể, các bước đi quân sự thường xuyên của Mỹ đã đẩy Biển Đông đến bên bờ đối đầu. Trong hai năm qua, chính quyền Trump đã nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Biển Đông trong chiến lược toàn cầu của Mỹ và sự hiểu biết về những thách thức và mối đe dọa mà Mỹ phải đối mặt ở khu vực đã thay đổi. Mỹ coi các hoạt động thực thi pháp luật, phát triển các đảo, triển khai thiết bị quân sự và thúc đẩy đàm phán Bộ quy tắc ứng xử mà Trung Quốc đang tiến hành là thách thức đối với sự kiểm soát của Washington ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Thời báo Hoàn Cầu cũng ngang nhiên khẳng định, đối với Trung Quốc, “Biển Đông có nghĩa là chủ quyền, an ninh và phát triển, Trung Quốc cần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền tài phán trên biển và bảo đảm các hành lang an toàn cho nhập khẩu năng lượng và vận chuyển hàng hóa”. Đối mặt với một nước Mỹ hung hăng ở Biển Đông, Trung Quốc không có nhiều lựa chọn. Xét trong bối cảnh hiện tại, Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài việc đối phó, bao gồm cả việc gia tăng triển khai quân sự ở khu vực. Nếu Mỹ cứ khăng khăng cho rằng Biển Đông là nơi Bắc Kinh bắt đầu các cố gắng để thách thức vị thế của Washington như một siêu cường duy nhất và cạnh tranh quyền lực trong hệ thống quốc tế, thì quan điểm sai lầm này sẽ gây ra “một cuộc chiến không thể tránh khỏi” giữa hai nước tại vùng biển này.

Đáng chú ý, Nhân dân Nhật báo cho rằng, trong những năm gần đây, Mỹ đã sử dụng nhiều mánh khóe trong vấn đề Biển Đông, nhưng có thể chia thành 3 loại: phô trương sức mạnh và tạo căng thẳng dưới vỏ bọc “hoạt động tự do hàng hải”; thêu dệt tin đồn và đánh lừa thế giới bằng sức mạnh thống trị của mình để xoay chuyển dư luận quốc tế; chọc ngoáy vào các bên liên quan trong vấn đề Biển Đông và tạo áp lực buộc các bên lựa chọn phe phái; nhấn mạnh từ tháng 5/2017 đến nay, ít nhất 11 tàu chiến của Mỹ đã đi vào phạm vi 12 hải lý các đảo “của Trung Quốc” nhằm bảo đảm tự do qua lại ở Biển Đông; tuy nhiên, từ lâu nay, có khoảng 100.000 tàu đã đi qua Biển Đông mà không gặp phải vấn đề gì về tự do qua lại; Mỹ không phải một bên ký kết mà lại lấy danh nghĩa Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 để biện minh. Bên cạnh đó, theo bài viết, Mỹ cho rằng quân sự hóa không phải là việc Washington triển khai các tàu chiến và máy bay ném bom đến Biển Đông, mà là việc Trung Quốc xây dựng hợp pháp các căn cứ quốc phòng trên chính lãnh thổ của Trung Quốc. Mỹ đã nhắm mắt làm ngơ trước thực tế Trung Quốc đang tiến hành xây dựng hòa bình trên lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhân dân Nhật báo Trung Quốc cũng buộc tội Mỹ đã lợi dụng vấn đề Biển Đông để điều khiển các nước trong khu vực chống đối lẫn nhau, ví dụ như Mỹ đã can thiệp vào các cuộc bầu cử và các vấn đề nội bộ của một số nước Đông Nam Á, và quyết định của Mỹ có can thiệp hay không phụ thuộc vào quan điểm đối với Trung Quốc và lập trường về vấn đề Biển Đông của nước đó.

Cùng quan điểm trên, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho rằng sự hiện diện ngày càng tăng của Mỹ ở Biển Đông đe dọa nguy cơ tạo ra các vụ đụng độ có thể dẫn đến chiến tranh; nhấn mạnh kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, Washington đã tăng cường các hoạt động tuần tra hàng hải, hàng không ở Biển Đông, phần lớn tại khu vực Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, thậm chí còn khuyến khích các nước đồng minh như Anh, Australia, Pháp, Nhật làm điều tương tự. Tuy Mỹ tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ tại vùng biển này, nhưng các hoạt động quân sự của Mỹ tại đây rõ ràng là nhằm duy trì ảnh hưởng tại châu Á – Thái Bình Dương, đẩy lùi nỗ lực của Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng tại khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới