Trước thông tin được phía Nhật Bản công bố cho biết lực nước này đã phát hiện tàu sân bay Liêu Ninh đi qua qua eo biển Miyako, khu vực chia cắt hai đảo Miyako và Okinawa của Nhật Bản, báo chí truyền thông Trung Quốc đã ngay lập tức đáp trả bằng việc cho rằng, nước này có nhiều lựa chọn quân sự khác để giải quyết tranh chấp chủ quyền với những quốc gia láng giềng mà không cần điều động tới tàu sân bay Liêu Ninh.
Nhóm tàu sân bay Liêu Ninh tại biển Hoa Đông. Nguồn: NHK
Báo chí TQ tìm cách bao biện cho các hoạt động quân sự trên biển
Báo mạng Trung Quốc hôm 12/6 khẳng định, việc tàu sân bay Liêu Ninh đi qua biển Hoa Đông không liên quan tới các tranh chấp chủ quyền của nước này ở khu vực mà đây chỉ là một phần trong chương trình diễn tập quân sự thường kỳ.
Bắc Kinh gọi đây là sứ mệnh thường xuyên và tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế đồng thời kêu gọi các nước tôn trọng quyền đi qua biển Hoa Đông của Trung Quốc. Bài báo của Xiakedao, một tài khoản mạng xã hội trên tờ People’s Daily bình luận tàu sân bay Liêu Ninh không đóng bất cứ vai trò gì trong chuyện tranh chấp chủ quyền. Thay vào đó, Xiakedao cho rằng Liêu Ninh đảm nhận bảo vệ các tuyến đường hàng hải, tiến hành ngoại giao hải quân, các nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo và khắc phục hậu quả thiên tai.
“Dường như các tàu sân bay Trung Quốc sẽ không bao giờ tham gia vào giải quyết tranh chấp chủ quyền với những quốc gia láng giềng. Quân đội Trung Quốc có rất nhiều lựa chọn như máy bay tầm xa, tên lửa và tàu khu trục để giải quyết tranh chấp chủ quyền. Tại sao lại cần phải dùng tới tàu sân bay”, bài báo của Xiakedao viết. “Các ý kiến về mối đe dọa từ tàu sân bay Trung Quốc đang được một số nước láng giềng thổi phồng. Giải quyết tranh chấp trên biển với các nước láng giềng chắc chắn không phải là nhiệm vụ chính của các hàng không mẫu hạm của Trung Quốc”, báo mạng Trung Quốc tìm cách đổ lỗi cho dư luận khu vực. Xiakedao nói, sự phát triển của các hàng không mẫu hạm sẽ là nền tảng để Trung Quốc trở thành một quốc gia lớn và gánh vác trách nhiệm quốc tế.
Một chuyên gia Trung Quốc khác giấu tên trên tờ Hoàn cầu thới báo hôm 12/6 cho rằng với việc ngày càng nhiều người Trung Quốc làm việc ở nước ngoài và ngày càng có nhiều dự án chung được tiến hành với các quốc gia khác, các hàng không mẫu hạm của Trung Quốc sẽ là những người bảo vệ mạnh mẽ để bảo vệ lợi ích ở nước ngoài của Trung Quốc khỏi sự bất ổn của khu vực, khủng bố và thảm họa.
Trong khi các nước khu vực lên án mạnh mẽ hành động của TQ
Theo bức ảnh được Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố, sứ mệnh tới Thái Bình Dương của tàu sân bay Liêu Ninh có sự tham gia của ít nhất 5 chiến hạm khác gồm 2 tàu khu trục tên lửa, 2 tàu hộ vệ và 1 tàu cung ứng. Sự xuất hiện lần đầu tiên trong đội hình tàu sân bay Liêu Ninh của tàu hỗ trợ tấn công nhanh Type 901 Hulun Lake 45.000 tấn cho thấy, Liêu Ninh đang trên đường làm nhiệm vụ ở vùng biển xa. “Điều này có nghĩa Liêu Ninh đang thực hiện chuyến đi dài ngày. Đội hình tàu sân bay cho thấy, Liêu Ninh có thể hoạt động ở những khu vực xa xôi trên Thái Bình Dương”, Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời chuyên gia hải quân Li Jie.
Ngoài Liêu Ninh, Trung Quốc đã cho đóng tàu sân bay nội địa đầu tiên mang tên Type 001A. Trong đó, Type 001A đang tiến hành chạy thử trên biển và sẽ hoạt động đầy đủ chức năng vào cuối năm nay. Chiếc tàu sân bay nội địa thứ hai cũng đang được Trung Quốc sản xuất. Trước đó, hãng tin NHK đưa tin Liêu Ninh, tàu sân bay duy nhất đang hoạt động của hải quân Trung Quốc, đã cùng một số tàu chiến đi qua eo biển Miyako, khu vực chia cắt hai đảo Miyako và Okinawa của Nhật Bản trên hành trình tới Thái Bình Dương. Hồi năm 2017, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Wu Qian từng đưa ra tuyên bố hải quân Trung Quốc sẽ tăng cường hoạt động ở eo biển Miyako cho tới khi phía Nhật Bản “làm quen với chuyện này”.
Tàu thuyền Trung Quốc thường xuyên bị phát hiện hoạt động trong vùng biển các nước ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Trong đó, việc nước này thử nghiệm tàu sân bay, đóng mới và cho đồn trú các tàu chiến, huy động một lực lớn tàu cá được vũ trang hoá đang gây ra những quan ngại sâu sắc trong khu vực và quốc tế về nguy cơ tiềm ẩn xung đột, chạy đua vũ trang và nghiêm trọng hơn là việc Trung Quốc tìm cách sử dụng sức mạnh, lẫn lướt về quân sự để kiểm soát, khống chế các vùng biển khu vực.