Bắc Kinh giảm lượng trái phiếu sở hữu tại Kho bạc Mỹ, không ngoại trừ là đòn đáp trả thuế quan.
Trung Quốc đã bắt đầu rút dần số trái phiếu mà nước này sở hữu tại Kho bạc Mỹ xuống mức thấp nhất gần 2 năm qua.
Reuters dẫn số liệu do Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 17/6 cho biết lượng nắm giữ tín phiếu, hối phiếu và trái phiếu kho bạc Mỹ của Trung Quốc trong tháng 4/2019 giảm còn 1,11 nghìn tỷ USD, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2017.
Dữ liệu trên được thu thập trước khi căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh leo lên nấc thang mới hồi tháng 5, khi các cuộc đàm phán sụp đổ và Tổng thống Trump tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đồng thời thông báo thuế sẽ còn tiếp tục tăng.
Nếu Bắc Kinh coi đây là một con bài đối phó với Mỹ thì tới thời điểm này, lượng trái phiếu mà Trung Quốc sở hữu có thể sẽ còn giảm nữa.
Việc giảm lượng trái phiếu Mỹ mà Trung Quốc sở hữu có thể là phương án mà Bắc Kinh lựa chọn tương tự như cách Nga đã từng sử dụng khi bị Mỹ đe dọa đóng băng tài sản.
Mặc dù ý tưởng bán tháo trái phiếu Mỹ để trả đũa Washington đã được nhắc lại rất nhiều lần kể từ khi cuộc chiến thương mại nổ ra, lựa chọn này cũng bị cho là không khả thi, do Trung Quốc khó có thể tìm thấy một thị trường tài chính khác an toàn hơn để đầu tư.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc lâu nay ưa thích 1 đồng nhân dân tệ được định giá thấp hơn so với giá trị thực của nó để tạo thuận lợi cho mô hình kinh tế hướng về xuất khẩu.
Đầu những năm 2000, khi kinh tế Trung Quốc ở trong thời kỳ vàng son, tốc độ tăng trưởng GDP và tăng trưởng xuất khẩu vượt trội đã tạo ra áp lực tăng giá lên đồng nhân dân tệ. Để kìm hãm đà tăng, NHTW Trung Quốc (PBOC) đã bán ra nhân dân tệ và mua vào USD, mà phần lớn số USD mua vào là trái phiếu Kho bạc Mỹ.
Mục đích hàng đầu của Trung Quốc khi mua trái phiếu Mỹ là để ngăn đồng nhân dân tệ tăng giá quá nhanh. Nếu Trung Quốc bán tháo trái phiếu Mỹ và đổi sang nhân dân tệ, đồng tiền này sẽ tăng giá mạnh và gây tổn hại cho các nhà xuất khẩu.
Thời điểm năm 2002, lượng trái phiếu mà Trung Quốc nắm giữ vào khoảng 100 tỷ USD. Đến năm 2013, Bắc Kinh đã đạt đỉnh với mức gần 1.300 tỷ USD.
Trung Quốc cũng không còn mua vào quá nhiều trái phiếu Mỹ nhưng vẫn là chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Nhưng nếu coi trái phiếu là một loại vũ khí kinh tế để Trung Quốc có thể làm lung lay hệ thống tài chính Mỹ thì chúng không có nhiều giá trị.
Mục tiêu của một đợt bán tháo sẽ là làm bão hòa thị trường trái phiếu Mỹ. Hiện mỗi năm Mỹ bán ra khoảng 1.000 tỷ USD trái phiếu, nhà đầu tư vẫn đang tiếp tục mua vào. Tuy nhiên nếu Trung Quốc bán ra một lượng lớn, thị trường khó có thể hấp thụ hết số trái phiếu đó.
Để thu hút nhà đầu tư, có thể Chính phủ Mỹ sẽ phải đưa ra mức lợi suất cao hơn. Chi phí đi vay tăng lên sẽ buộc nước này phải lựa chọn giữa một cuộc khủng hoảng tài khóa hoặc các biện pháp thắt lưng buộc bụng (thứ có thể khiến nền kinh tế không thể tăng trưởng).
Tuy nhiên, Trái phiếu kho bạc Mỹ không phải là một loại chứng khoán thông thường. Vị trí độc nhất vô nhị của Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu mang cho Washington lợi thế.
Mỹ là nơi phát hành USD – đồng tiền dự trữ số 1 thế giới và là hầm trú ẩn an toàn được nhà đầu tư lựa chọn khi có khủng hoảng. Dù cho kinh tế Mỹ có rơi vào bất ổn và là nơi gieo mầm khủng hoảng thì nhu cầu mua các chứng khoán nợ của Mỹ không hề suy chuyển. Trong trường hợp thị trường chao đảo vì Trung Quốc bán ra một lượng lớn trái phiếu Mỹ, nhà đầu tư lại tìm đến tài sản an toàn và do đó hấp thụ hết nguồn cung mới.
Trong một tài liệu được công bố năm 2015, Fed nhận định động thái mua vào 1.500 tỷ USD trái phiếu Mỹ có thể khiến lợi suất giảm từ 40 đến 50 điểm cơ bản. Nếu như Trung Quốc bán ra một khối lượng tương tự và khiến lợi suất tăng một khoảng tương đương, điều đó có thể gây ra chút ít khó chịu nhưng hoàn toàn không phải là thảm họa.
Bên cạnh đó Fed hoàn toàn có thể can thiệp vào thị trường nếu lợi suất tăng đe dọa kinh tế Mỹ. Hiện mỗi tháng Fed bán ra 15 tỷ USD trái phiếu kho bạc, trong lộ trình dỡ bỏ những gói nới lỏng định lượng mà Mỹ đã sử dụng để vực dậy nền kinh tế sau khủng hoảng tài chính. Nhưng nếu Trung Quốc bắt đầu bán ra thì đơn giản là Fed cũng có thể quay trở lại mua trái phiếu.
Nếu vậy, giới quan sát cho rằng, tin tức Trung Quốc đã liên tục bán ra trái phiếu Mỹ là nỗ lực để nhân dân tệ giảm giá một cách từ từ, thu về USD để mua nhân dân tệ từ các nhà đầu tư đang đặt cược vào đà giảm giá của đồng tiền này – chứ hoàn toàn không phải là khởi đầu của 1 đợt bán tháo để trả đũa Mỹ.