Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc cho rằng Trung Quốc đang ở thế yếu so với Mỹ và sớm muộn cũng phải lùi một bước.
Cục Thống kê Quốc gia (NBS) Trung Quốc vừa đưa ra những con số buồn về nền kinh tế Trung Quốc khi các ngành công nghiệp và sản xuất chính bị sụt giảm, nhiều trong số đó phụ thuộc vào xuất khẩu.
Công nghiệp sản xuất là thước đo sản lượng của các ngành công nghiệp trong nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm sản xuất, khai thác khoáng sản và dịch vụ. Con số tăng trưởng của ngành này đã giảm hơn so với mức 5,4% của tháng trước và đạt dưới mức kỳ vọng của các nhà kinh tế, đã dự đoán mức tăng trưởng đạt 5,5%.
Đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ tháng 2/2002, khi đó là 2,7%.
Trong khi đó, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đang trong đà giảm khi tính đến ngày 18/6, 6,9270 Nhân dân tệ đổi 1 USD.
Nhìn vào các diễn biến của nền kinh tế Trung Quốc, PGS.TS Nguyễn Huy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc cho hay, việc Trung Quốc định giá đồng nội tệ thấp đã tạo sức cạnh tranh cho hàng hoá xuất khẩu, mang lại nhiều lợi thế hàng hóa xuất khẩu của nước này song không có lợi cho nhập khẩu của Trung Quốc.
Trong tình huống Trung Quốc xuất nhiều, nhập ít thì tính riêng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, Trung Quốc vẫn lợi.
Dù vậy, trong bối cảnh Mỹ tăng thuế quan lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và sắp tới có thể tiếp tục tăng thuế đối với 325 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, còn Trung Quốc mới nâng thuế với 60 tỷ USD hàng Mỹ, theo đánh giá của PGS Quý, cái được của Bắc Kinh không bù lại được so với cái mất của nước này.
“Sau cùng, tất cả những ngón đòn đó chỉ là biện pháp để hai nước mặc cả với nhau. Trong tương lai, Mỹ và Trung Quốc có khả năng ký kết một văn kiện để điều chỉnh các chính sách thuế quan, xuất nhập khẩu giữa hai bên bởi cốt lõi của cuộc chiến này không phải là nhập khẩu, thương mại mà là vấn đề công nghệ.
Ngay đối với công nghệ, lúc đầu Mỹ ra đòn rất mạnh với Trung Quốc nhưng bây giờ nhiều dấu hiệu cho thấy Washington đã nới tay một chút vì ra đòn với Bắc Kinh thì Mỹ cũng không hoàn toàn yên ổn.
Trong cuộc chiến này, cả hai bên đều không có lợi. Mỹ tung một loạt đòn với Trung Quốc, còn Trung Quốc, nói một cách thẳng thắn, họ có biện pháp để giải quyết chỉ có điều chúng chưa được tiết lộ”, PGS.TS Nguyễn Huy Quý nhận xét.
Đối với hoạt động hoán đổi tiền tệ giữa Trung Quốc với nhiều quốc gia trên thế giới hay việc nước này tăng cường tích trữ vàng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc chỉ ra rằng chúng đã được Bắc Kinh tiến hành từ nhiều năm trước.
Lượng tiền tệ Trung Quốc hoán đổi với các nước có nhiều, có ít, tùy theo tầm quan trọng trong quan hệ giữa nước thứ ba đó với Mỹ và Trung Quốc.
Ví dụ, thời gian tới, hoán đổi tiền tệ giữa Trung Quốc và Nga sẽ mạnh mẽ hơn vì hai bên cùng bị đồng USD tác động và đều muốn thoát khỏi ảnh hưởng của đồng USD. Trung Quốc cũng thực hiện hoán đổi tiền tệ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và nhiều nước trong ASEAN…
Tuy nhiên, tính đến năm 2018, lượng tiền tệ hoán đổi chỉ chiếm chưa đầy 10% trong quan hệ tài chính đối ngoại của Trung Quốc.
Vì lẽ đó, PGS.TS Nguyễn Huy Quý cho rằng, việc Trung Quốc hoán đổi tiền tệ với các quốc gia chỉ là để đỡ đòn, không giải quyết được hoàn toàn vấn đề.
Đối với việc Trung Quốc tăng cường dự trữ vàng, theo chuyên gia, cũng liên quan đến đồng USD.
Mỹ dùng USD để mặc cả, đấu tranh với Trung Quốc về mặt thương mại nhưng không có nghĩa Mỹ muốn in bao nhiêu USD cũng được. Nước Mỹ phải có dự trữ vàng đủ để đảm bảo giá trị của đồng USD.
Ngược lại, Trung Quốc đấu tranh được với Mỹ về vấn đề tiền tệ hay không tùy thuộc vào dự trữ vàng của nước này. Nếu Trung Quốc in thêm Nhân dân tệ, đổi lấy USD, trong khi không có vàng dự trữ đảm bảo giá trị của đồng Nhân dân tệ thì tài chính của Trung Quốc có thể rơi vào thảm họa.
Cho nên, để đảm bảo giá trị đồng tiền, quan trọng nhất vẫn là vàng và đó là lý do Trung Quốc tăng dự trữ vàng.
Đánh giá một cách tổng thể những đòn trả đũa của Trung Quốc đối với Mỹ, PGS.TS Nguyễn Huy Quý cho rằng, Trung Quốc đang ở thế yếu so với Mỹ.
“Những thứ mà Trung Quốc đưa ra chỉ là đòn đỡ. Trung Quốc có thể khiến đòn của Mỹ trở nên ít nghiêm trọng, ít nguy hiểm hơn nhưng để tránh được tất cả những đòn của Mỹ thì đó là điều không thể.
Mỹ có nhiều thứ để mặc cả với Trung Quốc, nhất là hàng công nghệ cao, mang tính lưỡng dụng, trong khi Trung Quốc ít có đòn hơn.
Điểm chung giữa hai nước là đều phải giải quyết vấn đề đối nội. Khi chiến tranh thương mại xảy ra, người thiệt chính là người tiêu dùng, là doanh nghiệp của Mỹ và Trung Quốc.
Cả hai nước đều bỏ tiền ra để bù chỗ cho người dân nhằm giảm nhẹ phản ứng của họ với chính quyền, thế nhưng Trung Quốc tiền ít, người nhiều nên về cơ bản đó vẫn chỉ là đòn đỡ và Trung Quốc bị thiệt nhiều hơn”, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc phân tích.
Cuộc chiến tranh nào cũng phải đi đến hồi kết và theo PGS.TS Nguyễn Huy Quý, thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ từng bước được cải thiện trong từng năm. Thế nhưng, cạnh tranh giữa hai nước xung quanh vấn đề công nghệ có thể kéo dài nhiều năm.
“Thắng thua ra sao trong hàng thập kỷ tới không thể biết trước được, nhưng trong khoảng 5-7 năm tới, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ phải lùi một bước.
Trung Quốc có hai chiến lược đặc biệt quan trọng là Một vành đai, Một con đường và Made in China 2025, thế nhưng họ phải điều chỉnh hai chiến lược ấy bởi không thể giành được mục tiêu như tham vọng ban đầu.
Mỹ sẽ hạn chế được tốc độ phát triển của Trung Quốc nhưng Mỹ không thể ngăn chặn được sự lớn mạnh của Trung Quốc.
Điều đó có nghĩa: Dưới thời chính quyền của Tổng thống Donald Trump Trump hay chính quyền kế tiếp, đường lối của Mỹ vẫn sẽ tiếp tục và Washington sẽ đạt được kết quả, không để cho Trung Quốc tăng trưởng một cách quá dễ dàng, nhanh chóng như đầu thế kỷ XIX cho đến nay nhưng cũng không thể kìm hãm được sự phát triển của Trung Quốc.
Trung Quốc vẫn mạnh nhưng tốc độ đó phải điều chỉnh và nó không như mục tiêu ban đầu mà Trung Quốc đặt ra”, PGS.TS Nguyễn Huy Quý nhận định.