Friday, December 27, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaBiện pháp buộc TQ phải bảo vệ môi trường sinh thái ở...

Biện pháp buộc TQ phải bảo vệ môi trường sinh thái ở Biển Đông

Việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông thông qua xây dựng 7 căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo đã gây tổn thất diện rộng đối với môi trường sinh thái.

Môi trường sinh thái ở Biển Đông đang bị tàn phá nghiêm trọng

Trong số những thách thức chiến lược tại châu Á – Thái Bình Dương, việc phá hủy hệ sinh thái biển là thách thức bị coi nhẹ nhất. Đông Nam Á là khu vực có hệ sinh thái biển phong phú, nơi cư ngụ của 76% loài san hô và 37% loài cá rạn san hô trên thế giới. Trong 2 thập kỷ qua, nhiều chứng cứ, tài liệu cho thấy ngư dân Trung Quốc đã đánh bắt trái phép với quy mô lớn tại quền đảo Trường Sa và khu vực biển lân cận, sử dụng xianua, chất gây nổ, dây nổ. Các sinh vật biển nằm trong phạm vi ảnh hưởng rất lớn, gồm rùa biển, trai, hàu khổng lồ, cá mập, lươn và san hô.

Dư luận dường như đã bỏ sót phán quyết của Tòa Trọng tài liên quan đến việc tàn phá nặng nề mà Trung Quốc gây ra đối với hệ sinh thái biển từ các hoạt động khai phá của họ tại Trường Sa. Quá trình xây dựng đảo của Trung Quốc đã gây ra những tổn thất lâu dài và không thể khắc phục được đối với hệ sinh thái. Lãnh đạo Trung Quốc từ chối chấp nhận lời phê bình của Tòa Trọng tài, Bắc Kinh cho rằng quá trình xây dựng đảo không hề gây ra mối nguy hiểm nào đối với các loài sinh vật trong khu vực và thậm chí còn gọi đó là “dự án xanh”. Đây kông phải là một sự phá hoại sơ xuất. Tòa phát hiện ra rằng quan chức Trung Quốc nhận thức rất đầy đủ về bản chất và quy mô của những hành động này nhưng lại không dừng lại. Mặc dù Trung Quốc phải có trách nhiệm theo Điều 192, 194 của Công ước quốc tế về Luật Biển trong bảo vệ và bảo tồn môi trường biển nhưng họ vẫn thực hiện những hành vi hủy hoại hệ sinh thái ở Biển Đông.

Trong nhiều năm, hoạt động tàn phá nhất của Trung Quốc tại Biển Đông là đánh bắt trộm trai khổng lồ, hủy diệt hơn 40 dặm vuông những rạn san hô đa dạng nhất trên thế giới. Họ thường dùng chân vịt để mở miệng những con trai khổng lồ mà vỏ của nó được bán như những món hàng xa xỉ ở Trung Quốc. Việc đào lên một rạn san hô không chỉ phá hoại hệ sinh thái ở đó do bản chất liên kết giữa các khu vực biển tại Biển Đông mà sự hủy hoại ở một nơi còn dẫn tới những hậu quả ở những nơi khác.

Bất chấp những chứng cứ đó, Bắc Kinh vẫn khẳng định hoạt động của họ mang lại điều tốt đẹp. Tại Đối thoại Shang-ri La đầu năm 2016, Đô đốc Tôn Kiến Quốc – Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, nói rằng bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu quân sự, Trung Quốc đang thực hiện xây dựng trên một số đảo và rạn san hô ở Biển Đông để thực hiện tốt hơn trách nhiệm quốc tế của họ, gồm cả việc bảo vệ môi trường. Nếu xảy ra điều gì, các nhà phân tích Trung Quốc sẽ viện cớ rằng sự phá hủy môi trường trên diện rộng là do những hoạt động đánh bắt trái phép không thể ngăn chặn của các quốc gia khác trong khu vực. Những tuyên bố kiểu như vậy là nhằm làm xao lãng sự chú ý của dư luận khỏi hoạt động phá hoại môi trường của Trung Quốc. Theo luật pháp quốc tế, các nước phải có đánh giá về tác động đối với môi trường trước khi tiến hành việc xây dựng đảo. Việc bỏ qua của Bắc Kinh đối với vấn đề này là không thể bào chữa được. Trong một tuyên bố gửii Tòa án quốc tế vào tháng 12/2014, Trung Quốc không hề nhắc tới bất kỳ nghiên cứu đánh giá nào về tác động đối với môi trường. Với sự chối bỏ trách nhiệm này. Trung Quốc đã dồn gánh nặng cho các quốc gia biển khác trong khu vực.

Cần làm gì để bảo vệ môi trường biển

Đối mặt với những thảm họa môi trường, các nước Đông Nam Á phải cùng nhau gìn giữ và bảo vệ môi trường biển trong khu vực.

Trước tiên, cần thảo luận nghề đánh bắt cá, cụ thể là việc điều hành di cư các đàn cá. Các báo cáo gần đây cho thấy các đàn cá ở Biển Đông đang ở trong điều kiện bấp bênh. Các quốc gia trong khu vực cần có tính minh bạch hơn về các hoạt động khai thác tài nguyên. Mỗi bên đều phải cố gắng hết sức để đảm bảo rằng hệ sinh thái được gìn giữ một cách tốt nhất và được khai thác bền vững.

Thứ hai, tạo ra một cơ chế khu vực trong gìn giữ môi trường biển, đây sẽ là phần khó khăn nhất. Tháng 4/2016, trong cuộc họp đầu tiên của nhóm nghiên cứu thuộc Hội đồng Hợp tác An ninh châu Á – Thái Bình Dương tại Philippines, đã có nhiều cuộc thảo luận về bộ quy tắc và quy định trong bảo vệ môi trường biển. Nhóm này nhấn mạnh cần phát triển phương pháp tổng hợp trong điều hành các hoạt động thương mại và hành nghề trên biển. Đây không phải là lần đầu các quốc gia trong khu vực phối hợp cùng nhau vì lợi ích của các sinh vật biển. Năm 2011, các nước Đông Nam Á đã phối hợp phát triển phương pháp và công cụ bảo vệ các rạn san hô theo khuôn khổ của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP). Năm 2012, trong tài liệu “Tương lai mà chúng ta mong muốn”, Liên hợp quốc đã xác định bảo vệ san hô tại châu Á – Thái Bình Dương là vấn đề trọng tâm và là một mục tiêu phát triển bền vững cần đạt được đến năm 2020.

Trong khi cả thế giới bị ám ảnh bởi những tác động về địa chính trị của những xung đột tại Biển Đông thì có những câu hỏi về môi trường biển vẫn cần giải quyết. Nguồn tài nguyên thiên nhiên tại Biển Đông là trọng tâm đối với nền kinh tế quốc gia, kế sinh nhai của rất nhiều những người dân ven biển, đồng thời cũng là nguồn thực phẩm rẻ và giàu chất dinh dưỡng đối với những người dân ở đây. Tuy vậy, những xung đột về chủ quyền đã làm giảm đi năng lực của các chính phủ trong phối hợp quản lý các nguồn tài nguyên tại Biển Đông. Trung Quốc và các nước láng giềng cần tạm gác lại sự thù địch và phối hợp hiệu quả trong gìn giữ, khôi phục hệ sinh thái biển tại châu Á – Thái Bình Dương.

Biện pháp buộc Trung Quốc phải bảo vệ môi trường ở Biển Đông

Kể từ năm 2013, Trung Quốc bắt đầu một kế hoạch xây dựng đảo tham vọng trên bãi đá san hô thuộc quần đảo Trường Sa. Kế hoạch này là một phần trong nỗ lực củng cố các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại biển Hoa Nam (Biển Đông) với 6 bên tranh chấp khác là Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam và vùng lãnh thổ Đài Loan.

Đến nay, sự chú ý của thế giới mới chủ yếu tập trung ở tác động về mặt an ninh của việc này. Vài năm gần đây, Hải quân Mỹ đã tiến hành các hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông nhằm thách thức việc Trung Quốc kiểm soát vùng biển này. Tháng 7/2016, Tòa Trọng tài quốc tế tại La Hay đã đưa ra quyết định chống lại những tuyên bố chủ quyền quá mức của Trung Quốc – điều mà các bên tranh chấp và Mỹ đều hoan nghênh, nhưng Trung Quốc ngay lập tức bác bỏ.

Tác động về mặt chính trị từ hoạt động xây đảo của Trung Quốc được đặt lên hàng đầu, tuy nhiên, hậu quả đối với môi trường lại bị bỏ sót. Xây dựng đào tạo ra sự tàn phá đối với các rạn san hô mong manh và đe dọa cuộc sống của các loài sinh vật ở Biển Đông. Trên thực tế, bảo vệ môi trường có thể là cơ hội nhằm áp đặt áp lực quốc tế đối với Bắc Kinh. Phán quyết của Tòa quốc tế đã cho rằng việc xây dựng đảo tạo ra sự tàn phá môi trường, không thể phục hồi, rõ ràng là vi phạm Điều 192 và 194 trong Công ước quốc tế về Luật Biển (UNCLOS).

Chính phủ Trung Quốc đã tìm cách bảo vệ những lập luận về môi trường của họ. Tháng 5/2016, trước khi Tòa quốc tế đưa ra phán quyết, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố rằng với tư cách sở hữu quần đảo Nam Sa (cách Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa), Trung Quốc rất quan tâm đến việc bảo vệ môi trường sinh thái của các đảo, bãi đá san hô và vùng nước ở đây hơn bất cứ quốc gia, tổ chức và người dân nào trên thế giới. Ông Hồng Lỗi cho rằng Trung Quốc đang xây dựng đảo theo cách phù hợp với hệ sinh thái và khẳng định kế hoạch này nhằm mục đích hòa bình. Tuy vậy, đến nay, hoạt động của Trung Quốc đã phá hoại một khu vực hơn 30 dặm vuông – gấp 1,5 lần khu Mahattan ở thành phố New York (Mỹ).

Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris phát biểu tại Quốc hội Mỹ rằng việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông thông qua xây dựng 7 căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo đã gây tổn thất diện rộng đối với môi trường sinh thái. Quan điểm của Harris là hoàn toàn có cơ sở. Theo Giáo sư về sinh vật biển và hệ sinh thái, ông John McManus tại Đại học Miami (Mỹ), việc đánh bắt cá quá nhiều và xây dựng đảo của Trung Quốc đã tàn phá hệ sinh thái ở Biển Đông. Ngư dân Trung Quốc đánh bắt sỏ quá nhiều từ những rạn san hô đã tạo ra sự tàn phá đối với san hô mà phải mất đến 20 năm mới tự phục hồi được. Sau đó, các nhà chức trách Trung Quốc tuyên bố bãi san hô chết và bắt đầu nạo vét, xây dựng đảo trên những rạn san hô này. Một khi bê tông và cát được đổ xuống thì sự tàn phá này là không thể phục hồi nổi.

Các học giả và lãnh đạo chính trị đã đưa ra một số đề xuất nhằm bảo vệ sự đa dạng sinh thái ở Biển Đông. Năm 1992, ông McManus đề nghị thiết kế quần đảo Trường Sa thành một công viên sinh thái quốc tế do tất cả các bên tranh chấp quản lý. Tháng 11/2016, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dự định tuyên bố đơn phương bãi cạn Scarborough là một khu bảo tồn sinh vật biển. Những đề xuất này có vẻ như dễ thất bại do nhiều tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa các bên và sự khó khăn trong thực thi các quy định về bảo vệ môi trường.

Chính phủ Trung Quốc có thể được khuyến khích thực thi các hoạt động sửa chữa lại những tàn phá mà họ đã gây ra trên Biển Đông. Rõ ràng là luật pháp quốc tế không có hiệu lực ở đây vì Trung Quốc không hề thiện chí thực hiện phán quyết của Tòa Trọng tài này. Các tổ chức phi chính phủ về môi trường như Greenpeace, World Wildlife Fund, Conservation International đều có mối liên hệ về tài chính, chính trị với lợi ích của Trung Quốc và vẫn im lặng trước việc Trung Quốc phá hủy các rạn san hô. Bởi vậy cần phải có những cách thức gây áp lực khác.

Trong quá khứ, cách hiệu quả nhất để buộc Trung Quốc phải hành động trong giải quyết vấn đề môi trường là tập hợp dư luận quốc tế. Năm 2006, cựu cầu thủ bóng rổ Yao Ming cùng với tổ chức phi chính phủ WildAid đã dẫn dắt một chiến dịch truyền thông xã hội chống lại việc sử dụng súp vây cá mập – một món cao lương mỹ vị truyền thống của Trung Quốc. Chiến dịch này đã làm giảm nhu cầu tiêu thụ món súp này, buộc Disneyland Hong Kong phải bỏ nó khỏi thực đơn tiệc cưới và cuối cùng khiến Chủ tịch Tập Cận Bình cấm sử dụng món này trong các buổi tiệc chiêu đãi quốc gia. Yao Ming cùng với WildAid cũng phản đối việc mua bán ngà voi, đóng một phần vai trò quyết định cấm buôn bán ngà voi của Trung Quốc đến cuối năm 2017. Tiếp tục kêu gọi sức ép quốc tế từ Liên hợp quốc và các nước khu vực cũng như các tổ chức phi chính phủ, những người nổi tiếng có nhiều ảnh hưởng có thể tác động đến dư luận Trung Quốc – cũng như điều đã từng xảy ra đối với món súp vây cá mập và buôn bán ngà voi – buộc Chính quyền Trung Quốc phải dừng các hoạt động phá hoại đảo san hô trên Biển Đông.

Các tuyên bố chủ quyền có thể không mấy liên quan tới các thành phần phi nhà nước, dư luận quốc tế và các quốc gia không liên quan trực tiếp tới tranh chấp ở Biển Đông. Nhưng chuyển vấn đề này thành vấn đề môi trường thì có thể mang lại hiệu quả trong tác động đến việc xây dựng đảo của Trung Quốc. Nếu như Mỹ đã từng nhận trách nhiệm và sửa sai khi vô tình phá hủy 25.240 feet vuông (tương đương 7,7 km2) san hô thì chắc chắn Trung Quốc cũng có thể làm như vậy bởi Trung Quốc đã cố ý phá hủy một khu vực gấp tới 43.000 lần khu vực Mỹ vô tình phá hủy. Trung Quốc sẽ buộc phải dừng hoạt động xây đảo nhân tạo và có các biện pháp khôi phục hệ sinh thái đã bị tàn phá ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới