Friday, November 15, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiCác chuyến thăm hữu nghị của tàu hải quân các nước tới...

Các chuyến thăm hữu nghị của tàu hải quân các nước tới Việt Nam thúc đẩy hòa bình, hợp tác trong khu vực

Từ đầu năm 2019 đến nay, tàu hải quân các nước đã liên tục có các chuyến thăm thân thiện đến Việt Nam. Những hoạt động này đã góp phần thúc đẩy hợp tác giữa hải quân các nước nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực và các vùng biển quốc tế.

Chuyến thăm của hai tàu hải quân Australia

Hai tàu Hải quân Hoàng gia Australia HMAS Canberra và HMAS Newcastle với 800 thủy thủ do Chuẩn tướng Richard Owen, Tư lệnh Nhóm chuyên trách 661 dẫn đầu đã có chuyến thăm thiện chí cảng quốc tế Cam Ranh của tỉnh Khánh Hòa, thăm hưu nghị Việt Nam từ ngày7/5 đến ngày 10/5, trong khuôn khổ hợp tác giữa hải quân hai nước.Chuyến thăm cũng nằm trong khuôn khổ Chương trình Nỗ lực Thái Bình Dương (IPE) năm 2019 được Australia tổ chức tại một số nước trong khu vực như: Sri Lanka, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Singapore và Indonesia. IPE được Australia tổ chức từ năm 2017 và đây là lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Hai tàu trên đã thực hiện một số hoạt động giao lưu với hải quân Việt Nam về CUES, PASSEX, hoạt động quản lý và điều hành tàu, trao đổi kinh nghiệm về các chiến dịch hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa và giao hữu thể thao.

HMAS Canberra là một trong hai tàu đổ bộ lớp Canberra và là con tàu lớn nhất đươc đóng cho hải quân hoàng gia Australia, có hai nhiệm vụ song song. Nó được tích hợp các hệ thống đổ bộ từ trên không và đường biển phức tạp và mạnh nhất trên thế giới, đồng thời đem lại cho chính phủ Australia năng lực thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tàu dài 230m, cao 30 mét và có lực dãn nước 27.000 tấn. Tàu có thể thực hiện chiến dịch đổ bộ bằng xuồng và trực thăng cho 1.000 quân cùng vũ khí, đạn dược, quân trang, xe bọc thép cũng như chuyên chở hàng hóa dành cho mục đích cứu trợ nhân đạo khi cần thiết. Tàu có tốc độ tối đa 20 hải lý (35km/h) và có thể hoạt động độc lập ở tầm xa 6.000km. Trong khi đó, HMAS Newcastle là tàu hộ vệ tên lửa tầm xa. Tàu có khả năng phòng không, tác chiến mặt nước và tác chiến ngầm, trinh sát, tuần thám và đánh chặn.

Chuyến thăm của hai tàu hải quân Nhật Bản

Tàu hộ vệ trực thăng JS IZUMO 183 và tàu khu trục JS MURASAME 101 của Hải quân Nhật Bản cùng hơn 700 sĩ quan, thủy thủ đoàn do Chuẩn Đô đốc Hiroshi Egawa, Chỉ huy Đội tàu Hộ vệ số 1 làm trưởng đoàn đã cập cảng Quốc tế Cam Ranh, thăm Việt Nam và giao lưu với Hải quân Việt Nam từ ngày 14/6 đến ngày 17/6. Chuyến thăm này có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác hữu nghị giữa hải quân hai nước. Trong thời gian thăm Việt Nam, sĩ quan và thủy thủ của Hải quân Nhật Bản đã tham gia các hoạt động như chào xã giao lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa, Bộ Tư lệnh Vùng 4, Học viện Hải quân; giao lưu thể thao với cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân và tham quan một số địa danh du lịch tại tỉnh Khánh Hòa…

JS IZUMO 183đươc hạ thủy vào 6/8/2013 và tiến hành đợt thử nghiệm cuối cùng vào cuối tháng 9/2014, là loại tàu sân bay kiểu mới được Nhật Bản xây dựng cho lực lượng phòng vệ trên biển. Tàu phòng vệ này và chiếc cùng lớp chưa đặt tên (DDH-184, nhiều khả năng sẽ hạ thủy vào tháng 8 năm nay và chính thức đưa vào hoạt động từ tháng 3/2017) được dự định sẽ thay thế 2 chiến hạm kỳ cựu của cụm tác chiến hải quân Nhật là các tàu JS Shirane (DDH-143) và JS Kurama (DDH-144) thuộc lớp Shirane, đã phục vụ từ năm 1980 và 1981. Tàu khu trục chở trực thăng lớp IZUMO là tàu hộ vệ mặt nước lớn nhất trong hạm đội Nhật Bản hiện nay. So với tàu sân bay hạng nhẹ Hyuga lớn nhất Nhật đang sở hữu, IZUMO dài hơn tới 51m, đủ cho thấy kích thước đáng nể của nó. IZUMO cũng có kích cỡ lớn hơn các tàu sân bay hạng nhẹ như Cavour của Italy và Principe de Asturias của Tây Ban Nha và các tàu sân bay hạng nhẹ khác của Anh. Chuyến thăm Việt Nam của hai tàu Hải quân Nhật Bản lần này nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác, sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa quân đội và Hải quân hai nước Việt Nam – Nhật Bản.

Chuyến thăm của tàu hải quân Pháp

Từ 28/5 – 3/6, tàu hộ tống phòng không mang tên FORBIN, số hiệu D620 của Hải quân Pháp do Đại tá Thomas Frioli làm Thuyền trưởng cùng 199 thủy thủ đoàn (gồm 29 sĩ quan và 170 hạ sĩ quan, chiến sĩ) đã cập cảng Hiệp Phước, Tp. Hồ Chí Minh đã thực hiện chuyến thăm xã giao Việt Nam và Quân chủng Hải quân tại Tp. Hồ Chí Minh. Đây là lần thứ 22 tàu Hải quân Pháp đến thăm Việt Nam. Chuyến thăm xã giao lần này nhằm hiện thực hóa kế hoạch hợp tác quốc phòng Việt – Pháp năm 2019; thúc đẩy quan hệ giữa hải quân hai nước, góp phần củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác quốc phòng song phương cũng như quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Pháp. Trong thời gian diễn ra chuyến thăm, nhóm chỉ huy tàu đã đến chào xã giao lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh, Bộ Tư lệnh Quân khu 7. Thủy thủy đoàn sẽ giao lưu thể thao với cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân. Sau khi rời cảng Hiệp Phước, tàu Hải quân hai bên đã phối hợp luyện tập chung về vận động đội hình, thông tin liên lạc tại khu vực biển Vũng Tàu theo kế hoạch đã thống nhất.

Chuyến thăm của hai tàu hải quân Canada

Tàu khu trục HMCS Regina và tàu tiếp vận hậu cần NRU Asterix của Hải quân Hoàng gia Canada cùng 320 sĩ quan và thủy thủ đoàndo trung tá Jacob French, Sĩ quan Chỉ huy tàu HMCS Regina dẫn đầu đã cập cảng Quốc tế Cam Ranh, thăm và giao lưu với Hải quân Việt Nam từ ngày 10/6 đến ngày 13/6. Sĩ quan và thủy thủ của Hải quân Hoàng gia Canada đã tham gia các hoạt động: Chào xã giao lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh Khánh Hòa và Bộ Tư lệnh Vùng 4; giao lưu thể thao với cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân và thăm các trung tâm bảo trợ xã hội tại tỉnh Khánh Hòa… “Hoạt động lần này nhằm tăng cường quan hệ giữa hải quân hai nước, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai quốc gia”, trung tá Jacob French nói.

HMCS Regina là tàu khu trục lớp Halifax, dài 134 m, cao 16 m, lượng giãn nước 4.700 tấn, tốc độ tối đa 30 hải lý/h. Chiến hạm được thiết kế với nhiều vũ khí hiện đại giúp chống ngầm, chống hạm nổi và hệ thống rada có khả năng tác chiến phòng không mạnh mẽ cùng trực thăng. Đây là một trong những tàu chiến tiên tiến nhất trên thế giới. Còn tàu tiếp viện hậu cần Asterix dài 198 m, 20 hải lý/h, cải hoán từ tàu thương mại Motor Vessel Asterix, được Hải quân Canada thuê tạm thời trong 5 năm để phục vụ công tác tiếp vận hậu cần trên biển trong thời gian chờ đóng mới hai tàu hậu cần hỗn hợp lớp Protecteur. Đây là chuyến thăm nằm trong chương trình hoạt động của Hải quân Canada để trao đổi với Hải quân các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, giúp củng cố khả năng thực hiện các hoạt động chung hiệu quả với các quốc gia đối tác.

RELATED ARTICLES

Tin mới