Sunday, January 5, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaĐối thoại “Hợp tác ASEAN trong vấn đề Biển Đông” lần thứ...

Đối thoại “Hợp tác ASEAN trong vấn đề Biển Đông” lần thứ 5

Ngày 18/6, Học viện Ngoại giao phối hợp với Quỹ Konrad-Adenauer Stiftung (KAS) của Đức và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức Đối thoại Biển lần thứ 5 với chủ đề “Hợp tác ASEAN trong vấn đề Biển Đông”.

Tại Đối thoại, giới chuyên gia, học giả đã trao đổi về một số vấn đề như diễn biến tranh chấp Biển Đông, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và cách để ASEAN có thể định hình và khẳng định vị trí trong cuộc xung đột đó; vai trò của Việt Nam cũng như những kỳ vọng khi Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)… những giải pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa vai trò trung tâm của ASEAN cũng như sự hợp tác giữa các thành viên trong khối trong vấn đề Biển Đông.

Theo giới chuyên gia, các vấn đề xung đột đã tạo ra thách thức lớn đối với hòa bình ổn định trong khu vực trong nhiều năm qua. Không thể phủ nhận, các quốc gia Đông Nam Á cũng đang dần có những quan điểm và lợi ích khác nhau, cũng như cách tiếp cận  khác nhau trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Trong bối cảnh đó, ASEAN vẫn nỗ lực duy trì và khẳng định mong muốn đóng vai trò trung tâm trong các vấn đề khu vực.

Trong khuôn khổ đối thoại, các đại biểu cũng đã cùng thảo luận và đưa ra nhiều phương thức giúp định hình những ưu tiên, xác định điểm chung, xây dựng lòng tin giữa các quốc gia ASEAN để giải quyết các vấn đề mang tính chất nhạy cảm trên Biển Đông, đặc biệt là các vấn đề về suy giảm môi trường, cạn kiệt nguồn tài nguyên cá…

Trước đó, Học viện Ngoại giao phối hợp với Quỹ Konrad-Adenauer Stiftung (KAS) của Đức và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam đã tổ chức 4 buổi Đối thoại liên quan vấn đề biển đảo.

Tại Đối thoại lần thứ 4 với chủ đề “Hợp tác quốc tế giải quyết vấn nạn rác thải nhựa ở Biển Đông” (16/1/2019), Tiến sỹ Nguyễn Lê Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo cho rằng, ngoài việc triển khai tốt chính sách, Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác khu vực, chia sẻ thông tin về ô nhiễm rác thải nhựa ở khu vực Biển Đông. Để thực hiện điều này, các nước trong khu vực cần có kế hoạch hành động cùng với nguồn lực hậu thuẫn phù hợp để giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương đối với từng quốc gia. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy các sản phẩm tái chế, công nghệ tái chế trong tương lai… Trong khi đó, Phó Giáo sư Nguyễn Chu Hồi nhận định sự hợp tác giữa các nước trong khu vực Biển Đông để chung tay cùng giải quyết vấn đề rác thải nhựa không chỉ là nguyên tắc chung trên thế giới mà còn là nhu cầu hết sức cấp thiết đối với các nước trong bối cảnh hiện nay. Theo Phó Giáo sư Nguyễn Chu Hồi, việc tăng cường hợp tác giữa các nước trong các vấn đề môi trường, đặc biệt là rác thải nhựa cũng tạo dựng được lòng tin, thể hiện những dấu hiệu về thiện chí chính trị trong việc giải quyết những vấn đề còn lại ở Biển Đông.

Tại Đối thoại lần thứ ba với chủ đề “Luật Quốc tế và Biển Đông” (11/6/2018), Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Lê Hải Bình nhấn mạnh, luật quốc tế là cơ sở bảo đảm an ninh và ổn định quốc tế cũng như khu vực. Tại Biển Đông, các bên liên quan đều tuyên bố tuân thủ luật pháp quốc tế, song cách diễn giải luật khác nhau tạo ra thách thức lớn đối với hợp tác khu vực. Do đó, đối thoại lần này là cơ hội thúc đẩy sự hiểu biết chung giữa các chuyên gia, giới hoạch định chính sách và công chúng nói chung, từ đó góp phần rút ngắn khoảng cách về nhận thức và thúc đẩy hợp tác trên Biển Đông. Cũng tại Đối thoại, các diễn giả đã thảo luận những vấn đề pháp lý ở Biển Đông. Trong đó có nguyên tắc thượng tôn pháp luật, địa vị pháp lý của các thực thể, phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện của Philippines ở Biển Đông, khía cạnh pháp lý của ý tưởng hợp tác cùng phát triển trong khu vực, bộ Quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông…

Tại Đối thoại lần thứ 2 với chủ đề “Hợp tác nghề cá tại Biển Đông” (15/3/2018), giới chuyên gia, học giả đã tập trung thảo luận về tình hình và đánh giá cơ hội hợp tác nghề cá tại Biển Đông. Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, Tiến sĩ Lê Hải Bình cho biết nghề cá tại Biển Đông mang lại nhiều lợi ích không chỉ về mặt kinh tế mà còn góp phần ổn định kinh tế-xã hội, đảm bảo đời sống mưu sinh cho hàng trăm triệu người dân ven biển ở Biển Đông. Tuy nhiên, trước tình hình đánh bắt cá quá mức, hoạt động đánh bắt cá trái phép (IUU Fishing) và việc ngư dân sử dụng những phương thức đánh cá gây hủy diệt môi trường biển, các quốc gia tại Biển Đông có trách nhiệm khai thác nghề cá bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái biển. Ông Peter Girke – Trưởng đại diện Quỹ KAS tại Việt Nam chia sẻ, trong bối cảnh trữ lượng cá đang ngày càng suy giảm, các nước cần tích cực thúc đẩy các biện pháp hợp tác trên cơ sở tính toán cân bằng lợi ích của từng lĩnh vực và giữa các quốc gia. Tại Đối thoại, bà Stacey Nation – Tham tán Chính trị Đại sứ quán Australia đánh giá cao việc tổ chức Đối thoại Biển lần thứ hai cho biết, Australia áp dụng cách tiếp cận đa diện trong hoạt động nghề cá nói chung và chống lại các hành vi đánh cá trái phép nói riêng. Australia đã hợp tác tích cực với Việt Nam trong hoạt động nghề cá và cam kết tiếp tục thúc đẩy hợp tác song phương chặt chẽ trong thời gian tới. Các diễn giả đều đồng tình rằng hiện nay tại Biển Đông, tình hình đánh bắt cá trái phép, đánh bắt cá bằng các phương thức hủy diệt môi trường và nhận thức kém về bảo vệ môi trường biển là nguyên nhân chính dẫn đến việc suy giảm nghiêm trọng nguồn cá. Do đó, các quốc gia cần hợp tác với nhau một cách toàn diện, thực chất.

RELATED ARTICLES

Tin mới