Từ 20-23/6, Hội nghị cấp cao ASEAN 34 với chủ đề “Đối tác thúc đẩy vì sự phát triển bền vững” sẽ được diễn ra tại Bangkok, Thái Lan. Lãnh đạo các nước ASEAN sẽ thảo luận nhiều vấn đề, trong đó có chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), tình hình bang Rakhine (Myanmar). Dự kiến, hội nghị sẽ đưa ra một loạt các tuyên bố chính sách, trong đó có khuyến nghị về hoạt động chống ô nhiễm biển.
Theo đó, với mục tiêu thúc đẩy hợp tác, xây dựng sự đồng thuận hội nghị năm nay được tổ chức với chủ đề “Đối tác thúc đẩy vì sự phát triển bền vững”. Theo Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai, ASEAN cần hợp tác chặt chẽ nội khối cũng như với các đối tác. Sự hợp tác này dựa trên lợi ích chung cho một tương lai tươi sáng hơn và bền vững hơn với người dân làm trung tâm. Ngoài ra, một trong những vấn đề quan trọng mà Hội nghị cấp cao ASEAN 34 sẽ trao đổi là việc ASEAN sẽ thông qua dự thảo đầu tiên về Bộ quy tắc ứng tử trên Biển Đông (COC) và đặt mục tiêu hoàn thành dự thảo này trong vòng 3 năm. Thái Lan cũng sẽ nhấn mạnh một số vấn đề khác như khung hành động của ASEAN về rác thải biển, trách nhiệm đối với công ước CITES về buôn bán động vật hoang dã…
Vụ trưởng Vụ ASEAN thuộc Bộ Ngoại giao Thái Lan Suriya Chindawongse cho biết, các lãnh đạo của 10 quốc gia Đông Nam Á sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Bangkok từ 22-23/6. Theo ông Suriya, dưới sự chủ trì của Thái Lan, sẽ nhấn mạnh vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN lấy con người làm trung tâm để “không bỏ lại ai ở phía sau và hướng tới tướng lai”. Trung tâm của các cuộc thảo luận sẽ là nỗ lực hướng tới một khu vực số hóa, xanh và kết nối liên tục, cũng như thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh kiến trúc khu vực. Ông Suriya cho biết dự kiến khi kết thúc hội nghị, sẽ có một tuyên bố chung về tầm nhìn của các lãnh đạo đối với sự bền vững cùng với một kế hoạch hoạt động nhằm giải quyết các vấn đề ô nhiễm biển, cũng như phác thảo của một khuôn khổ về những ý tưởng liên quan đến Khái niệm Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ngoài ra, nước chủ nhà cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho các nước trong khu vực về vấn đề xóa thẻ vàng của Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề đánh bắt cá bất hợp pháp và không có kiểm soát (IUU). Các đại biểu tham dự hội nghị dự kiến cũng sẽ nghe báo cáo của Tổng thư ký ASEAN và các ban của ASEAN về một số vấn đề như Sáng kiến về Tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của ASEAN do Indonesia đề xuất; Hỗ trợ nhân đạo với người Rohingya ở bang Rakhine, Myanmar; Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…
Về an ninh, theo Phó thủ tướng Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan cho biết, Thái Lan sẽ triển khai 10.000 cảnh sát để đảm bảo an ninh tại các điểm quan trọng ở Bangkok đặc biệt là khu vực diễn ra hội nghị. Đồng thời, Phó Tư lệnh Cảnh sát hoàng gia Thái Lan Srivara Ransibrahmanakul cho biết các nút giao thông trên các tuyến đường xung quanh địa điểm diễn ra hội nghị sẽ bị phong tỏa vào ngày nghỉ để bảo đảm việc di chuyển và an toàn cho các đại biểu tham gia hội nghị.
Trước đó, từ 28-29/5/2019 tại Bangkok, Thái Lan đã diễn ra Hội nghị Tham vấn chung ASEAN (JCM) và Hội nghị Quan chức Cao cấp (SOM) ASEAN. Đây là các hội nghị thường kỳ của các quan chức cao cấp ASEAN, đồng thời là dịp quan trọng để các nước trao đổi về công tác chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 sắp tới.
Tại Hội nghị, các nước đã trao đổi về dự kiến chương trình hoạt động, chương trình nghị sự và các văn kiện sẽ thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34. Dự kiến lãnh đạo các nước ASEAN sẽ thảo luận về các nội dung chính gồm đẩy mạnh hợp tác và liên kết khu vực, xây dựng Cộng đồng ASEAN, thúc đẩy quan hệ giữa ASEAN với các đối tác và các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Các nước ASEAN đánh giá cao công tác chuẩn bị của nước Chủ tịch Thái Lan tới thời điểm này, khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ đảm bảo cho thành công của Hội nghị.
Đánh giá về những tiến triển trong hợp tác ASEAN thời gian qua, các nước ghi nhận và hoan nghênh các kết quả triển khai Chủ đề và ưu tiên của năm, trong đó có việc tổ chức thành công Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về Rác thải biển và Hội nghị đặc biệt các Bộ trưởng ASEAN về Buôn bán động vật hoang dã tại Thái Lan trong tháng 3/2019. Các nước cũng bày tỏ ủng hộ việc đẩy mạnh gắn kết tương hỗ giữa giữa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 với các Mục tiêu của Liên Hợp quốc về phát triển bền vững và nhất trí thúc đẩy xây dựng Lộ trình hợp tác giữa ASEAN và Liên Hợp Quốc vì mục tiêu này.
Các quan chức cao cấp ASEAN cũng ghi nhận tiến triển tích cực trong triển khai kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN; ủng hộ việc đẩy mạnh kết nối các sáng kiến kết nối trong khu vực, phát triển bền vững ở các tiểu vùng, trong đó có Mê Công. Các nước cũng nhất trí tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực về tăng cường khả năng phối hợp, điều phối về các vấn đề hợp tác liên lĩnh vực, liên trụ cột trong ASEAN, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban thư ký ASEAN và trông đợi việc đưa vào vận hành hiệu quả Trụ sở mới của Ban thư ký ASEAN trong năm 2019.
Bên cạnh đó, các nước cũng trao đổi về thủ tục để Nam Phi chính thức tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) của ASEAN; thúc đẩy hiệu lực, hiệu quả của Hiệp ước về khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) và thảo luận về các bước đánh giá, tìm hiểu thực tế đề nghị tham gia ASEAN của Đông Ti-mo (Timor Leste).