Hàng trăm công nhân Trung Quốc và Bangladesh đã lao vào hỗn chiến tại công trường xây dựng một nhà máy thủy điện do Trung Quốc đầu tư khiến ít nhất 1 người Trung Quốc thiệt mạng.
Ít nhất 1 người chết, hàng chục người bị thương trong đó có 6 người Trung Quốc trong trận hỗn chiến tại một công trường nhà máy thủy điện cách thủ đô Dhaka của Bangladesh khoảng 200km.
Vụ việc xảy ra ngày 19-6 được cho là hậu quả của một tai nạn lao động chết người trước đó. Theo Hãng thông tấn AFP, một công nhân Bangladesh đã thiệt mạng trong quá trình xây dựng một nhà máy thủy điện công suất 1.320 MW do Trung Quốc đầu tư.
Cho rằng người Trung Quốc đã bưng bít để sự việc chìm xuồng, các công nhân và người dân địa phương đã kéo tới công trường “đòi công lý” và dẫn tới vụ ẩu đả.
Có khoảng 6.000 công nhân làm việc thường xuyên tại công trường, trong đó người Trung Quốc chiếm tới 1/3.
Cảnh sát địa phương cho biết hàng trăm người từ hai phía đã lao vào nhau hỗn chiến. “Một công nhân Trung Quốc bị đập vào đầu và chết trong bệnh viện sau đó”, nhà chức trách thông tin ban đầu.
Ít nhất 6 người Trung Quốc đã được đưa đi cấp cứu trong tình trạng bị thương nặng. Chính quyền Bangladesh đã phải huy động hơn 1.000 cảnh sát để giải tán cuộc hỗn chiến, lập lại trật tự.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Đại sứ quán Trung Quốc tại Bangladesh hiện vẫn chưa lên tiếng sau vụ việc.
Trung Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn vào Bangladesh, chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng và giao thông.
Tuy nhiên theo AFP, sự hiện diện của một số lượng lớn công nhân Trung Quốc ở Bangladesh, cũng như ở các quốc gia khác nơi Bắc Kinh đang đầu tư mạnh mẽ, đã gây ra một số căng thẳng với người dân địa phương, do đó các vụ đụng độ là khó tránh khỏi.
Vào tháng 4-2016, 4 người đã thiệt mạng khi cảnh sát nổ súng vào đám đông biểu tình phản đối việc xây dựng 2 nhà máy thủy điện do Trung Quốc đầu tư phía đông nam Bangladesh.
Cuộc đụng độ ngày 19-6 chỉ diễn ra vài tuần trước chuyến thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina.
Các khoản đầu tư của Trung Quốc vào quốc gia Nam Á này là một phần của sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Hôm 18-6, trong một báo cáo mới về sáng kiến này, Ngân hàng Thế giới (WB) thừa nhận BRI có thể đem lại lợi ích cho các nước, giúp hàng triệu người thoát nghèo.
Tuy nhiên, WB nhấn mạnh để làm được điều đó, trước hết Trung Quốc phải minh bạch về BRI, tránh đẩy các nước vào cái gọi là bẫy nợ.