Sunday, January 5, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiLãnh đạo quốc phòng mới của Mỹ chủ trương chơi rắn với...

Lãnh đạo quốc phòng mới của Mỹ chủ trương chơi rắn với TQ

Mark Esper chủ trương sử dụng “vũ khí chính xác tầm xa” để đối phó với Trung Quốc tại châu Á – Thái Bình Dương, ám chỉ các tên lửa dẫn đường và đẩy mạnh các chương trình hiện đại hóa quân đội Mỹ.

“Tân Quyền bộ trưởng quốc phòng Mark Esper sẽ là tin xấu cho Trung Quốc” – đó là dòng tít trên tờ Washington Examiner ngày 19-6. 

Vài tiếng trước đó, cựu giám đốc điều hành Boeing Patrick Shanahan tuyên bố rút khỏi quá trình phê chuẩn trở thành người đứng đầu Lầu Năm Góc vì bê bối bạo hành gia đình trong quá khứ.

Với ông Esper, việc trở thành Quyền Bộ trưởng quốc phòng gần như là điều bất ngờ. Bởi theo báo New York Times, Bộ trưởng Lục quân Mỹ chỉ được thông báo vài tiếng trước khi ông Trump lên Twitter loan tin ông Shanahan sẽ rời khỏi Lầu Năm Góc.

“Tôi biết Mark rất rõ và tôi tin ông ấy sẽ làm được việc”, ông Trump nhấn mạnh, đồng thời tuyên bố sẽ đề cử ông Esper cho chiếc ghế ông Shanahan để lại.

Tên lửa, tên lửa và tên lửa

Tốt nghiệp Học viện quân sự West Point cùng khóa với Mike Pompeo, người hiện giờ là Ngoại trưởng Mỹ, ông Esper đã có thời gian gần hai thập kỷ phục vụ trong quân đội trước khi xuất ngũ và đầu quân cho Raytheon – nhà sản xuất tên lửa Tomahawk trứ danh của Mỹ.

Cần nhớ, gần 20 loại tên lửa có trong biên chế của quân đội Mỹ là sản phẩm của Raytheon. Điều này dường như đã ảnh hưởng không nhỏ đến tư duy chiến lược của ông Esper. 

Trong khi hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ đã dần “quen mặt” với châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực Biển Đông, vai trò của lục quân Mỹ vẫn còn mờ nhạt trong bối cảnh mới.

Esper, một cựu lính dù, đã cố gắng thay đổi điều này khi trở thành Bộ trưởng Lục quân. Trong bài phát biểu hồi tháng 5 năm nay tại Hội đồng Đại Tây Dương – một trung tâm nghiên cứu quan hệ quốc tế có trụ sở tại Mỹ, ông Esper đã nói về tương lai của lục quân trong cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc.

Bộ trưởng Lục quân Mỹ lập luận châu Á – Thái Bình Dương là một khu vực rộng lớn. “Chúng ta thường nói về các cuộc chiến ở chuỗi đảo thứ nhất hay chuỗi đảo thứ hai, nhưng ai mà biết chính xác chúng sẽ xảy ra ở đâu và hi vọng đối tượng mà chúng ta đối đầu không phải là Trung Quốc.

Nhưng nếu là như vậy, tôi nghĩ trong số các ưu tiên hiện đại hóa quân đội, vũ khí chính xác tầm xa phải là lựa chọn số một”.

Kể từ năm 2017, lục quân Mỹ đã bắt đầu thử nghiệm chiến thuật “đánh nhanh, rút gọn” ở Thái Bình Dương. Sử dụng vận tải cơ C-17 để vận chuyển Hệ thống Pháo Phản lực Cơ động cao (HIMARS) đến một địa điểm cách mục tiêu trên 300km, người Mỹ tin rằng họ có thể khiến đối phương bất ngờ, tiêu diệt mục tiêu rồi rút đi trong vòng 20 phút.

Giới chuyên gia khi đó nhận định đây sẽ là lựa chọn cho Mỹ trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột trên Biển Đông.

Tấn công phủ đầu

“Triển khai các loại vũ khí từ hàng trăm, thậm chí hàng ngàn dặm bằng tên lửa siêu thanh đặc biệt quan trọng tại châu Á – Thái Bình Dương. Chúng ta không nên chỉ quan tâm đến việc lục quân cần gì mà còn phải tính đến chuyện hỗ trợ cho cả hải quân và không quân.

Chúng ta phải hỗ trợ không quân bằng cách chọc thủng lưới phòng không của đối phương, phá hủy các sân bay. Tương tự, với hải quân, chúng ta phải giúp họ bằng cách vô hiệu hóa các hệ thống đất đối không và khiến các tàu chiến của đối phương không thể rời cảng”.

Lãnh đạo quốc phòng mới của Mỹ chủ trương chơi rắn với Trung Quốc - Ảnh 3.
Đồ họa của tờ Economist mô phỏng chiến thuật A2/AD của Trung Quốc trong đó thể hiện các căn cứ không quân, tên lửa của Mỹ – Trung Quốc và tầm bắn, tầm hoạt động của các loại tên lửa, máy bay của Trung Quốc – Ảnh chụp màn hình

Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc đã nỗ lực phát triển chiến thuật “chống xâm nhập/chống tiếp cận” (A2/AD). Với mục đích đẩy các lực lượng quân đội Mỹ ra khỏi đại lục càng xa càng tốt, Trung Quốc đã tập trung vào các loại tên lửa chống hạm, phòng không và đạt được những thành quả đáng kể. Một số loại được mệnh danh là sát thủ tàu sân bay, chẳng hạn DF-21.

Thêm vào đó, việc Bắc Kinh cải tạo trái phép và quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông đã biến chúng trở thành các tiền đồn, đẩy quân đội Mỹ càng ra xa hơn nữa.

Cách tiếp cận của ông Esper, nếu được tiếp tục sau khi ông chính thức trở thành Bộ trưởng Quốc phòng, có thể khiến chiến lược của Trung Quốc phá sản.

Theo trang Washington Examiner, nếu các vũ khí chính xác của lục quân phá hủy thành công các sân bay, cảng biển và hệ thống phòng không của Trung Quốc – kể cả các thực thể nhân tạo trên Biển Đông, hải quân và không quân Mỹ có thể hoạt động an toàn hơn, tránh được một cuộc đối đầu với lực lượng tên lửa đạn đạo tinh nhuệ của Trung Quốc.

“Lục quân phải được hiện đại hóa cùng với các nhánh khác. Bởi vì khi chúng ta hiệp đồng tác chiến trên Thái Bình Dương, chúng ta sẽ có cơ hội chiến thắng nhiều hơn”, Bộ trưởng Lục quân Esper tuyên bố.

RELATED ARTICLES

Tin mới