Sau thất bại tạm thời của chính quyền Hồng Kông về việc hiện thực hóa dự luật dẫn độ và hình ảnh không mấy tích cực của Trung Quốc trước thế giới trong cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ, chuyên gia phân tích chỉ ra ai có thể là người hưởng lợi trong chính quyền Trung Quốc và cảnh báo ông Tập Cận Bình.
Dự thảo luật dẫn độ tại Hồng Kông có thể coi là một thất bại của chính quyền Hương Cảng cũng như chính quyền Trung Quốc, trong khi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đang gây sức ép không hề nhỏ lên chính thể của ông Tập Cận Bình. Trước bối cảnh đó, nhà phân tích thời sự Khải Minh (Qiming) của đài BL Daily đã đưa ra một vài quan điểm đáng lưu ý và cảnh báo ngày tàn của thể chế đã khiến Trung Quốc trở thành “kẻ xấu” trong mắt thế giới.
Bình luận viên Khải Minh của BL Daily đã đưa ra những phân tích như sau:
Thất bại của chính quyền Hồng Kông và cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung có thể là kết quả của đấu đá nội bộ trong chính quyền Trung Quốc
Một số phương tiện truyền thông cho biết bà Carrie Lam hay Lâm Trịnh Nguyệt Nga – Đặc khu trưởng của Hồng Kông đã tự mình đưa ra quyết định sửa đổi luật tội phạm có thêm phần dẫn độ về đại lục để làm hài lòng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Tuy nhiên, với sự kiểm soát của ĐCSTQ tại Hồng Kông, với tư cách là người đứng đầu đặc khu, không có chỉ thị từ trên, bà Lâm sẽ không dám làm như vậy. Ngay cả khi đó không phải là một yêu cầu chính thức từ ĐCSTQ, thì đó phải là một trong những chính khách cao nhất chỉ đạo từ Bắc Kinh. Người này là ai? Ông Tập Cận Bình hay người nào đó thuộc phe của cựu Tổng Bí thư Giang Trạch Dân?
Mặc dù không có bằng chứng để chứng minh người này là ai, nhưng bản thân ông Tập Cận Bình rất khó có thể làm như vậy, vì ông Tập gần như không có người đáng tin nào trong ĐCSTQ, ông Khải Minh bình luận. Phe Giang Trạch Dân vẫn còn khá mạnh trong đảng và không tin tưởng ông Tập. Họ luôn muốn hạ bệ ông Tập ngay lập tức. Đồng thời, ở phía ngược lại, các nhà cải cách muốn đẩy mạnh dân chủ trong ĐCSTQ thất vọng và không còn tin tưởng ông Tập. Ông Tập đã là một người cô đơn trong ĐCSTQ.
Vậy, ai sẽ được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng Hồng Kông? Bình luận viên Khải Minh cho rằng chính là phe phái của Giang Trạch Dân. Vì ông Tập Cận Bình là người đứng đầu ĐCSTQ và phải chịu trách nhiệm cho tất cả những rắc rối. Cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung hoặc cuộc khủng hoảng Hồng Kông hiện tại, hay bất cứ điều gì xảy ra tiếp theo. Khủng hoảng càng lớn, rắc rối càng lớn và sức mạnh của Tập Cận Bình càng yếu hơn. Có người nói rằng vấn đề Hồng Kông là một chiếc hố lớn đối với ông Tập mà phe phái Giang Trạch Dân đã rắp tâm đào sẵn. Điều này xem ra hợp lý, ông Khải Minh nhận định.
Nhà bình luận của BL Daily cho rằng nếu ĐCSTQ dám thực hiện một vụ việc tương tự vụ Thảm sát Thiên An Môn năm 1989 để dẹp bỏ phong trào biểu tình tại Hồng Kông, cộng đồng quốc tế ngay lập tức sẽ chấm dứt ĐCSTQ bằng các biện pháp kinh tế, chính trị và thậm chí là quân sự.
Với một Hồng Kông sẽ chết, nền kinh tế của Trung Quốc sẽ còn chết nhanh hơn. Ông Tập Cận Bình sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính và thương mại toàn diện, đó không phải là điều ông muốn, đặc biệt trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ.
Những ngày gần đây, cư dân mạng đặc biệt chú ý đến những dự ngôn bí ẩn gợi ý về vận mệnh của Trung Quốc và ông Tập Cận Bình. Vận mệnh này liên quan chặt chẽ tới những người tiền nhiệm của ông Tập và những khoản nợ máu nhân dân mà họ mắc phải.
Trong lịch sử, ĐCSTQ đã gây ra bao cuộc tàn sát đối với những người dân vô tội: từ giết hại địa chủ và phú nông trong “Cải cách ruộng đất”, tới làn sóng giết người của Hồng vệ binh trong “Đại cách mạng văn hoá”, đến việc tàn sát sinh viên trên quảng trường Thiên An Môn, cho tới cuộc đàn áp tín ngưỡng và bức hại các học viên Pháp Luân Công, đặc biệt rúng động hơn cả là giết người còn sống để cướp lấy nội tạng trong các nhà tù và bệnh viện khắp Trung Quốc.
Cuộc đàn áp Pháp Luân Công nói riêng và những vi phạm nhân quyền đối với các nhóm dân khác là một di sản bất đắc dĩ mà ông Tập Cận Bình phải kế thừa từ người tiền nhiệm Giang Trạch Dân. Nhưng các khoản nợ máu của ĐCSTQ có khả năng sẽ được kết toán trong thời đại của ông Tập, theo phân tích từ những lời dự ngôn nói trên.
Ngày mà các quan chức đàn áp Pháp Luân Công bị phơi bày ra pháp luật có thể đang đến gần. Ngày 5/6/2019, Tổ chức Thế giới Điều tra cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG) đã đưa ra một thông báo công khai, kêu gọi thu thập đầy đủ chứng cứ và danh sách tội phạm trong cuộc đàn áp để trình lên chính phủ Hoa Kỳ xem xét trừng phạt. Thông báo này được đưa ra sau khi một quan chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nói với các học viên Pháp Luân Công ở Mỹ rằng họ có thể thu thập và báo cáo thông tin về các quan chức Trung Quốc có liên quan đến cuộc bức hại môn tập này ở đại lục.
Trước lúc đó, liệu ông Tập có phương cách gì để tách mình khỏi di họa của ông Giang hay không, hay sẽ lún sâu vào những chiếc hố mà phe Giang bày xếp để nhập nhèm về trách nhiệm trong các khoản nợ máu, đó là một vấn đề không dễ giải quyết.
Bình luận viên Khải Minh của BL Daily cũng chỉ ra tình thế nguy hiểm của ông Tập. Ông Khải Minh cho rằng những người quan sát mong chờ một tín hiệu thay đổi từ ông Tập đã nhắn nhủ tới nhà lãnh đạo ĐCSTQ rằng, khi ông Tập đến thăm Nga, ông gần như bị kéo xuống từ bục cao 1,6 mét. Vậy ai muốn kéo ông xuống? Là cố ý hay vô ý? Vệ sĩ cá nhân ở đâu tại thời điểm đó? Bình luận viên đặt ra những nghi vấn như vậy.
Bình luận viên Khải Minh của BL Daily cho biết, có người nói đó là phe cánh của Giang Trạch Dân đang muốn hãm hại ông Tập. Lại có người nói rằng đó là do người cha đã khuất của ông là Tập Trọng Huân đã cảnh báo con trai về việc ông đang ở trong một lựa chọn sinh tử.