Monday, November 18, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiChiến tranh thương mại: Tập đoàn đường sắt lớn nhất TQ điêu...

Chiến tranh thương mại: Tập đoàn đường sắt lớn nhất TQ điêu đứng trước mối nghi ngờ là gián điệp

Đầu tư, xây dựng những dự án đường sắt lớn nhưng thay vì trở thành biểu tượng cho tiềm năng tái tạo, nhà máy thuộc sở hữu của CRRC hiện đang mắc kẹt trong căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.

Xe lửa của tập đoàn quốc hữu CRRC (China Railway Rolling Stock Corporation) của Trung Quốc bị nghi ngờ có thể sử dụng cho mục đích gián điệp.

Vào thời kỳ hoàng kim vào thế kỷ 19, thành phố Springfield, Massachusetts sản xuất dây chuyền lắp ráp công nghiệp đầu tiên, ô tô chạy xăng đầu tiên và xe lửa giường nằm đầu tiên. Wason, một trong những công ty hàng đầu tại đây, đã sản xuất xe khách và ô tô cho khách hàng trên toàn nước Mỹ và nhiều quốc gia khác. Khi Wason giải thể vào những năm 1930, Springfield vẫn phát triển rực rỡ vào đầu thế kỉ 20 trước khi nhiều nhà máy tại đây bị buộc phải đóng cửa do phi công nghiệp hoá.

Vì vậy, khi một doanh nghiệp Trung Quốc tuyên bố đầu tư 95 triệu USD vào xây dựng nhà máy sản xuất xe lửa mới trên địa điểm nhà máy Westinghouse cũ, nhiều người dân Springfield cảm thấy vô cùng hào hứng. Trong bốn năm qua, khoảng 200 công nhân đã được tuyển dụng cho nhà máy sản xuất xe lửa mới để xây dựng hệ thống tàu điện ngầm Boston.

Tuy nhiên, thay vì trở thành biểu tượng cho tiềm năng tái tạo, nhà máy này hiện đang mắc kẹt trong căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Nhà máy này thuộc sở hữu của CRRC, doanh nghiệp nhà nước sản xuất xe lửa lớn nhất của Trung Quốc.

Các chính khách hàng đầu của Mỹ ở cả hai đảng đã buộc tội doanh nghiệp này sử dụng quan hệ của mình với Trung Quốc nhằm cạnh tranh không công bằng và “tiếp tay” cho hoạt động gián điệp Trung Quốc. Nhiều chính khách đã yêu cầu loại bỏ CRRC khỏi dự án tàu điện ngầm tại Washington và New York.

Những chỉ trích này khiến Springfield vô cùng bất ngờ. John Scavotto Jr, lãnh đạo liên hiệp công nhân kim loại tấm địa phương, cho biết CRRC, với mức lương cao và phúc lợi tốt, là một “món quà của chúa”. Ông cảm thấy lo lắng cho tương lai của tập đoàn này và tức giận trước thái độ thù địch của tổng thống Mỹ và Washington.

Cơn thịnh nộ đối với CRRC và nhà máy tại Massachusetts thể hiện cho thái độ tiêu cực ngày càng tăng đối với các hạng mục đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ khi căng thẳng chiến lược và thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang.

Các hạng mục đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ luôn là một chủ đề gây tranh cãi ngay cả sau khi Trung Quốc đã gia nhập WTO vào năm 2001. Tuy nhiên, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) của Trung Quốc tại Mỹ có xu hướng tăng trong những năm gần đây, và đạt đỉnh vào năm 2016 với trị giá đầu tư 46 tỉ USD.

Sau khi ông Trump đắc cử, FDI của Trung Quốc đã giảm mạnh xuống còn 29 tỉ USD vào năm 2017 và 5 tỉ USD vào năm 2018. Và thái độ thù địch của Mỹ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng sụt giảm này. Các thương vụ Trung Quốc mua lại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ nhạy cảm của Mỹ cũng gặp khó khăn vì lý do an ninh quốc gia theo Uỷ ban Đầu tư Nước ngoài của Mỹ.

Nhà máy tại Springfield chính xác là hình thức đầu tư được cả Washington và Bắc Kinh ủng hộ trước căng thẳng thương mại – tiền và bí quyết sản xuất của Trung Quốc đầu tư cho một ngành công nghiệp đã “chết” từ lâu tại Mỹ. Sau khi vượt qua các đối thủ từ Canada, Nhật Bản và Hàn Quốc vào năm 2014 và giành được dự án tàu điện ngầm Boston, CRRC tiếp tục trúng thầu chế tạo xe lửa tại Chicago, Philadelphia và Los Angeles từ tháng 3/2016 đến tháng 3/2017.

Bốn hợp đồng trên đánh dấu những giai đoạn khác nhau trong quan hệ Mỹ-Trung. Sau khi Trump tuyên bố ý định sẽ chặt chẽ hơn trong các vấn đề thương mại và đầu tư của Trung Quốc, CRRC đã để mất ít nhất ba gói thầu chế tạo xe lửa, bao gồm New York và Atlanta.

Những bộ phận xe lửa do Trung Quốc sản xuất và CRRC lắp ráp tại Springfield là “nạn nhân” trong vòng thuế quan đầu tiên của Trump. CRRC đã làm đơn xin miễn thuế quan vào đầu năm nay nhưng bị văn phòng đại diện thương mại Mỹ từ chối.

Ngoài Massachusetts, CRRC có một liên doanh tại Chicago, CRRC Sifang America. Liên doanh này chịu trách nhiệm chế tạo xe lửa cho hệ thống tàu điện ngầm tại Chicago, và có thể là cả hệ thống tàu điện tại Washington nếu CRRC trúng thầu.

Tuy nhiên, khi CRRC mở rộng hoạt động thì cũng là lúc phản đối chính trị tăng cao. Marco Rubio, một nghị sĩ Cộng hoà tại Florida, cho biết: “Đây là một phần trong chiến lược dài hạn nhằm phá hoại nền công nghiệp Mỹ và chiếm lĩnh công nghệ tiên tiến của thế kỷ 21 của Trung Quốc.”

Ngoài ra, nhiều người lo ngại rằng hệ thống tàu điện ngầm có thể bị xâm nhập, bởi theo RSA, công nghệ tiên tiến hiện nay trên xe lửa hiện đại có các cảm biến và hệ thống dò tìm và điều tiết mọi yếu tố, từ nhiệt độ đến vị trí. Cáo buộc CRRC sẽ là phương tiện tiến hành các hoạt động gián điệp cũng khiến nhiều người quan ngại.

Chủ nghĩa bảo hộ đã dấy lên nhiều phản ứng dữ dội chống lại các doanh nghiệp Trung Quốc. Theo Thilo Hanemann, đối tác của Rhodium, nhiều dự án xây dựng tại Mỹ của Trung Quốc bị các nhóm lợi ích đặc thù phản đối nhằm bảo vệ thị trường, và tình hình hiện nay có lợi cho họ.

Jia Bo, phó chủ tịch của nhà máy của CRRC tại Massachusetts, phản đối những chỉ trích từ RSA và các nhà làm luật. Ông cho biết xe lửa được chế tạo tại Springfield tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn và các quy tắc thương mại được áp dụng cho hầu hết các sản phẩm sản xuất tại Mỹ. Về cáo buộc gián điệp, Bo cho biết trên các toa xe lửa đều lắp đặt các camera an toàn nhằm đảm bảo tàu chạy an toàn và dữ liệu được chuyển tới cơ quan trung chuyển phù hợp.

Tại Washington, CRRC nhận được sự ủng hộ của Richard Neal, chủ tịch Uỷ ban Tài chính Hạ viện thuộc đảng Dân chủ. Neal đại diện cho Springfield và các khu vực xung quanh và đã đáp trả một số chỉ trích. Ông cho biết Trung Quốc từng có nhiều hành động đe doạ việc làm, công nghệ và an ninh quốc gia tại Mỹ, nhưng cần cân bằng hợp lý giữa bảo vệ quốc gia và chào đón các doanh nghiệp tạo ra việc làm và đầu tư cho cộng đồng.

Giovanni De Caro, một công nhân lắp ráp và sửa chữa 43 tuổi tại nhà máy của CRRC tại Springfield, cho biết CRRC đã đem sự sống trở lại nơi này. Ông tin rằng CRRC sẽ tiếp tục giành được nhiều dự án khác tại Mỹ. Đồng thời, ông cũng bày tỏ sự cảm thông với TT Trump trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Ông cho biết: “Tôi cho rằng chiến tranh thương mại sẽ phản tác dụng. Nó sẽ gây thiệt hại lâu dài cho chúng tôi, không chỉ gói gọn trong công ty này. Hàng hoá sẽ đắt đỏ hơn, và điều đó khiến các gia đình lao động khó khăn hơn.”

RELATED ARTICLES

Tin mới