Nhiều chuyên gia kì vọng vào những thay đổi mang tính bước ngoặt sau cuộc gặp của ông Trump với các nhà lãnh đạo lớn của thế giới tại kì thượng đỉnh G20 năm nay.
Ông Trump và ông Tập có thể sẽ có cuộc đối thoại tại thượng đỉnh G20 ở Osaka. Ảnh: AP
Mỹ sẽ muốn gì ở Nga?
Mới đây, tổng thống Nga Vladimir Putin đã phủ nhận rằng tổng thống Mỹ Donald Trump có thể giành lợi thế trong cuộc gặp mặt 1-1 tại thượng đỉnh G20 vào ngày 28-29/6 tới, tuy nhiên khẳng định rằng Moskva luôn sẵn sàng cho các cuộc đối thoại mới.
Trong nhiều ngày qua, ông Trump đã nhiều lần khẳng định ý muốn có cuộc gặp trực tiếp với ông Putin tại G20 ở Osaka. Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton đã xác nhận thông tin này, cho biết tổng thống Trump “rất trông đợi vào cuộc gặp”.
Tuy nhiên, RT cho biết, điện Kremlin khẳng định Nhà Trắng vẫn chưa hoàn thiện đề nghị ngoại giao. Trong khi đó, trả lời trên kênh truyền hình Nga NTV, ông Putin đã có lời đáp cứng rắn về việc liệu có phải ông Trump đang tận dụng “sự mập mờ” để buộc Nga vào vị thế mềm mỏng hơn trong vấn đề Iran và Venezuela hay không.
“Tôi không nghĩ có người muốn điều khiển chúng ta – họ cần hiểu rằng đó là điều viển vông. Nhưng Nga vẫn rất cần đối thoại,” ông Putin nói.
Ngoài ra, ông Putin nhấn mạnh Moskva sẽ không phải là bên có động thái trước, đặc biệt từ sau khi ông Trump hủy bỏ cuộc gặp đã được lên kế hoạch ở bên lề kì thượng đỉnh G20 ở Argentina hồi năm ngoái.
“Bất kì khi nào họ muốn đối thoại, chúng ta sẽ vui vẻ đón nhận và phát triển mối quan hệ song phương. Mỹ sẽ phải quyết định liệu họ có muốn phát triển mối quan hệ với Nga hay không,” ông Putin tuyên bố.
Bên cạnh những bê bối xoay quanh cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, hai cường quốc còn bị cuốn vào những mâu thuẫn chính trị phức tạp khác. Đầu tiên là vấn đề Venezuela, nơi Washington công khai ý định muốn lật đổ tổng thống Nicolas Maduro – nhân vật đồng minh thân cận của Moskva. Thứ hai là vấn đề Iran, nơi ông Putin khẳng định rằng mọi sự can thiệp bằng vũ lực của Phương Tây đều sẽ dẫn tới “thảm kịch”.
Mặc dù vậy, dường như ông Putin cũng bày tỏ sự thông cảm đối với một số vấn đề đối nội mà ông Trump gặp phải, đặc biệt khi giải quyết sự việc liên quan đến Nga.
“Chúng ta có thể thấy hệ thống chính trị nước Mỹ được xây dựng theo hình thức khiến cho ông Trump không thể làm một số điều mà ông ấy muốn làm. Tất nhiên, phần lớn vẫn phụ thuộc vào ý chí chính trị của ông Trump,” ông Putin nhận định.
“Hồi kết” cho cuộc chiến Mỹ-Trung
Trong khi đó, SCMP dẫn một số trung tâm nghiên cứu Trung Quốc cho hay, sự phục hồi kinh tế Trung Quốc trong thời gian qua sẽ đồng nghĩa với việc các nhà đàm phán thương mại Trung Quốc có thể sẽ chọn giải pháp cứng rắn trong các cuộc đối thoại với Washignton.
Tuy vậy, các chuyên gia tin rằng Bắc Kinh không nên quá chú tâm vào các hoạt động trả đũa bởi vì mục tiêu cao nhất vẫn là “đưa Mỹ quay trở lại bàn đàm phán”.
Các bình luận được đưa ra chỉ vài ngày trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc gặp tại G20 để tìm kiếm hi vọng kết thúc cuộc chiến tranh thương mại đã kéo dài cả năm.
Trung Quốc dường như đã “cạn kiệt” đòn đáp trả trong cuộc chiến thương mại kéo dài. Những động thái mới nhất của Trung Quốc chỉ là áp thuế đối với 60 tỉ USD hàng hóa Mỹ và đưa ra danh sách các thực thể “không đáng tin” để trừng phạt doanh nghiệp Mỹ.
Cũng có những mối quan ngại rằng chiến tranh thương mại có thể gây ra trở ngại lớn đối với kinh tế Trung Quốc và có thể gây ra bất ổn xã hội.
Nhưng trong một bản báo cáo được đăng tải vào hôm qua (23/6), Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh) cho biết những yếu tố cơ bản của nền kinh tế Trung Quốc vẫn ổn định và Trung Quốc có thể duy trì tăng trưởng bằng việc tăng gấp đôi số hộ dân có thu nhập trung bình từ 400 triệu người lên 800 triệu người trong vòng 15 năm.
Đối với chiến tranh thương mại, các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Học thuật về Thực hành và Tư duy Kinh tế Trung Quốc cho biết Trung Quốc có thể bắt đầu “một chương mới về cải cách và mở cửa để đối phó với xu hướng bài trừ toàn cầu hóa và nỗ lực cản trở sự phát triển của Trung Quốc”.
Bản báo cáo dự đoán kinh tế Trung Quốc trong năm nay sẽ tăng trưởng 6,3%, trong ngưỡng mục tiêu tăng trưởng từ 6%-6,5% của chính phủ.
“Ảnh hưởng trực tiếp của chiến tranh thương mại rất hạn chế và có thể kiểm soát,” báo cáo viết.
Một số chuyên gia nhận định rằng cả ông Tập và ông Trump đều mong muốn đạt được thỏa thuận thương mại, hoặc ít nhất là thỏa thuận tạm thời, nhưng cảnh báo rằng Washington cần phải học được từ sự đổ vỡ của các cuộc thỏa thuận hồi tháng trước.
“Việc Mỹ quá chú trọng vào các thỏa thuận pháp lí và trừng phạt sẽ làm tổn hại bầu không khí đối thoại, đây không phải là cách suy nghĩ của Trung Quốc”.
Timothy Stratford, chủ tịch Phòng thương mại Mỹ tại Trung Quốc, cho biết “viễn cảnh tốt đẹp nhất” sẽ là khi ông Trump và ông Tập cùng chỉ đạo hai bên hướng tới thỏa thuận chung cho kinh tế hai nước, tuy nhiên chắc chắn đây là điều “rất khó khăn” và khó có thể thực hiện.