Người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines Salvador Panelo (19/6) cho biết Tổng thống Duterte sẽ không triệu Đại sứ Trung Quốc tại Manila Triệu Giám Hoa để phản đối vụ tàu Trung Quốc cố tình đâm chìm tàu cá của ngư dân Philippines hôm 9/6.
Chính quyền Philippines sợ mất lòng Trung Quốc
Theo ông Salvador Panelo, Philippines “không thể triệu tập Đại sứ Trung Quốc Triệu Giám Hoa, vì Philippines không phải chính phủ Trung Quốc nên không thể triệu tập quan chức của họ”. Đồng thời cho biết Tổng thống Rodrigo Duterte cũng không có ý định “mời” Đại sứ Trung Quốc, vì không có lý do gì để “mời” ông Triệu Kiến Hoa lên phản đối, nhấn mạnh “Trung Quốc đã làm những gì cần làm. Đại sứ Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố xem xét sự việc một cách nghiêm túc và thận trọng”. Ngoài ra, Người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines Salvador Panelo cho rằng việc “mời” phái viên Trung Quốc tới Phủ Tổng thống sẽ gây ra cảm giác rằng phía Philippines có “định kiến” với Trung Quốc. Ông cũng nhấn mạnh rằng Duterte thực hiện những bước đi thận trọng trong lúc cuộc điều tra diễn ra.
Trước đó, Philippines (17/6) từng khẳng định Manila sẽ triệu ông Triệu Giám Hoa lên để phản đối tàu Trung Quốc cố tình đâm chìm tàu cá của ngư dân Philippines ở bãi Cỏ Rong.
Triệu Đại sứ để phản đối phù hợp lễ tân ngoại giao
Về mặt lễ tân ngoại giao, triệu tập đại sứ cũng là hoạt động bình thường trong quan hệ ngoại giao giữa các nước, theo Công ước Viên về quan hệ ngoại giao 1961. Trong đó, khoản 1, Điều 3 đã quy định về “Chức năng của cơ quan đại diện ngoại giao cụ thể gồm có: a) Đại diện cho Nước cử đi tại Nước tiếp nhận; b) Bảo vệ quyền lợi của Nước cử đi và của công dân Nước cử đi tại Nước tiếp nhận trong phạm vi cho phép của luật quốc tế; c) Đàm phán với Chính phủ Nước tiếp nhận; d) Tìm hiểu bằng mọi cách hợp pháp các điều kiện và các sự kiện tại Nước tiếp nhận và báo cáo với Chính phủ của Nước cử đi; e) Thúc đẩy quan hệ hữu nghị và phát triển quan hệ kinh tế, văn hoá và khoa học giữa Nước cử đi và Nước tiếp nhận”. Theo đó, Philippines triệu Đại sứ Trung Quốc lên để phản đối và yêu cầu ông Triệu Kiến Hoa phản ánh lại với giới chức Trung Quốc là hoàn toàn bình thường, phù hợp các quy định lễ tân ngoại giao, trong đó có Công ước Viên về quan hệ ngoại giao 1961.
Trong nhiều năm qua, Philippines đã từng triệu Đại sứ của nhiều nước để bày tỏ thái độ, như: Tháng 2/2018, Phủ Tổng thống Philippines triệu Đại sứ Mỹ Sung Kim để yêu cầu giải thích báo cáo Đánh giá Mối đe dọa thế giới của cộng đồng tình báo Mỹ, trong đó xem Duterte là mối đe dọa khu vực. Năm 2016, Phủ Tổng thống Philippines triệu phái viên Trung Quốc để yêu cầu giải thích báo cáo về các lô hàng ma túy bất hợp pháp đến từ Trung Quốc. Năm 2014, Bắc Kinh triệu Đại sứ Philippines Erlinda Basilio để phản đối gay gắt vụ Manila kiện “đường lưỡi bò” ra Tòa Trọng tài Thường trực.
Phản ứng trái ngược của người dân Philippines
Truyền thông Philippines cho rằng việc Người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines Salvador Panelo nói rằng không thể triệu tập Đại sứ Trung Quốc là vô lý bởi Chính phủ nước sở tại vẫn thường triệu tập phái viên của các nước khác để đưa ra các thông điệp phản đối.
Đáng chú ý, sau khi ông Duterte gọi vụ tàu cá nước này bị Trung Quốc đâm chìm trên Biển Đông là “tai nạn hàng hải” hay Manila sẽ không triệu Đại sứ Trung Quốc Triệu Kiến Hoa để phản đối vụ việc, người dân Philippines đã tập trung biểu tình phản đối Trung Quốc tại thủ đô Manila. Theo đó, nhiều người dân ở Manila đã đốt cờ Trung Quốc trong cuộc biểu tình phản đối phát ngôn của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte về vụ việc tàu nước này bị Trung Quốc đâm chìm. Họ gọi phát ngôn của ông Duterte là “yếu đuối” và xem thường vụ việc.
Theo trang mạng Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, khoảng 50 người biểu tình giơ cao biểu ngữ “Chấm dứt sự hiếu chiến của Trung Quốc” và “Trung Quốc tránh xa ngư dân Philippines” tại công viên Rizal. Nhóm biểu tình được tổ chức bởi nhóm “Bảo vệ việc làm Philippines”. Nhóm này cáo buộc ông Duterte “thân Trung Quốc” và phản bội người lao động Philippines vì cho phép người nhập cư trình độ thấp của Trung Quốc làm những công việc lẽ ra là của người dân địa phương.
Được biết, trong những năm gần đây liên tục nổ ra các cuộc biểu tình tự phát của người dân Philippines nhằm phản đối các hoạt động khiêu khích, trái pháp luật của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong đó có một số vụ điển hình như: (1) Ngày 10/2/2018, ngay sau khi truyền thông địa phương đăng những hình ảnh cho thấy Trung Quốc đã chuyển đổi ít nhất 7 bãi đá thành các đảo nhân tạo, hoàn chỉnh với các cơ sở hải quân và không quân, bao gồm đường băng và bãi đáp trực thăng, thì hàng nghìn dân Philippines đã tập trung bên ngoài lãnh sự quán Trung Quốc ở thủ đô Manila để chống lại việc Bắc Kinh quân sự hóa các hòn đảo đang tranh chấp ở Biển Đông. Các nhà hoạt động Philippines nói thái độ hợp tác với Trung Quốc của Tổng thống Rodrigo Duterte có thể khuyến khích Bắc Kinh mở rộng hơn nữa hoạt động xây dựng ở Biển Đông. “Nếu chính quyền Philippines không muốn phản đối Trung Quốc xây dựng cơ sở quân sự trên các đảo tranh chấp và trong khu vực vực đặc quyền kinh tế của chúng ta, thì người dân Philippines, sẽ lên tiếng và phản đối”, Tổng Thư ký tổ chức cánh tả Bayan, người tổ chức biểu tình Renato Reyes Jr tuyên bố. Trên thực tế, bất chấp sự phản đối và quan ngại của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn ngang nhiên bồi đắp và xây dựng cơ sở quân sự trái phép ở Biển Đông, trong đó có 7 đảo nhân tạo nước này chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. (2) Ngày 27/6/2018, nhân kỷ niệm 2 năm Ngày Tòa Trọng tài (PCA) ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông, hàng trăm người Philippines đã biểu tình tại lãnh sự quán Trung Quốc ở Manila để phản đối hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông và chính sách nhu nhược của chính quyền Tổng thống Duterte trước Trung Quốc. Theo kết quả của cuộc khảo sát mới nhất do Social Weather Stations công bố hôm 16/7, 81% trong số 1.200 người tham gia khảo sát nói rằng hoàn toàn không đúng đắn khi để Trung Quốc tiếp tục xây dựng các đảo nhân tạo trái phép trên biển Đông và quân sự hóa các đảo này; 74% cho biết chính phủ nên đưa vấn đề này tới các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, ASEAN cho các cuộc đàm phán hòa bình và ngoại giao với Trung Quốc để xử lý tranh chấp Biển Đông. (3) Ngày 09/4/2019, hàng nghìn người dân Philippine đã đổ ra đường tuần hành trước lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Makati để phản đối Trung Quốc đưa tàu tới bao vây đảo Thị Tứ trong quần đảo Trường Sa mà Phlippines tuyên bố có chủ quyền. Ngoài ra, người biểu tình còn phản đối Tổng Thống Rodrigo Durterte vì chính phủ Philippine hoàn toàn không có tiếng nói gì trong chuyện này, đồng thời phản đối việc chính phủ Philippine vay nợ từ Trung Quốc.