“Sự thật sẽ mãi mãi bảo vệ chủ quyền của chúng ta tại biển Đông”, dẫn lời Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines, ông Antonio Carpio.
Mới đây, phát biểu tại lễ tốt nghiệp năm 2019 của các học viên Học viện Báo chí và Truyền thông châu Á đặt tại thủ đô Manilla (Philippines), Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio kêu gọi nước này cũng như các nước trong khu vực biển Đông cùng tham gia tổ chức một “Phong trào vì Sự thật” để chống lại những luận điệu sai trái của Trung Quốc về chủ quyền Biển Đông, trang tin Philippines Rappler cho hay.
“Chúng ta có thể gọi chiến dịch thông tin ở hiện tại này là Phong trào vì Sự thật Biển Đông, một phong trào của người dân mà thông qua quyền tự do ngôn luận để trình bày những sự thật lịch sử về biển Đông. Chúng ta cũng có thể mời người Việt Nam, Malaysia, Indonesia, và Brunei, những quốc gia có vùng đặc quyền kinh tế bị yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc xâm phạm cùng tham gia phong trào này với chúng ta”, ông Carpio nói.
Phó Chánh án lên tiếng cáo buộc chính quyền Bắc Kinh đã cố tình kéo dài cái mà ông gọi là “tin giả của thế kỷ” qua việc tuyên truyền có chủ đích một cách sai lệch rằng Trung Quốc đã có chủ quyền ở khu vực Biển Đông gần 2.000 năm qua, mặc cho rất nhiều bằng chứng lịch sử phản bác lập luận này.
“Lịch sử thật sự rất hiển nhiên và đơn giản: Trung Quốc chưa bao giờ làm chủ biển Đông, khi có những khu vực thuộc về vùng biển quốc tế, có khu vực là vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia kề cạnh”, dẫn lời ông Antonio Carpio.
“Như những dân tộc khác trên thế giới, người Trung Quốc bản chất là những người tốt. Tuy nhiên, họ lại bị chính quyền Trung Quốc che mắt chỉ bằng thứ lịch sử hoàn toàn sai lầm. Tôi chắc chắn rằng khi được biết về lịch sử thật sự của khu vực biển Đông, và đối diện với chính những bản đồ lịch sử và tài liệu của họ, thì người Trung Quốc sẽ chấp nhận sự thật về biển Đông”, ông nói thêm.
Cũng theo Phó Chánh án, đối tượng chính của phong trào nói trên sẽ là số lượng 100 triệu du khách người Trung Quốc đi du lịch khắp thế giới hàng năm.
“Những du khách Trung Quốc sau đó sẽ lan toả sự thật với những người ở nhà, và sự thật sẽ mở ra con đường hoà giải với những dân tộc của những quốc gia Đông Nam Á ven biển cũng như những dân tộc khác trên thế giới”, ông khẳng định.
Đề cập đến những nỗ lực của Philippines về vấn đề biển Đông, Phó Chánh án bày tỏ quan điểm không hài lòng khi cho rằng chính thể chế của nước này đã tạo cơ hội cho dư luận viên Trung Quốc “phát tán lịch sử nguỵ tạo và tin giả trên khắp Philippines mà không bị trừng phạt”.
Các dư luận viên Trung Quốc “hoạt động công khai trên mạng xã hội Philippines, bình luận công khai trên các tờ báo trực tuyến của Philippines, thậm chí đặt cả quảng cáo mang tính chính trị trên báo giấy Philippines”.
Trong khi đó, Philippines lại không thể không thể tổ chức những chiến dịch phản tuyên truyền ngược lại ở Trung Quốc vì không thể vượt qua các biện pháp kiểm duyệt Internet của Bắc Kinh.
Mặc dù vậy, trước những chỉ trích về động thái hung hăn của Trung Quốc ở biển Đông tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á tổ chức tại Singapore hôm 1-6 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Nguỵ Phượng Hoà đã ngang nhiên tuyên bố nước này có quyền xây dựng các cơ sở quốc phòng trên các đảo tự nhiên và nhân tạo ở Biển Đông cũng như triển khai quân đội và vũ khí trên các đảo ở Biển Đông vì chúng “nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc”, theo tờ South China Morning Post.
Ngoài ra, Trung Quốc lâu nay không bao giờ thừa nhận các phán quyết từ Liên Hiệp Quốc cũng như các tổ chức pháp lý quốc tế nếu như các phán quyết đó không có lợi cho mình, điển hình là phán quyết của Tòa trọng tài 2016.
Theo đó, Tòa bác bỏ hoàn toàn yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng luôn tìm cách diễn giải luật pháp quốc tế theo hướng có lợi cho họ, bất chấp cách hiểu chung của cộng đồng quốc tế.