Đại sứ Mỹ tại Philippines Kim Sung tuyên bố bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào vào tàu Philippines hoặc máy bay Philippines sẽ kích hoạt nghĩa vụ của chúng tôi theo Hiệp ước phòng thủ lẫn nhau (MTD) giữa Mỹ và Philippines.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ One News, Đại sứ Mỹ tại Manila Sung Kim cho biết: “Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nói rõ Biển Đông là một phần của Thái Bình Dương, nên theo Hiệp ước phòng thủ chung, bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào tàu hoặc máy bay Philippines sẽ kích hoạt nghĩa vụ của chúng tôi. Hiệp ước được áp dụng với bất kỳ hoạt động vũ trang bên ngoài nào chống lại các lực lượng Philippines, bao gồm các tàu công vụ. Phạm vi cũng bao gồm các cuộc tấn công vũ trang của dân quân do chính phủ tài trợ, ông nói khi được hỏi về sự hiện diện của dân quân Trung Quốc ở biển Đông. Chúng tôi cam kết thực hiện các nghĩa vụ theo Hiệp ước phòng thủ chung và chúng tôi sẽ tuân thủ các nghĩa vụ đó. Tôi tin tưởng rằng các nhà lãnh đạo quốc phòng của chúng tôi ở Washington và Manila hiểu những gì đang bị đe dọa, và khi gặp phải tình huống đòi hỏi phải thực sự thực hiện cam kết, tôi nghĩ chúng tôi sẽ thực hiện”. Đại sứ Mỹ cũng nhấn mạnh sự cần thiết giải trình đầy đủ sau khi điều tra cẩn thận về sự cố trên bãi Cỏ Rong, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo đó, “nếu một tàu Trung Quốc đâm phải một tàu đánh cá Philippines và chạy đi mà không cung cấp bất kỳ sự trợ giúp nào cho ngư dân Philippines, tôi nghĩ đó là một tình huống rất nghiêm trọng và tôi tin đó là lý do tại sao các quan chức chính phủ cấp cao ở đây đã kêu gọi Trung Quốc điều tra đầy đủ và quy trách nhiệm cho những người có trách nhiệm”. Ông Sung Kim nói rằng Mỹ không có thông tin độc lập về những gì đã xảy ra, kêu gọi tất cả các nước trong khu vực tôn trọng luật pháp quốc tế và các quyền khác. Ông nhắc lại mối quan tâm sâu sắc của Mỹ đối với hành động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông, cho rằng các quyền như tự do hàng hải và hàng không phải được bảo vệ.
Trước đó, Người phát ngôn của Tổng thống Philippines Salvador Panelo cho biết, Philippines sẽ viện dẫn Hiệp ước phòng thủ lẫn nhau (MDT) giữa Philippines với Mỹ nếu đó là điều cần phải làm để bảo vệ ngư dân và “chủ quyền” của Manila; khẳng định Philippines cũng sẽ tôn trọng thỏa thuận nếu đó là những gì mà thỏa thuận quy định. Tuy nhiên, ông Panelo từ chối đưa ra bình luận về việc liệu sự cố ở bãi Cỏ Rong có đủ điều kiện là một sự kiện có thể kích hoạt Hiệp ước phòng thủ lẫn nhau hay không.
Hiệp ước An ninh Mỹ – Philippines 1951 (MDT) và Hiệp định Hợp tác Quốc phòng nâng cao (EDCA) giữa hai nước là công cụ pháp lý quan trọng để Mỹ bảo vệ Philippines trước các hoạt động khiêu khích, đe dọa an ninh từ Trung Quốc.
MDT được ký kết vào ngày 30/8/1951 tại Washington, DC giữa đại diện của Philippines và Mỹ, trong đó quy định cả hai nước sẽ hỗ trợ nhau nếu một trong hai nước bị tấn công từ bên ngoài. Cụ thể: Điều II, Mỹ và Philippines bằng cách tự giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau để duy trì và phát triển năng lực cá nhân và tập thể chống lại các cuộc tấn công vũ trang. Điều III, Mỹ và Philippines thông qua Bộ Trưởng Ngoại giao hoặc các cơ quan đại diện để tham khảo, trao đổi ý kiến liên quan việc thực hiện MDT khi Mỹ hoặc Philippines nhận thấy toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị hay an ninh bị đe dọa bởi cuộc tấn công vũ trang ở bên ngoài Thái Bình Dương. Điều IV, khi Mỹ hoặc Philippines công nhận rằng một cuộc tấn công vũ trang trong khu vực Thái Bình Dương đe dọa đến hòa bình và an ninh của một trong hai nước thì Mỹ hoặc Philippines sẽ có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho nước kia. Điều V, một cuộc tấn công vũ trang quy định trong Điều IV bao gồm một cuộc tấn công vũ trang trên lãnh thổ, trên các vùng đảo thuộc chủ quyền của Mỹ hoặc Philippines ở Thái Bình Dương, hoặc tấn công các lực lượng vũ trang, tàu, máy bay của Mỹ hoặc Philippines ở Thái Bình Dương. ĐIỀU VIII, MDT có hiệu lực vô thời hạn.
MDT được đánh giá là nền tảng cơ bản trong quan hệ song phương, hai nước có nghĩa vụ chung thực hiện MDT và cam kết sẽ duy trì quan hệ mật thiết, đáp ứng yêu cầu hợp tác để tăng cường khả năng phòng thủ, ngăn chặn các nguy cơ đe dọa an ninh chung; khẳng định tiếp tục hợp tác song phương trong việc giải quyết những thách thức khu vực và trên thế giới, bao gồm cả an ninh hàng hải và các mối đe dọa đối với an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, phát triển hạt nhân, khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia; khẳng định hai bên chia sẻ lợi ích chung trong việc duy trì tự do hàng hải và giải quyết tranh chấp chủ quyền ở các vùng biển thông qua các tiến trình hòa bình, hợp tác, đa phương và ngoại giao trong khuôn khổ luật pháp quốc tế; cam kết thúc đẩy lợi ích an ninh quốc gia chung thông qua đối thoại chiến lược cấp cao.
Ngày 28/4/2014, Mỹ và Philippines ký kết EDCA nhằm tăng cường khả năng hợp tác trong hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa thiên tai. Thỏa thuận cho phép các lực lượng vũ trang Mỹ tiếp cận, sử dụng các khu vực được chỉ định và các cơ sở thuộc sở hữu và kiểm soát của Mỹ theo yêu cầu của phía Philippines. Ngày 18/3/2016, Mỹ và Philippines đạt được Thỏa thuận cho phép luân chuyển sự hiện diện quân đội Mỹ tại 5 căn cứ ở Philippines, gồm căn cứ không quân Antonio Bautista, gần quần đảo Trường Sa ở Biển Đông; căn cứ không quân Basa, phía Bắc Manila; căn cứ Fort Magsaysay ở Palayan; căn cứ không quân Lumbia ở Mindanao và căn cứ không quân Mactan – Benito Ebuen ở Cebu. Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Amy Searight tuyên bố thỏa thuận vừa đạt được là dựa trên nền tảng EDCA, cho phép Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại Philippines bằng cách luân chuyển tàu, máy bay phục vụ mục đích nhân đạo và hoạt động an ninh hàng hải; khẳng định Philippines là một “đồng minh quan trọng của Mỹ”. Đối với EDCA, nó là văn bản cần thiết trước hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Với việc thông qua EDCA, cơ chế chuẩn bị phòng thủ chung giữa Philippines với Mỹ trong tương lai sẽ được định hình rõ hơn; khẳng định EDCA sẽ làm tăng cao khả năng can thiệp của các lực lượng quân đội Mỹ, đóng góp vào sự hiện đại hóa và cải thiện khả năng chung của Mỹ trong các hoạt động cứu trợ thiên tai.
Đáng chú ý, phát biểu tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin tại Manila, Ngoại trưởng Pompeo (1/3) lần đầu cam kết sẽ bảo vệ Philippines trước “các vụ tấn công bằng vũ trang” ở khu vực Biển Đông, khẳng định các hoạt động xây đảo và động thái quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông đe dọa tới chủ quyền, an ninh và kinh tế của Philippines cũng như Mỹ, nhấn mạnh Biển Đông là một phần của Thái Bình Dương, nên mọi vụ tấn công nhằm vào lực lượng, máy bay hoặc tàu của Philippines ở Biển Đông sẽ kích hoạt nghĩa vụ phòng thủ chung theo điều 4 trong Hiệp ước Phòng thủ lẫn nhau Mỹ và Philippines.
Việc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lần đầu tiên khẳng định sẽ bảo vệ Philippines theo các điều khoản của MDT trước Trung Quốc sẽ là tín hiệu tích cực, thể hiện sự quan tâm cao độ của Mỹ đối với an toàn của đồng minh nói chung và vấn đề Biển Đông nói riêng. Trước đây, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (12/2012) từng tuyên bố, Mỹ vẫn tiếp tục cam kết đối với an ninh của Philippines, tái khẳng định Mỹ có lợi ích quốc gia trong tự do hàng hải, duy trì sự ổn định và hòa bình, tôn trọng luật quốc tế và các hoạt động thương mại hợp pháp không bị cản trở ở Biển Đông, song Mỹ sẽ không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp chủ quyền ở khu vực này.
Cùng với tuyên bố trên, Mỹ cũng dần thay đổi quan điểm, lập trường trong vấn đề Biển Đông. Theo đó, Mỹ sẽ không còn trung lập trong vấn đề Biển Đông, mà sẽ tích cực ủng hộ Philippines, cũng như các nước trong khu vực, đồng thời tăng cường các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, gia tăng các hoạt động hiện diện quân sự để ngăn chặn các hành động phi pháp của Trung Quốc trong khu vực.
Trước đó, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực châu Á Thái Bình Dương Randall Shriver (16/8/2018) cho biết, Mỹ sẽ giúp đồng minh Philippines trong trường hợp Trung Quốc xâm lược các đảo do Philippines kiểm soát ở Biển Đông, nhấn mạnh Mỹ sẽ là một đồng minh tốt và không có bất cứ một sự hiểu lầm nào về tính rõ ràng trong tinh thần của cam kết này, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ giúp Philippines đáp trả một cách tương ứng.