Theo các báo cáo của cơ quan chức năng Indonesia, nước này đang phải đối mặt với tình trạng ngư dân đánh bắt thủy sản ngoài biển sau đó bán lại cho các tàu cá nước ngoài mà chủ yếu là từ Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn trên tờ “Asia Times”, Bộ trưởng Nghề cá Indonesia Susi Pudjiastuti vừa cho biết có đến 80% sản lượng đánh bắt hải sản của nước này vẫn bị xuất lậu cho tàu nước ngoài, chủ yếu là tàu Trung Quốc, neo đậu bên ngoài phạm vi 200 dặm thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia.
Tàu cá Indonesia bán cá cho TQ trước khi về bờ
Theo Bộ trưởng Pudjiastuti thì chỉ 1/4 trong số 3.000 tàu đánh cá cỡ 1.000 – 2.000 tấn đóng mới trong nước trong vòng 3 năm qua được đăng ký đúng quy định, còn lại sơn cùng màu và mang cùng số hiệu để trốn thuế. Theo Bộ trưởng Nghề cá Indonesia Pudjiastuti, hiện có 600 tàu đánh cá Indonesia hoạt động bên ngoài quần đảo Natuna, vùng lãnh thổ cực Bắc của nước này, nơi chính phủ đang xây dựng một cơ sở trữ lạnh và chế biến cá và cũng là nơi lưu trú tạm thời của ngư dân. Ngoài các tàu hải quân thường xuyên tuần tra ở vùng biển mà Indonesia gọi là biển Bắc Natuna, giới chức đã có kế hoạch triển khai tàu chở dầu để tiếp tế cho các tàu cá, mua sắm các máy bay trinh sát không người lái, mở rộng đường bằng trên đảo chính của quần đảo Natuna. Bà Pudjiastuti đã cho thực thi nhiều biện pháp cứng rắn như thu giữ tàu nước ngoài mà Indonesia cho là xâm phạm vùng biển chủ quyền. Tháng 5 này, Bộ Nghề cá Indonesia đánh chìm 51 tàu nước ngoài, đưa số tàu cá bị phá hủy kể từ khi tổng thống Widodo thực thi chính sách nghề cá cứng rắn.
Indonesia lo ngại về vấn nạn tàu cá TQ
Theo các bức ảnh chụp từ vệ tinh, tại một thời điểm nhất định có gần 4.000 tàu đánh cá và tàu hỗ trợ xung quanh khu vực Micronesia và 85% số tàu này đến từ Trung Quốc. Để đối phó với các tàu nước ngoài, bà bộ trưởng đã ban hành lệnh cấm các tàu giã cào (kéo lưới rà) hoạt động trong EEZ. Tuy nhiên, ngư dân Trung Quốc đối phó với lệnh cấm của Indonesia bằng cách sử dụng hệ thống vệ tinh để tìm cá và điều hướng đội tàu đánh cá tới những nơi có cá ngừ và các loài cá tương tự trước khi chúng vào vùng biển Indonesia.
Thực tế này khiến quốc gia gần đó là Indonesia lo ngại. “Chính sách của bà Pudjiastuti tỏ ra rất hiệu quả”, một nhà phân tích hàng hải theo dõi hoạt động của đội tàu đánh cá đông đảo của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương nói. “Người Trung Quốc đang tìm cách bắt mọi thứ trước khi chúng đi vào vùng nước Indonesia”. Các tàu Trung Quốc thường tắt thiết bị thu phát tín hiệu vô tuyến hoặc thay đổi chế độ nhận dạng hàng hải di động (MMSI) như các quy ước quốc tế yêu cầu đối với mọi tàu trên 100 tấn. Trong khi Trung Quốc sử dụng ngư dân, đi kèm là lực lượng hải cảnh và tàu tuần tra của dân quân biển làm đội tiên phong, Indonesia cũng áp dụng chiến thuật tương tự ở Nam Biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố là ngư trường truyền thống của họ.
Đôi khi cách xử lý của người Indonesia khiến người ta phải ngạc nhiên. Trong một sự kiện ít được nói đến xảy ra tháng 4/2018, một tàu tuần tra tốc độ cao của hải quân Indonesia đã chặn tàu theo dõi vệ tinh Yuan Wan 7 sau khi nó chạy chệch khỏi một hải lộ vận tải quốc tế ở khu vực ngoài khơi đảo Sulawesi. Các nguồn tin nói lực lượng hải quân Indonesia đã chú ý khi con tàu Trung Quốc 21.000 tấn có những di chuyển bất thường. Hai tàu không trao đổi tín hiệu radio và sau đó tàu Yuan Wan 7 nhanh chóng đổi hướng về phía vùng biển quốc tế.