Sunday, January 5, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaKhả năng Chính quyền Philippines gây sức ép, buộc Thuyền trưởng tàu...

Khả năng Chính quyền Philippines gây sức ép, buộc Thuyền trưởng tàu Gem-Ver 1 thay đổi tường trình

Thuyền trưởng Junel Insigne (19/6) thay đổi lời khai về vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Gem-Ver 1, cho rằng hiện không chắc chắn liệu tàu Trung Quốc có “cố tình” đâm chìm tàu của họ hay không.

Thuyền trưởng thay đổi lời khai

Trong một cuộc họp ngày 19/6, với sự tham dự của Bộ trưởng Nông nghiệp Emmanuel Piñol, thuyền trưởng tàu đánh cá Philippines Gem-Ver 1 đã thay đổi tường trình về vụ chìm tàu cá ở vùng biển bãi Cỏ Rong thuộc quần đảo Trường Sa. Ngược lại với khẳng định trước đó, thuyền trưởng Junel Insigne hiện không chắc chắn liệu tàu Trung Quốc có “cố tình” đâm chìm tàu của họ hay không. Ông Junel Insigne cho biết: “Tôi bối rối vì tôi thực sự không biết liệu chúng tôi có bị đâm không”, đồng thời giải thích rằng trước đó ông đã bị cuốn theo cảm xúc nên mới khẳng định một tàu Trung Quốc đâm tàu Gem-Ver. Đáng chú ý, chỉ trước đó vài tiếng, chính thuyền trưởng tàu cá Philippines còn đề nghị Tổng thống Rodrigo Duterte buộc thuyền trưởng tàu Trung Quốc phải chịu trách nhiệm vì bỏ mặc 22 ngư dân Philippines sau vụ va chạm trên Biển Đông; đồng thời tái khẳng định tàu Trung Quốc “cố ý” đâm vào tàu cá Philippines và bỏ mặc 22 ngư dân Philippines trôi dạt trên biển trước khi được một tàu Việt Nam giải cứu.

Ông Junel cùng 21 thuyền viên cũng đã phủ nhận tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila rằng tàu Trung Quốc chỉ vô tình đâm trúng đuôi tàu Gemvir-1 khi tháo chạy khỏi 6-7 tàu Philippines khác đang tìm cách bao vây. Các ngư dân cũng khẳng định chính tàu cá Việt Nam đã giải cứu và cung cấp lương thực cho họ chứ không phải tàu Philippines như trong tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc.

Trả lời trong cuộc họp, ngư dân Philippines cho biết “chúng tôi rất biết ơn những người đã giúp đỡ chúng tôi. Điều này là đủ cho nhu cầu hàng ngày của chúng tôi”, đồng thời khẳng định họ sẽ không tiếp tục tìm kiếm công lý, buộc tàu Trung Quốc phải xin lỗi, bồi thương và đưa số thuyền viên Trung Quốc ra xét xử.

Quan chức Chính phủ Philippines thay đổi thái độ và tuyên bố

Cũng trong cuộc họp báo, Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines Emmanuel Piñol cho rằng họ không thể xác định liệu vụ tàu bị đâm chìm có phải là cố ý hay không. Ông trích dẫn lời khai của Richard Blaza, cho rằng có thể tàu Trung Quốc đã không nhìn thấy họ. Trước đó, ông Emmanuel Pinol cho biết ông muốn chính phủ Philippines trao đổi với phía Trung Quốc để buộc thuyền trưởng và các thuyền viên trên tàu Trung Quốc “phải chịu trách nhiệm vì hành vi bỏ mặc” 22 ngư dân Philippines. Theo Bộ trưởng Pinol, chính phủ Philippines cũng nên lắng nghe lời khai của các thuyền viên Trung Quốc, chứ không chỉ riêng tường thuật của các ngư dân Philippines, để đảm bảo quá trình điều tra kỹ lưỡng về vụ va chạm. Ông Pinol nói rằng mặc dù việc tàu Trung Quốc có cố tình đâm vào tàu cá Philippines hay không cho đến nay vẫn chưa rõ ràng, song một điều chắc chắn là chính phủ Philippines phản đối việc tàu Trung Quốc bỏ rơi các ngư dân sau khi tàu bị chìm. “Dù cho đó là vô tình hay cố ý, thì vẫn không thể biện hộ cho việc tàu Trung Quốc bỏ rơi các ngư dân Philippines, những người đang gặp nạn. Theo luật hàng hải quốc tế, đó là hành động trái phép. Còn theo luật nhân quyền, đó là hành động phi đạo đức”, Bộ trưởng Pinol nói.

Đâu là sự thật

Trong một động thái đáng chú ý, Philippines đã huy động một lực lượng cảnh sát đông đảo, bao vây ngôi nhà khi tiến hành cuộc họp trên. Ngoài ra, Chính phủ Philippines quyết định cung cấp cho các ngư dân của tàu Gem-Ver gạo, những khoản vay và trợ cấp tiền mặt nhằm “tạo điều kiện” để cho ngư dân Philippines tiếp tục ra khơi, đánh bắt cá.

Động thái trên của các thuyền viên tàu cá Gem-Ver 1 cho thấy sự thay đổi lời khai tương đối giống với cách mà các quan chức Philippines thay đổi thái độ và phát ngôn. Ban đầu, ngay sau khi vụ việc được công khai, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana (12/6) đã đưa ra những tuyên bố cứng rắn, chỉ trích Trung Quốc cho rằng hành động của tàu Trung Quốc là “man rợ”. Tuy nhiên, sau vài ngày, ông Delfin Lorenzana (19/6) cũng thay đổi giọng điệu của mình, khẳng định lại “đó chỉ là một tai nạn hàng hải”. Giọng điệu trên của ông Delfin Lorenzana hoàn toàn “phù hợp” và đồng nhất quan điểm của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, khi cho rằng: “Vụ va chạm đó chỉ là một tai nạn hàng hải. Đừng tin những chính trị gia ngu ngốc muốn chúng ta điều hải quân tới đó. Chúng ta sẽ không triển khai tàu chiến đến đó, đừng khiến nó trở nên tồi tệ hơn”.

Philippines từ chối đề nghị giúp đỡ của Mỹ

Sau khi Thượng nghị sĩ Panfilo Lacson cho rằng Philippines đã không tận dụng hết mọi nguồn lực mà đã lựa chọn xuống nước, dịu giọng với Trung Quốc. Một nguồn lực mà ông Lacson nói tới là Hiệp ước Phòng thủ Chung giữa Philippines với Mỹ (MDT), được ký kết vào năm 1951. Người phát ngôn Phủ Tổng thống Philippines Salvador Panelo cho rằng nhờ Mỹ bảo vệ là “hành động liều lĩnh. Chúng ta thậm chí không biết chuyện gì đã xảy ra, nhưng các bạn lại muốn chúng tôi coi đó như một hành động gây hấn. Không có hành động xâm lược nào. Chúng ta vẫn chưa biết chuyện gì đã xảy ra, liệu có phải là hành động cố ý không? Giả như đó là hành động có ý, câu hỏi ở đây liệu hành động đó có bị chính phủ Trung Quốc trừng phạt không?”

Trước đó, Bộ trưởng Nội các Philippines Karlo Nograles nói rằng Hiệp ước trên chỉ có thể viện dẫn trong trường hợp xảy ra tấn công vũ trang ở Philippines. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana có cùng quan điểm khi khẳng định MDT chỉ áp dụng cho một cuộc tấn công, còn đây không phải là một cuộc tấn công vũ trang; MDT có phần mơ hồ, không rõ ràng và có nguy cơ gây ra sự nhầm lẫn và hỗn loạn trong một cuộc khủng hoảng; cho rằng Hiệp ước trên đã quá thời và Philippines không nên đặt nó trong các mối quan hệ trong quá khứ và các mối quan hệ trong tương lai.

Được biết, Đại sứ Mỹ tại Manila Sung Kim cho rằng việc tàu Philippines bị tấn công vũ trang ở Biển Đông có thể kích hoạt hiệp ước phòng thủ chung Mỹ – Philippines. Đại sứ Mỹ cũng nhấn mạnh sự cần thiết giải trình đầy đủ sau khi điều tra cẩn thận về sự cố trên bãi Cỏ Rong, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo ông Sung Kim, “trên thực tế, nếu một tàu Trung Quốc đâm phải một tàu đánh cá Philippines và chạy đi mà không cung cấp bất kỳ sự trợ giúp nào cho ngư dân Philippines, tôi nghĩ đó là một tình huống rất nghiêm trọng và tôi tin đó là lý do tại sao các quan chức chính phủ cấp cao ở đây đã kêu gọi Trung Quốc điều tra đầy đủ và quy trách nhiệm cho những người có trách nhiệm”.

Hiệp ước quốc phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines được ký kết vào năm 1951, những năm đầu Chiến tranh Lạnh. Theo hiệp ước này, Manila và Washington cam kết hỗ trợ cho quốc gia còn lại trong trường hợp một trong hai quốc gia bị tấn công vũ trang vào lãnh thổ lục địa hoặc đảo ở Thái Bình Dương thuộc quyền tài phán của quốc gia đó, các lực lượng vũ trang, các tàu hoặc máy bay ở Thái Bình Dương.

Nhìn chung, việc ngư dân Philippines thay đổi quan điểm, lời khai là điều dễ hiểu, vì họ phải chịu sức ép của Chính quyền địa phương, cũng như chính quyền Trung Quốc. Không ai có thể đảm bảo rằng, nếu tiếp tục đưa công lý ra ánh sáng và không nghe theo sự sắp đặt của Chính quyền Duterte, thuyền viên tàu Gem-Ver 1 có còn được ra khơi nữa hay không? Và cũng không ai có thể đảm bảo rằng tàu Gem-Ver 1 có tiếp tục bị chìm nữa hay không – nếu dám trái lời Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới