Sunday, September 8, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMỹ sẽ tăng cường các biện pháp “xử lý” dân quân biển...

Mỹ sẽ tăng cường các biện pháp “xử lý” dân quân biển của TQ

Tính đến thời điểm hiện nay, Trung Quốc là một trong số ít nước trên thế giới có dân quân biển. Lực lượng này gồm các tàu đánh cá thực hiện rất nhiều chức năng khác nhau như cứu hộ các thuyền mắc cạn, vận chuyển lính đổ bộ lên các đảo hay thực hiện nhiều nhiệm vụ “ném đá giấu tay” của Trung Quốc ở Biển Đông. Mỹ hy vọng sẽ ngăn chặn hành vi hung hăng của Trung Quốc, bao gồm hoạt động của lực lượng bảo vệ bờ biển và các tàu dân quân biển hiện đang đe dọa các nước láng giềng.

Lực lượng dân quân biển hùng hậu của Trung Quốc

Dân quân biển Trung Quốc là lực lượng không chính quy, được tuyển chọn từ ngư dân địa phương vừa làm việc kiếm sống vừa được đào tạo để chờ thực hiện nhiệm vụ do chính quyền giao, song có những địa phương cũng tuyển chọn cả cựu binh hải quân. Tuy không thuộc lực lượng vũ trang, song Dân quân biển Trung Quốc do Chính phủ xây dựng, quản lý, kiểm soát hoạt động, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Chỉ huy quân sự địa phương. Về cơ bản, dân quân biển Trung Quốc là lực lượng địa phương, được tổ chức, tài trợ hoạt động bởi chính quyền các tỉnh. Quy định chính sách về hoạt động của lực lượng Dân quân tự vệ địa phương Trung Quốc do Cục dự bị động viên thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc soạn thảo, ban hành, dưới sự chỉ đạo của Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc. Chính quyền trung ương Trung Quốc hỗ trợ về kinh phí hoạt động cho lực lượng này, trong khi chính quyền địa phương đảm bảo trực tiếp về lương, kinh phí huấn luyện hoặc kinh phí thực hiện nhiệm vụ.

Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng biên chế của lực lượng dân quân biển Trung Quốc vẫn còn là một ẩn số đối với cộng đồng quốc tế. Theo trang Daily Caller có trụ sở tại Mỹ, một báo cáo vào năm 1978 ước tính lực lượng dân quân biển của Trung Quốc có 750.000 người và 140.000 tàu. Theo Sách Trắng Quốc phòng năm 2010 của Trung Quốc, nước này có 8 triệu đơn vị dân quân, song không rõ lực lượng dân quân biển mập mờ có được tính hay không. Thời gian gần đây, số lượng dân quân biển của Trung Quốc đã được mở rộng về quy mô và nâng cao về chất lượng. China Daily dẫn lời một quan chức thuộc Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Bắc Hải, Khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây khoe rằng số lượng dân quân biển tăng gấp 10 lần chỉ trong 2 năm qua, từ dưới 2% lực lượng quân sự địa phương vào cuối năm 2013 lên tới trên 20% vào năm 2016.

Nhiệm vụ chính của dân quân biển Trung Quốc là đóng vai trò tiên phong tạo áp lực trong các vụ va chạm, xung đột nhỏ với tàu cá, tàu khảo sát thăm dò, tàu chấp pháp của các nước ở Biển Đông; tham gia các vụ đụng độ, khiêu khích trên vùng biển quốc tế theo sự chỉ đạo của quân đội Trung Quốc, trong một số trường hợp là theo lệnh chỉ huy tạm thời của Lực lượng Chấp pháp biển Trung Quốc; bảo vệ, thúc đẩy các yêu sách lãnh thổ, “các quyền và lợi ích biển” và hỗ trợ Hải quân Trung Quốc khi xảy ra chiến tranh; hỗ trợ lực lượng an ninh nội địa trong việc đảm bảo ổn định xã hội, cũng như tham gia cứu trợ khi thiên tai xảy ra; cung cấp các báo cáo tình hình hoạt động của tàu nước ngoài ở Biển Đông cho Cơ quan Ngư chính Trung Quốc; vận chuyển vật liệu xây dựng lên các đảo, đá ở Biển Đông, góp phần hỗ trợ quá trình cải tạo phi pháp các thực thể nhân tạo; hỗ trợ sự hiện diện của Trung Quốc trong các khu vực có xung đột lãnh thổ hay đổ bộ lên các đảo đang tranh chấp.

Các tàu dân quân biển cỡ lớn được trang bị vũ khí hạng nhẹ; tất cả các tàu này đều có gắn vòi rồng cỡ lớn, các mạn thành và thân tàu được gia cố nhằm tăng độ cứng và chống va chạm; trang bị hệ thống định vị vệ tinh và kênh liên lạc riêng. Hiện tàu lớn nhất của dân quân biển Trung Quốc có chiều dài khoảng 60m, chiều ngang 10m, tải trọng khoảng 750 tấn; các tàu nhỏ hơn có tải trọng gần 600 tấn.

Dân quân biển Trung Quốc đã tham gia nhiều vụ quấy rối tàu, thuyền các nước đang hoạt động, đi lại hợp pháp ở Biển Đông. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc có khoảng 200.000 tàu cá các loại và có 14 triệu lao động hoạt động liên quan biển. Lực lượng khổng lồ này đã và đang phối hợp với Quân đội Trung Quốc trong việc theo đuổi những mục tiêu xâm lược của Trung Quốc ở Biển Đông. Giáo sư Andrew Erickson cho biết lực lượng này liên quan trực tiếp đến hải chiến Hoàng Sa năm 1974 và dính líu vô số hành động hung bạo ở Biển Đông, trong đó có vụ đâm chìm một tàu cá Việt Nam trong giai đoạn Trung Quốc cắm phi pháp giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển Việt Nam năm 2014. Lực lượng này cũng có các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, khiêu khích trắng trợn các nước như quấy rối nhiều tàu USNS Impaccable của Mỹ (3/2009) đang tiến hành khảo sát ở Biển Đông; bảo vệ hoạt động khảo sát phi pháp của Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) tại Nam Tri Tôn; do thám, tuần tra và bao vây bãi Cỏ Mây trong tháng 2/2014. Từ tháng 12/2018 – 4/2019, hơn 200 tàu cá Trung Quốc đã bị cáo buộc vây quanh đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam nhưng hiện do phía Philippines kiểm soát; mới đây nhất là vụ một tàu Trung Quốc (9/6) bị cáo buộc đâm chìm một tàu Philippines ở bãi Cỏ Rong và sau đó bỏ mặc mạng sống của 22 ngư dân Philippines trên biển.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc cố ý lợi dụng tình trạng mập mờ danh tính của lực lượng dân quân biển (không phải lực lượng vũ trang, song được đào tạo huấn luyện chuyên sâu) để thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo các lợi ích quốc gia, yêu sách “chủ quyền” ở Biển Đông, nhằm tránh đẩy căng thẳng leo thang, ít bị các nước chỉ trích, tránh các quy định của luật quốc tế và không gây phương hại tới hình ảnh của quân đội Trung Quốc. Ngoài ra, việc sử dụng dân quân biển quấy rối, khiêu khích tàu chấp pháp, tàu quân sự các nước sẽ khiến các nước gặp khó khăn khi đưa ra phương án xử lý số tàu này. Giáo sư Alan Dupont (Đại học New South Wales, Australia) phân tích rõ chiến lược bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông là cho các tàu cá dọn đường, thăm dò, gây hấn với tàu cá nước khác dưới sự bảo kê của tàu hải cảnh. Sau đó, hải cảnh tiếp tục tạo vòng vây phong tỏa khu vực, ngăn cản tàu nước khác đến gần nhằm tiến hành bồi đắp, xây dựng phi pháp và cuối cùng là quân sự hóa.

Mỹ sẽ gia tăng các biện pháp đối phó dân quân biển của Trung Quốc

Theo trang Business Insider, Mỹ đang báo hiệu một lập trường cứng rắn hơn đối với lực lượng dân quân biển của Trung Quốc, một lực lượng bán quân sự được ngụy trang như đội tàu đánh cá nhằm quấy rối các đối thủ nước ngoài để thực thi các yêu sách biển phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Bộ Quốc phòng Mỹ lần đầu tiên kêu gọi sự chú ý đến lực lượng dân quân biển trong báo cáo năm 2017 về sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Báo cáo cho biết Trung Quốc sử dụng đội tàu đánh cá thương mại của họ để tham gia vào cuộc gây hấn ở vùng xám, “thực thi các yêu sách biển theo những cách được tính toán để vẫn dưới ngưỡng gây ra xung đột vũ trang”. Tuy nhiên, mãi đến năm nay, Mỹ mới thực sự bắt đầu gây áp lực lên lực lượng dân quân Trung Quốc. Lãnh đạo hải quân Mỹ John Richardson (1/2019) cảnh báo người đồng cấp Trung Quốc trong cuộc họp tại Bắc Kinh rằng: Hải quân Mỹ sẽ coi các tàu bảo vệ bờ biển và dân quân biển là lực lượng quân đội và đáp trả những hành động khiêu khích với tư cách của một tàu hải quân Trung Quốc. Đến tháng 3/2019, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã công khai cam đoan với Philippines rằng Mỹ sẽ đến bảo vệ nước này trong trường hợp nước này bị tấn công ở Biển Đông. Theo ông Mike Pompeo, “bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào đối với các lực lượng, máy bay hoặc tàu nhà nước của Philippines ở Biển Đông sẽ kích hoạt nghĩa vụ phòng thủ lẫn nhau”. Mới đây, Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim (16/4) cho biết việc bảo đảm an ninh của Mỹ vẫn áp dụng cho các hành động gây hấn của dân quân biển Trung Quốc.

Theo bà Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói với tờ Financial Times rằng “Mỹ hy vọng sẽ ngăn chặn hành vi hung hăng của Trung Quốc, bao gồm hoạt động của lực lượng bảo vệ bờ biển và các tàu dân quân biển đang đe dọa các nước láng giềng nhỏ hơn”.

RELATED ARTICLES

Tin mới