Friday, October 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaMyanmar ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển...

Myanmar ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế

Phó Tổng thống Myanmar Myint Swe (17/6) cho biết, Myanmar ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực; cam kết ủng hộ thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông (DOC) và nỗ lực sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực và thực chất.

Chuyến thăm thắt chặt quan hệ song phương

Từ ngày 16-18/6, Phó Thủ tướng Việt Nam Vương Đình Huệ đã thăm làm việc Myanmar. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (17/6) đã có cuộc hội đàm với Phó Tổng thống Myint Swe.

Tại hội đàm, Phó Tổng thống Myanmar Myint Swe đánh giá cao vai trò, vị thế ngày càng cao của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới, đặc biệt là chúc mừng Việt Nam vừa trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu ủng hộ cao kỷ lục; bày tỏ hài lòng trước những bước phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực, từ chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư, năng lượng, du lịch…. trong quan hệ song phương; đánh giá cao kết quả các chuyến thăm cấp cao gần đây giữa hai nước, trong đó có chuyến thăm cấp Nhà nước Myanmar của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (8/2017) và chuyến thăm Việt Nam, dự Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2019 của Tổng thống Win Myint tháng Năm vừa qua; nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao trong thời gian tới.

Trong cuộc hội đàm, hai bên cũng đánh giá cao việc duy trì đều đặn các cơ chế hợp tác song phương, trong đó có việc tổ chức thành công Kỳ họp lần thứ 9 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương hai nước tại Hà Nội tháng 3 vừa qua; tập trung trao đổi về các biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư giữa Việt Nam và Myanmar, một trụ cột quan trọng và điểm sáng trong quan hệ hai nước; thảo luận về các tiềm năng, thế mạnh cũng như khó khăn, rào cản trong lĩnh vực này, với mong muốn tìm ra các biện pháp hữu hiệu nhằm đưa kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa, sớm đạt mục tiêu 1 tỷ USD như lãnh đạo cấp cao hai nước đã đề ra, đồng thời tăng cường đầu tư hai chiều. Hai bên hoan nghênh việc thúc đẩy thiết lập cơ chế Đối thoại chính sách quốc phòng cấp Thứ trưởng trong năm 2019; cam kết xúc tiến đàm phán, ký kết các văn kiện về hợp tác an ninh, tư pháp vào thời điểm phù hợp; đẩy mạnh triển khai các dự án về phát triển cây công nghiệp và nuôi trồng thủy hải sản hiện nay; tăng cường kết nối giao thông vận tải giữa hai nước, không chỉ đường không mà còn đường bộ và đường thủy.

Liên quan vấn đề Biển Đông, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác vì sự phát triển và thịnh vượng chung, phối hợp giải quyết các thách thức chung về an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông. Hai bên khẳng định ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực; cam kết ủng hộ thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông (DOC) và nỗ lực sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực và thực chất.

Hai bên cũng khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc, ASEAN, Phong trào Không liên kết cũng như các cơ chế hợp tác tiểu vùng khác như Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS), Hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV), Hợp tác tiểu vùng Mê Công(GMS), Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC)….

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chào xã giao Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi. Tại buổi tiếp, bà Cố vấn Aung San Suu Kyi ủng hộ việc hai bên tăng cường hợp tác trên tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội, đồng thời mở rộng giao lưu nhân dân; đề nghị hai bên sớm hoàn tất Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện Việt Nam–Myanmar giai đoạn 2019-2024; nhất trí phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (28/5/1975-28/5/2020); bày tỏ hài lòng về sự phát triển của quan hệ Việt Nam-Myanmar trong hơn 40 năm qua. Tin cậy chính trị ngày càng thắt chặt thông qua các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao. Hợp tác an ninh, quốc phòng được duy trì hiệu quả với nhiều hoạt động hợp tác thiết thực. Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trở thành điểm sáng trong quan hệ hai nước, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại thứ 9 và nhà đầu tư thứ lớn thứ 7 của Myanmar. Bên cạnh đó, hai bên cũng thừa nhận giữa hai nước vẫn còn nhiều thế mạnh chưa khai thác hết. Bà Cố vấn bày tỏ mong muốn các bộ, ngành hai bên cần tích cực tìm kiếm cơ hội, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng như tài chính, năng lượng, nông-lâm-ngư nghiệp, viễn thông, giao thông vận tải, du lịch, tư pháp, giáo dục, văn hóa…; thúc đẩy việc đàm phán, ký kết các thoả thuận hợp tác vào thời điểm phù hợp nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hợp tác trên các lĩnh vực cụ thể.

Quan điểm của Myanmar trong vấn đề Biển Đông

Myanmar là thành viên quan trọng của ASEAN, song nước này không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Myanmar được cho là ủng hộ quan điểm của ASEAN trong vấn đề Biển Đông, theo đó, các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải trong khu vực cần được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực; cam kết ủng hộ thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông (DOC) và nỗ lực sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực và thực chất.

Trong những năm gần đây, Myanmar đã đưa ra nhiều tuyên bố thể hiện quan điểm của mình liên quan vấn đề Biển Đông. Cụ thể:

Myanmar không phải là nước có yêu sách chủ quyền về Biển Đông, nhưng khi làm chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2014, đã tỏ ra cứng rắn hơn các chủ tịch tiền nhiệm đối với Trung Quốc. Trong hội nghị các bộ trưởng ngoại giao năm 2014, khối ASEAN đã ra thông cáo cho biết “quan ngại sâu sắc” về sự căng thẳng cao độ của tranh chấp.

Ngay sau khi Tòa Trọng tài ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, Chính phủ Myamar (13/7/2016) cho biết, Myanmar kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, tránh các hành động đe dọa hay sử dụng vũ lực. Mặc dù Trung Quốc bác bỏ phán quyết, Myanmar vẫn luôn gắn bó với nguyên tắc tôn trọng luật pháp, kể cả trong quan hệ đối ngoại; nhấn mạnh Myanmar sẽ tiếp tục làm việc với các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc để thực hiện một cách đầy đủ và hiệu quả, dựa trên nguyên tắc đồng thuận, về Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất bộ quy tắc ứng xử (COC). Giới chuyên gia cho rằng đây là cách ứng xử ngoại giao hết sức đúng đắn. Myanmar có thể tác động đến việc chấp nhận phán quyết mà không phải là quốc gia có tuyên bố chủ quyền trong vùng chồng lấn. Chuyên gia Myanmar nhận định, bà San Suu Kyi đứng trước quãng thời gian khó khăn ở phía trước trong việc giúp đỡ các nước ASEAN sau phán quyết Biển Đông. Cố vấn quốc gia Myanmar được đề cử là người dẫn dắt các cuộc họp chung của ASEAN trong tương lai, giúp Myanmar có một vị trí quan trọng hơn.

Ngày 25/8/2017, tại Phủ Tổng thống Myanmar, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc gặp riêng và hội kiến chung với Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi. Tại cuộc hội kiến chung, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi trao đổi sâu về những định hướng lớn thúc đẩy hợp tác giữa hai nước thời gian tới. Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao việc hai nước chính thức thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác hợp tác toàn diện; nhấn mạnh đây là dấu mốc mới, tầm cao mới và động lực mới cho quan hệ hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực. Bà Aung San Suu Kyi khẳng định, Myanmar và Việt Nam thực sự là những người bạn tin cậy của nhau, những người bạn cùng chung cảnh ngộ. Myanmar mong được tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam và được Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi nhất trí, hai bên cần tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin, tham vấn, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, khu vực và quốc tế, trong đó duy trì đoàn kết, thống nhất, phát huy vai trò trung tâm và dẫn dắt của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực. Về vấn đề biển Đông, hai nhà lãnh đạo khẳng định, hòa bình, ổn định, tự do, an toàn hàng hải, hàng không trên biển Đông không chỉ là lợi ích liên quan đến các nước có tranh chấp mà còn là lợi ích chung của cả khu vực và thế giới; ủng hộ các nỗ lực thúc đẩy giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và sớm ký Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Ngày 11/5/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội kiến với Tổng thống Myanmar Win Myint đang ở thăm Việt Nam và tham dự Đại lễ Phật đản Vesak 2019. Tại buổi hội kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Myanmar quan tâm thúc đẩy các dự án nông nghiệp và thủy sản đã có giữa hai nước nhưng chưa phát triển như mong muốn; giải quyết thuận lợi việc cấp đất cho các dự án phát triển cây công nghiệp của VN tại Myanmar. Tổng thống Myanmar cũng nhất trí đẩy mạnh các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch, sớm thảo luận việc nâng thời hạn miễn thị thực từ 14 ngày lên 30 ngày cho người mang hộ chiếu phổ thông hai nước. Về tranh chấp trên biển, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; khẳng định ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.

RELATED ARTICLES

Tin mới