Sản phẩm Việt sẽ chiếm được lòng tin và cảm tình của người tiêu dùng trong nước, chưa kể đó còn là tinh thần tự hào dân tộc.
Mấy ngày qua, sự việc Công ty cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam bị phát hiện nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam đang khiến người tiêu dùng xôn xao. Vốn dĩ, nhiều người tưởng rằng những chiếc TV, máy điều hòa của Asanzo là hàng Việt Nam, chỉ đến khi biết rằng 70% linh kiện là hàng hóa Trung Quốc thì nhiều người mới té ngửa.
Thực ra, vụ việc này cũng có phần tương đồng với một vụ việc gây chấn động trước đây khi phát hiện sản phẩm lụa Khai Silk hóa ra cũng là hàng nhập từ Trung Quốc và gắn mác “Made in Vietnam” để lừa người tiêu dùng. Bởi vậy, nhiều người tiêu dùng cũng bày tỏ cảm xúc, nói rằng họ cảm thấy phẫn nộ, như mình bị lừa dối khi cứ tưởng rằng sản phẩm Asanzo là hàng sản xuất trong nước.
Đối với người tiêu dùng trong nước, việc họ lựa chọn hàng hóa “Made in Vietnam” ngoài lòng tin, cảm tình với hàng hóa nội địa còn có cả tinh thần tự hào dân tộc. Tự hào vì người Việt Nam đã sản xuất được những mặt hàng có chất lượng không thua kém hàng nhập ngoại, tự hào vì bàn tay và khối óc của những người thợ Việt Nam nên người tiêu dùng luôn có tâm lý sẵn sàng ủng hộ hàng Việt.
Thế nhưng, việc các doanh nghiệp “mập mờ” trong việc kê khai nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm để lợi dụng lòng tin và cảm tình của người tiêu dùng, thì có khác nào lừa dối? Một người tiêu dùng cho biết họ mua sản phẩm TV của Asanzo vì lời quảng cáo gây nhầm tưởng đây là hàng hóa Việt Nam sản xuất theo công nghệ Nhật Bản. Việc gỡ bỏ nhãn mác xuất xứ “Made in China” trên các sản phẩm, linh kiện để dán mác của Asanzo chắc chắn là 1 hành vi lừa dối khách hàng.
Thêm vào đó, việc “lách thuế” của doanh nghiệp khi có biểu hiện gian dối khi kê khai nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm khiến cho Nhà nước bị thiệt hại một số lượng tiền thuế khổng lồ. Nếu là hàng hóa nguyên chiếc nhập về sẽ phải chịu thuế thu nhập đặc biệt, còn khi tháo rời chúng và nhập theo dạng linh kiện thì sẽ tránh được khoản thuế này.
Nếu thực sự Asanzo có những biểu hiện gian dối trong việc kê khai nguồn gốc xuất xứ, đồng thời có biểu hiện né thuế tiêu thụ đặc biệt thì cần phải xử lý theo đúng các quy định của pháp luật. Bởi điều đó có nghĩa, doanh nghiệp này không chỉ phản bội lại lòng tin của người tiêu dùng trong nước mà còn vi phạm pháp luật về thuế.
Đừng giết chết lòng tin của người tiêu dùng trong nước vì những vụ việc tương tự như Khai Silk, bởi lòng tin ấy đã phải trải qua bao nhiêu khó khăn, vất vả, các doanh nghiệp làm ăn chân chính trong nước mới xây dựng được. Đằng này, chỉ vì những doanh nghiệp trốn thuế, gian lận mà niềm tin vào hàng Việt, chất lượng Việt bị ảnh hưởng, giống như bát nước hắt đi, khó lòng mà lấy lại.
Và, tại sao những vụ việc động trời như Khai Silk hay Asanzo, người tìm ra manh mối không phải là các cơ quan quản lý mà là do người tiêu dùng hay cơ quan báo chí?