Tuesday, November 26, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTên lửa đối không tương lai Mỹ phát triển để đối phó...

Tên lửa đối không tương lai Mỹ phát triển để đối phó TQ

Tên lửa AIM-260 dự kiến có tầm bắn và tính năng vượt trội mẫu AIM-120, giúp Mỹ duy trì ưu thế trước các đối thủ cạnh tranh.

Tướng Anthony Genatempo, phó giám đốc Chương trình Vũ khí của không quân Mỹ, hồi đầu tuần cho biết lực lượng này và hải quân đang bí mật hợp tác phát triển mẫu tên lửa không đối không tầm xa thế hệ mới mang tên AIM-260 để thay thế dòng AIM-120 AMRAAM chủ lực hiện nay. Đây dường như là nỗ lực đối phó việc Trung Quốc sở hữu nhiều tên lửa đối không có uy lực vượt trội so với dòng AMRAAM.

Dự án AIM-260, còn có tên khác là “Tên lửa đối không chiến thuật liên quân” (JATM), được phát triển từ hơn hai năm qua nhưng đây là lần đầu tiên quân đội Mỹ thừa nhận sự tồn tại của nó. “Đây sẽ là vũ khí không chiến chủ lực của tiêm kích Mỹ trong tương lai. Nó có tầm bắn xa hơn dòng AIM-120, trang bị nhiều tính năng để đối phó với những mối đe dọa cụ thể”, tướng Genatempo phát biểu.

Thông tin được đưa ra trong bối cảnh Mỹ ngày càng lo ngại việc các đối thủ tiềm tàng như Nga, Trung Quốc đang bắt đầu biên chế tiêm kích tàng hình, cũng như phát triển các tên lửa không đối không tầm xa cho chúng.

Sự xuất hiện của tên lửa PL-15 Trung Quốc hồi năm 2016 dường như là động lực chính khiến Mỹ triển khai chương trình AIM-260. Washington lo ngại mẫu tên lửa mới của Bắc Kinh có tầm bắn tương đương, thậm chí vượt xa biến thể AIM-120D hiện đại nhất trong biên chế Mỹ.

Hiện không có nhiều thông tin về tên lửa AIM-260. Dường như nó có kích thước tương đương mẫu AMRAAM và không sử dụng động cơ phản lực dòng thẳng (ramjet) như tên lửa Meteor của châu Âu. Tướng Genatempo không giải thích làm sao dòng JTAM có thể tăng đáng kể tầm bắn trong khi không tăng kích thước và dùng động cơ ramjet.

“Tiến bộ về động cơ nhiên liệu rắn và công nghệ đầu đạn, cũng như thân vỏ được tối ưu hóa về khí động học có thể tăng tầm bắn cho AIM-260. Điều này từng được áp dụng với tên lửa diệt radar AGM-88G, khi nó sử dụng đầu đạn nhỏ hơn nguyên mẫu AGM-88E để có thêm chỗ chứa nhiên liệu”, chuyên gia quân sự Joseph Trevithick nhận định.

Quan chức Mỹ không tiết lộ về những tính năng đặc biệt của JTAM, nhưng có khả năng nó sẽ được lắp đầu dò kép với radar và camera ảnh nhiệt, cho phép bám bắt mục tiêu ngay cả khi bị gây nhiễu điện tử. Nếu đầu dò ảnh nhiệt bị chế áp, AIM-260 có thể dựa vào radar để lao tới mục tiêu.

Giới chuyên gia phương Tây cho rằng AIM-260 có thể được trang bị liên kết dữ liệu hai chiều, giúp tăng đáng kể độ chính xác hoặc thay đổi mục tiêu sau khi tên lửa rời bệ phóng. Nó cũng có thể dùng dữ liệu dẫn bắn từ cảm biến bên ngoài thay vì radar tiêm kích, hạn chế khả năng đánh động đối phương như tên lửa truyền thống.

Tiêm kích F-35C phóng tên lửa AIM-120 trong đợt thử nghiệm đầu năm 2019. Ảnh: US Navy.
Tiêm kích F-35C phóng tên lửa AIM-120 trong đợt thử nghiệm đầu năm 2019. Ảnh: US Navy.

Tướng Genatempo cho biết tiêm kích F-22 và F/A-18E/F sẽ là những chiến đấu cơ đầu tiên được trang bị AIM-260. Dòng F-35 và F-15X cũng sẽ được tích hợp tên lửa này trong tương lai. Quá trình bay thử dự kiến bắt đầu vào năm 2021, trước khi mẫu tên lửa này đạt khả năng chiến đấu sơ bộ sau đó một năm.

“Với những tính năng mới, tên lửa AIM-260 hứa hẹn sẽ giúp tiêm kích Mỹ duy trì lợi thế trước các đối thủ tiềm tàng trong tương lai”, chuyên gia Trevithick nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới