Tuesday, January 7, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaTruyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin về phản ứng giận...

Truyền thông quốc tế đồng loạt đưa tin về phản ứng giận dữ của người dân Philippines đối với TQ sau vụ chìm tàu

Hàng loạt các trang báo mạng quốc tế, khu vực đưa tin về diễn biến trong vụ tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines ở bãi Cỏ Rong hôm 9/6.

Người dân Philippines: “Chấm dứt sự hiếu chiến của TQ”

Theo báo chí các nước như Express.uk, Straits Times, Washington Post… ngay sau khi Tổng tống Philippines Rodrigo Duterte gọi vụ tàu cá nước này bị Trung Quốc đâm chìm trên Biển Đông là “tai nạn hàng hải”, biểu tình phản đối đã nổ ra tại thủ đô Manila. Nhiều người dân ở Manila đã đốt cờ Trung Quốc trong cuộc biểu tình phản đối phát ngôn của Tổng thống Duterte về vụ việc tàu nước này bị Trung Quốc đâm chìm. Họ gọi phát ngôn của ông Duterte là “yếu đuối” và xem thường vụ việc. Khoảng 50 người biểu tình giơ cao biểu ngữ “Chấm dứt sự hiếu chiến của Trung Quốc” và “Trung Quốc tránh xa ngư dân Philippines” tại công viên Rizal.

Nhóm biểu tình được tổ chức bởi nhóm “Bảo vệ việc làm Philippines”. Nhóm này cáo buộc ông Duterte “thân Trung Quốc” và phản bội người lao động Philippines vì cho phép người nhập cư trình độ thấp của Trung Quốc làm những công việc lẽ ra là của người dân địa phương. Có khoảng 22 lá cờ Trung Quốc làm bằng giấy đã bị đốt, tượng trưng cho 22 thuyền viên tàu cá Philippines gặp nạn rồi bị bỏ rơi giữa biển đến khi được tàu Việt Nam cứu hộ.

Theo báo chí các nước, Tổng thống Duterte hôm 17/6 lên tiếng cho rằng vụ va chạm chỉ là “tai nạn hàng hải”. Phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát đi ngày 13/6 cũng gọi vụ việc trên là “tai nạn hàng hải bình thường”. Nhưng trong bài phát biểu của mình tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở thành phố New York (Mỹ) tối 17/6, Ngoại trưởng Teodoro L. Locsin Jr. của Philippines đã gửi lời cám ơn đến sự trợ giúp của tàu cá Việt Nam. Ông nói rất chân thành “Chúng tôi mãi mãi cảm kích, và mãi mãi mắc nợ đối tác chiến lược Việt Nam vì nghĩa cử nhân đạo và hợp lẽ này”. “Việc cứu người bị nạn là nghĩa vụ phổ quát đối với mọi cá nhân, mọi chính phủ; trong luật dân sự và có thể ngay cả trong luật chung, bỏ rơi những người gặp nạn là một trọng tội, đặc biệt là khi chúng ta gây ra tình trạng đó”, ông Locsin phát biểu trước cử tọa. Ông gần như xoáy vào trách nhiệm của tàu Trung Quốc đã bỏ mặc các thuyền viên Philippines trên tàu cá F/B Gimver 1 sau khi đã đâm vào đuôi tàu này khiến nó bị chìm. “Việc cứu người càng nên làm khi nó không gây rủi ro gì cho mình. Mặc dù không có chế tài cho chuyện này trong luật quốc tế, nhưng nó khiến chúng ta phải lưu tâm”, Bộ trưởng Locsin chỉ rõ.

Nhiều cuộc biểu tình phản đối TQ đã từng nổ ra ở Philippines

Theo báo chí khu vực, trong những năm gần đây, người người dân Philippines có xu hướng phản đối mạnh mẽ các hành động của Trung Quốc vi phạm phán quyết, xâm phạm chủ quyền của Philippines tại bãi cạn Scarborough. Nhiều cuộc biểu tình của người dân Philippines đã nổ ra để yêu cầu Trung Quốc ngừng ngăn cản hoạt động đánh bắt và tịch thu cá của ngư dân Philippines.

Hôm 10/2/2018, nhiều người Philippines đã tập trung bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila để phản đối các hành động quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông. Theo hãng tin Al Jazeera, cuộc biểu tình do các nhà hoạt động tổ chức sau khi truyền thông Philippines đăng tải các hình ảnh cho thấy Trung Quốc đã đi đến giai đoạn hoàn tất các cơ sở phục vụ hải quân và không quân trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Các nhà hoạt động cho rằng nếu Philippines tiếp tục hợp tác với Trung Quốc có thể sẽ “khuyến khích” Bắc Kinh tiếp tục các hành động phi pháp trên Biển Đông.

Hôm 26/3/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết Trung Quốc thường xuyên có hành động phản đối, ngăn cản việc quân đội Philippines tiến hành tuần tra thông thường bằng đường không trên bãi cạn Scarborough. Bộ trưởng Delfin Lorenzana khẳng định những khu vực đó nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines và Trung Quốc không có quyền gì ở đó, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì hoạt động tuần tra bất chấp sự phản đối từ Trung Quốc.

Hiệu ứng tẩy chay TQ sẽ lan rộng ở Phillippines?

Hồi tháng 3 vừa qua, cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario và nguyên Lãnh đạo cơ quan chống tham nhũng của Philippines, Tổng Thanh tra Conchita Carpio Morales đã đệ đơn kiện nhân danh người dân Philippines và nhân danh hàng trăm ngàn ngư dân Philippines chịu tác động do việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo và chiếm đóng các đảo vùng Biển Tây Philippines (Biển Đông). Trong đơn kiện, ông del Rosario và bà Morales viết “ Với việc thực hiện kế hoạch chiếm Biển Đông một cách có hệ thống, chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức khác của Trung Quốc đã phạm các tội ác nằm trong thẩm quyền xét xử của Tòa, đó là gây những tác hại nặng nề, thường xuyên và hàng loạt đối với môi trường của các quốc gia trong khu vực, không chỉ gây tổn hại cho các ngư dân, mà còn cho cả thế hệ hiện nay và thế hệ tương lai của các nước”. Đơn kiện của hai cựu quan chức Philippines nêu rõ chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức khác của Trung Quốc đã phạm các tội ác chống nhân loại như thế nào, trong đó có lời khai của các ngư dân Philippines, bị mất phương tiện sinh sống do các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Lá đơn kiện đã được hai cựu quan chức cao cấp Philippines gửi cho Tòa án Hình sự Quốc tế vào ngày 15/3, tức là trước khi Philippines tuyên bố chính thức rút khỏi hiệp ước thành lập tòa án ICC hôm 17/3. Tổng thống Duterte đã quyết định rút Philippines khỏi hiệp ước thành lập ICC sau khi tòa án này vào tháng 2/2018 tiến hành “xem xét sơ bộ” về tội ác chống nhân loại mà tổng thống Duterte bị cáo buộc, do đã có quá nhiều người bị sát hại ở Philippines trong chiến dịch bài trừ ma túy mà ông phát động. Ngoài những cựu quan chức, nhiều quan chức quốc phòng hàng đầu của Philippines gần đây có xu hướng thích công bố các thông tin liên quan tới việc Trung Quốc đang dần từng bước củng cố hạ tầng và sự hiện diện ở Biển Đông bằng cách tiết lộ cho giới truyền thông hoặc cho những người chỉ trích ông Duterte tại Quốc hội.

RELATED ARTICLES

Tin mới