Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiVán cờ hạt nhân Triều Tiên cần chiến lược mới từ ông...

Ván cờ hạt nhân Triều Tiên cần chiến lược mới từ ông Trump và ông Kim

Cả Tổng thống Mỹ Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cần có sự thay đổi về chiến lược nếu muốn tạo ra đột phá trong đàm phán phi hạt nhân.

Mỹ cần thay đổi chính sách với Triều Tiên như thế nào?

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 21/6 đã gia hạn các biện pháp trừng phạt Triều Tiên thêm một năm, viện dẫn những mối đe dọa “bất thường và đặc biệt” từ chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Dù chỉ là động thái theo thông lệ nhưng quyết định lần này của Tổng thống Trump được đưa ra vào thời điểm nhạy cảm trong bối cảnh đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên rơi vào bế tắc sau khi Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 tại Hà Nội kết thúc mà không đạt được thỏa thuận.

Theo nhà phân tích Adriana Nazarko của tờ National Interest, nhìn vào các phản ứng của Mỹ đối với chương trình hạt nhân Triều Tiên dễ thấy rằng Mỹ đã trải qua tất cả 5 giai đoạn: từ chối, giận dữ, mặc cả, thất vọng và từ chối thêm một lần nữa. Dù đã cố gắng rất nhiều nhưng Mỹ không thể trốn tránh được thực tế là Triều Tiên đã phát triển các khả năng cần thiết để sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm vào lãnh thổ Mỹ và những đồng minh quan trọng của Washington tại Châu Á.

Xét ở phương diện bề nổi, chính sách gây sức ép tối đa của Tổng thống Trump dường như đã phát huy hiệu quả khi đưa nhà lãnh đạo Kim Jong Un đến bàn đàm phán với Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều lần thứ 1 vào năm 2018. Nhưng một số ý kiến cho rằng, nâng tầm chính sách này của Mỹ đồng nghĩa với việc hạ thấp vai trò trung gian hòa giải mà Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đảm nhiệm nhằm giảm bớt căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, cũng như sức bền bỉ chống chịu các lệnh trừng phạt của Triều Tiên hàng thập kỷ qua.

Ở chiều ngược lại, nhiều nhà phân tích đánh giá, đàm phán Mỹ-Triều được thực hiện là nhờ các nỗ lực ngoại giao có tính toán và sự tiếp xúc, liên lạc giữa nhiều bên liên quan, chứ không phải nhờ chính sách gây sức ép tối đa. Bởi thực tế cho thấy chính quan điểm cứng rắn, tái khẳng định mục tiêu của Washington là phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược (CVID) trên bán đảo Triều Tiên là một trong những nguyên nhân khiến Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 không đạt kết quả, khiến đôi bên cùng thất vọng vì thiếu tiến bộ trong đàm phán.

Mặc dù Tổng thống Trump sẵn sàng dành thời gian để chờ đợi một cơ hội đối thoại tốt hơn với Triều Tiên, nhưng chính sách “kiên nhẫn chiến lược” từ thời cựu Tổng thống Obama mà chính quyền ông Trump tái áp dụng đang dẫn đến gia tăng căng thẳng do thiếu sự đối thoại và tiếp xúc tích cực giữa các bên.

Từ chối đàm phán với Triều Tiên cho đến khi quốc gia này từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân là một chiến lược bất hợp lý bởi Bình Nhưỡng luôn có sự lựa chọn khác. Không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Nga Putin có cuộc gặp Thượng đỉnh với Chủ tịch Kim Jong Un vào tháng 4 vừa qua, trước đó Nga đã viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên 2.000 tấn lúa mì. Đây dường như là một thông điệp gửi đến Mỹ rằng: Nếu Mỹ không đàm phán với Triều Tiên thì Nga sẽ thế chân, thời điểm để xây dựng quan hệ tốt đẹp với Triều Tiên chính là bây giờ.

Theo giới quan sát, Mỹ đang có một vị trí thuận lợi nhất định để thể hiện thiện chí xây dựng quan hệ đôi bên cùng có lợi với Triều Tiên, dần xóa bỏ những nghi ngại và bất đồng từng dẫn đến việc mất lòng tin kéo dài hàng thập kỷ qua. Bởi thiện cảm tốt đẹp giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên với Tổng thống Trump sau hai Hội nghị Thượng đỉnh vẫn được duy trì. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 23/6 cho biết, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vừa nhận được một bức thư cá nhân của Tổng thống Trump. Ông Kim Jong Un mô tả bức thư rất “tuyệt vời” và rất “hài lòng” khi đọc thư, nhưng không tiết lộ nội dung cụ thể. Trước đó, hồi đầu 6/2019, ông Trump thông báo đã nhận lá thư “ấm áp” từ ông Kim và tuyên bố sắp có những điều tích cực từ Bình Nhưỡng.

Nhà phân tích Adriana Nazarko cho rằng, trong thời gian tới, bước đầu tiên mà Washington nên thực hiện là thiết lập một kênh liên lạc chính thức như văn phòng liên lạc chung Mỹ-Triều Tiên vì điều này sẽ giúp tránh mọi hiểu lầm có thể dẫn đến căng thẳng gia tăng giữa các bên. Tiếp đến, nếu Mỹ tham gia đối thoại với Triều Tiên, chính sách của Mỹ phải chuyển từ trọng tâm phi hạt nhân hóa sang sứ mệnh gìn giữ hòa bình và ổn định lâu dài trong khu vực. Buông bỏ cơ hội này chỉ bởi những nhân vật có lập trường cứng rắn, bảo thủ ở Washington là điều rất đáng tiếc và nếu Mỹ không hành động, quốc gia khác sẽ thế chân.

Cuối cùng, Mỹ cần phải tập trung giảm bớt những lo ngại an ninh chính của phía Triều Tiên. Chẳng hạn để đổi lấy việc giảm bớt cường độ các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, Washington có thể thúc đẩy việc đàm phán 3 không: 1. Không có vũ khí mới; 2. Không có vũ khí tốt hơn; 3. Không chuyển giao công nghệ hạt nhân hoặc vũ khí hạt nhân. Việc giảm căng thẳng và xây dựng lòng tin cần phải được thực hiện từ những bước đi nhỏ đi kèm với các nhượng bộ lớn hơn.

Triều Tiên điều chỉnh chiến lược đàm phán

Còn với Triều Tiên, liệu quốc gia này sẽ điều chỉnh lại chiến lược đàm phán sau thất bại tại Hà Nội? Nhà phân tích Daminov Ildar của tờ The Diplomat nhận định, để trả lời câu hỏi này, điều cần thiết là phải hiểu bản chất mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của Triều Tiên. Mục tiêu dài hạn của giới tinh hoa Triều Tiên là đảm bảo sự tồn tại của nhà nước Triều Tiên. Với nhà lãnh đạo Kim Jong Un, chương trình hạt nhân là sự bảo đảm chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài, giúp làm dịu đi những quan ngại chính về an ninh của Bình Nhưỡng. Thế nhưng, bất chấp việc tuyên bố sở hữu vũ khí hạt nhân và có một quân đội thiện chiến, họ không muốn chiến tranh. Triều Tiên dù không hài lòng với kết quả tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 song vẫn để ngỏ tín hiệu đàm phán. Tuy nhiên, lần này Bình Nhưỡng có vẻ như đang thay đổi về chiến lược.

 Trước hết, Triều Tiên đang cố gắng giành được sự ủng hộ chính trị trước vòng đàm phán tiếp theo với Mỹ. Nước này thường xuyên tham vấn với Nga và Trung Quốc nhằm giảm bớt sức ép về kinh tế và để ứng phó với Tổng thống Trump – một người không dễ đoán định. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã có cuộc gặp Thượng đỉnh với Tổng thống Nga Putin và mới đây nhất là cuộc tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Bình Nhưỡng. Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung đang xấu đi nhanh chóng do chiến tranh thương mại leo thang, Trung Quốc có thể tăng cường hỗ trợ kinh tế cho Triều Tiên bất chấp lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Điều này giúp Bình Nhưỡng phần nào giảm bớt áp lực kinh tế.

Thứ hai, có nhiều cơ hội ngoại giao Triều Tiên có thể tận dụng để đạt được tiến triển trong các cuộc đàm phán với Mỹ. Chẳng hạn như Hàn Quốc đang xem xét khả năng tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh thứ 4 giữa Chủ tịch Kim Jong Un và Tổng thống Moon Jae-in. Nếu hội nghị này điễn ra tại Seoul, sẽ có thể thúc đẩy cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên.

Bình Nhưỡng nhiều khả năng sẽ làm dịu lập trường đối với Seoul, đồng thời phát động một chiến dịch “tấn công quyến rũ” bởi nước này cần Seoul làm trung gian hòa giải. Các dấu hiệu đầu tiên về một lập trường mềm mỏng hơn với Hàn Quốc đã được thể hiện trên báo chí Triều Tiên. Sau nhiều tuần chỉ trích Hàn Quốc vì cho rằng nước này đã có sự can thiệp “không cần thiết” đối với cuộc đàm phán Mỹ-Triều, những bài viết với nội dung này đột nhiên dừng lại. Thay vì đó, tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Lao động Triều Tiên đã có bái viết ca ngợi các thỏa thuận liên Triều, đánh dấu một sự thay đổi trong chiến dịch truyền thông.

Theo các nhà quan sát, bất chấp hoàn cảnh khách quan và chủ quan, điều quan trọng là các bên không mất đi động lực đàm phán. Có nhiều dấu hiệu cho thấy ông Donald Trump sẵn sàng chấp nhận nhượng bộ một phần.

Ông Andrei Lankov, chuyên gia nổi tiếng nghiên cứu về Triều Tiên nhận xét rằng, Mỹ có thể từ bỏ thực hiện ý tưởng về phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược bởi ông Trump hiểu rõ cách tiếp cận này không đem lại kết quả. Tuy nhiên, trái với sự linh hoạt của ông Trump, các thành viên chủ chốt trong chính quyền lại có phần bảo thủ hơn. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton và Ngoại trưởng Mike Pompeo đặc biệt không hài lòng với ý tưởng này, ít nhất là theo các đánh giá của Triều Tiên.

Trước một nhà lãnh đạo Mỹ khó đoán định, Triều Tiên sẽ không thể sử dụng chiến lược cổ điển là răn đe hạt nhân trong khi vẫn mở cửa đàm phán như trước. Còn Mỹ, bằng cách phối hợp cách tiếp cận với Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ linh hoạt hơn trong ứng phó với chiến lược ngoại giao mới của Bình Nhưỡng

RELATED ARTICLES

Tin mới