Tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á lần thứ 18 hay còn gọi là Đối thoại Shangri – La tổ chức ở Singapore, các nước đặc biệt quan tâm, nhấn mạnh vấn đề an ninh hàng hải ở khu vực hiện nay trong bối cảnh các tranh chấp Biển Đông chưa được giải quyết và tình trạng quân sự hóa vẫn đang diễn ra.
Cuộc họp thành viên “Thỏa thuận phòng thủ 5 cường quốc”
Tại cuộc họpbên lề Đối thoại Shangri-La đang diễn ra tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng 5 nước tham gia “Thỏa thuận phòng thủ 5 cường quốc” (FPDA), gồm Malaysia, Singapore, Anh, Australia và New Zealand đã tái khẳng định các cam kết tiếp tục tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như chống khủng bố, an ninh hàng hải, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa.
Các nước FPDA cũng khẳng định cam kết của mình đối với FPDA, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng hiệp ước này như là cơ chế hợp tác mang tính xây dựng, minh bạch và hòa bình trong khu vực.Các bộ trưởng lưu ý rằng mối quan hệ hợp tác về an ninh-quốc phòng đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc tăng cường khả năng tương tác giữa lực lượng quân đội của các quốc gia thông qua các cuộc diễn tập chung trong khuôn khổ FPDA. Trên cơ sở đó, các nước bày tỏ sự ủng hộ đối với những nỗ lực nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp của các cuộc diễn tập FPDA.
Được thành lập vào năm 1971, FPDA là quan hệ đối tác quân sự lâu đời thứ hai thế giới chỉ sau Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). FPDA được hình thành như một hiệp ước mà trong đó cho phép năm quốc gia tham khảo ý kiến lẫn nhau để đưa ra biện pháp đối phó trong trường hợp xảy ra tấn công vũ trang hoặc có mối đe dọa tấn công vũ trang nhằm vào bất kỳ nước thành viên nào.
Phát biểu khai mạc Shangri – La của Thủ tướng nước chủ nhà
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngày 31/5 cảnh báo nguy cơ từ xung đột Mỹ – Trung hiện nay xuất phát từ thiếu lòng tin chiến lược, đồng thời cho rằng trong bối cảnh gia tăng cạnh tranh giữa các siêu cường thì những nước nhỏ cần tăng cường hợp tác trên mọi mặt, nâng cao vị thế thông qua việc xây dựng các thể chế đa phương. Thủ tướng Singapore cho biết Trung Quốc nên giải quyết các tranh chấp này một cách hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). “Họ nên làm như vậy thông qua ngoại giao và thỏa hiệp hơn là ép buộc hoặc đe dọa dùng vũ lực, đồng thời xem trọng lợi ích cốt lõi và quyền lợi của các quốc gia khác. Theo thời gian, Trung Quốc sẽ xây dựng danh tiếng như một cường quốc có trách nhiệm, sẽ được tôn trọng như một cường quốc có thể dựa vào để hỗ trợ một khu vực hòa bình và ổn định”, ông Lý Hiển Long phát biểu.
Ngoài ra, Thủ tướng Singapore thừa nhận việc Trung Quốc muốn phát triển các lực lượng vũ trang hiện đại, có khả năng bảo vệ lãnh thổ và các tuyến đường thương mại của mình là điều đương nhiên. Mặc dù vậy, để tăng cường ảnh hưởng quốc tế ngoài sức mạnh quân sự, Bắc Kinh cần phải sử dụng sức mạnh này với sự kiềm chế và tính hợp pháp.
Phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia
Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Haji Mohamad Sabu, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia cho rằng trong gần một thập kỷ qua, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Điều này cũng làm thay đổi cán cân quyền lực chính trị, kinh tế và quân sự tại khu vực.
Theo Bộ trưởng Sabu, hiện khu vực đứng trước 3 thách thức lớn. Một trong số đó là những thách thức an ninh phi truyền thống và các xu hướng mới nổi. Bạo lực hàng hải, khủng bố và an ninh mạng là những thách thức chính cần được giải quyết phù hợp. Vấn đề bạo lực hàng hải cần đòi hỏi một cách tiếp cận hợp tác hơn giữa các quốc gia. Sự cạnh tranh của các cường quốc làm gia tăng căng thẳng ở tại khu vực Biển Đông. Điều này làm gia tăng khả năng xung đột giữa các tàu hải quân và giữa các máy bay. Theo ông Sabu, Biển Đông nên vẫn là một khu vực hòa bình, hữu nghị và thương mại thay vì một cuộc đối đầu.
Phát biểu của Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ
Phát biểu với các phóng viên tại Singapore bên lề Đối thoại Shangri-La hôm nay 31/5, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cho biết các hành động quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông, như triển khai tên lửa đất đối không, là “quá đáng” và “tàn phá quá mức”. “Họ nói rằng đó là để phòng vệ, nhưng thực chất điều đó giống như sự tàn phá quá mức, các tên lửa đất đối không, các đường băng dài, chúng dường như là hành động quá đáng”, ông Shanahan nói.
Phát biểu trong phiên thảo luận toàn thể đầu tiên tại Đối thoại Shangri-La hôm 1/6, ông Shanahan không đề cập trực tiếp tới Trung Quốc, nhưng được giới truyền thông và đại biểu ngầm hiểu ông đang ám chỉ Bắc Kinh là bên gây bất ổn. “Có lẽ mối đe dọa lớn nhất đối với lợi ích của các quốc gia trong khu vực xuất phát từ những nhân tố đang tìm cách phá hoại, thay vì giữ gìn trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Nếu xu hướng trong các kiểu hành xử này tiếp diễn, các thực thể nhân tạo trong khu vực chung của thế giới có thể trở thành những trạm thu phí, chủ quyền có thể biến thành thứ bị kẻ mạnh chi phối”, ông Shanahan nói. Các “thực thể nhân tạo” ông Shanahan đề cập được cho là những đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở Biển Đông.