Tuesday, November 26, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaHội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 sẽ nóng vì căng...

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34 sẽ nóng vì căng thẳng ở Biển Đông

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN 34 với chủ đề “Đối tác thúc đẩy vì sự phát triển bền vững” (20-23/6), vấn đề Biển Đông sẽ tiếp tục là một trong những chủ đề được các nước đặc biệt quan tâm, theo dõi.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Junever Mahilum-West (18/6) cho biết, nghị trình của Thượng đỉnh lần này sẽ bao gồm vấn đề Biển Đông và lãnh đạo các nước ASEAN sẽ trao đổi quan điểm về vấn đề này. Tổng thống Rodrigo Duterte cũng sẽ đề cập vấn đề Trung Quốc tiếp tục gây hấn ở Biển Đông tại Hội nghị. Theo bà Junever Mahilum-West, ông Duterte sẽ kêu gọi các nước ASEAN và Trung Quốc đẩy nhanh tiến trình xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), đánh giá COC là công cụ quan trọng giúp ngăn ngừa các vụ việc tượng tự mới xảy ra ở bãi Cỏ Rong, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trước đó, Vụ trưởng vụ ASEAN thuộc Bộ Ngoại giao Thái Lan Suriya Chindawongse cho biết, Hội nghị cấp cao ASEAN 34 sẽ trao đổi là việc ASEAN sẽ thông qua dự thảo đầu tiên về Bộ quy tắc ứng tử trên Biển Đông (COC) và đặt mục tiêu hoàn thành dự thảo này trong vòng 3 năm. Thái Lan cũng sẽ nhấn mạnh một số vấn đề khác như khung hành động của ASEAN về rác thải biển, trách nhiệm đối với công ước CITES về buôn bán động vật hoang dã…

Để chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao ASEAN 34, các nước ASEAN (30/5) đã tổ chức Hội nghị các Quan chức cao cấp ASEAN+3 và Cấp cao Đông Á (EAS) ở Bangkok, Thái Lan. Tại các hội nghị trên, vấn đề Biển Đông tiếp tục là tâm điểm thảo luận của các nước. Các nước chia sẻ về tiến triển trong đàm phán xây dựng Bộ quy tắc COC giữa ASEAN và Trung Quốc, song cho rằng vẫn còn những hoạt động gây lo ngại, làm xói mòn lòng tin, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường an ninh và ổn định trên Biển Đông như quân sự hóa, cản trở khai thác tài nguyên trên biển… Các nước nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không có hành động làm phức tạp tình hình, giải quyết các tranh chấp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển UNCLOS 1982, các đòi hỏi chủ quyền cần được đưa ra trên cơ sở luật pháp quốc tế, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố DOC và xây dựng Bộ quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả.

Trước đó, tại Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN-Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) lần thứ 17 (17-18/5/2019) ở Hàng Châu, Trung Quốc, lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc đã trao đổi về việc thực hiện DOC và đàm phán về COC. Trao đổi về tình hình Biển Đông và kiểm điểm thực hiện DOC, nhiều nước nêu rõ tình hình Biển Đông phức tạp là hệ lụy của những diễn biến vừa qua trên thực địa, làm gia tăng căng thẳng, gây xói mòn lòng tin, tạo nguy cơ cho hòa bình, ổn định trên Biển Đông. Trước tình hình đó, các nước tái khẳng định tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; đồng thời cũng cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, nhất là tự kiềm chế, đi đôi với hợp tác xây dựng lòng tin. Hội nghị nhất trí với đề xuất của Việt Nam tổ chức hội thảo trong khuôn khổ DOC về đối xử công bằng, nhân đạo với ngư dân. Các nước nhất trí cần duy trì nhịp độ đàm phán, phát huy tinh thần trách nhiệm phấn đấu xây dựng COC thực chất, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong quá trình này, các bên cần kiềm chế, nỗ lực duy trì môi trường thuận lợi cho quá trình xây dựng COC. Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng đoàn Việt Nam, ghi nhận tiến triển đạt được trong thực hiện DOC và đàm phán COC. Bên cạnh đó, Thứ trưởng chia sẻ quan ngại về những phức tạp ở Biển Đông vốn có nguyên nhân từ cạnh tranh chiến lược các nước lớn, các hành động đơn phương trái với luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển 1982, nhất là các hoạt động quân sự hoá, làm xói mòn lòng tin, cản trở việc duy trì hoà bình, ổn định, ảnh hưởng tới đàm phán COC. Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh, Biển Đông cũng đang đứng trước những thách thức khác như nạn đánh bắt cá trái phép, không khai báo và không theo quy định (IUU Fishing), ô nhiễm môi trường biển, rác thải nhựa… Trước tình hình này, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng kêu gọi các nước đề cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực chung tay thực hiện đầy đủ DOC, kiềm chế và không có các hành động làm phức tạp tình hình, không quân sự hoá và đẩy mạnh hợp tác xử lý những thách thức đang được đặt ra. Theo đó, ông Nguyễn Quốc Dũng thông báo Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo trong khuôn khổ DOC về đối xử công bằng, nhân đạo với ngư dân. Về COC, ông Nguyễn Quốc Dũng khẳng định đây là vấn đề quan trọng được quan tâm rộng rãi, đề nghị ASEAN và Trung Quốc nỗ lực đàm phán để đạt được một Bộ quy tắc hiệu lực, thực chất, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển 1982, được cộng đồng quốc tế ủng hộ. Đóng góp vào tiến trình này, Việt Nam sẽ đăng cai Hội nghị Quan chức Cao cấp ASEAN – Trung Quốc về thực hiện DOC lần thứ 18 sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào nửa cuối năm 2019.

Được biết, tại Hội nghị cấp cao ASEAN 33 (13-15/11/2018) đã thông qua 63 văn kiện hợp tác của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác trên các lĩnh vực chính trị-an ninh, kinh tế và văn hoá-xã hội. Tại các hội nghị, các nhà Lãnh đạo cũng tập trung thảo luận những vấn đề liên quan đến môi trường phát triển và an ninh của khối. Đó là sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, sự căng thẳng thương mại giữa một số nước tác động đến khu vực; những thách thức và cơ hội đặt ra bới cách mạng công nghiệp 4.0; một số điểm nóng ở khu vực như: Biển Đông, Bán đảo Triều tiên, tình hình bang Rakhai của Myanmar; các vấn đề về chống khủng bố, chống thiên tai, an ninh mạng… Các nhà Lãnh đạo khẳng định trong bối cảnh tình hình thế giới đang có những chuyển động phức tạp, ASEAN càng cần thống nhất tiếng nói chung, tăng cường gắn kết, thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương; giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN và các tôn chỉ mục đích về bảo vệ hòa bình, ổn định, thượng tôn pháp luật ở khu vực và trên thế giới.

Đáng chú ý, các Nhà Lãnh đạo ghi nhận những tiến triển tương đối đáng khích lệ trong đàm phán về COC vừa qua. Tuy nhiên, để đàm phán đó phát triển thì vẫn cần có điều kiện và môi trường thuận lợi, và trên thực tế thì chưa có môi trường thực sự thuận lợi trên thực địa. Vẫn còn có nguy cơ có thể xảy ra va chạm mà nếu thực sự xảy ra thì ảnh hưởng rất khôn lường cho an ninh, hòa bình ở khu vực. Chính vì vậy, các nhà lãnh đạo bày tỏ quan tâm và yêu cầu các bên kiềm chế, không để tình hình xấu hơn trên thực địa, tạo điều kiện thuận lợi cho đàm phán về COC. Từ đầu, cả ASEAN và Trung Quốc đều thấy khó đưa ra một lộ trình cụ thể cho đàm phán COC. Tại Hội nghị lần này Lãnh đạo Trung Quốc đã đặt ra mong muốn nỗ lực hoàn tất Văn kiện COC trong 3 năm tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới