Trong một thông báo trên Twitter ngày 18/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan sẽ rời nhiệm sở và thay thế ông Patrick Shanahan là Bộ trưởng Lục quân Mark Esper. Giới quan sát dự báo Mỹ sẽ vẫn duy trì cách tiếp cận và hiện diện quân sự mạnh mẽ ở Biển Đông trong thời gian tới.
Về tân Quyền Bộ trưởng Quốc phòng MỹMark Esper
Ông Mark Esper nhậm chức Bộ trưởng Lục quân Mỹ ngày 20/01/2017. Bộ trưởng Lục quân Mỹ là một viên chức dân sự trong Bộ Quốc phòng Mỹ, theo luật, có trách nhiệm về tất cả các vấn đề có liên quan đến Lục quân Mỹ: nhân lực, nhân sự, các vấn đề trừ bị, các cơ sở căn cứ, các vấn đề về môi trường, các hệ thống vũ khí và mua sắm quân trang, thông tin, và quản lý tài chính. Bộ trưởng được Tổng thống Mỹ đề cử và phải được Thượng viện Mỹ xác nhận với tỉ lệ đa số phiếu mới được bổ nhiệm. Bộ trưởng Lục quân Mỹ là một chức vụ không nằm trong Nội các Mỹ, phục vụ dưới quyền của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Bộ trưởng Lục quân Mỹ có trách nhiệm cố vấn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và ngành hành pháp của chính phủ liên bang Mỹ về khả năng và nhu cầu của Lục quân Mỹ để thực thi các sứ mệnh của mình. Bộ trưởng đệ trình và làm rõ các chính sách, kế hoạch, chương trình, và ngân sách đến Bộ trưởng Quốc phòng, ngành hành pháp và Quốc hội Mỹ.
Bộ trưởng cũng công bố các chính sách, kế hoạch, chương trình, khả năng và thành tựu của Lục quân Mỹ đến công chúng. Khi cần thiết, Bộ trưởng triệu tập các cuộc họp với ban lãnh đạo cao cấp của Lục quân để bàn thảo các vấn đề, vạch ra hướng đi và tiếp thu ý kiến đóng góp. Trách nhiệm khác của Bộ trưởng Lục quân Mỹ là điều hành các nhân viên dân sự giúp việc trong các chương trình của mình. Văn phòng của Bộ trưởng gồm có Thứ trưởng Lục quân Mỹ, các trợ tá, trợ tá hành chính, tổng cố vấn, tổng thanh tra, trưởng phòng liên lạc Quốc hội và ủy ban chính sách đặc trách các lực lượng trừ bị lục quân. Các văn phòng khác có thể được lập theo luật hay theo lệnh của Bộ trưởng.
Bộ trưởng Esper từng là nhà điều hành cao cấp tại Công ty Raytheon khoảng 7 năm trước khi được xác nhận vào vị trí Bộ trưởng Lục quân. Trong quá khứ, ông Esper cũng từng là phó chủ tịch điều hành của Trung tâm Sở hữu Trí tuệ Toàn cầu của Phòng Thương mại Mỹ và là phó chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ phụ trách Các vấn đề châu Âu và Á-Âu. “Ông Esper cũng có kinh nghiệm làm việc tại Quốc hội. Ông đã từng là Cố vấn An ninh Quốc gia cho Lãnh đạo Đa số Thượng viện Bill Frist; Giám đốc Chính sách cho Ủy ban Quân sự Hạ viện; và là Thành viên Chuyên trách tại Ủy ban Đối ngoại và Ủy ban Các vấn đề Chính phủ của Thượng viện, chịu trách nhiệm về các vấn đề an ninh quốc gia. Ông Esper cũng từng là Giám đốc Luật pháp và Cố vấn Chính sách Cao cấp của Thượng nghị sĩ Chuck Hagel” theo tiểu sử về ông Esper. Thông tin tiểu sử từ Bộ Quốc phòng còn ghi: “Kinh nghiệm tại Bộ Quốc phòng của ông Esper bao gồm việc từng là Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng (Chính sách Đàm phán) tại Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng và trước đó từng nhân viên Lục quân, chịu trách nhiệm lâp kế hoạch chiến tranh. Ông Esper cũng từng là Chánh Văn phòng của Quỹ Di sản và đã dạy chương trình Bộ Quốc phòng và Nghiên cứu chiến lược của Đại học Missouri ở FairFax, Virginia”.
Mỹ sẽ tiếp tục cách tiếp cận hiện diện quân sự mạnh mẽ ở Biển Đông
Trong chính sách đối với Biển Đông của mình, Mỹ chú trọng tập trung tiếp cận về mặt quân sự và thương mại. Mỹ tập trung ổn định khu vực bằng cách cổ vũ tất cả các bên tôn trọng nguyên tắc và luật pháp quốc tế, đồng thời khẳng định rõ ràng quan điểm của mình về cách giải quyết xung đột theo đường hướng hòa bình. Bên cạnh đó, Washington cũng rất chú trọng các sáng kiến nhằm điều chỉnh những sự mất cân bằng về sức mạnh giữa các quốc gia ASEAN, như Philippines, Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Brunei và Trung Quốc. Trước đây, chính sách của Mỹ liên quan vấn đề Biển Đông được cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhấn mạnh tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) tháng 7/2010, trong đó có một số điểm nổi bật: i) Mỹ cũng như các quốc gia khác có lợi ích quốc gia trong việc đảm bảo tự do thông thương hàng hải, quyền tự do tiếp cận các vùng biển chung của châu Á và sự tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông. ii) Mỹ ủng hộ tiến trình đàm phán hòa bình giữa tất cả các bên có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Mỹ phản đối bất kỳ sự sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực bởi bất kỳ bên nào. iii) Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông. iv) Mỹ sẵn sàng hỗ trợ các sáng kiến và biện pháp xây dựng lòng tin phù hợp với Tuyên bố năm 2002 giữa Trung Quốc và ASEAN về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông. v) Các bên có tranh chấp theo đuổi các tuyên bố chủ quyền và các quyền kèm theo đối với vùng biển phải phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS). Đến giai đoạn Tổng thống Mỹ Donald Trump lên cầm quyền, Mỹ đã điều chỉnh chính sách về Biển Đông. i) Mỹ thay đổi lập trường trung lập trước đây, gia tăng mức độ can dự bằng nhiều hình thức khác nhau. ii) Mỹ tăng cường phản đối việc Trung Quốc quyết đoán khẳng định “chủ quyền” của Bắc Kinh trái với luật pháp quốc tế, ngăn chặn Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, nỗ lực duy trì hiện trạng sao cho các đảo ở Biển Đông được nhiều nước chiếm lĩnh. iii) Mỹ chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán đa phương, tích cực ủng hộ chủ trương ASEAN hóa, khu vực hóa, quốc tế hóa vấn đề Biển Đông của Việt Nam, Philippines và các nước tuyên bố chủ quyền khác. Mỹ không chấp nhận Trung Quốc công bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông, coi những hành động ngang ngược của Trung Quốc là nhân tố gây mất ổn định trong khu vực.
Mỹ xác định mục tiêu chiến lược ở Biển Đông trên cơ sở: i) Mỹ không thừa nhận cơ sở pháp lý của các đòi hỏi chủ quyền đối với Biển Đông của bất kỳ nước nào, kể cả Philippines (đồng minh truyền thống), nhằm tránh cho Mỹ khỏi dính líu vào cuộc chiến pháp lý phức tạp và chắc chắn sẽ kéo dài, làm hao tổn các nguồn lực của Mỹ. Tuy nhiên, lý do được xem là quan trọng hơn, đó là việc thừa nhận cơ sở pháp lý của các yêu sách chủ quyền của bất kỳ bên nào cũng sẽ bất lợi cho Mỹ. Nếu thừa nhận yêu sách chủ quyền của một bên, tức là Mỹ đã giúp cho bên đó có lợi thế hơn. Về phương diện chiến lược, nếu một nước nào đó làm chủ Biển Đông, ưu thế chiến lược ở châu Á – Thái Bình Dương sẽ nghiêng về họ, tuyến phòng thủ của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương có nguy cơ bị phá vỡ. Còn nếu Mỹ thừa nhận cơ sở pháp lý của các yêu sách chủ quyền của các nước Đông Nam Á có liên quan, Mỹ sẽ đối đầu trực tiếp với Trung Quốc. Trong bối cảnh còn phải đối phó với các vấn đề trong và ngoài nước, Mỹ không muốn tiếp tục bị lôi kéo vào một cuộc xung đột nữa, nhất là đối với Trung Quốc. ii) Đảm bảo việc đi lại tự do trên các con đường quốc tế, ngăn cản việc giải quyết cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông bằng vũ lực. Trong số các bên tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, Trung Quốc có ưu thế vượt trội về quân sự, có thể tiến hành độc chiếm Biển Đông bằng quân sự. Việc chủ trương giải quyết vấn đề Biển Đông thông qua thương lượng đa phương sẽ tạo cơ hội cho Mỹ có tiếng nói trong quá trình giải quyết cuộc tranh chấp này. Từ đó vai trò và vị trí của Mỹ ở Đông Nam Á sẽ được nâng cao. iii) Biển Đông là “quân cờ” quan trọng của Mỹ trong mục tiêu kiềm chế tham vọng của những nước muốn độc chiếm khu vực này, bởi nếu để xảy ra tình trạng đó, lợi ích chiến lược của Mỹ tại châu Á – Thái Bình Dương sẽ bị tổn hại nghiêm trọng. Ngoài ra, Mỹ muốn qua Biển Đông để thể hiện vai trò của Mỹ đối với thế giới thời kỳ “hậu Iraq”. iv) Sự suy thoái của nền kinh tế Mỹ sau khủng hoảng tài chính khiến cho nhiều nước cho rằng vai trò của Mỹ đối với thế giới đang yếu đi. Để lấy lại hình ảnh và cũng là để trấn an dư luận quốc tế về sức mạnh của mình, Mỹ rất cần một địa điểm để làm mới vai trò của mình và Mỹ đã lựa chọn Biển Đông.
Về quân sự, Mỹ sẽ củng cố quan hệ với đồng minh và đối tác để bảo vệ lợi ích của mình, Mỹ củng cố quan hệ với đồng minh như Nhật Bản và Philippines để triển khai lực lượng quân sự, đảm bảo an ninh khu vực và vị thế tại Biển Đông, khuyến khích các nước châu Á phát triển quan hệ an ninh đa phương. Để giải quyết với vấn đề tranh chấp tại quần đảo Trường Sa, Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh quân sự với Philippines và ủng hộ nỗ lực xây lực cơ chế đa phương của ASEAN. Mỹ cũng sẽ tiếp tục ủng hộ và khuyến khích ASEAN hợp tác để giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông, duy trì ổn định trong khu vực. Mỹ đã phát triển một cơ chế hợp tác chính thức giúp hài hòa cả hai bên dựa trên luật quốc tế. Mỹ cũng dự định bắt đầu tiến trình tiến tới gia nhập Hiệp định Hữu nghị và Hợp tác của ASEAN, can dự vào tiến trình Thượng đỉnh Đông Á. Trong những năm qua, Mỹ cũng luôn ủng hộ những nỗ lực giữa các bên nhằm giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng con đường hòa bình theo tinh thần của UNCLOS 1982 và Tuyên bố ứng xử Biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN (DOC). Đặc biệt là Mỹ đang tích cực ủng hộ đàm phán ASEAN – Trung Quốc về việc đi tới ký kết Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC), nhấn mạnh rằng Bộ quy tắc cần đưa ra “khuôn khổ dựa trên các quy định có tính ràng buộc để ngăn chặn và quản lý tranh chấp”. Đồng thời, thông qua các cơ chế khu vực như Diễn đàn an ninh khu vực ARF, Hiệp ước TAC, ADMM+… Mỹ đã đóng góp tiếng nói đối với việc duy trì an ninh khu vực tại Biển Đông. Trên lĩnh vực quân sự, việc Mỹ triển khai các hợp tác an ninh – quốc phòng với các quốc gia ASEAN đã giúp tăng cường khả năng đối trọng với Trung Quốc của những nước này. Trong những năm gần đây, Mỹ đã cùng các nước ASEAN tiến hành hơn 30 cuộc tập trận, tức hơn 2/3 các cuộc tập trận ở châu Á.