Các nhà máy Trung Quốc sản xuất hàng xuất khẩu phải giảm nhân sự và cắt thời gian tăng ca, khiến cho đồng lương của công nhân “teo tóp”.
Vào một buổi chiều thứ 4 trong tháng này, Li Zhong, công nhân 25 tuổi đến từ tỉnh Hồ Bắc, chọn mua một chiếc áo sơ mi ở cửa hàng quần áo giá rẻ gần cụm nhà máy sản xuất hàng điện tử ở Đông Hoản, một trong những thành phố sản xuất thịnh vượng nhất của Trung Quốc ở tỉnh Quảng Đông.
Anh chọn mua chiếc áo sơ mi trắng giá 79 NDT (11,5 USD) để thay cho chiếc áo thun màu nâu đang mặc, với hy vọng bộ cánh mới sẽ giúp anh nổi bật so với đám đông ứng viên khác trong cuộc phỏng vấn xin vào vị trí đứng dây chuyền sản xuất ở một nhà máy do Hong Kong đầu tư.
“Tôi nghĩ chiếc áo mới sẽ giúp tôi trông sáng sủa hơn và gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Đây là một nhà máy lớn cung cấp khoản phúc lợi ăn ở rất tốt, cũng như chế độ bảo hiểm xã hội và phụ cấp nhà ở hợp lý”, Li cho biết. “Tôi nghe nói nhà máy này trả lương tháng lên đến 4.500 NDT (655 USD) hoặc cao hơn, thời gian tăng ca ổn định ở mức hai đến ba giờ mỗi ngày. Thời buổi này không dễ tìm một công việc nhà máy với các điều kiện tốt như vậy”.
Trung Quốc có khoảng 280 triệu công nhân rời bỏ quê hương đến mưu sinh ở các thành phố lớn, nhưng các nhà máy nơi họ làm việc đang sa thải lao động, cắt thời gian tăng ca, thậm chí di dời bớt dây chuyền sản xuất ra nước ngoài.
Câu chuyện của Li là tình cảnh chung của nhiều công nhân di cư ở Đông Hoản khi họ đối mặt với các điều kiện làm việc ngày càng tệ trong các ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu, do tác động ngày càng khốc liệt của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.
Chăm sóc an sinh xã hội cho các lao động giống như Li là mối lo đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc. Nguy cơ công nhân thất nghiệp hàng loạt trở thành vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự của Bắc Kinh, khi ngày càng có dấu hiệu cho thấy chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang gây ảnh hưởng đến thị trường việc làm ở Trung Quốc. Dữ liệu chính thức của Bắc Kinh về tỷ lệ thất nghiệp vẽ ra một bức tranh việc làm ổn định nhưng thực tế, dữ liệu này thường không xét đến các lao động di cư.
Việc làm ít hơn và lương thấp hơn trong lĩnh vực sản xuất có thể gây tổn thương cho kế hoạch dài hạn của Trung Quốc là dựa vào tiêu dùng trong nước để củng cố nền kinh tế, vì mức thu nhập ngày càng “teo tóp” của 280 triệu công nhân di cư có thể hạn chế sức chi tiêu của họ.
Các nhà máy đang phải cắt giảm việc làm – một xu hướng đáng báo động đối với chính quyền trung ương vì họ lo ngại bất ổn xã hội sẽ bùng lên nếu tỷ lệ thất nghiệp tăng. Để ứng phó nguy cơ này, Bắc Kinh đã thực hiện các chương trình đặc biệt để giữ các lao động di cư thất nghiệp ở lại các tỉnh duyên hải, thay vì để họ quay trở về các tỉnh nằm trong sâu nội địa, nơi việc làm thậm chí còn ít hơn.
Các chủ nhà máy Trung Quốc ngày càng bi quan về tình hình đơn hàng xuất khẩu trong năm nay và tâm lý bi quan này đã được thể hiện qua tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại.
Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc, Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Trung Quốc trong tháng 5 là 49,4 điểm, giảm so với mức 50,1 điểm trong tháng 4. Chỉ số PMI trên 50 điểm là dấu hiệu cho thấy hoạt động sản xuất ở các nhà máy tăng trưởng, ngược lại, nếu dưới 50 điểm có nghĩa là hoạt động sản xuất đang suy giảm.
Khi cơ hội việc làm ở các nhà máy ngày càng khó khăn hơn, công nhân cố gắng kiếm việc ở những công ty lớn có tiềm năng về công việc ổn định hơn. Tình hình này đối lập sâu sắc với những năm xuất khẩu bùng nổ của Trung Quốc, khi các công nhân thích những công việc ngắn hạn và linh động, cho phép họ có thể tìm kiếm các mức lương và điều kiện làm việc tốt nhất.
Giờ đây, cuộc chiến thương mại với Mỹ khiến lương của họ không tăng hoặc thậm chí giảm vì các nhà máy cắt giảm thời gian làm ngoài giờ hoặc thậm chí ngừng sản xuất trong một số ngày nhất định do đơn hàng giảm.
“Người Mỹ rất ác độc! Họ muốn giết chết ngành xuất khẩu và nền kinh tế của chúng tôi! Các đơn hàng nhà máy của chúng tôi đang giảm và lương tăng ca cũng giảm theo”, một công nhân giấu tên đã làm việc ở các nhà máy ở Đông Hoản trong 10 năm qua, nói.
“Một công nhân nhà máy sản xuất giày ở độ tuổi 30-40 có thể kiếm được 3.600 NDT (524 USD) một tháng vào năm ngoái nhưng giờ đây con số này chỉ còn khoảng 3.300 NDT (480 USD)”, anh cho biết. Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất hàng điện tử từng có thu nhập 6.000-7000 NDT nhưng giờ đây chỉ kiếm được khoảng 4.000 NDT vì lương ngoài giờ đã bị cắt.
Công nhân này trước đó bỏ công việc tại công ty Lens Tech, nhà sản xuất mặt kính ốp lưng điện thoại thông minh của các hãng bao gồm Huawei. Giữa năm ngoái, anh kiếm được 6.000 NDT mỗi tháng, bao gồm mức lương cơ bản 2.130 NDT cộng với 3.800 NDT lương tăng ca 159 tiếng mỗi tháng.
“Nhưng chẳng bao lâu sau đó, nhà máy cắt giờ làm thêm của công nhân, khiến tôi không còn kiếm được mức thu nhập cao nên tôi nghỉ việc. Tôi đã nghĩ rằng tôi có thể nhanh chóng kiếm được công việc khác với mức lương tương tự nhưng đã vài tháng trôi qua, tôi vẫn thất nghiệp và tình hình giờ đã thay đổi”.
Theo Ah Juan, nữ công nhân ngoài 20 tuổi, các lao động chỉ muốn làm cho công ty nước ngoài vì họ thường được đảm bảo mức lương tháng khoảng 4.000-5.500 NDT.
“Năm ngoái, chúng tôi cho rằng một công việc tốt phải có mức lương ít nhất 5.000 hoặc thậm chí 6.000 NDT mỗi tháng, dù phải làm thêm giờ cực nhọc. Nhưng giờ đây, có rất ít công nhân đứng dây chuyền có thể kiếm được công việc lương 5.000 NDT chứ chưa nói đến 5.500 NDT hoặc hơn. Làm việc cho một nhà máy lớn của nước ngoài có nghĩa là nếu một ngày nào đó bạn bị sa thải, bạn sẽ nhận được mức bồi thường rất tốt”.
Các nhà máy ở Đông Hoản đang dựa nhiều hơn vào các công nhân làm việc thời vụ hoặc những người được môi giới thông qua công ty cung ứng lao động. Điều này giúp cho các nhà máy linh động hơn vì khách hàng nước ngoài hiện chủ yếu đặt đơn hàng ngắn hạn vì lo ngại về chi phí lao động và nguyên liệu thô gia tăng, theo Peng Peng, phó chủ tịch ở một tổ chức tư vấn ở Quảng Đông.
“Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đã khiến các đơn hàng xuất khẩu giảm và các công ty đang tìm kiếm những nơi sản xuất chi phí thấp bên ngoài Trung Quốc”, Peng nói.
Nhà máy Yue Yuan ở Đông Hoản. Ảnh: SCMP. |
Hồi tháng 4, Hội chợ xuất nhập khẩu Trung Quốc (Canton) giúp các doanh nghiệp Trung Quốc thu về các đơn hàng xuất khẩu giá trị tổng cộng 199,52 tỷ NDT (29 tỷ USD), giảm 1,1% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 0,9% so với lần tổ chức hội chợ Canton vào tháng 11 năm ngoái.
Tại thị trấn Cao Bộ ở Đông Hoản, nhà sản xuất giày dép lớn nhất thế giới Yue Yuan, hãng gia công cho các thương hiệu giày nổi tiếng, từng sử dụng đến 100.000 công nhân. Khu tổ hợp sản xuất rộng 1,4 triệu m2 của Yue Yuan từng là nơi các công nhân trẻ ra vào tấp nập, nhưng giờ đây nhiều khu bị bỏ trống, nhiều cửa hiệu gần đó cũng lâm vào cảnh đìu hiu sau khi công ty cắt giảm nhân sự xuống còn chỉ 10.000 người và quyết định di dời một số hoạt động sản xuất sang Đông Nam Á kể từ năm 2016.