Ngày 21/6, cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã bị giữ tại sân bay quốc tế Hồng Kông và trục xuất ngay sau đó do đã chống đối Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Bắt giữ và trục xuất cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario
Báo Phil Star (21/6) cho biết, cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đáp chuyến bay của Cathay Pacific tới Hồng Công lúc 7 giờ 40 phút ngày 21/6, sau đó bị giữ tại sân bay. Khi đó, ông Albert del Rosario xuất trình hộ chiếu ngoại giao Philippines ở cửa kiểm soát xuất nhập cảnh nhưng lại bị đưa đến khu vực nhập cảnh dành cho người nhập cư và bị giữ ở đây gần ba tiếng rưỡi. Theo luật sự của ông Albert del Rosario, ông bị từ chối nhập cảnh và bị trục xuất và cho biết thêm các nhà chức trách Hồng Công không đưa ra bất cứ lý do nào về việc từ chối cho thân chủ nhập cảnh. Ông Albert del Rosario sau đó phải lên máy bay trở về Philippines.
Ông Albert del Rosario bi bắt giữ và trục xuất chỉ vài giờ sau khi đưa ra các tuyên bố cứng rắn lên án Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá Philippines và bỏ mặc ngư dân trôi dạt trên biển hôm 9/6 vừa qua. Theo đó, ông Albert del Rosario kêu gọi Manila cần cứng rắn hơn với Trung Quốc trong vụ đâm chìm tàu cá rồi bỏ mặc thuyền viên; cho rằng kế hoạch tiến hành một cuộc điều tra chung giữa Philippines và Trung Quốc là tin tức tồi tệ nhất. Chúng tôi thực sự cảm thấy tiếc cho những ngư dân nghèo của mình vì sản phẩm của một cuộc điều tra chung với Bắc Kinh dự kiến sẽ không hơn một bát salad trái cây. Phát ngôn của ông Rosario được cho gây khó xử cho Tổng thống Rodrigo Duterte. Nhà lãnh đạo sắp sang Bangkok (Thái Lan) tham dự một hội nghị ASEAN – nơi vụ đâm tàu cá có thể được đưa ra thảo luận.
Cựu ngoại trưởng Rosario được biết đến là người duy trì đường lối ngoại giao cứng rắn với Trung Quốc trong thời gian tại nhiệm. Ông chính là người đề xuất đưa vụ tranh chấp Biển Đông giữa Manila và Bắc Kinh lên Tòa Trọng tài quốc tế năm 2013. Tòa án có trụ sở ở The Hague sau đó đã đưa ra phán quyết có lợi cho Manila, khẳng định các yêu sách của Bắc Kinh vi phạm luật pháp quốc tế. Hồi tháng 3, Rosario đệ đơn khiếu nại lên Tòa án hình sự quốc tế, cáo buộc chính quyền Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hủy hoại môi trường do các hoạt động xây dựng trái phép mà nước này tiến hành ở Biển Đông.
Giới chức phụ trách xuất nhập cảnh Hong Kong hiện chưa đưa ra bình luận. Cơ quan này thường xuyên từ chối bình luận các trường hợp liên quan đến cá nhân.
Đây không phải là lần đầu Trung Quốc trục xuất quan chức Philippines
Trung Quốc cũng đã có cách hành xử tương tự với cựu quan chức của Philippines khi kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và một số quan chức cấp cao ra Tòa án Công lý quốc tế (ICC). Theo đó, cựu Thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Philippines Conchita Carpio-Morales bị nhân viên cơ quan di trú chặn giữ khi đến sân bay Hồng Công cùng với chồng, con trai, con dâu và hai cháu nội. Bà bị tách rời ra khỏi gia đình và đưa vào phòng thẩm vấn riêng. Bà cho biết được yêu cầu ký vào giấy tờ bằng tiếng Tagalog, nhưng nói với giới hữu trách là bà muốn bản Anh Ngữ. Tuy nhiên, sau đó bà vẫn từ chối không ký vì có những phần bỏ trống trong tờ giấy và thiếu nhiều chi tiết. Bà Carpio-Morales cho biết thêm, giới chức Hông Công sau đó cho biết bà có thể tiếp tục vào Hồng Công, song bà và gia đình đã quyết định bay về Philippines, do lo ngại bị Trung Quốc tiếp tục trả đũa.
Được biết, bà Conchita Carpio-Morales và cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario (15/3) đã đệ đơn kiện Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), đề nghị Tòa truy tố ông Tập Cận Bình về tội ác chống nhân loại do những hành động “tàn bạo” của Bắc Kinh ở Biển Đông và trong lãnh hải Philippines. Theo đó, ông Albert del Rosario và bà Conchita Carpio Morales đã đệ đơn kiện nhân danh người dân Philippines và nhân danh hàng trăm ngàn ngư dân Philippines “bị bách hại” do việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo và chiếm đóng các đảo vùng Biển Tây Philippines (Biển Đông). Trong đơn kiện, ông del Rosario và bà Morales cho biết: “Với việc thực hiện kế hoạch chiếm Biển Đông một cách có hệ thống, chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức khác của Trung Quốc đã phạm các tội ác nằm trong thẩm quyền xét xử của Tòa, đó là gây những tác hại nặng nề, thường xuyên và hàng loạt đối với môi trường của các quốc gia trong khu vực, không chỉ gây tổn hại cho các ngư dân, mà còn cho cả thế hệ hiện nay và thế hệ tương lai của các nước”. Ông Del Rosario và bà Conchita Carpio Morales cũng nhấn mạnh rằng các hoạt động của Bắc Kinh trong tuyến đường thủy bị tranh cãi làm suy yếu an ninh lương thực và năng lượng của các quốc gia ven biển ở Biển Đông, trong đó có Philippines, cho rằng điều này thuộc thẩm quyền của ICC vì Quy chế Rome tuyên bố rằng “các tội phạm nghiêm trọng nhất đối với cộng đồng quốc tế nói chung không được bỏ qua và phải đảm bảo việc truy tố hiệu quả của họ”. Ông Del Rosario và bà Conchita Carpio Morales cũng kêu gọi ICC tiến hành kiểm tra sơ bộ để “xuất hiện các tội ác của Trung Quốc không chỉ chống lại người dân Philippines, mà còn chống lại người dân của các quốc gia khác, mà tội phạm đã được cộng đồng quốc tế biết đến”.
Hành động vô lối, vi phạm Công ước Vienna về Quan hệ ngoại giao
Theo Công ước Viên năm 1961 về quan hệ ngoại giao, khi cựu Ngoại trưởng Albert del Rosario xuất trình hộ chiếu ngoại giao ở sân bay thì điều này đồng nghĩa với việc ông là đại diện của Nhà nước Philippines, được Chính quyền Manila cử đi thực hiện nhiệm vụ. Thì khi đến Trung Quốc, Bắc Kinh có nghĩa vụ bảo vệ quyền lợi của Nước cử đi và của công dân Nước cử đi tại Nước tiếp nhận trong phạm vi cho phép của luật quốc tế.
Ngoài ra, các nhà ngoại giao được quyền miễn trừ ngoại giao khi làm việc tại nước sở tại, ngay cả khi họ đã phạm pháp. Thường thì nước sở tại chỉ có quyền trục xuất họ, bằng cách liệt họ vào thành phần “Persona non grata”. Theo điều lệ số 9 của công ước Viên về quan hệ ngoại giao, nước sở tại có thể ứng dụng quyền này vào bất cứ lúc nào mà không cần phải giải thích lý do. Các nguyên nhân dẫn tới việc một nhân vật ngoại giao bị coi là “Persona non grata” thường là do thái độ tiêu cực của họ đối với nước sở tại, can thiệp vào công việc nội bộ của nước sở tại, lạm dụng các quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, đã được thừa nhận chung đối với nhà ngoại giao. Hậu quả pháp lý quan trọng nhất của việc tuyên bố “Persona non grata” là nước cử đại diện ngoại giao phải có nghĩa vụ triệu hồi đại diện của mình theo thời gian nêu trong tuyên bố “Persona non grata”. Những nguyên nhân khác mà thường đưa tới việc trục xuất là nghi ngờ làm gián điệp. Nó cũng thường đưa tới việc trục xuất ngược lại cùng số người, cùng ngang hàng địa vị để trả đũa. Chẳng hạn như trong vụ đầu độc Litvinenko, vương quốc Anh đã cho trục xuất các nhà ngoại giao Nga, và Nga trả đũa bằng cách cũng trục xuất các nhà ngoại giao Anh.
Việc tuyên bố một nhà ngoại giao là “Persona non grata”cũng ảnh hưởng trực tiếp đến gia dình người đó, vì việc cư trú của họ thường tùy thuộc vào địa vị ngoại giao của thân nhân.
Từ những khía cạnh trên cho thấy, Trung Quốc bắt giữ và trục xuất ông Albert del Rosario là hành vi trả đũa do cựu Ngoại trưởng Philippines là người có quan điểm, lập trường cứng rắn trong vấn đề Biển Đông, và là một trong những công thần quan trọng đã đưa Trung Quốc ra Tòa Trọng tài thường trực theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Tuy nhiên, hành động này không phù hợp với vị thế, hình ảnh của một cường quốc như Trung Quốc và nó cũng không phù hợp với các quy định về ngoại giao trong Công ước Viên năm 1961. Hành động trên của Trung Quốc chỉ khiến cộng đồng quốc tế thêm coi thường Bắc Kinh đã quá nhỏ nhen, chấp vặt, không từ thủ đoạn để trả đũa những người có quan điểm trái ngược với Trung Quốc.