Thậm chí, có người cho biết vì đặc thù nhạy cảm của công việc nên khó có khả năng xuất cảnh trong bối cảnh chiến tranh thương mại không có dấu hiệu hạ nhiệt.
Hồi tháng Tư vừa qua, The New York Times (Mỹ) tiết lộ, visa thăm Mỹ của hàng chục học giả và chuyên gia trong lĩnh vực khoa học xã hội Trung Quốc đã bị thu hồi, đồng thời nhiều du học sinh Trung Quốc cho biết, họ không dám về nước trong bối cảnh hiện nay.
Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) ngày 26/6 cho rằng, cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ như một cơn bão mạnh, ngày một nghiêm trọng và hiện đang dần lan sang các lĩnh vực như khoa học, công nghệ và giáo dục khiến cộng đồng du học sinh Trung Quốc tại Mỹ bất ngờ bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc chiến và phải gánh chịu những hậu quả do sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Du học sinh TQ: “Chúng tôi năm nay không dám về nước”
Hoàn cầu dẫn lời Vương Bác – Nghiên cứu sinh Tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật hóa học tại Đại học Rice (Mỹ) cho biết, visa du học vốn có thời hạn 5 năm trong một lần cấp nhưng hiện nay đã thay đổi thành 1 năm một lần cấp và gần đây, không có người bạn nào của Vương giành được visa du học diện F1 – có thời hạn 5 năm: “Thực ra, chúng tôi chủ yếu bị hạn chế bởi visa”.
Theo Vương Bác, bạn bè của anh đa phần là sinh viên Trung Quốc đang theo học chuyên ngành STEM (gồm Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học). Theo thống kê, hầu hết sinh viên theo học STEM tại các trường đại học Mỹ là sinh viên quốc tế, trong đó sinh viên Trung Quốc chiếm đa số.
Cách đây không lâu, truyền thông Mỹ đưa tin, các nhà khoa học và kỹ thuật viên Trung Quốc không chỉ làm việc ở những vị trí nhạy cảm mà một số nhà khoa học còn có việc làm bán thời gian ở Trung Quốc.
“Năm nay, chúng tôi đều không dám về nhà nữa”, Vương Bác chia sẻ với Hoàn cầu, “Năm ngoái khi xin cấp visa, hộ chiếu của tôi đã bị Đại sứ quán Mỹ ở Trung Quốc giữ lại một tháng, tôi cảm thấy [việc cấp visa] năm nay sẽ càng khó hơn…”.
Theo du học sinh Trung Quốc này, hiện rất nhiều các bạn học của anh đều gặp vấn đề tương tự khiến họ bất an lo lắng rằng thời gian du học và tiến độ tốt nghiệp sẽ bị ảnh hưởng bởi vấn đề visa.
Vào tháng 3 vừa qua, Hiệp hội học giả và sinh viên Trung Quốc của nhiều trường đại học ở Mỹ đã công bố một bức thư ngỏ nhằm kêu gọi sinh viên Trung Quốc tại Mỹ cùng ký vào một bản kiến nghị mà họ đã viết cho Bộ Ngoại giao Mỹ, với hy vọng chính quyền Washington sẽ nới lỏng các hạn chế về visa.
Bức thư đề cập đến việc một sinh viên Trung Quốc trở về nước để xin gia hạn visa. Kết quả là sau 18 tháng anh ta vẫn không được cấp và cuối cùng buộc phải bỏ học
Đối với sinh viên Trung Quốc như Vương Bác, vấn đề gia hạn visa nhập cảnh và học tập là thay đổi lớn nhất mà họ cảm nhận được. Đối với những sinh viên Trung Quốc mong muốn học tập tại Mỹ, vấn đề lớn nhất là đơn xin nhập học liên tục bị từ chối.
Lấy Đại học Rice là một ví dụ, Vương Bác cho biết danh sách học bổng Tiến sĩ của sinh viên Trung Quốc năm nay vào trường đã giảm. “Trong số tân sinh viên năm nay, khoa Kỹ thuật của chúng tôi chỉ có ba sinh viên Trung Quốc,” anh nói.
Một nhân viên tuyển sinh họ Trịnh – tham gia tổ chức chiêu sinh cho ba trường đại học ở Mỹ từ năm 2014 – cho biết, bắt đầu từ mùa xuân năm nay, tỷ lệ từ chối visa đối với du học sinh Trung Quốc đã tăng rất cao.
“Trong số 15 sinh viên xin cấp visa thì 8 người bị từ chối và 8 du học sinh này tiếp tục bị từ chối khi xin cấp lần hai”, Trịnh nói, “Trước đây, các trường hợp bị từ chối nhiều nhất chỉ có 1, 2 người, chứ không cắt giảm trực tiếp đến một nửa số sinh viên như hiện nay”.
Trịnh cũng tiết lộ, thông tin và hồ sơ xin nhập học từ đại học đến tiến sĩ đều bị xem xét ở các mức độ khác nhau do ảnh hưởng từ chính sách visa Mỹ. “Các Tiến sĩ theo học chuyên ngành nhạy cảm khi trở về nước sẽ bị Hải quan Mỹ kiểm tra, các Giáo sư gốc Hoa về nước cũng bị kiểm tra toàn diện, tất cả hành lý, đặc biệt là thiết bị điện tử đều phải trải qua khâu kiểm tra của Hải quan Mỹ”.
Thương nhân daigou: “Tương lai không sáng sủa, tôi từng nghĩ đến việc đổi nghề”
Bên cạnh lưu học sinh, các doanh nhân Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ.
“Ảnh hưởng trực quan nhất của cuộc chiến thương mại này là công việc kinh doanh đã trở nên rất sa sút”, một thương nhân daigou (hình thức mua hàng hộ từ nước ngoài mang về nước) họ Trịnh sống ở Virginia Beach chia sẻ với Thời báo Hoàn cầu.
Ông Trịnh nói rằng, tỷ giá hối đoái tăng khiến giá cả tăng mạnh nên đối với người làm nghề daigou, lợi nhuận kiếm được từ các giao dịch bị giảm đáng kể, buộc họ tăng giá bán một cách thích hợp, điều này tự nhiên sẽ ảnh hưởng đến doanh số bán hàng.
Không chỉ vậy, ông này cho biết, gần đây Hải quan Mỹ đã kiểm tra sát sao hơn đối với các chuyến hàng về Trung Quốc của ông khiến tốc độ vận chuyển hàng hóa chậm hơn chu kỳ rất nhiều.
Thậm chí chiến tranh thương mại còn ảnh hưởng của đến cuộc sống hàng ngày, ông Trịnh nói: “Tuy tác động không lớn lắm bởi ảnh hưởng này là vô hình nên sẽ cần một khoảng thời gian để lộ rõ”.
Nhưng ông cũng nói rằng, người Hoa sống ở các bang lớn như California, New York bị ảnh hưởng tương đối lớn, bởi dân số người Hoa ở đó rất đông với phân bố dày đặc, càng gần gũi hơn trong liên hệ với Trung Quốc. “Rất nhiều sản phẩm hàng hóa trong các siêu thị của người Hoa phải nhập từ Trung Quốc và chuỗi cung ứng đó sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là những nguyên liệu thực phẩm khó mua”.
Một số người được phỏng vấn chia sẻ với Thời báo Hoàn cầu rằng, người Hoa thường có thói quen tiết kiệm, do đó tác động trong ngắn hạn là không lớn. “Nhưng nếu chiến tranh thương mại tiếp diễn, tác động có thể ngày càng rõ ràng hơn và mọi người đều cảm thấy bất an”.
Tuy nhiên, ông này cũng cho hay các công ty Mỹ liên quan bị ảnh hưởng nhiều hơn: “Trung Quốc nâng cao mức thuế xuất khẩu đối với nguyên liệu thô nên một số công ty Mỹ cần phải chọn lại nhà cung cấp hoặc phải tăng giá.”
Bên cạnh đó, ông Lưu, doanh nhân daigou đã sống ở Mỹ 5 năm chia sẻ, ông có một lô hàng được gửi từ Mỹ về Trung Quốc nhưng lô hàng đó đã bị Hải quan Mỹ lưu giữ vài tháng và mới được thông quan chỉ vài ngày trước. Vì vậy, Lưu đã phải hạ giá thành sản phẩm, tức mất khoảng 40.000 NDT. “Nếu hàng hóa tiếp tục bị mắc kẹt, tôi sẽ mất từ 100.000 đến 200.000 NDT”.
Ông Lưu nói rằng đây là một cú sốc dù chưa nghiêm trọng nhưng rất đáng lo ngại trong tương lai: “Tương lai không sáng sủa, tôi từng nghĩ đến việc đổi nghề”.
Nói về các công ty vận tải của người Hoa ở Mỹ, ông này cho biết, họ đang chịu ảnh hưởng rất lớn: “Một số công ty lợi nhuận rất thấp. Nếu tỷ giá hối đoái tăng và chi phí tăng, họ có thể sẽ mất trắng trong một tháng”.
Một nhân viên đầu tư ngân hàng gốc Hoa cho biết, tỷ giá hối đoái và thị trường tiền tệ là chiến trường phụ của cuộc chiến thương mại, đang không ngừng biến đổi và gia tăng rủi ro.
“Ví dụ, tỷ giá hối đoái của USD so với NDT tăng từ 6,3, 6,4 đến 6,9 trong khi thị trường chứng khoán tiếp tục hỗn loạn trong thời gian gần đây dẫn đến những tổn thất không nhỏ…”.
Ông này tiết lộ cuộc sống cá nhân của ông cũng bị ảnh hưởng do sự bất tiện từ sự thay đổi liên tục của chính sách kiểm tra xuất nhập cảnh nghiêm ngặt của Mỹ.
Theo Hoàn cầu, không chỉ visa du học, mà các loại visa khác như du lịch đang ngày càng trở nên khó khăn hơn. “Kể từ năm nay, xác suất visa du lịch bị từ chối là rất cao. Trong những năm qua, miễn là hồ sơ không có vấn đề gì thì visa sẽ được cấp trong khoảng hai tuần. Năm nay, nhiều phụ huynh sang Mỹ du lịch đã bị giữ lại kiểm tra, thậm chí bị từ chối”, Vương Bác nói.
Nhân viên của SpaceX: “Nghề nghiệp quá nhạy cảm, lo không được xuất cảnh”
Trước đây, Mỹ được coi là miền đất hứa đối với sinh viên Trung Quốc. Theo thống kê, chỉ riêng trong năm 2018, tổng mức chi tiêu của sinh viên Trung Quốc du học tại Mỹ đạt 18,9 tỷ USD nhưng bây giờ, những trở ngại ngày càng trở nên rõ ràng.
Vào tháng 6 vừa qua, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo về việc học tập tại Mỹ và ngay sau đó, Bộ Văn hóa và du lịch cùng Bộ Ngoại giao đã đưa ra cảnh báo du lịch tới Mỹ đối với du khách Trung Quốc.
Theo Thời báo Hoàn cầu, do quan hệ Trung-Mỹ xuất hiện căng thẳng nên những lo ngại của Mỹ về vấn đề an ninh và đánh cắp công nghệ nhạy cảm gia tăng, điều này khiến người Hoa làm việc tại Mỹ đối mặt với nhiều khó khăn.
Tiểu Đồng – Thạc sĩ chuyên ngành Khoa học vật liệu, tốt nghiệp Đại học Columbia cho biết, kể từ năm ngoái, số lượng visa diện H1B cấp cho chuyên gia nước ngoài thuộc lĩnh vực kỹ thuật đã giảm hẳn và cơ hội việc làm của người Hoa càng ít hơn. Gần đây, Tiểu Đồng đã trở lại Trung Quốc làm việc.
Trong khi đó, Tiểu Trần – theo học chuyên ngành Khoa học máy tính CS, vừa tốt nghiệp một trường đại học ở Mỹ và tìm được công việc thực tập đãi ngộ tốt ở đây. “Chuyên ngành CS vẫn đang nhận được rất nhiều sự quan tâm. Một số sinh viên tốt nghiệp hệ Thạc sĩ, Tiến sĩ cũng tìm được cơ hội thực tập ở Mỹ. Tuy nhiên, khi cuộc chiến thương mại mới bắt đầu, tôi thực sự không biết liệu mình có thể ở lại sau thời gian thực tập không. Tôi cảm thấy rất mơ hồ”.
Một số người Hoa làm việc cho các công ty công nghệ cao của Mỹ cũng cảm nhận được “luồng khí lạnh” này. Ông Tiền – làm việc cho gã khổng lồ phần mềm Intel chia sẻ với Hoàn cầu rằng, công ty ra quy định rõ ràng về việc tuân thủ các quy định của chính phủ Mỹ, đình chỉ mọi liên hệ với các công ty Trung Quốc liên quan.
“Lệnh cấm này không phải là lần đầu tiên được thực hiện tại Intel. Đã có lệnh cấm trước khi xảy ra xung đột. Chính phủ ra lệnh cấm và công ty thực hiện nó”, ông nói.
Một Tiến sĩ tốt nghiệp chuyên ngành Không gian vũ trụ, Viện Công nghệ Massachusetts và hiện đang làm việc tại SpaceX thậm chí hài hước nói: “Đối với tôi, ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại mang tới là không lớn bởi dù sao nghề nghiệp của tôi quá nhạy cảm và tôi khó có thể xuất cảnh”.