Sunday, January 5, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaChớ nên đổ lỗi cho bên ngoài khi tình hình Biển Đông...

Chớ nên đổ lỗi cho bên ngoài khi tình hình Biển Đông xấu đi

Cho dù giữa Việt Nam và Trung Quốc còn có sự khác biệt về vấn đề Biển Đông, nhưng nếu hai bên tiếp tục duy trì hòa bình và hợp tác vì lợi ích chung thì nó sẽ tạo nền tảng và cơ sở để hai bên thu hẹp bất đồng, từng bước giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, không để xảy ra xung đột.

Theo đánh giá của dư luận quốc tế và khu vực, tình hình an ninh ở Biển Đông thời gian qua, hiện nay cũng như trong tương lai “nóng” hay “lạnh”, căng thẳng hay hòa dịu, phần lớn và chủ yếu là xuất phát từ yếu tố Trung Quốc, từ việc nước này có hay không tiến hành các hành động nhằm hiện thực hóa yêu sách “đường chín đoạn” trên Biển Đông. Vì yêu sách này bị cả cộng đồng quốc tế phản ứng và các nước có liên quan trong khu vực thì dị ứng. Tuy nhiên, hồi tháng 02/2019 vừa qua, một tạp chí nghiên cứu về thế giới của Trung Quốc đã đăng tải bài viết với nhận định cho rằng, tình hình Biển Đông thời gian tới sẽ có diễn biến theo xu hướng xấu đi và cái mà theo bài viết cho là nguyên nhân có thể làm cho tình hình Biển Đông xấu đi chủ yếu là xuất phát từ các yếu tố bên ngoài chứ không phải là do Trung Quốc.  

Trước hết, đánh giá về tình hình Biển Đông, bài viết cho rằng, khu vực này hiện nay đang thể hiện xu thế phát triển hai trục. Trục thứ nhất là sự hợp tác trên biển giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, đặc biệt là giữa các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Sự hợp tác này được thúc đẩy liên tục, hợp tác an ninh có đột phá mới, tiến trình đàm phán COC đã có thời gian biểu và lộ trình cụ thể. Trục thứ hai là cạnh tranh địa – chính trị ở Biển Đông với biểu hiện nổi bật là cuộc đọ sức quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng gay gắt. Hai trục chính này cùng thúc đẩy diễn biến phát triển của tình hình Biển Đông trong năm 2018 và thời gian tiếp theo, với nhiều đặc điểm nổi bật, trong đó có những đặc điểm mà theo bài viết là nó sẽ làm cho tình hình Biển Đông có những chuyển biến xấu trong thời gian tới. Cụ thể như sau:

Một là, cuộc đọ sức quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ ở Biển Đông tiếp tục tác động và chi phối sự phát triển của tình hình khu vực. Đối với đặc điểm này, bài viết cho rằng, Mỹ sau khi xác định Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược”, đã gia tăng tần suất, cường độ và phạm vi của các hoạt động bảo đảm tự do hàng hải trên Biển Đông. Đánh giá này xem ra có phần phù hợp với những gì mà Mỹ đã và đang tiến hành ở Biển Đông. Thế nhưng, điều đáng quan tâm là bài viết mới chỉ nói rằng do xác định Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược” nên Oasinhton mới can dự mạnh hơn vào Biển Đông, song lại lờ đi một yếu tố vô cùng quan trọng và cũng chính là nguyên nhân chủ yếu khiến cho tình hình Biển Đông thường xuyên bất ổn: Đó là sự xuất hiện liên tiếp các hành động nguy hiểm đến từ phía Trung Quốc, đe dọa đến môi trường hòa bình và sự ổn định tại Biển Đông trong thời gian qua, uy hiếp đến lợi ích của các nước, trong đó có cả lợi ích của Mỹ ở khu vực này. Đây là một thực tế được rất nhiều nhà nghiên cứu, chính trị, học giả nổi tiếng thế giới thừa nhận.

Tiếp đó, bài viết cho biết, năm 2018, tàu chiến của Mỹ lần lượt có 5 lần “tùy tiện” tiến vào phạm vi vùng 12 hải lý “thuộc các đảo, đá của Trung Quốc ở Nam Sa (Trường Sa), như Mỹ Tế Tiêu (đá Vành Khăn), Nam Huân Tiêu (đá Ga Ven)… phạm vi hoạt động bao phủ quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Nam Sa và đảo Hoàng Nham (Scarborough) thuộc quần đảo Trung Sa (Macclesfield)…”. Với cách diễn đạt này, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam được Trung Quốc nghiễm nhiên khẳng định là chủ quyền của họ, cứ như không có ai phản bác, nên họ phải có các hành động để “bảo vệ”. Như vậy, có phải do yếu tố bên ngoài làm cho tình hình Biển Đông xấu đi hay chính là do Trung Quốc vẫn khư khư lập trường muốn ôm tất cả Biển Đông vào cái gọi là “chủ quyền không thế chối cãi” của mình mà khiến người Mỹ phải cho tàu chiến đi qua để cảnh báo Trung Quốc rằng “chớ nên nhận cái thứ không phải của mình, chẳng tốt đẹp gì đâu”.

Hai là, theo bài viết, ngoài các toan tính chiến lược và nhu cầu lợi ích bản thân, một số đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Australia, Anh… đã bị Mỹ hoặc là đe dọa, hoặc là dụ dỗ, mua chuộc, nên coi sự cân bằng quân sự là biện pháp chủ yếu để can dự vào vấn đề Biển Đông, nhất là gia tăng quan hệ quân sự với một số nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, làm cho tình hình tranh chấp ở Biển Đông càng thêm phức tạp. Bài viết đã liệt kê một số hoạt động của lực lượng hải quân các nước như Nhật Bản, Australia, Anh tại Biển Đông, trong đó các chuyến thăm Việt Nam của tàu hải quân các nước nói trên cũng được đề cập khá cụ thể. Các nước trên là đồng minh của Mỹ nên việc tàu chiến của họ đến thăm Việt Nam được bài viết nêu ra có thể ngầm được hiểu là họ đang cố ý chỉ trích Việt Nam “bắt tay” với Mỹ và các đồng minh của Mỹ để chống lại Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Đây rõ ràng là quan điểm thiếu thiện chí, cách nhìn phiến diện, không phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, gây thêm rắc rối cho quan hệ giữa hai nước Việt – Trung. Bởi trên thực tế, thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa trong quan hệ với các nước, đến nay, Việt Nam đã ký 3 hiệp định quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga (2001), Ấn Độ (2007) và Trung Quốc (2008); ký hiệp định quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng với Nhật Bản (2014), đối tác chiến lược với Australia (2018), đối tác toàn diện với Mỹ (2013). Với việc ký kết những hiệp định với các nước nói trên, Việt Nam không có mong muốn nào khác là hướng đến bảo đảm môi trường hòa bình, thịnh vượng cho đất nước, khu vực và thế giới. Việt Nam luôn khẳng định không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào của bên này để chống bên kia; không cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; giải quyết mọi bất đồng tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi; phù hợp với hiến pháp và pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Trên tinh thần đó, việc tàu quân sự của một số nước nói trên ghé thăm Việt Nam là chuyện bình thường trong hoạt động đối ngoại quốc phòng của Việt Nam, Việt Nam không chịu bất kỳ sức ép hay sự mua chuộc, lôi kéo của bất kỳ nước nào, do đó không thể xem đây là nhân tố có thể làm cho Biển Đông bất ổn được.

Ba là, nhận định về cạnh tranh quyền chủ đạo trong cuộc đọ sức quân sự và trật tự khu vực, bài viết cho rằng, hành động khiêu khích quân sự của Mỹ và các đồng minh nhằm vào Trung Quốc ở Biển Đông sẽ ngày càng tăng lên. Theo đó, bên cạnh tăng cường hoặc nâng cấp hoạt động tự do hàng hải, Mỹ sẽ gia tăng sự hiện diện quân sự ở Biển Đông để kiềm chế Trung Quốc. Nhật Bản đã coi vấn đề Biển Đông là cơ hội để gia tăng ảnh hưởng ở khu vực. Đại cương kế hoạch phòng vệ Nhật Bản (12.2018) tuyên bố trong vòng 5 năm tới sẽ cải tạo tàu sân bay trực thăng JDS Izumo (DDH-183) thành tàu sân bay chở máy bay chiến đấu F-35B, điều này không những nâng cao năng lực điều chuyển lực lượng quân sự của Nhật Bản tới Biển Đông, mà còn làm cho ảnh hưởng quân sự và chính trị của Tokyo được nâng cao một cách thực chất. Trước sự lôi kéo của Mỹ, không loại trừ khả năng Australia và Anh tiếp tục có các hành động quân sự mang tính khiêu khích nhằm vào Trung Quốc ở Biển Đông. Đáng chú ý là, sau khi liệt kê hoạt động của các nước nói trên, bài viết lại cho rằng, hoạt động quân sự và bố trí lực lượng của Mỹ và các đồng minh ở Biển Đông “có thể có được sự phối hợp chặt chẽ của một số nước trong khu vực”, làm cho yếu tố an ninh quân sự ở Biển Đông trở nên khó lường hơn. Cách viết rất mập mờ này là có chủ ý, nhưng không khó để người ta nhận ra rằng, bài viết đang nhắm đến các nước đang có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với Trung Quốc, trong đó có Việt Nam. Ở đây cần phải nói rõ hơn nữa về chính sách đối ngoại quốc phòng của Việt Nam để tác giả bài viết của Trung Quốc hiểu rằng, không có chuyện Việt Nam ủng hộ hay liên minh với Mỹ và các đồng minh của Mỹ để chống lại Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Ngày 25.06.2018, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV nước CHXHCN Việt Nam đã thông qua Luật Quốc phòng (Luật số 22/2018/QH14), có hiệu lực thi hành từ ngày 01.01.2019, gồm 7 chương, 40 điều. Tại khoản 3, Điều 4, Chương I có ghi: “Thực hiện đối ngoại quốc phòng phù hợp với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chống chiến tranh dưới mọi hình thức; chủ động và tích cực hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, đối thoại quốc phòng, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc….”. Chính sách trên thể hiện bản chất chế độ XHCN mà Việt Nam đang xây dựng, hướng đến sự hòa bình, thịnh vượng cho đất nước, khu vực và thế giới. Chính sách quốc phòng, quân sự, xây dựng quân đội, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân của Việt Nam chỉ nhằm mục đích duy nhất là để bảo vệ Tổ quốc. Ngoài mục đích đó, chính sách quân sự của Việt Nam không có mục đích nào khác.

Trên thực tế, đi liền với sự ổn định, phát triển kinh tế của đất nước những năm qua, cùng với chiều sâu và thực chất trong mối quan hệ với các nước lớn về lĩnh vực quốc phòng, Việt Nam đang dần dần từng bước xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Các hoạt động mua sắm vũ khí, trang thiết bị những năm qua của Việt Nam đều nằm trong chính sách đối ngoại quốc phòng và chỉ nhằm mục đích tăng cường khả năng bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống. Hoàn toàn không có chuyện Việt Nam giúp đỡ Mỹ và đồng minh của Mỹ để chống lại Trung Quốc hay ai đó trong vấn đề Biển Đông.

Bốn là, theo bài viết, do chịu ảnh hưởng từ phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực quốc tế về Luật Biển (PCA) trong vụ kiện Trung Quốc của Philipppin về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, cộng thêm các nước bên ngoài gây chia rẽ, các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông như Việt Nam, Malaysia… với những tính toán của riêng mình, nên sẽ không tỏ ra tích cực đối với các chương trình hợp tác trên biển do Trung Quốc khởi xướng. Thậm chí bài viết còn cho rằng, để tránh các hành động nhằm thúc đẩy các yêu sách chủ quyền trên biển của mình trong tương lai bị kiềm chế, các nước trong đó có Việt Nam sẽ nắm bắt thời gian trước khi COC được ký kết, bố trí trước, đẩy mạnh các hành động đơn phương ở Biển Đông. Cách nhìn nhận và đánh giá này rõ ràng là mang tính áp đặt, “suy bụng ta ra bụng người”, thể hiện sự thiếu niềm tin chiến lược trong giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông của một số giới nghiên cứu, học giả Trung Quốc. Thực tế cho thấy, nhìn một cách tổng thể, hiện nay khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang đối mặt với những thách thức an ninh rất phức tạp, trong đó có sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước, nhất là các nước lớn. Bên cạnh đó, do châu Á – Thái Bình Dương có vị trí địa – chiến lược ngày càng cao, sức hút ngày càng tăng nên sự cạnh tranh lợi ích chiến lược giữa các nước ngày càng quyết liệt hơn. Cạnh tranh diễn ra phức tạp với tầm mức cao hơn, cả toàn cầu và khu vực; mở rộng trên nhiều lĩnh vực, cả chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, tài nguyên, môi trường, chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo, không gian mạng; liên quan đến cả an ninh truyền thống và phi truyền thống. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng trên là sự phát triển và thay đổi nhanh chóng về tương quan lực lượng; sự khác biệt về lợi ích chiến lược; sự không nhất quán giữa lời nói và hành động; cách hành xử theo lối chính trị cường quyền, áp đặt, theo đuổi lợi ích vị kỷ, không thừa nhận và tôn trọng lợi ích chính đáng hợp pháp của các nước khác, cũng như lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế… Chính những điều này dẫn đến tiềm ẩn những nguy cơ xảy ra xung đột và trong bối cảnh toàn cầu hóa, liên kết ngày càng chặt chẽ, sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng, nếu xung đột xảy ra sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường, không chỉ ảnh hưởng đến các quốc gia trực tiếp liên quan mà còn tác động đến cả khu vực và thế giới. Để giải quyết các thách thức này thì việc ứng xử và hành động của các nước lớn có vai trò rất quan trọng. Các nước lớn cần gánh vác trách nhiệm cao hơn trong các nỗ lực chung của khu vực, hành xử gương mẫu trong quan hệ quốc tế. Việc các bên liên quan ngồi lại với nhau, đối thoại để cùng tìm giải pháp hòa bình giải quyết tranh chấp, bất đồng là hành động tích cực, cần được ủng hộ, cổ vũ. Là một nước trong khu vực, Việt Nam luôn chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tăng cường quan hệ hợp tác với các nước; tham gia bảo vệ hòa bình, ổn định, an ninh của khu vực và thế giới theo hướng “giải quyết tranh chấp trong không khí hòa bình, với tinh thần đối tác, vì trách nhiệm cộng đồng”.    

Về vấn đề Biển Đông, có thể cho rằng, đây là một trong những khu vực chứa đựng đầy đủ các lĩnh vực cạnh tranh cả về kinh tế, quân sự, ngoại giao… tiềm ẩn nguy cơ xung đột. Song nếu các quốc gia cùng tuân thủ luật pháp quốc tế, có trách nhiệm và thiện chí, thì Biển Đông sẽ trở thành vùng biển hòa bình, hợp tác và phát triển. Việt Nam đánh giá cao những tiến triển trong đàm phán COC, đồng thời nhấn mạnh việc sớm xây dựng một COC thực chất, ràng buộc, hiệu quả sẽ góp phần quan trọng duy trì hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông.Trong tiến trình này, Việt Nam mong muốn các bên liên quan tăng cường đối thoại, tham vấn, cùng nhau quản lý rủi ro và ngăn ngừa xung đột. Việt Nam đã, đang và sẽ hợp tác với Trung Quốc và các nước có liên quan, kiên trì thúc đẩy giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Việt Nam ủng hộ các cơ chế hợp tác khu vực hiệu quả do ASEAN dẫn dắt, như Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và Diễn đàn Biển ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng… và các cơ chế khác, như Đối thoại Shangri-La, Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh, Hội nghị An ninh quốc tế Moskva… vì các cơ chế này đã và sẽ góp phần quan trọng trong kiểm soát bất ổn, cạnh tranh và ngăn ngừa xung đột. Việt Nam hoan nghênh và đánh giá cao việc cộng đồng quốc tế có những đóng góp xây dựng nhằm bảo vệ an ninh, an toàn hàng hải và duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông; phản đối sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, ủng hộ các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở pháp luật và thực tiễn quốc tế, trong đó có UNCLOCS 1982, tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phù hợp với luật pháp quốc tế, triển khai thực hiện đầy đủ và có hiệu quả DOC và khuyến khích các bên xây dựng COC.

Hiện nay, giữa Việt Nam và Trung Quốc đang có sự khác biệt đối với vấn đề Biển Đông. Song quan điểm giải quyết của Việt Nam khá rõ ràng: Đối với các vấn đề liên quan đến hai nước Việt – Trung thì giải quyết song phương, vấn đề nào liên quan đến các bên khác thì các bên cùng nhau giải quyết. Trong khi chờ đợi một giải pháp cơ bản, lâu dài cho vấn đề Biển Đông, các bên liên quan cần nghiêm chỉnh thực hiện DOC, nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định trên cơ sở giữ nguyên trạng, không làm phức tạp hóa tình hình, không có hành động vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Theo cách tiếp cận ấy thì cho dù giữa Việt Nam và Trung Quốc còn có sự khác biệt về vấn đề Biển Đông, nhưng nếu hai bên tiếp tục duy trì hòa bình và hợp tác vì lợi ích chung thì nó sẽ tạo nền tảng và cơ sở để hai bên thu hẹp bất đồng, từng bước giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, không để xảy ra xung đột.

Việt Nam tin tưởng rằng, Trung Quốc luôn ý thức về vai trò nước lớn của mình ở khu vực, lại đang khởi xướng ý tưởng xây dựng “cộng đồng chung vận mệnh”, nên sẽ ủng hộ, cùng các nước biến điều đó thành hiện thực, góp phần giải quyết tranh chấp biển trong không khí hòa bình với tinh thần đối tác vì trách nhiệm cộng đồng. Chúng ta hãy cùng chờ xem.

RELATED ARTICLES

Tin mới